Chuyện Tiền thân Bahiya (Jàtaka 420) kể lại rằng: ”
Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ tát là một vị đại
thần của triều đình. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc
lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân của nhà vua, cảm
thấy thân bị bức bách ngồi xuống lấy áo đắp che thân, giải tỏa sự bức
bách của thân và nhanh nhẹn đứng dậy”.
Câu chuyện bắt đầu rất bình thường, nói về một hoạt động cũng …bình
thường của con người ( nhưng lại ít được đề cập trong truyện, phim…) là
vấn đề đi vệ sinh. Một cô gái thuộc tầng lớp nghèo đi ngang qua cung
điện nhà vua và muốn… đi vệ sinh. Cô ngồi xuống, lấy áo che thân cẩn
thận, đi xong và đứng dậy nhanh nhẹn. Câu chuyện chỉ có thế, rất…rất
nhạt nhẽo. Thế nhưng, có điều gì cần suy ngẫm ?
Con người ta thường có hai cách xử sự. Một cách công khai, hình thức,
mang tính giao tiếp. Người Anh gọi đó là cách xử sự formal. Một cách
khác, mang tính riêng tư, cá nhân và không…phổ biến cho người khác.
Tiếng Anh gọi đó là cách xử sự informal. Điều này thấy rõ trong các hoạt
động ngoại giao. Nhà ngoại giao có thể bắt tay, trò chuyện vui vẻ,
nhưng trong chỗ riêng tư có thể chửi bới, hạ nhục nhau. Nhà ngoai giao
có thể bên ngoài thì khen ngợi nhưng trong bụng thì… chửi thề. Trong
những ngày gần đây, Wikileaks công bố các trang tài liệu mật, phổ biến
cho bàn dân thiên hạ cái thể hiện đằng sau các nghi thức ngoại giao đẹp
đẽ. Tình trạng phải có các cư xử formal và informal làm cho con người
ta phải sống một cuộc sống hai mặt. Mọi người cũng quen với tình trạng
đó và cho đó là bình thường, lẽ đương nhiên phải là như vậy.
Một loại suy nghĩ khác thể hiện tình trạng hai mặt. Một người khách
đến nhà chơi được tiếp đón nồng hậu, lịch sự. Trong khi đó, đối xử với
người nhà thì lạnh nhạt, bất lịch sự. Khách đến nhà chơi thì chỉ trong
thoáng chốc, vậy mà được đối xử tử tế. Còn người cùng sống với ta, sao
lại không tử tế như đối với khách để cuộc đời hạnh phúc hơn một chút.
Vậy thì cách xử sự của cô gái này có điểm gì lạ? Cô xử sự một cách
formal ở nơi không ai thấy, nghĩa là trong bối cảnh informal. Đây chính
là điểm đặc biệt của đoạn văn này. Nó cũng thể hiện quan điểm chung của
Phật học: con người ta không nên sống hai mặt, cái thể hiện ra cũng
đúng là cái ta suy nghĩ. Xử sự ở nơi công cộng cũng giống như ở một
mình. Nếu bạn khen một người thì đó cũng phải là điểm đáng khen thật
sự. Nếu bạn lịch sự với một người thì đó cũng phải do sự tôn trong Phật
tính bên trong con người đó. Nếu bạn nói điều mà bạn không nghĩ như
thế thì đó là tội nói dối. Nếu bạn tử tế với người ngoài thì cũng nên
tử tế với người cùng sống với mình.
Lúc bấy giờ vua Ba-la- nại, ngang qua cửa sổ đang nhìn xuống. Vua
thấy nữ nhân ấy liền suy nghĩ : Người này trong khi giải tỏa sự bức
bách của thân tại sân vua như vậy, vẫn biết tránh các lỗi lầm và nguy
hại của lỗi lầm, dùng áo đắp che đậy, giải tỏa bức bách xong, đứng dậy
một cách nhanh nhẹn.
Nhà vua đã thấy các hành động của cô gái. Bằng kinh nghiệm trị vì của
mình, vua nhận thấy các điểm đặc biệt trong hành vi của cô. Dù không
có ai, cô cũng hành động một cách thận trọng, không buông tuồng. Ngày
xưa, các cụ lớn tuổi, khi dựng vợ gả chồng cho con cái cũng sự dụng
biện pháp” quan sát thực tế”, hay “ coi mắt” để có thể thấy được các
hành vi…. In formal của…. đối tác. Vua suy đoán:
Nữ nhân này chắc chắn khẻo mạnh, nhà cửa nữ nhân này sạch sẽ,Với
nhà cửa sạch sẽ, nếu có một đứa con thì đứa con ấy sẽ được sạch sẽ và
sống có giới đức. Ta phải đặt người này lên làm hoàng hậu.
