Một giải pháp cho thế kỷ 21 theo quan điểm đạo Phật


Hòa Thượng P.A. Payutto Minh Hạnh chuyển ngữ
06/12/2011 07:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 148515
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hòa Thượng P.A. Payutto được coi như là một trong những tu sĩ Phật giáo uyên bác nhất ở Thái Lan. Ngài thuyết giảng về nhiều đề tài, từ xã hội, chính trị, kinh tế đến khoa học... Tuy nhiên, tất cả đều được đặt nền trên giáo lý đạo Phật. Tác phẩm "Buddhadhamma" (Phật pháp) dầy hơn 1.000 trang của ngài là một tác phẩm nổi tiếng. Hiện nay, Ngài được biết đến dưới tên Dhammapitaka, một danh hiệu được đức Vua Thái Lan ban cho.

Bài viết dưới đây là bài phát biểu của Ngài trong Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Chicago, USA năm 1993, đúng 100 năm sau Hội Nghị lần thứ nhứt, cũng được tổ chức tại thành phố nầy năm 1893.

Đây là lần đầu tiên trong thế kỶ 20, chúng ta đã tổ chức một hội nghị tôn giáo quốc tế có tầm mức quan trọng như thế này. Trong khoảng thời gian một trăm năm từ hội nghị lần trước, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi lớn lao. Chúng ta hiện đang ở vào thời đại được gọi là "xã hội thông tin hậu kỸ nghệ" hay "hậu chiến tranh lạnh". Với sự cáo chung của cuộc chiến tranh lạnh, sự căng thẳng và nỗi sợ hãi - kết quả do sự đe dọa của một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường và một thế giới chia cắt thành những phe phái ý thức hệ - đã hình như biến mất. Nhiều người cảm thấy rằng, thế kỶ 21 sắp tới, nhân loại sẽ được may mắn sống trong hòa bình hơn. Thế nhưng, sự việc đã nhanh chóng cho thấy rõ rằng không phải như thế. Trong khi hình như chúng ta đã tránh được một sự tiêu hủy toàn diện với cuộc chiến tranh nguyên tử, thì nhiều cuộc chiến tranh với tầm cỡ nhỏ hơn đã nổ ra nhiều nơi trên thế giới. Những cuộc chiến tranh này còn khó kiểm soát hơn cả cuộc chiến tranh lạnh, vì, mặc dù có sự đe dọa hiển nhiên, cuộc chiến tranh lạnh vẫn khó có thể phát triển tới mức độ tấn công toàn diện. Do vậy, sự đe dọa của cuộc chiến tranh nguyên tử vẫn còn. Thực tế là, với vũ khí nguyên tử rải rác ra nhiều quốc gia, sự đe dọa còn lớn lao hơn.

Mặc dù những cuộc chiến tranh ý thức hệ hình như đã qua đi, giờ đây, nhiều cuộc chiến tranh đã bùng nổ dữ dội và tàn bạo hơn vì những xung đột tôn giáo và chủng tộc. Những cuộc đấu tranh dân quyền và xung đột chủng tộc đã trở thành phổ biến trên khắp thế giới. Thêm vào đó, sự khủng bố đã càng lúc càng phổ biến và hung bạo hơn. Sự kiện là, thế giới đã trở thành nhỏ hơn qua sự phát triển của kỸ thuật thông tin không những chỉ trong lãnh vực du lịch và truyền thông mà còn cả việc bành trướng chủ nghĩa khủng bố nữa. Bọn khủng bố đã lợi dụng phương tiện kỸ thuật truyền thông để tạo sự bất an cho con người trong khi di chuyển, du lịch, đồng thời cũng gia tăng sự nguy hiểm trong mọi quốc gia.

Lòng thù hận và sự bất tín lẫn nhau đã gia tăng mạnh mẽ bởi sự tranh chấp tài nguyên thiên nhiên. Cuộc chạy đua của lòng tham nhằm chiếm giữ tài nguyên thiên nhiên đã làm cho vấn đề trở nên khó khăn gấp bội vì không những chỉ gây ra xung đột trong xã hội loài người mà còn ngay cả trong môi trường thiên nhiên. Một mặt, có nhiều vấn đề về môi sinh, và mặt khác, có sự gia tăng phá hoại giữa con người với nhau.

Sự khủng hoảng môi sinh và sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên bắt đầu trở nên rõ ràng chỉ vào cuối thế kỶ này, và chúng sẽ tạo một ảnh hưởng lớn lao cho nhân loại vào thế kỶ 21. Con người thế kỶ 21 sẽ nhận lấy hậu quả của sự phá hoại do con người thế kỶ 20 gây ra. Số lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của quả địa cầu đã tích lũy qua hàng trăm triệu năm hầu như đã bị con người tiêu phí đi chỉ trong vòng một, hai trăm năm.

