II. Mười Điều
Thiện:
Phật nói Kinh Mười Điều
Thiện nầy ở cung Ta Kiệt La Long Vương. Trong pháp hội
nầy, Phật gọi Ta Kiệt La Long Vương dạy rằng: "Tất
cả chúng sanh vì tâm sai khác nên tạo các hạnh nghiệp
chẳng đồng ; do hạnh nghiệp ấy, chúng sanh bị luân
hồi trong 6 đường. Long Vương !Ngươi có thấy đại chúng
trong hội nầy và tất cả chúng sanh thân hình và sắc tướng
của mỗi người đều sai khác chăng ? Có những thân hình
sắc tướng sai khác như vậy, là đều do tâm tạo thân
nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp hoặc lành, hoặc dữ mà
gây ra. Những người có trí tuệ, rõ biết lý nhân quả
như vậy rồi, nên tu thiện nghiệp, bởi có tu thiện
nghiệp mới cảm được thân tướng tốt đẹp, quốc độ
trang nghiêm.
Long Vương! Ngươi thử xem thân
tướng của Như Lai và các vị Bồ Tát có đủ các tướng
tốt hào quang sáng chói như thế, đều do tu thiện nghiệp
mà được. Còn tất cả chúng sanh hình sắc hoặc xấu
hoặc tốt, hoặc lớn hoặc nhỏ, mỗi người đều do tự
tâm tạo nghiệp chẳng lành gây ra. Bởi vậy nếu các ngươi
biết tu thiện nghiệp và dạy bảo mọi người hiểu lý
nhân quả mà tu thiện nghiệp, thời quyết định sẽ
khỏi các quả báo xấu xa, được thân tướng tốt đẹp,
quốc độ trang nghiêm như chư Phật, Bồ Tát.
Long Vương! Ngươi phải
biết Bồ Tát có một pháp có thể dứt tất cả sự khổ
não trong các đường dữ, là Bồ Tát luôn luôn quan sát tu
tập thiện pháp, làm các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng;
không một niệm ác xen lẫn, bởi vậy các ác pháp bị
dứt hẳn, các thiện pháp được viên mãn..."
Thiện pháp nghĩa là pháp lành:
Tất cả đạo quả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật
đều y vào pháp ấy mà thành tựu. Pháp ấy là mười
nghiệp lành gồm có:
- Không giết hại.
- Không tà dục.
- Không trộm cắp.
- Không nói dối.
- Không nói thêu dệt.
- Không nói lưỡi hai chiều.
- Không nói lời hung ác.
- Không tham muốn.
- Không giận hờn.
- Không si mê.
Mười nghiệp lành nầy nằm trong
ba nghiệp: Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp và Ý Nghiệp.
A) Thân Nghiệp: Những hành
vi thuộc về thân có 3 :
a) Không giết hại: Có
nghĩa là không hủy hoại cuộc sống của mọi loài, không
tự hủy hoại mình, không sai người khác giết hại,
thấy người khác giết hại không sanh lòng mừng vui; trái
lại người Phật Tử phải tìm mọi cách để cứu sống
chúng sanh, chẳng hạn như mua chim, mua cá thả cho chúng
sống đời tự do, không bị cảnh cá chậu, chim lồng. Cá
nuôi trong chậu, chim bị nhốt trong lòng dù cho có được
ăn uống đầy đủ nhưng nào có được tự do, khác chi
với cảnh con người bị tù đày, chúng ta không muốn bị
tù đày tại sao chúng ta lại tù đày chúng, chúng ta muốn
luôn luôn được tự do, chúng ta nên mua chim, cá thả để
cho chúng tự do.
b) Không trộm cắp: Không
chiếm đoạt về phần mình những của cải của người
khác từ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ là
những vật lớn cho chí vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ cũng
không chiếm đoạt của người khác. Người ta không
thuận cho, tìm cách chiếm đoạt, tự tiện lấy dùng cũng
thuộc về trộm cắp. Dùng sức mạnh để chiếm đoạt
của người khác là tội cướp, dùng những phương tiện
xảo trá để lường gạt người, cho đến trốn thuế cũng
thuộc về trộm cắp, tất cả những việc sai trái như
thế đều không làm, trái lại đem tiền của, phương
tiện của mình để giúp đỡ cho chúng sanh được an vui,
ấm no đó là sự bố thí đáng làm.
c) Không tà dục: Nghĩa là
không sống trác táng, ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, hút sách.