Nhà vua đang thực hiện một công đoạn của một nhà tướng số. Các sách
nhân tướng đều phát biểu theo dạng:” người có tướng X ” thì ” có tính
tình, đặc tính Y”. Chẳng hạn, có sách ghi :” người hay rung đùi thì tán
tài”. Sách nhân tướng chỉ là tập hợp các cách ”nhận dạng” như vậy.
Người đọc sách tự hỏi:” vì sao bị tán tài?” thì sách nhân tướng ấy
không có câu trả lời. Hỏi đi hỏi lại, thầy tướng số sẽ trả lời:” các
bậc tiên thánh, cổ nhân nói như vậy. Nghiệm đi nghiệm lại vẫn thấy
đúng”. Nghĩa là:” lời cổ nhân là tiên đề , đừng hỏi nữa”. Thế là, môn
tướng số trở thành loại ” khoa học huyền bí”.
Câu hỏi ” tại sao có tướng X ấy thì có đặc tính Y” không được các
sách tướng số trả lời. Có chuyện kể rằng: một nhà tướng số quan sát thấy
một vị chẳng có tướng gì quý, nhưng lại là người có nhiều trọng trách.
Vị tướng số này thắc mắc và tìm cách thâm nhập làm gia nhân của vị
kia. Cho đến một ngày, nhà tướng số thấy được quý tướng ( ví như nốt
ruồi son…) ẩn tàng của vị kia, bèn” à thì ra là vậy”. Câu chuyện nghe
rất hay, tuy nhiên, suy nghĩ của nhà tướng số có một số “ tiên đề “:
Mỗi người tài đều có quý tướng. – Qúy tướng đó phải thể hiện trên thân thể.
Thế nhưng, cũng có các nhà tướng số lại lưu truyền câu:” tướng tùy
tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Đó là nhận xét đỉnh cao của các nhà tướng
số. Nếu” tướng tùy tâm sinh” thì một câu hỏi căn bản của nhân sinh
cũng được đặt ra:” bằng cách nào có được quý tướng ấy?”. Nếu ” tướng
tùy tâm diệt” thì câu hỏi đặt ra cũng là ” bằng cách nào làm mất cái
tướng hạ tiện mà mình đang có ”.Cái” quý tướng, tiện tướng” biến động
theo tâm như vậy thì làm sao mà rút ra quy luật ? Các nhà tướng số
không trả lời câu hỏi này. Họ chỉ là những nhà hiện tượng học. Câu hỏi
đã đánh dấu điểm cuối của môn nhân tướng học. Muốn trả lời nó, cần phải
bắt đầu một con đường khác. Điểm cuối của nhân tướng học cũng là điểm
bắt đầu của Phật học. Bài kệ đầu tiên của kinh Pháp Cú (phẩm Song
yếu) mà mọi Phật tử đều thuộc lòng, viết.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo.
Suy đoán về con người theo tướng của họ cũng chỉ là một cách làm gián
tiếp, không theo dõi được các diễn biến của “tâm”, nguồn gốc của các
tướng. Phật học dặn rằng, đừng xem tướng mạo bên ngoài ( lầm chết được!)
mà hãy quan sát trực tiếp hành vi. Đoạn văn trên trong Kinh Bổn Sanh
(Chuyện tiền thân Đức Phật) Jàtaka tuy đơn giản nhưng lại đi vào điểm
khác biệt sâu xa của cách xem tướng thông thường và cách xét đoán điển
hình dựa trên nhân quả của Phật học. Đức Phật nói:
“Tướng của người ngu ở trong hành động ( của mình):Tướng của
người trí ở trong hành động ( của mình)…Có ba pháp này, này các Tỳ-
kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn
tích của người ngu. Thế nào là ba ? Ở đây các Tỳ- kheo, kẻ ngu suy nghĩ
ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỳ- kheo, không suy
nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết
được rằng:’ người này là kẻ ngu, không phải bậc chân nhân’. Có những
pháp này, này các Tỳ- kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng
của người ngu, là ấn tích của người ngu.
Có ba pháp này,
này các Tỳ -kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của
người hiền trí, là ẩn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây các
Tỳ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu
người hiền trí này, này các Tỳ- kheo, không suy nghĩ thiện, không nói
thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí kia biết được:’
người này là người hiền trí, bậc chân nhân?’ vì rằng, này các Tỳ -kheo,
người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên người hiền
trí kia biết được:’ người này là người hiền trí, bậc chân nhân,’ có
những pháp này, này các Tỳ- kheo, là đặc tính của người hiền trí, là
tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí”.
( Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1.Chương 3: Ba Pháp, phẩm Người Ngu)
Như vậy , từ một quan sát về hành vi nhỏ, nhà vua suy đoán các đặc
tính về lối sống của cô gái. Việc lối sống không mang tính hai mặt là
một điểm đặc biệt, không phải dễ kiếm . Vua nghĩ rằng nàng có thể làm
hoàng hậu cho mình. Như thế , chỉ nhờ việc cẩn thận trong những việc nhỏ
nhặt mà cô gái được nhà vua phong làm hoàng hậu.
Các suy luận thực tiễn và hướng tới lợi ích như vậy cũng là một đặc
điểm của Phật học. Ngày nay, phim, tiểu Thuyết, báo chí…luôn nói tới”
tình yêu” trong việc tiến tới hôn nhân, xem đó như là điều kiện tiên
quyết và là yếu tố giải quyết mọi vấn đề. nếu hỏi “ có tình yêu đễ làm
gì?” câu trả lời hẳn phải là” để gia đình hạnh phúc”. Vậy thì hạnh phúc
mới là cái cần phải quan tâm. Tuy nhiên, hạnh phúc cần nhiều yếu tố, mà
trong đó “ tình yêu” chỉ là một. Phật học chỉ cho người ta cách suy
nghĩ thực tế hơn, quan sát nếp sống của người mà ta định chọn để lập
gia đình: Người này có mạnh khỏe không? Ăn ở có sạch sẽ không? Nếp sống
có giới đức hay không?
Nhà vua, sau khi biết được nữ nhân này chưa thuộc sở hữu của ai,
bèn cho gọi nữ nhân ấy đến và đặt vào địa vị hoàng hậu.Nàng trở thành
người vua yêu thương và ưa thích. Không bao lâu nàng sanh được người con
trai.Nhà vua đặt người con trai nàng lên làm Chuyển luân vương.
Sau khi có các phỏng đoán như vậy, vua tiến hành kiểm tra các phỏng
đoán này, đặc biệt là việc cô đã có gia đình hay chưa. Các suy đoán cần
phải được kiểm nghiệm bằng thực tế. Sau khi đã kiểm nghiệm bằng thực
tế. Sau khi đã kiểm tra tất cả, vua cưới nàng làm vợ.
Bồ- tát khi nghe câu chuyện về sự may mắn của nàng, dùng cơ hội
này thưa với nhà vua: Phàm việc gì cần phải làm cho được tốt đẹp , sao
lại không cho học tập. Sự việc này, do nữ nhân này có công đức lớn khi
giải tỏa sự bức bách của thân, vẫn biết tránh các lỗi lầm và nguy hại
của lỗi lầm, biết dùng phương tiện che đậy, khiến nhà vua đẹp lòng và
ban cho nàng phước lợi như vậy.!
Nhà vua khi cưới hoàng hậu, chỉ mới có nhận xét về đặc tính cẩn thận
của nàng ở chỗ riêng tư. Bồ – tát- ở đây, trong văn cảnh của Jàtaka,
chính là để chỉ một tiền thân của Đức Phật Thích Ca- không dè bỉu,
không hạ thấp sự may mắn của cô gái nhà quê. Không cho rằng cô là ….mèo
mù vớ cá rán. Ngài tùy hỷ công đức, vui khi thấy người khác làm điều
lành. Ngài vui khi thấy được công đức của cô gái là vui theo niềm vui
của cô gái. Đây chính là con đường vương giả trong việc tích lũy công
đức. Chia sẽ tài sản, cúng dường người có đức…đều đem lại công đức. Tuy
nhiên, câu hỏi đặt ra là: làm sao để có công đức nhiều nhất mà cố gắng
ít nhất? Phật học đã chỉ ra một phương pháp…chẳng cần làm gì cả mà vẫn
có công đức. Đó chính là tùy hỷ công đức. Nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn từng viết: mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Nếu tùy hỷ công đức, mỗi
ngày bạn sẽ không phải chỉ có một mà có vô số niềm vui vì trong
ngày,chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều niềm vui của rất nhiều người. có truyến
thống Phật giáo còn định lượng hẳn hoi: nếu vui theo niềm vui của người
có sự tự điều chỉnh cao hơn mình thì mình sẽ được một nửa công đức đó.
Nếu vui theo niềm vui của người có sự tự điều chỉnh, kém hơn mình thì
mình sẽ có công đức…gấp đôi người đó. Bồ – tát nhân câu chuyện của
hoàng hậu, nâng nó lên thành một bài học phổ quát hơn để giúp ích cho
nhiều người hơn. Theo ngài, mọi việc, dù ở nơi riêng tư, cũng cần phải
làm cho tốt đẹp.
Nói xong, để tán thán mọi việc cần phải làm cho được tốt đẹp, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Hãy học điều cần học
Dầu có kẻ cứng đầu
Kẻ quê khéo tiểu tiện
Làm đẹp lòng nhà vua.
Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo