Ở ĐỜI VUI ĐẠO


Nguyễn Thế Đăng
11/02/2018 18:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 1743
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




trannhantong1
Ảnh minh họa: Đức vua Trần Nhân Tông

Người Việt chúng ta ai cũng biết vua Trần Nhân Tông, người đã trực tiếp đánh thắng quân Nguyên Mông hai trong ba lần đế quốc này xâm lược nước ta. Vua đã xuất gia giữa triều đình, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm còn ảnh hưởngđến tận ngày nay. Nhà vua là người đầu tiên viết văn bằng tiếng Việt thay vì tiếng Hán, và ra lệnh đọc những chiếu chỉ cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Hán. Hai bản văn bằng tiếng Việt do vua sáng tác - Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca - là hai tác phẩm tiếng Việt xưa nhất còn lại đến bây giờ. Thế nên có thể nói, ngày nào tiếng Việt còn thì hai tác phẩm ấy vẫn còn.

Ở đây chúng ta nói về bốn câu kệ kết thúc Cư trần lạc đạo phú. Kệ rằng:

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên 
Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên 
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm 
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên

Tại sao lại “ở đời vui đạo”?. Đạo là thực tại tối hậu, là chân lý tuyệt đối (so với chân lý tương đối), là Pháp thân, là Chân như, là tánh Không, là Như Lai tạng… Người đời thì ở đời vui đời, người giải thoátthì ở đạo vui đạo; ở sắc thì vui sắc, ở Không thì vui Không; tại sao lại ở đời vui đạo?. Đơn giản vì nhà vua là bậc chứng ngộ Đại thừa, thấy đời là đạo, không hai, bất nhị. Nhà vua thấy tướng là tánh, thấy “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, thấy các xuất hiện với giác quan là Pháp thân, nên nói ở đời vui đạo. Nói theo thuật ngữ, đây là “vô trụ xứ Niết-bàn” của Đại thừa, nơi nào cũng Niết-bàn, giờ phút nào cũng Niết-bàn, làm gì cũng Niết-bàn.

Sao lại “hãy tùy duyên”? Tuỳ duyên vì duyên gì cũng là đạo, sắc thanh hương vị xúc pháp nào cũng là Chân như. Cho nên tuỳ duyên mà chẳng tuỳ duyên nào cả, vô công dụng đạo. Tuỳ duyên ở đây là đã đạt đến tánh vàng “bất biến” thì tất cả “tuỳ duyên” đều là vàng. Như Bát-nhã Tâm kinh nói “Không có vô minh cũng không có hết vô minh”. Tuỳ duyên là du hý tam-muội”, “tự thọ dụng tam-muội” vậy.

Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên

Người nào không đói thì ăn, mệt thì ngủ? Nhưng đây chẳng phải là hành động bản năng sinh vật. Đói thì ăn, mệt thì ngủ nơi nhà vua là người không còn bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, không qua trung gian ngăn ngại của bốn tướng; nên hành động đó là trực tiếp, tự nhiên (natural), tự phát (spontanous), không có thời gian, không có không gian. Hành động đó chính là giải thoát.

Chữ thì (tức), được lặp lại hai lần trong cùng một câu này. Đói ăn, mệt ngủ, không vì lý do gì, không bởi cái gì, không để làm gì, không cho điều gì. Đây gọi là tự phát, tự nhiên, nhiệm vận, vô công dụng đạo, vô tâm, sanh mà chẳng sanh…

Đói thì ăn, mệt thì ngủ, chó thì sủa, mèo thì kêu, gà thì gáy, cha ông là đàn ông, mẹ ông là đàn bà… đó là cái như vậy (như thị), không có thời gian, không có không gian, không có tốt xấu, không có đúng sai, không có cái gì (what), không có tại sao (why), không có khi nào (when), không có để cho (for)… Đây là hành động thuần túy, thanh tịnh, không từ một cái tôi đến đối tượng, không bị ngăn cách, đứt khúc bởi bốn cái ngã nhân chúng sanh thọ mạng. Hành động không có giới hạn nên hành động ấy là giải thoát.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Một người thấy và sống được bản tánh của tâm mình, từ trong ra ngoài đều là biểu hiện của Phật tánhtrong sáng và thanh tịnh, thì đây là “trong nhà có báu”. Trong nhà có báu, tự tâm là Phật, thì thế giới bên ngoài cũng là châu báu, cả hai bên trong và bên ngoài đều là ngọc báu, không cách ngăn, đứt hở.