Trái lại phải tu hạnh tiết dục thanh tịnh, tu sĩ cấm
hẳn tà dục, hàng cư sĩ lập gia đình phải tiết dục,
chỉ sống một vợ một chồng, trong sạch từ thể chất
đến tinh thần. Tà dục là gốc sanh tử luần hồi, người
tu theo đạo Phật phải dứt bỏ dần dần tà dục, để
trở nên người thanh khiết.
B) Khẩu Nghiệp: Thuộc về
khẩu nghiệp là những lời nói thô, có 4 cách :
a) Không nói dối: Nghĩa
là không nói sai sự thật như :
- Không thấy nói thấy, thấy
nói không thấy.
- Nghe nói không nghe, không
nghe nói nghe.
- Biết nói không biết, không
biết nói biết.
- Biết trái nói phải, biết
phải nói trái.
Gặp trường hợp đặc biệt
phải nói không đúng sự thật để cứu mạng chúng sanh,
buộc lòng phải nói, chẳng hạn như có một người đi săn
đuổi theo một con thú, ta thấy lối con thú ấy chạy, người
thợ săn đến gặp ta, hỏi ta có thấy con thú chạy lối
nào không, để cứu con thú khỏi chết, ta có thể nói không
thấy. Như vậy, ta đã thực hành được hạnh Từ Bi.
Việc nói chơi cũng không nên nói, trong Kinh Di Giáo, Phật
có cấm bất hý luận .
b) Không nói lời hung ác:
Không nên chưởi rủa người, dù là bậc trên trước, có
quyền thế, như ông bà, cha mẹ cũng không nên ỷ vào
quyền thế ấy mắng chửi người hay con cháu, dù người
đó có lầm lỗi, trái lại nên dùng lời dịu dàng, chỉ
dạy cho người ta thấy những lỗi lầm, để lần sau tránh.
c) Không nói thêu dệt:
Không nên thêm bớt để chuyện không nói có, chuyện có nói
không, dùng lời lẻ làm cho câu chuyện sai với sự thật
trắng thành đen, đen thành trắng, hoặc dùng lời văn hoa,
bóng bẩy để mê hoặc làm hại người, những việc đó
đều không nên làm, trái lại nên nói lời đúng đắn, chơn
thật với lòng mình.
d) Không nói lưỡi hai
chiều: Không nên nói đòn xóc, đến bên A nói xấu bên
B, đến bên B nói xấu bên A , mục đích gây chia rẽ, làm
cho hai bên thù địch nhau. Trái lại nên dùng lời lẽ để
hóa giải mọi sự thù nghịch.
C) Ý Nghiệp: Những suy nghĩ,
tưởng tượng có 3 cách tạo thành ý nghiệp :
a) Không tham muốn: Không
tham muốn năm món dục lạc ở đời: Sắc đẹp, của
cải, danh vọng, ngủ nghỉ, ăn uống. Tham muốn sắc đẹp
hao tốn tiền của, nhiều khi phải dùng những mưu chước
tồi tệ làm mất phẩm chất con người, khi không thỏa mãn
đâm ra ghen tương, thù hận giết chóc, tù đày. Tham của
cải phải đày đọa tấm thân làm cho có nhiều tiền
của, nhiều khi phải dùng mưu sâu, chước độc để hại
người đoạt của. Tham danh vọng phải vào lòn ra cúi,
nhiều khi phải lao tâm cực trí để được cái danh hão
huyền. Tham ăn cao lương mỹ vị làm cho thân thể dễ sanh
bệnh tật. Tham ngủ nghỉ làm cho trí não trở nên đần
độn. Năm món dục lạc làm cho con người bị tù đày,
tội lỗi, là nguyên nhân chính trói buộc người ta trong
sanh tử luân hồi. Chẳng những người tu phải biết
tiết dục mà còn biết tri túc, tức là hạn chế dần lòng
khát khao ham muốn, chỉ nên sống cuộc sống tạm đủ, không
đua chen với đời, nhiều người tu cơm ăn chỉ cần đủ
no, áo mặc chỉ cần đủ ấm, nơi ở chỉ cần có chỗ
nằm tránh mưa, tránh nắng, tránh luồng gió độc mà thôi,
những người đó không bị vật chất ràng buộc, họ sẽ
được mau giải thoát.
b) Không giận hờn:
Giận hờn là một tánh xấu, rất tai hại, nó như một
ngọn lửa mạnh, đốt cháy cả mọi vật chung quanh cả mình
lẫn người. Trong kinh Phật có dạy: Một niệm giận hờn
nổi lên, thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở.
