Mục đích đức Phật chế giới là vì
lòng bi mẫn của Ngài đối với chúng sanh mê muội, tạo nhiều nghiệp bất thiện, sợ
họ phải luân hồi đọa lạc mãi mãi, mà chế ra giới pháp. Ngài chế ra giới luật là
nhằm mục đích giúp chúng sanh ngăn ngừa tội lỗi, hy vọng người Phật tử đã thọ
giới rồi thì phải gìn giữ cẩn thận. Vì người giữ giới sẽ được nhiều ích lợi,
không tạo nghiệp ác đọa lạc; giới là căn bản của trí huệ, là nhân để sinh thiện
diệt ác, nhân giới sanh đinh, nhân định mà phát huệ. Do đó, người đã phát tâm
thọ trì giới pháp thì phải nhất tâm gìn giữ tịnh giới. Nếu chúng ta như pháp
làm theo lời đức Phật dạy, giữ gìn cả giới biểu (nội dung của giới) và giới thể
(bản chất của giới), thì cá nhân đó được tăng trưởng các công đức, xã hội được
hòa bình an lạc. Nếu chúng ta thọ giới rồi mà vẫn còn cảm thấy giới là cái rằng
buộc, không được tự do, thì quả thật người đó đã không hiểu được ý nghĩa của việc
thọ trì giới luật. Giới không phải là để trói buộc, mà giới là viên thuốc an
tâm. Cũng giống như Ba Pháp Ấn của Phật giáo là thuốc chống hư hoại. Nếu không
có giới thì người Phật tử không có nền tảng bền chắc của tự do; còn giáo pháp
không được đặt định trên khuôn mẫu của Ba Pháp Ấn, thì mỗi người hiểu mỗi cách,
rồi không biết y cứ vào đâu nữa. Vì vậy nên gọi Ba Pháp Ấn là thuốc chống ung
thối, cũng vậy không thể xem nhẹ việc giữ giới. Nếu hiểu nhầm, giới là ràng buộc,
thì sau này người đó không thể có tâm cầu tiến mà dám nhận thêm giới nào nữa cả.
Thực tế, nếu hiểu đúng tinh thần của
giới thì việc giữ gìn giới luật của người Phật tử là một phương thuốc ngăn ngừa
các pháp bất thiện, không tạo tội lỗi, mà còn tăng trưởng trí huệ, thân và tâm
được tự do tự tại. Như chúng ta biết, một đất nước thì có pháp luật của đất nước
đó, nhưng mỗi nước mỗi khác, chẳng hạn như nước Mỹ thì không thể áp dụng luật
pháp của nước Nhật, hoặc ngược lại. Như vậy, cứ mỗi đoàn thể thì có một nguyên
tắc sinh hoạt riêng, nhưng đối với việc một người công dân tuân thủ pháp luật,
cho dù một loại hình pháp luật đó nghiêm ngặt đến đâu, nếu người không phạm luật
thì sự nghiêm ngặt đó cũng không có liên quan gì, chẳng hạn như một người công
dân tốt khi nhìn thấy công an thì vẫn bình thường như bao nhiêu người khác,
nhưng nếu một người phạm tội thì trở nên bối rối và sợ sệt, vì công an là người
bảo vệ an ninh cho mọi người. Giới cũng vậy, giữ giới là cách phòng ngừa các
pháp bất thiện và làm tăng trưởng các pháp thiện, một người giữ giới là đã tạo
một sự an toàn cho thân và tâm của chính mình. Trong một xã hội, vì để bảo đảm
an toàn cho mọi người dân, nên phải có pháp luật để ngăn ngừa tội phạm, chỉ cần
chúng ta làm một người công dân tốt thì luật pháp không ảnh hưởng gì đến ta cả,
mà ngược lại nhờ pháp luật mà chúng ta được tự do và công bằng, chúng ta nên hiểu
ý nghĩa này. Giới luật trong Phật giáo cũng vậy, người Phật tử khi phát tâm thọ
giới thì chúng ta đã được giới luật bảo hộ, thoát ra khỏi tội lỗi, tự do an lạc.
Một thể chế của một quốc gia thì có luật pháp của quốc gia đó, còn Phật giáo
thì có giới luật của Phật giáo. Ở thời kỳ đầu, lúc đức Phật mới thành đạo thì
Ngài chưa chế định giới luật, nhưng do vì đệ tử ngày càng đông, nếu không có giới
luật thì tập thể dễ bị rối loạn, cho nên Ngài quyết định chế giới.
