PHẬT, PHÁP VÀ TĂNG


Dzigar Kongtrul Rinpoche Dịch Việt: Nhóm Thuận Duyên
11/06/2012 20:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 206065
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. PHẬT Đức Phật – bậc dẫn đường chân chính Trong các Kinh điển, Đức Phật nói rằng chúng ta cần xem bản thân là người bệnh, và Đức Phật là bác sĩ, và giáo lý là thuốc. Quan hệ của chúng ta với Đức Phật giống như một người bệnh với bác sĩ. Như khi chúng ta theo một chế độ ăn kiêng và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, chúng ta nên theo những chỉ dẫn của Phật và áp dụng các giáo lý này. Bằng cách uống thuốc, chúng ta sẽ thu được cả những lợi ích tạm thời và dài hạn.

Căn bệnh mà chúng ta mắc phải là sự ngu dốt, những cảm xúc phiền não, nhận thức sai lệch và khổ đau. Bởi vì Đức Phật đã thoát khỏi mọi căn bệnh như thế, ngài thực sự là người chỉ dẫn đáng tin cậy.

Như trong các Kinh điển có nói, làm sao người ta, những kẻ trong hoàn cảnh khó khăn như chúng ta có thể giúp chúng ta thoát khỏi bãi cát lún? Giống như vậy, những người, không thể tự thoát khỏi vòng luân hồi không thể giải thoát chúng ta khỏi vòng luân hồi. Bởi thế, Đức Phật là người dẫn đường chân chính, và giáo lý là thứ thuốc hữu hiệu.

Sự giác ngộ của Phật

Quan điểm Tiểu thừa

Theo quan điểm Tiểu thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni thành tựu Chánh giác ở Bồ Đề Đạo Tràng bằng cách chinh phục mọi che chướng cảm xúc và nhận thức. Trong tiếng Tạng, một bậc giác ngộ là sangye. Sang nghĩa là tịnh hóa các cảm xúc phiền não (nyondrip) và che chướng nhận thức (shedrip). Gye nghĩa là sự tỉnh thức của trạng thái tràn đầy những phẩm tánh hoàn hảo của giác ngộ. Trạng thái tỉnh thức của Phật thoát khỏi mọi che chướng và sở hữu các phẩm tánh hoàn hảo của kiến thức, tâm từ, lòng bi mẫn và trí tuệ.

Quan điểm Tiểu thừa nhìn nhận Phật Thích Ca Mâu Ni là một chúng sinh bình thường. Dĩ nhiên, phải công nhận rằng chúng sinh bình thường này rất phi thường, nhưng từ quan điểm này, ngài sở hữu những uẩn bình phàm.

Quan điểm Đại thừa

Theo Đại thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ trong cõi Akanishtha, cõi trời cao nhất – một cõi Phật, không thể nhìn thấy bởi người thường.

Với lòng từ bi, vì lợi ích của người khác, ngài tái sinh trong cõi người và “giả vờ” trải qua toàn bộ quá trình của “mười hai hành động[1],” bao gồm cả hành động giác ngộ dưới tán Bồ đề. Bởi Phật đã hoàn toàn giác ngộ, ngài thoát khỏi mọi trải nghiệm của luân hồi bởi vì ngài không bị trói buộc bởi các uẩn thông thường. Ngài chỉ hiển bày các uẩn này để chúng sinh bình phàm có thể nhận thấy và đưa ra một tấm gương về con đường giác ngộ.

Phật giác ngộ nhờ con đường Bồ Tát, con đường mà ngài đã trải qua từ đầu đến cuối. Ngài nói rằng với ngài điểm khởi đầu của con đường bồ đề tâm là trong cõi địa ngục. Ngài đang kéo chiếc xe bò với một người khác, và cả hai đều bị tra tấn dữ dội. Phật nghĩ rằng, “Tại sao tôi không nhận lấy tất cả nghiệp này, tại sao không trở thành đối tượng dày vò và giải thoát cho người kia?” Ngài bảo các vị yama[2], những kẻ đang tra tấm ngài, hãy để điều này xảy ra. Nhưng họ nói, “Mọi người đều có nghiệp riêng! Ông không thể giải thoát bất kỳ ai khỏi nghiệp riêng của họ,” và đánh vào đầu ngài bằng cái búa sắt. Phật chết, nhưng bởi vì nghiệp quả tốt lành mà ước nguyện của ngài tạo ra, ngài ngay lập tức được giải phóng khỏi cõi địa ngục đó.

Ngài đã giác ngộ ở Akanishtha; sau đó ngài ở Tushita, một cõi Phật nơi mà Phật Vị lai, ngài Di Lặc hiện tại an trụ. Khi thời gian chín muồi, và mọi người thích hợp để một vị Phật tái sinh trong thế giới này, ngài được thụ thai trong tử cung người mẹ.

Sự xuất hiện của Phật trong thế giới này

Nếu chư Phật đã làm cạn kiệt mọi nguyên nhân và điều kiện của luân hồi và sự xuất hiện trong luân hồi cũng như hoàn toàn chứng ngộ chân lý tuyệt đối của tánh không, làm sao và tại sao các ngài thị hiện trong thế giới này?

Điều này xảy ra nhờ hai khẩn nguyện; khẩn nguyện của hữu tình chúng sinh có kết nối với chư Phật và đánh thức khỏi trạng thái ngu dốt như mơ của tâm, và khẩn nguyện của chư Phật làm lợi lạc chúng sinh và đánh thức họ khỏi trạng thái huyễn hoặc như mơ đó. Khi khẩn nguyện của hữu tình chúng sinh và của chư Phật gặp nhau, chư Phật xuất hiện trên thế giới.

Sự xuất hiện của các ngài giống như trăng trên trời, được phản chiếu rõ ràng và tự nhiên trên nhiều ao hồ bên dưới. Nhưng điều này không ám chỉ rằng Đức Phật tự mình “hạ xuống” từ hư không, hay có một vị Phật “xuống đây” và một vị khác “ở trên kia,” cũng không phải có nhiều vị Phật khắp mọi nơi.

Một nghìn vị Phật

Trong thời đại đặc biệt này, một nghìn vị Phật sẽ xuất hiện. Theo các miêu tả truyền thống, tất cả những gì chúng ta thấy từng là chân không hay hư không. Sau đó gió và mưa bão nổi lên, tạo thành yếu tố đất. Mưa tiếp tục, và một nghìn bông sen nở. Các vị trời nam và nữ thấy sự kiện này và tự hỏi nó tượng trưng cho điều gì. Các vị trời tuổi cao, uyên bác có thể nhìn thấy tương lai nhờ sức mạnh của thiền định, đã nói rằng đó là dấu hiệu trong thời đại này sẽ có một nghìn vị Phật. Bởi thế, nó được gọi là kalpa zangpo, “thời đại xuất sắc.”

Cho đến nay, chúng ta đã có bốn vị Phật. Trong mỗi thời của bốn vị Phật này, rất nhiều vị Phật khác đã xuất hiện và làm lợi lạc chúng sinh. Nhưng có một vị tối cao trong mỗi thời, bậc đảm bảo rằng mọi giáo lý của thời đại đặc biệt đó sẽ hòa hợp với lời dạy của vị Phật đó. Vị Phật tối cao của hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni, tuy nhiên có rất nhiều các vị Phật khác đã đến thế giới này và làm lợi lạc chúng sinh. Ví dụ, Đức Văn Thù, Đức Quan Âm và Đức Kim Cương Thủ đều là các vị Phật, nhưng các ngài thị hiện dưới hình tướng chư Bồ Tát. Guru Rinpoche cũng là một hóa thân của Đức Phật.

Các vị Phật tối cao này đều đến với mười hai hành động của một vị Phật, đạt giác ngộ và thuyết Pháp. Trong trường hợp của Phật Thích Ca, ngài sinh ra là một vị hoàng tử, nhưng các vị Phật không nhất thiết phải sinh ra làm hoàng tử như vậy.

Hai trí tuệ

Điều quan trọng là biết rằng Phật có hai kiểu trí tuệ [jnana]: trí tuệ nhìn thấy bản chất của mọi thứ như chúng là, và trí tuệ nhìn thấy tính đa dạng của mọi hiện tượng.

Thứ mà Phật nhìn thấy từ quan điểm hay trải nghiệm giác ngộ của ngài được gọi là rang nang trong tiếng Tạng. Nhận thức của chúng sinh khác được gọi là shyen nang. Bởi thời gian là trống rỗng, rang nangshyen nang có thể xuất hiện cùng lúc. Trí tuệ của việc nhận thấy mọi thứ bao gồm của nhận thức giác ngộ về mọi thứ rang nang, và nhận thức của chúng sinh, shyen nang. Nếu không phải như vậy, thì chư Phật sẽ không thể thuyết giảng.