Toàn cả thân tâm, thế giới đều là ngọc báu. Mỗi một sự vật, mỗi một sự cố đều là ngọc báu. Với người hoàn toàn chứng ngộ thì không còn gì là phiền não, kể cả phiền não của chúng sanh, cho nên nói theo kinh Kim cương, độ mà không độ, làm mà không làm, hạnh mà không hạnh.

“Thôi tìm kiếm” vì tất cả đều là Nhất Tâm, vì tất cả khổ đau do phân biệt ta và người, ta và thế giới, phiền não và giác ngộ… đều tan vào Nhất Tâm. Không có gì ngoài cái Nhất Tâm này, thế thì còn gì để tìm kiếm. Như kinh Viên giác nói, “Tất cả đều là Giác”.

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền

Đối cảnh vô tâm nghĩa là không có tâm để đối với cảnh, không có cảnh để ngăn ngại tâm. Tâm và cảnh là “Một tướng Vô tướng” (kinh Đại Bát-nhã).

Vô tâm là không có tâm phiền não, tâm phân biệt. Vô tâm là bản tánh của tâm là tánh Không.

Hỏi phép chân không hề chi lánh ngại thanh chấp sắc Biết Chân như, tin Bát-nhã Chớ còn tìm Phật Tổtây đông. (Hội thứ tư)

Nhưng vô tâm không phải là không có gì hết, nó là “tính sáng, Chân như, Bụt, kim cương, viên giác…”, là những chữ được dùng trong Cư trần lạc đạo phú. Với vô tâm thì cảnh không còn là cảnh, tướng không còn là tướng, mà là tánh Không, tính sáng, chân như, viên giác luôn luôn ở trước mắt: Dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng kim cương Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác. (Hội thứ hai)

Thiền là thực tại tánh Không, tính sáng, chân như, bản tâm luôn luôn trực tiếp hiện tiền trước mắt. Chính vì thực tại luôn luôn trực tiếp có sẵn trước mắt trong mỗi thời gian mỗi hoàn cảnh mà hỏi Thiền là chuyện thừa: “hỏi chi Thiền” Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ. (Hội thứ ba)

Nhà vua nhấn mạnh đến tính chất trực tiếp hiện tiền trong đời sống hàng ngày này bằng trọn hội thứ chín. Ở đây chúng ta chỉ trích ra vài thành ngữ: “Cây bách là lòng”, “trà Triệu lão, bánh Thiều dương”, “ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất”, “gieo bó củi, nẩy bông đèn”, “lộc đào hoa, nghe tiếng trúc”…

Thiền là tất cả những cái ấy, là thực tại trực tiếp hiện tiền trước mắt. Thiền là tất cả đời sống. Tất cả đờisống là sự biểu lộ của Đạo, của Thiền, của tánh Không, tính sáng, chân như, chỉn Bụt là lòng… cho nên khi thấy và sống được như vậy thì ‘chớ hỏi Thiền”; vì có cái gì chẳng phải là Thiền? Đó là “ở đời vui đạo”.

Hơn nữa, “vô tâm” của vua không phải là một cuộc đời ở nơi cô tịch vắng vẻ, xa lánh trần thế. Sự “ở đời” của vua là một cuộc đời luôn luôn hoạt động vì người khác: Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực biết Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc. (Hội thứ tám)

Đạo là nền tảng cho mọi hoạt động ở đời, và mọi hoạt động ở đời chính là Đạo. Đây là “Ở đời vui Đạo” của vua Trần Nhân Tông

Thư Viện Hoa Sen

https://thuvienhoasen.org/a29327/o-doi-vui-dao


Âm lịch

Ảnh đẹp