Lữa tức giận một phen phát ra, liền đốt tất cả
rừng công đức" . Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo,
người nào không giận tức, sẽ được tám món tâm pháp
sau đây:
- Không tâm khổ não.
- Không tâm giận hờn.
- Không tâm tranh giành.
- Tâm nhu hòa ngay thẳng.
- Tâm từ bi như Phật.
- Thường làm lợi ích yên
ổn cho các chúng sanh.
- Thân tướng trang nghiêm, chúng
sinh tôn kính.
- Có đức tính nhẫn nhục
được mau sanh lên cõi Phạm Thiên.
Nhờ quán từ bi, tâm sanh lòng
từ bi, chúng ta mới không giận hờn khi có người làm cho
chúng ta giận hờn, những người làm để cho ta sanh tâm
giận hờn, vì sự ít hiểu biết nên họ mới làm như
thế, chúng ta nên thương họ, chỉ có tấm lòng từ mới
bao dung, tha thứ được lầm lỗi của kẻ khác.
c) Không si mê: Si mê là
nguồn gốc của mọi tội lỗi, vì si mê người ta không
phân biệt phải trái, không nhận định rõ đúng sai,
chấp theo sự hiểu biết của riêng mình nó che lấp sự
thật, chơn lý. Người không si mê là người có trí huệ,
tu tập thiện nghiệp, nên quán nhân duyên sanh tử để
diệt trừ vô minh, tinh tấn trên đường giải thoát.
III. Kết
Luận:
Phật dạy Kinh Thập Thiện
Nghiệp Đạo để cho chúng ta dứt bỏ những tội lỗi, nhen
nhúm và tăng trưởng dần dần những nghiệp lành, để
giải thoát dần những ràng buộc trong sanh tử luân hồi,
tiến dần lên Phật quả.
Hành mười điều thiện, chúng ta
làm được những lợi ích sau đây:
Cải tạo thân tâm: Trước
nhất chúng ta cải tạo thân tâm của chúng ta, nếu một
người dốc lòng chí nguyện thì trong vòng 7 năm, thân tâm
người ấy sẽ hoàn toàn thay đổi.
Cải tạo hoàn cảnh: Một
người thực hành theo mười điều thiện, người ấy sẽ
cảm hóa được những người chung quanh, người ấy ăn
hiền, ở lành sẽ được những người khác yêu mến, không
có những cuộc tranh đua, hóa giải những tị hiềm, đố
kỵ, tạo ra sự an lạc cho mọi người.
Chánh nhân thiên giới: Tu
theo mười điều thiện là gieo nhân chân chánh, để kiếp
sau sẽ sanh về cõi Trời, hưởng phúc lạc đầy đủ,
tốt đẹp.
Căn bản Phật quả: Ba đời
mười phương chư Phật đều phải trải qua công hạnh tu
tập theo mười điều thiện, nó là cửa ngỏ dẫn người
ta đi dần lên Phật quả.
Vì vô minh che lấp trí huệ nên
thân, khẩu, ý tạo tác ra nhiều điều ác, những điều ác
trong thế gian quy thành mười loại nghiệp ác, muốn trừ nó,
chúng ta đừng làm ác, đương nhiên là chúng ta tạo được
nghiệp lành, hiện tại làm lợi ích cho chúng sanh, được
mọi người kính yêu, tạo được hoàn cảnh yên vui, tránh
khỏi bị đọa tam đồ khổ, lại còn được hưởng phước
báo ở cõi Người, Trời và cõi Niết Bàn.
Tu theo mười điều thiện được
lợi ích trước mắt như thế, chẳng những cho ta mà còn
cho chúng sanh, kiếp nầy cũng như mai sau, người tu nên theo
con đường quan trọng do Phật đã chỉ bày.
Phúc
Trung
Sách tham khảo:
1. Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí,
Đức Tâm. "Phật Pháp". Sài gòn, 1951.
2. Thích Thiện Hoa. "Phật Học Phổ Thông, Khóa I &
II". Sài gòn, 1989.
Source: Phat Hoc Magazine, December
1996, Kentucky, USA ( http://www.win.net/phathoc/
)