Quả thật nếu chúng ta không giữ giới
thì sẽ dễ tạo ác nghiệp, để rồi thọ nhận quả báo xấu ác khiến cho thân và tâm
chúng ta mất tự do; thân thì bị pháp luật giam giữ, chắc chắn tâm chúng ta sẽ bất
an và mất tự do. Vì lừa gạt người khác nên chúng ta đã gạt mình, gạt lương tâm
mình, tức là chúng ta bịt tai để hét lớn; nếu chúng ta không lừa dối mình, thì
không thể nào lừa gạt người khác. Trước khi muốn gạt người khác thì trong tâm
chúng ta đã biết rõ mình sắp đi gạt người khác, nên chúng ta tự gạt chính mình.
Chúng ta tự gạt mình rồi đi gạt người, nếu chúng ta không gạt mình thì làm sao
gạt người khác.
Người không gìn giữ giới luật thì
dễ tạo các ác nghiệp, vì tạo ác nghiệp nên nghiệp lực dẫn dắt chúng ta thọ quả
báo xấu, luân hồi sanh tử triền miên. Là một Phật tử, chúng ta là người hiểu
hơn ai hết về quả báo của nghiệp lực thật đáng sợ, chỉ vì cái nhân ác nghiệp
chưa chín mà thôi, đến khi nhân duyên đã thành thục thì tự nhận quả báo, chính
chúng ta đã làm thì chúng ta phải chịu, không ai chịu thay cho chúng ta cả. Đức
Phật đã cảnh báo cho chúng ta rất nhiều trong kinh điển, chúng ta cần phải thận
trọng. Phật giáo chủ trương không có ngã, không có linh hồn, nhưng Phật giáo
luôn nhấn mạnh ở nghiệp lực, hành vi mang nghiệp lực xấu hay tốt thì nhận quả
báo xấu hay tốt, vì vật khi nhân duyên hội ngộ thì quả báo tự nhận lấy, không
ai có thể thay chúng ta gánh thế được, và càng không thể oán trời trách đất được.
Hiểu được như thế chúng ta cần biết nhân biết quả, làm việc gì thì phải dùng cặp
nhân quả để thẩm định hành vi, được như thế chúng ta mới an toàn, vì thế giữ giới
là tự do chứ không ràng buộc.
Nếu chúng ta không thọ giới và giữ
giới thì khi làm một việc gì xấu, thấy người khác tâm liền sợ sệt lo lắng, nghe
người khác nói thì liền nghĩ rằng có phải hôm qua chúng ta đã làm việc xấu bị
người khác biết hoặc thấy, thế rồi tâm trở nên bất an. Khi tâm chúng ta bất an
thì làm sao mà yên ổn để sống. Nếu chúng ta đã thọ giới và giữ giới thì sự việc
dù có phức tạp đến đâu chăng nữa, tâm chúng ta vẫn cứ được an ổn, vì chúng ta
đã không gạt mình và phản bội lương tâm mình. Hành vi chúng ta không vi phạm đạo
đức thì tâm chúng ta tự nhiên an ổn, thấy ai cũng không sợ. Khi tâm chúng ta được
an ổn thì tâm chúng ta được tập trung, sau khi tâm được an ổn thì chúng ta
không còn phải lo lắng sợ sệt, thân và tâm liền được nhẹ nhàng thanh thoát. Khi
thân và tâm của chúng ta đươc khinh an, nhẹ nhàng thanh thoát thì tự nhiên có định
lực, nhờ có định lực mới có trí huệ sáng suốt.
Đây là ba môn học vô lậu của Phật
giáo – Giới, Định và Huệ, là chìa khóa để mở ta cánh cửa bước giải thoát và
giác ngộ của một người Phật tử, người không biết về ba môn học này thì không thể
tự cho mình là giỏi và hiểu biết. Nếu bỏ qua Giới học và Định học để tu Huệ học
thì sai lầm, vì chúng ta không có gìn giữ giới luật thì làm sao có được thân
tâm tự tại, khinh an để rồi tự nhiên sinh ra định lực, đã không có định lực thì
phát sinh sợ sệt bất an làm sao tập trung tinh thần để tư duy quán chiếu mà
phát sinh trí huệ. Nếu là người thông minh và lưu loát thì chỉ là thế trí biện
thông, điên đảo vọng tưởng, một trong tám đại nạn của Phật giáo. Với một trường
hợp tương tự như thế, chúng ta sẽ rơi vào tà kiến, tư tưởng không lành mạnh, sẽ
mãi mãi làm khổ mình và khổ người khác, sanh tử luân hồi càng quay nhanh.
Thiện Chánh