29/06/2012 08:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 77438
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong khi chư Tăng đang chăm chú thọ thực thì có một vị thầy Việt Nam rời khỏi bàn ăn đi chụp hình và làm công việc riêng. Thấy vậy, một vị thượng tọa thuộc tông Annam (tông Việt ở Thái) mới nói với bạn tôi là sao lại có những vị tu sĩ giống cư sĩ vậy; không có nề nếp, quy củ gì cả.  



 

Có một câu chuyện mà khi nghe, chắc chắn, ai cũng phải suy nghĩ. Câu chuyện ấy được một người bạn của tôi chứng kiến và kể lại.
 
Cách đâu không lâu, sau khi Đại Lễ Vesak 2012 kết thúc thành công tốt đẹp, chính phủ Thái Lan cung thỉnh chư tăng đại diện các tông phái ở Thái Lan và chư tăng một số nước, trong đó có chư tăng Việt Nam đến tòa nhà chính phủ tham dự buổi lễ cúng dường trai tăng.
 
Buổi lễ có ý nghĩa như là sự cảm tạ chân thành của chính phủ Thái đối với các phái đoàn đã tham gia và đóng góp tạo nên sự thành công Lễ Vesak.
 
Sau khi phần hành chánh xong, chư Tăng được cung thỉnh thọ trai (ăn cơm). Có thể nói, giờ thọ trai của chư Tăng ở Thái Lan là một trong những phần quan trọng bậc nhất trong các sinh hoạt của chư Tăng Thái. Nó quan trọng đến nỗi nhiều người ví von rằng: “làm bất cứ việc gì có thể sớm hay trễ chứ thời thọ trai thì luôn luôn đúng giờ.” Sự quan trọng sẽ trình bày ở phần sau.
 
Nội dung của câu chuyện xảy ra khi thời thọ trai bắt đầu không lâu. Trong khi chư Tăng đang chăm chú thọ thực thì có một vị thầy Việt Nam rời khỏi bàn ăn đi chụp hình và làm công việc riêng. Thấy vậy, một vị thượng tọa thuộc tông Annam (tông Việt ở Thái) mới nói với bạn tôi là sao lại có những vị tu sĩ giống cư sĩ vậy; không có nề nếp, quy củ gì cả. Vị ấy hỏi tiếp bạn tôi có biết nguyên nhân của tình trạng ấy là gì không?
 
Bạn tôi đang suy nghĩ thì vị thượng tọa nói rằng: “do giờ giấc ăn uống quá dễ dãi.” Có thể là vị Tăng kia là phóng viên chăng?! Tuy nhiên, lời nói của vị thượng tọa làm cho bạn tôi áy náy, suy ngẫm và khi tôi nghe lại cũng cảm thấy có gì chưa ổn cho vấn đề này không chỉ ở bên ngoài mà cụ thể đang diễn ra hằng ngày ở Việt Nam.
 
Có lẽ, tôi nói một chút về truyền thống thọ trai trong Phật giáo. Ngày xưa, khi còn tại thế, đức Phật và các đệ tử thực hành pháp khất thực và ngày chỉ ăn một bữa.[1] Vì thế, bữa ăn trưa vô cùng quan trọng. Truyền thống này tiếp tục được hành trì ở các nước theo Phật giáo Nam truyền (Theravada) dù một số nơi được ăn thêm buổi sáng. Do chỉ được ăn trước giờ ngọ nên chư Tăng phải chú tâm ăn cho no; nếu không họ sẽ đói cả đêm và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của họ.
 
Ngược lại, Phật giáo Bắc truyền (Mahayana) không theo truyền thống ấy nên được phép ăn chiều nhưng với điều kiện là phải ăn chay trường và xem thức ăn như là thuốc hay (lương dược). Vì được ăn sau giờ ngọ nên giờ giấc ăn uống đối với chư Tăng Ni có vẻ dễ dãi và nhiều vị Tăng Ni tỏ ra không bận tâm giờ ăn nếu họ có tài chánh dồi dào. Khi họ đói, họ có thể tự phục vụ mặc dù mất thời gian và tiền bạc.
 
Tuy vậy, có rất nhiều tu viện, chùa…quy định giờ giấc sinh hoạt rất nghiêm túc. Giờ ăn uống, sinh hoạt chúng, đi học, tụng kinh, bái sám rất nề nếp. Đó là sinh hoạt hằng ngày nơi các tự viện. Một điều chúng tôi trăn trở và từ câu chuyện trên khiến chúng tôi viết bài này là sự trang nghiêm trong một buổi quá đường trai tăng ở Việt Nam.
 
Như quý vị biết, cúng dường trai tăng là một hình thức gieo duyên, tạo phước phổ biến thời đức Phật cho đến ngày nay, nhất là vào mỗi dịp Vu Lan ở các nước Bắc truyền. Chỉ có một sự khác biệt giữa trai tăng thời đức Phật và trai tăng thời bây giờ. Đó là trai tăng thời xưa giống trai phạn ngày nay, và trai tăng ngày nay phải có tịnh tài và phẩm vật. Chính sự khác biệt này tạo ra sự mất trang nghiêm trong hầu hết các buổi quá đường trai tăng.
 
Thời nào cũng vậy, bên cạnh những người nghiêm túc đều có những người lộn xộn hay nghịch ngợm, ngay cả trong tăng đoàn thời đức Phật. Nhóm Lục sư[2] là điển hình. Theo Luật Tạng Nam truyền, ở chương Phận Sự thuộc Tiểu Phẩm, nhân trường hợp Lục sư gây lộn xộn chỗ ăn nên đức Thế Tôn khiển trách họ và quy định phận sự ở chỗ thọ thực cho các tỳ kheo.
 
Trong những lời chỉ dạy chi tiết có những câu sau: “…Vị trưởng lão không nên thọ thực khi tất cả chưa được đầy đủ cơm. Nên thọ dụng vật thực một cách nghiêm trang. Nên thọ dụng vật thực với sự chú tâm ở bình bát. Nên thọ dụng vật thực theo tuần tự…. Vị trưởng lão không nên thọ lãnh nước khi tất cả còn chưa thọ thực xong…Khi đi trở về, các tỳ kheo mới tu nên đi về trước tiên, sau đó là các vị trưởng lão…”[3]
 
Quy định trên hướng dẫn một tỳ kheo, đặc biệt là các vị trưởng lão, phải nghiêm trang trong khi thọ thực và phải đợi tất cả đại chúng cùng ăn cho đến khi mãn bữa ăn. Các vị trưởng lão phải nhường cho các vị mới tu đi ra trước, sau đó mới đi. Hay ít nhất, các vị trưởng lão không được bỏ đi trước trong khi đại chúng còn ăn.
 
Trong truyền thống Đại thừa, ở đoạn mở đầu, kinh Kim Cang miêu tả sinh hoạt của đức Phật: “… Đức Phật ở nước Xá Vệ…. Lúc đó, gần đến giờ đến ăn, đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. …khất thực xong trở về tịnh xá, dùng cơm, rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, đức Phật trải tọa mà ngồi….”[4] Nội dung của đoạn kinh cũng cho thấy việc thọ trai là quan trọng và phải ăn đàng hoàng, ăn cho xong, cho no rồi mới thu dọn rửa cất và làm việc tiếp theo.
 
Về vấn đề trai tăng, thời đức Phật cũng có nhiều vị Bà la môn, vua chúa, hay hàng quý tộc giàu có …thỉnh đức Phật và Tăng chúng thọ trai tại nhà của họ. Theo thông lệ, khi đã nhận thọ thực của một vị thí chủ thì Phật không nhận lời thỉnh của vị khác mà hứa khả cho ngày hôm sau như trường hợp của kỹ nữ Ambapali và các thanh niên Licchavi (Kinh trường Bộ, số 16).
 
Bạch Thế Tôn! Ngày xưa, một ngày Thế Tôn chỉ nhận thọ thực của một thí chủ cúng dường và sau khi ăn xong thường thuyết pháp và hồi hướng phước báo cho họ, thì bây giờ đệ tử của Thế Tôn, một ngày nhất là mùa Vu Lan, có thể nhận chứng trai nhiều chỗ và tranh thủ kiết trai trước để tiếp tục “chạy xô” nhiều chỗ. Chữ chứng trai không biết vô tình hay cố ý mà có ý nghĩa lạ kỳ, chỉ có chứng thôi mà.
 