Chư Phật thuyết giảng ra sao

Một hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu cách thức mà chư Phật thuyết giảng là hãy tưởng tượng hai người trong một căn phòng: một người thức và người kia thì ngủ, và gặp phải ác mộng. Người thức – Phật – có thể nhận ra rằng người kia đang gặp ác mộng. Điều này không chỉ được hiểu qua sự suy luận mà còn qua nhận thức trực tiếp về cơn ác mộng của người đó.

Mặc dù người thức có thể nhận thấy cơn ác mộng của người kia một cách trực tiếp, trải nghiệm của người mơ đó không trở thành sự thật của người thức. Bởi vậy người đang thức có thể chậm rãi đánh thức người kia khỏi giấc mộng. Nhờ đó, anh ta có thể kéo người kia khỏi giấc mơ và trở về thực tại, đó là sự không tồn tại của mọi cơn ác mộng. Đó là cách mà chư Phật dạy hữu tình chúng sinh.

Khi bạn tỉnh dậy trong một giấc mơ, giấc mơ có thể tiếp tục, nhưng mối quan hệ của bạn với nó đã thay đổi. Đó là con đường của chư Bồ Tát, đặc biệt là trong giai đoạn sau thiền định. Khi bạn hoàn toàn tỉnh dậy khỏi giấc mơ, đó là Phật quả. Bạn tỉnh thức với các trải nghiệm hoàn toàn về sự thực và sự xuất hiện; nó không đúng khi nói rằng mọi hình tướng đơn giản biến mất ở điểm này.

Ba thân của chư Phật

Bản chất của sự thật được gọi là Pháp thân, và các hình tướng là Sắc thân. Một vị Phật hòa hợp với Pháp thân trong khi xuất hiện như là Sắc thân.

Pháp thân

Trong trạng thái tuyệt đối của niết bàn, trong Pháp thân, không có nhận thức và không có hình tướng. Nhưng điều này không có nghĩa là Pháp thân là rắn chắc và cách biệt, hay một hư không hoàn toàn tách biệt khỏi các hoạt động của chư Phật hay các hình tướng của Phật quả, tức là hai hình tướng của Sắc thân – Báo thân và Hóa thân.

Báo thân

Các hình tướng Báo thân khởi lên từ Pháp thân, thứ như hư không tràn khắp, xuất hiện chủ yếu với chư Bồ Tát, những bậc trên con đường giác ngộ. Các Báo thân khởi lên thông qua duyên khởi như là kết quả của nghiệp và sự rộng mở của chư Bồ Tát, và sức mạnh của chư Phật hiển bày từ Pháp thân. Các hình tướng Báo thân không thể tiếp cận bởi chúng sinh bình phàm.

Báo thân Phật làm lợi lạc cho chư Bồ Tát, những bậc ít nhất đạt đến địa thứ nhất. Những vị Bồ Tát này có thể nhìn thấy và thọ nhận giáo lý từ Báo thân Phật. Cách thức các ngài thọ nhận giáo lý không giống như cách chúng ta nhận, thường là khẩu truyền. Ví dụ, các vị Bồ Tát đơn giản có thể nhìn vào thân của Báo thân Phật và nhận ra các che chướng của bản thân và cách để tịnh hóa chúng một cách rõ ràng.

 Hóa thân

Từ quan điểm Tiểu thừa, Phật được nhìn nhận như một chúng sinh bình thường, và chúng sinh bình thường coi Phật là Hóa thân Phật. Từ quan điểm Đại thừa, Phật Thích Ca Mâu Ni là Hóa thân Phật, người, như là cái bóng của Báo thân Phật, giáng sinh như một bậc toàn giác từ cõi trời Tushita. Hóa thân Phật giống như những cái bóng của Báo thân Phật, như mặt trăng phản chiếu hình bóng xuống ao.

Mặc dù chư Phật xuất hiện, sự xuất hiện của các ngài không phải sự xuất hiện của chân lý tương đối bình thường, ảo mộng, sản phẩm của tâm quan niệm và các lỗi lầm. Các ngài xuất hiện một cách độc lập, nhưng sự xuất hiện này thanh tịnh chứ không có lỗi lầm. Bởi thế, những phẩm tánh vô song của chư Phật được gọi là zakme kyi cho trong tiếng Tạng, nghĩa là “các phẩm tánh không lỗi lầm.”

Pháp thân có sức mạnh làm khởi lên vô số các phẩm tánh không lỗi lầm. Mặc dù Hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni trải qua đủ mười hai hành động của một vị Phật, từ cõi trời Tushita đến khi nhập Niết Bàn, từ quan điểm Pháp thân của chư Phật, không hề có sự di chuyển hay thay đổi nào.

Mục đích đằng sau việc chư Phật đến thế giới này là để chỉ ra con đường giác ngộ. Đức Phật trải qua, theo cách hoàn hảo nhất, đủ mọi giai đoạn của con đường mà chúng ta phải đi. Để chỉ ra sự từ bỏ, Phật rời bỏ cung điện và từ bỏ mọi hài lòng như thể chúng bị nhổ vào bụi. Ngài đi vào rừng, điều này giải thích tầm quan trọng của sự từ bỏ các mối bận tâm, thứ thực ra tạo nên khổ đau và trói buộc.

Những phẩm tánh của Phật như một vị thầy[3]

Các phẩm tánh như một vị thầy của Phật là rất rõ ràng. Ngài sở hữu cả hai kiểu trí tuệ, mười sức mạnh, bốn trạng thái vô úy[4], mười tám đặc điểm phân biệt của trạng thái tâm của Phât, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

Tám phẩm tánh của giác ngộ

Như trong Uttaratantra shastra có nói, trong tất cả, Phật là tối thượng. Trạng thái Phật quả, hay giác ngộ hoàn toàn vô song, thoát khỏi mọi lỗi lầm, và hoàn toàn đáng tin cậy.

Tâm giác ngộ có ba phẩm tánh, làm lợi lạc chính bậc giác ngộ. Nó không giả tạo, tự nhiên và tự tỉnh thức, nghĩa là tâm của Phật không chứng ngộ do kết quả của các điều kiện bên ngoài.

Ba phẩm tánh của chư Phật làm lợi lạc người khác là trí tuệ vĩ đại; tâm từ lớn lao, sự chu đáo và từ bi và sức mạnh làm lợi lạc vĩ đại.

Phẩm tánh làm lợi lạc bản thân và phẩm tánh làm lợi lạc người khác, khi được thêm vào ba phẩm tánh được kiệt kê trong hai loại trên, tạo thành cái đôi khi được gọi là tám khía cạnh của giác ngộ.

2. PHÁP

Các ý nghĩa của từ “Dharma

Từ “Dharma” trong tiếng Phạn có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, nó có thể liên quan đến kiến thức, con đường, niết bàn, hiện tượng, đối tượng của việc suy nghĩ, công đức, cuộc đời và tương lai. Ở đây Pháp liên quan đến Chánh Pháp [hay Pháp cao quý], những giáo lý của chư Phật.

Vậy Pháp cao quý là gì? Nó là điều mà các bậc giác ngộ nhìn nhận trực tiếp, là bản tánh chân thực của sự thật, và là điều mà chư Phật giảng cho người khác cho người khác như là con đường. Bởi thế, Pháp là con đường chân chính dẫn chúng ta thoát khỏi khổ đau của luân hồi và vòng sinh tử.

Pháp như là con đường

Một vài giáo lý chỉ thích hợp cho một vùng hay thời điểm đặc biệt, và khi thời điểm đặc biệt đó trôi qua, sẽ không còn hữu ích nữa. Nhưng giáo lý của chư Phật phục vụ con người liên tục xuyên suốt lịch sử và sẽ tiếp tục như vậy. Nguyên nhân của điều này là bởi chúng đề cập đến tâm bên trong của chúng ta.

Ở Lerab Gar, tháng 9 năm 2000, Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói rằng mọi phát triển khoa học và công nghệ với ý định tạo ra một thế giới tốt hơn chỉ đóng góp cho các nhận thức về giác quan, trong khi điều duy nhất giúp đỡ thức nội tại là trí tuệ. Nếu nó không cung cấp cách thức đối phó với các vô minh che lấp trí tuệ bẩm sinh, thì dù khoa học và công nghê có phát triển thế nào, nó cũng không tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên, khoa học và công nghệ sẽ tạo ra vài ảnh hưởng tích cực, nhưng chúng sinh vẫn chịu nhiều khổ đau.

Đặc biệt trong thế kỷ 20 và 21, người ta nhận thấy điều này rõ ràng hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử loài người. Khi bạn xem tivi, những người nổi tiếng hay các ngôi sao dường như hài lòng về vật chất, nhưng họ vẫn thất vọng; họ vẫn rất tệ.

Bởi vậy món quà lớn lao là được thọ nhận giáo lý Phật Đà trong cuộc đời này, cơ hội lớn lao khi có phương tiện để giải quyết vấn đề tâm, và đặc biệt là cái tôi và các vấn đề đi kèm. Thật tuyệt vời khi trí tuệ và phương tiện thiện xảo được trao truyền không gián đoạn từ thời Đức Phật, khoảng 2500 năm trước. Bởi thế, rất nhiều người đã chứng ngộ nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Giác ngộ không phải khả năng giả thuyết; trí tuệ và phương tiện thiện xảo này đã và đang được sử dụng với thành công lớn lao.

Dòng truyền thừa phương tiện thiện xảo và trí tuệ vẫn còn cho đến nay, và chúng ta có cơ hội là một phần của nó. Chính chúng ta có thể thực hành trong dòng truyền thừa này và trải qua những lợi lạc từ đó. Nếu nó từng bị gián đoạn, sẽ thật khó để tái tạo một dòng như thế.

Thành ngữ Tây Tạng có câu:

“Pháp không phải sở hữu của ai cả; nó là tài sản của bất kỳ ai thực hành nó.”

Nó không phải tài sản cá nhân của bất kỳ vị thầy nào hay nhóm người đặc biệt nào. Nếu vị thầy không thực hành, nó không thuộc về vị thầy, bởi vì Pháp không phải là một nghi lễ trống rỗng. Giống như vậy, nó không phải là tài sản của nhóm người nào, bởi nó không giống như triết học Cộng sản hay tương tự. Nó thuộc về bất kỳ ai thực hành. Bất kỳ cá nhân nào thực hành Pháp sẽ được cải thiện bởi Pháp. Chính bạn có thể là người tận dụng tối đa Pháp.

Pháp như là [đối tượng] Quy y

Mọi giáo lý Phật Đà có hai đặc điểm. Đầu tiên chúng phải là một phương thuốc, hay cách đối trị với các cảm xúc phiền não gây ra khổ đau cho chúng sinh. Chúng cần làm giảm những cảm xúc phiền não mà chúng sinh trải qua, và một cách tuyệt đối tiêu diệt mọi nguyên nhân. Giáo lý Phật Đà cũng cần cung cấp các bước nhờ đó hữu tình chúng sinh tiến lên các cõi cao hơn, và một cách tuyệt đối giải thoát khỏi khổ đau luân hồi và vòng sinh tử.

Các giáo lý cần cung cấp nơi nương tựa theo cả hai cách. Bất kỳ điều gì hòa hợp với hai đặc điểm này là giáo lý Phật Đà. Người ta cũng nói rằng ngoài giáo lý của Phật, những giáo lý như vậy không thể được tìm thấy.

Pháp của Kinh điển và Chứng ngộ

Như ngài Vasubandhu nói trong Abhidharmakosha, giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chia thành hai loại: Pháp của Kinh điển và Pháp của Chứng ngộ.

Khía cạnh Kinh điển của Phật Pháp được duy trì bởi sự nghiên cứu, bao gồm việc giảng dạy, lắng nghe, biên soạn và tranh luận. Điều này liên quan đến cả che, trong tiếng Tạng nghĩa là giải thích Pháp và nyen nghĩa là lắng nghe Pháp.

Khía cạnh Chứng ngộ của Pháp bao gồm thiền định và thực sự chứng ngộ. Khái cạnh này xuất phát từ khía cạnh đầu tiên.

Bằng cách tham gia vào các hoạt động này, chúng ta bảo tồn Pháp không chỉ trong các cuốn sách mà còn trong sự chứng ngộ của chúng sinh. Chúng ta duy trì truyền thống Pháp kinh điển và bảo tồn Pháp chứng ngộ. Nếu chúng ta đánh mất một trong hai, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều còn lại; Pháp sẽ không trọn vẹn. Giống như việc điều này rất quan trọng với chúng ta, với thế hệ tương lai, điều quan trọng là có cơ hội tham gia và trở nên uyên bác cả về Pháp của Kinh điển và Pháp của Chứng ngộ.

Giáo lý và Luận giải

Nói chung có hai kiểu Kinh điển Phật giáo. Ka trong tiếng Tạng là những lời dạy của chính Đức Phật và tencho là các luận giải của các đại học giả xứ Ấn Độ và Tây Tạng.

Ka

Các giáo lý của Đức Phật gọi là ka. Nhưng ka không chỉ gồm những lời mà Đức Phật nói ra. Ví dụ, Bát nhã tâm kinh là ka, nhưng chính ngài Quan Âm đã giảng về Bát nhã tâm kinh, khi trả lời câu hỏi của ngài Xá Lợi Phất. Nguyên nhân nó được xếp vào ka là sự gia trì của Đức Phật được chuyển đến ngài Quan Âm, người trở thành phát ngôn viên của Đức Phật. Vì thế, Bát nhã tâm kinh là “ka khởi lên từ sự gia trì.”

Có rất nhiều dịp khác mà Đức Phật không nói, nhưng âm thanh đến từ nhiều phần khác của thân ngài. Các giáo lý này được gọi là chotrul gyi ka, tức ka kỳ diệu.

Chính Đức Phật gợi ý rằng khi các giáo lý của ngài được kết tập, chúng cần được bắt đầu bằng câu, “Tôi nghe như vầy …” Mọi giáo lý bắt đầu như thế đều là ka.

Những lời dạy của Phật là thanh tịnh, hoàn hảo và an bình. Chúng hòa hợp với sự thật tương đối và tuyệt đối, chân thật, đúng đắn và là phương thuốc cho mọi căn bệnh. Chúng vượt khỏi mọi so sánh.

Tencho

Nghĩa đen của từ tencho trong tiếng Tạng [tiếng Phạn là shastra] là “chỉ ra và chuyển hóa.” Khi bạn được chỉ ra rõ ràng cách thức mọi thứ thực sự là, tâm bạn được chuyển hóa. Sự ngu dốt chuyển hóa thành giác tánh, tiêu cực thành tích cực. Vì thế, mục đích của tencho là chuyển hóa tinh tế tâm của đệ tử, và kết quả của tencho là bạn được bảo vệ khỏi những cõi thấp hơn.

Tencho được viết bởi các học giả. Về Luận, người ta nói rằng bảy bậc trưởng lão chứng ngộ từ truyền thống Tiểu thừa gặp nhau và biên soạn bản shastra đầu tiên, Chedrak Shedzo Chenmo. Để được phép biên soạn một shastra, học giả, ít nhất cần phải hiểu năm ngành khoa học chính và năm ngành phụ.

Năm ngành chính gồm nghệ thuật, y học, ngôn ngữ, logic và triết học nội tâm.

Năm ngành phụ gồm đồng nghĩa, toán học, biểu diễn, thơ ca và biên soạn.

Chỉ người hiểu những ngành này mới có thể biên soạn luận giải về giáo lý Phật Đà. Bên cạnh đó, để có thể biên soạn một bản shastra, họ ít nhất phải chứng ngộ địa thứ nhất hay có thể giao tiếp với Bổn tôn, chẳng hạn Đức Văn Thù. Một cách lý tưởng, tác giả cần trực tiếp trải nghiệm dharmata, chân lý.

Có khoảng một trăm bản ka (Kangyur) bằng tiếng Tạng và khoảng hai trăm bản tencho (Tengyur). Tất cả các bản tencho được viết bởi các đại học giả, những bậc uyên bác mọi ngành khoa học chính và phụ.

 

3. TĂNG

Những bậc với ý định thiện lành

Những bậc nghiên cứu, quán chiếu và thiền định về giáo lý của Đức Phật, và ý định được đặt trên con đường Pháp và giác ngộ được gọi là Tăng [tiếng Tạng là gendun, tiếng Phạn là Sangha]. Từ Sangha nghĩa đen là “những bậc với ý định thiện lành.”

Có hai kiểu đức hạnh: đức hạnh hướng về các hành động trong thế giới này, và đức hạnh tuyệt đối của việc thành tựu Chánh giác.

Quy y Tam Bảo

Những người bình thường bị lạc trong sự chăm sóc và bảo vệ cái tôi và trong các cảm xúc phiền não. Dù đau đớn nào được gây ra bởi việc chăm sóc và bảo vệ cái tôi, đó là cách mà họ sống. Dù họ cố gắng nhiều lần, thái độ này không thể làm họ hạnh phúc hơn, và không giải thoát họ khỏi khổ đau.

Gần như không thể với người thường để hiểu được rằng khả năng của việc buông bỏ cái tôi và làm giảm khổ đau, căng thẳng và hận thù mà chúng ta cảm thấy bên trong, có thể xuất hiện. Nó như thể bạn chắc hẳn rất điên rồ khi đề xuất như vậy. Tuy nhiên, mặt khác, rất rõ ràng là việc nuôi dưỡng và bảo vệ cái tôi là nguồn gốc của mọi khổ đau.

Bởi vậy, con đường của bạn và con đường của chúng sinh thông thường trở nên khá khác biệt. Mặc dù bạn sống như một thành viên trong gia đình và chăm sóc từng thành viên, bạn vẫn nhận thấy bạn đang trở nên khác biệt với phần còn lại. Mặc dù bạn có thể kết hôn và đã thề sống với vợ/chồng, và mặc dù yêu thương và chăm sóc vẫn còn, bởi bạn làm việc với tâm, bạn sẽ nhận ra khoảng cách giữa bạn với vợ/chồng ngày càng lớn.

Sự tách biệt này không dựa trên kiểu thành kiến vào với bạn đời. Nó là kết quả của sự thấu suốt tăng lên mà bạn sở hữu như là kết quả của việc giải quyết vấn đề tâm. Trí tuệ bạn đang vun bồi nhìn ra không chỉ vấn đề của người khác mà còn cả vấn đề của bạn. Điều này liên quan đến việc nhìn ra cái khổ trong cuộc đời, và đâm thủng nguyên nhân của nó, thứ đang bám chấp vào cái tôi.

Chúng ta mong muốn làm việc với các vấn đề tâm lý và cảm xúc bằng cách áp dụng chánh Pháp. Vì thế, chúng ta nhận Đức Phật là người chỉ dẫn và Pháp là con đường, và chúng ta trở thành một phần của Tăng đoàn cao quý.

Mặc dù tình yêu thương, sự chăm sóc và từ bi giành cho người khác tăng lên, và chúng ta vẫn muốn có ích với người khác hơn nữa, con đường của ta trở nên rõ ràng hơn. Vì thế, chúng ta quy y Tam Bảo một cách đúng đắn hơn. Đây là mục đích của việc nghiên cứu và thực hành của chúng ta; quy y một cách đúng đắn, không phải chỉ là nghi lễ. Chúng ta không quy y chỉ để đi theo người khác, mà để phát triển mối quan hệ cá nhân với các đối tượng quy y. Một cách tương đối, chúng ta quy Phật là người chỉ đường, Pháp là con đường và Tăng là những người đồng hành. Một cách tuyệt đối, chỉ có một sự quy y duy nhất, đó là giác ngộ.

Trích: Nghiên cứu Phật học 1, Dzigar Kongtrul Rinpoche
Việt dịch: Nhóm Thuận Duyên.










(CÙNG DỊCH GỈA)


[1] Mười hai hành động gồm: an trú trong Tushita, giáng sinh và nhập vào tử cung, chào đời, tinh thông nghệ thuật, tận hưởng phối ngẫu, từ bỏ thế giới, thực hành khổ hạnh, đạt đến điểm quan trọng của giác ngộ, chinh phục Ma vương, giác ngộ hoàn hảo, chuyển bánh xe giáo Pháp và thị hiện Niết Bàn cuối cùng. Xem Truyền thống Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, quyển II, trang 169, Dudjom Rinpoche.

[2] Các thế lực ma quỷ trong cõi địa ngục.

[3] Xem Kho tàng các phẩm tánh quý giá, Phụ lục 5.

[4] Bốn sự vô úy là (1) Vô úy trong kiến thức của tất thảy mọi vật; (2) Vô úy trong kiến thức của sự ngừng mọi lỗi lầm; (3) Vô úy để tuyên bố dứt khoát rằng các hiện tượng ngăn cản con đường không trở thành thứ gì khác; (4) Vô úy rằng con đường từ bỏ nhờ đó mọi đặc tính hoàn hảo sẽ đạt được, vừa được chứng ngộ.

 

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-16262_5-50_6-3_17-161_14-1_15-1/


Âm lịch

Ảnh đẹp