Nếu mà Thế Tôn còn tại thế thì giờ này chắc Thế Tôn vất vả lắm chỉ vì chứng trai thôi. Bạch Thế Tôn! Các chùa, các đại gia ngày nay rất chuộng danh hiệu và chức tước lắm. Các vị làm ở trung ương, ở ban trị sự thành hội hay tỉnh thì rất khó thỉnh vì chư vị ấy bận lắm. Biết chư vị ấy bận mà sao họ cứ đòi thỉnh cho được và tất nhiên là phải “nặng ký” và được nói trước là tới chứng dự thôi, lâu mau tùy duyên. Thế mà sao không biết bao nhiêu người xếp hàng chờ thỉnh, gởi thiệp đặt trước và nhiều khi còn buồn nữa vì thỉnh không được. Sao mà chức tước ngày này lại có giá trị quá, cao hơn tất cả những vị cao tăng ẩn tu không có chức tước nào.
 
Vì chúng sanh có nhu cầu nên chư vị chứng trai mới đi và việc chứng trai cũng cực khổ lắm chứ có sướng ích gì đâu. Chứng chỗ này mà không chứng chỗ khác thì chúng sanh buồn. Để làm hài lòng chúng sanh thì chư vị phải tranh thủ mà chạy chứ có kịp ăn uống gì đâu, nhiều lúc thở không ra hơi nữa! Có ai hiểu nỗi khổ này đâu!
 
Thảo nào, nhìn vào hầu hết các trai đường thời quá đường trai tăng, sau khi tác bạch và cúng dường phẩm vật xong là tự nhiên thấy trống vắng dần. Tình cảnh này thấy sao giống những điều tổ Quy Sơn dạy trong cảnh sách quá. Nhìn qua nước bạn, họ cũng có trai tăng, cũng cúng dường tài vật nhưng việc cúng dường chỉ được thực hiện khi chư Tăng ăn cơm xong. Do đó, chư vị trưởng lão đỡ vất vả chạy nhiều nơi mà không ăn được gì như ở Việt Nam.
 
Con thấy thương cho chư vị trưởng thượng quá và mong rằng tình trạng trên sớm cải thiện nhưng sao đường trước còn mờ mịt quá. Bao nhiêu hội thảo con đâu thấy ai bàn việc này đâu. Hay là nó đã trở thành văn hóa Phật giáo Việt Nam rồi không biết nữa!
 
Con chỉ hy vọng là các chùa, các đại gia có thỉnh chư vị chức sắc đến thọ trai thì nên thưa trước chương trình, giờ giấc rõ ràng để họ sắp xếp mà chứng dự cho trang nghiêm một chút. Đừng gây khó khăn, khó xử cho chư tôn đức lãnh đạo chỉ vì chuyện chứng trai. Tội cho quý Ngài lắm! Và quan trọng hơn là tội cho Phật giáo Việt Nam đã trải qua trên dưới hai ngàn năm lịch sử!
 

[1] Ở Ấn Độ ngày nay, 10 giờ sáng trở đi người ta mới mở cửa tiệm để buôn bán. Theo suy luận cá nhân, có lẽ vì thế mà buổi sáng khi khất thực xong thì đã gần trưa và thọ thực xong thì đã hết nửa ngày rồi. Do đó, ngày chỉ ăn một bữa vì qua giờ ngọ không được phép ăn nữa.
[2] Tức lục quần tỳ kheo gồm: Nan Đồ, Bạt Nan Đà, Ca Lưu Đà Di, Xiển Na, Mã Tú và Mãn Túc. (theo http://www.niemphat.net/Luan/sosaodiennghia/didasosao38.htm)
[3] http://buddhanet.net/budsas/uni/u-luat-tieupham/tp-08.htm
[4] http://www.niemphat.com/kinhdien/kinhkimcang/kinhkimcang.html

 

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/19565.html


Âm lịch

Ảnh đẹp