Tất cả những vấn đề nầy đều bắt nguồn từ thái độ gây hấn, thiếu thân thiện, mà chúng đã được nuôi dưỡng bởi quyền lực mù quáng mà đạo Phật gọi là sân (dosa) và tham (lobha). Tham và sân là hai lực mạnh mẽ của tâm thức. Nhờ sự phát triển của kỸ thuật, đặc biệt là nền kỸ thuật cao (high technology) chuyên về thông tin và truyền thông, tham lam và sân hận đã lợi dụng nhiều phương tiện, dụng cụ hơn. KỸ thuật đã trở thành một tên tay sai của lòng tham và sân hận, và sự tiến bộ kỸ thuật, trong dạng thức phát triển kỸ nghệ đã hầu như chỉ phục vụ cho mục đích của chúng. Khoa học, kỸ thuật, và sự phát triển của kỸ thuật thông tin và truyền thông đã được dùng đến nhằm mê dẫn con người đến việc tiêu xài hoang phí cẩu thả, sự ngu dốt và say sưa, hơn là hướng về sự phát triển cá nhân hay là nâng cao phẩm chất của đời sống. Người ta đã sử dụng khoa học, kỸ thuật để tìm kiếm những điều mà họ thèm khát, và như thế đã tạo ra những sự bất hòa, tranh chấp. Lòng thù hận đã tràn đầy trong những cuộc xung đột tôn giáo và chủng tộc. Điều này lại càng được đẩy mạnh hơn bởi ảnh hưởng của lòng tham và sự giành giật tài nguyên thiên nhiên.

Tham và sân đã từng là nguyên nhân của nhiều vấn đề của nhân loại, cả trong lãnh vực cá nhân cũng như xã hội, và ngay đến vấn đề môi sinh nữa. Vậy thì, để thực sự giải quyết những vấn đề nầy, chúng ta phải kiểm soát được tham và sân.

Những điều kiện tự nhiên của tham và sân có thể dễ kiểm soát hơn, và dễ dập tắt hơn, nếu chúng không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thứ ba, mà đạo Phật gọi là kiến (ditthi), như quan điểm và tín ngưỡng. Ý thức hệ, tín ngưỡng tôn giáo và những giá trị xã hội là những khía cạnh của kiến. Khi nào lòng tham, sự giận dữ và lòng thù hận được tăng cường bằng đức tin và những giá trị xã hội, chúng sẽ có một hướng tiến rõ ràng, một thúc đẩy dẫn chúng tới những hành vi phá hoại hơn. Tham và sân, nếu được nuôi dưỡng và tiếp trợ bởi ảnh hưởng của tà kiến và đức tin mù quáng sẽ làm cho chúng khó giải quyết hơn.

Chấp vào những ý thức hệ và những giá trị xã hội khác nhau, cho dù có ý thức hay không, sẽ trở thành cộng nghiệp (nghiệp ở tầm mức xã hội), một hệ quả có ảnh hưởng rộng rãi. Nghiệp (kamma) thường có nghĩa là hành động, nhưng trong giáo lý đạo Phật, nó có ý nghĩa đặc biệt, chỉ những hành động có ý hướng, hay tác ý. Khi hành động được dựa trên một ý hướng xấu - như tham, sân, sợ hãi, và lừa dối - chúng sẽ được gọi là nghiệp bất thiện, sẽ dẫn tới những kết quả khó chịu, bất như ý. Khi hành động được dựa trên những ý hướng tốt - như bố thí, giúp đỡ, kiên nhẫn và trí tuệ - chúng sẽ được gọi là nghiệp thiện, sẽ dẫn tới những kết quả dễ chịu, như ý. Nghiệp không những vận hành ở bình diện cá nhân, mà còn ở bình diện tập thể nữa. Cả một đám đông có thể bị giục đẩy vào tình trạng giận dữ, kích động hay sợ hãi, và hành động của họ sẽ tùy thuộc vào trạng thái tinh thần đã ảnh hưởng họ. Những hành động tạo ra những kết quả tập thể sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Thí dụ như, khi một quốc gia chọn theo một giá trị xã hội xấu, như chủ nghĩa duy vật chẳng hạn, thì cả quốc gia phải nhận chịu hậu quả của giá trị xã hội đó, cho dù có chấp nhận nó một cách ý thức hay không. Những kết quả này ảnh hưởng tới từng cá nhân đến mức độ nào sẽ tùy thuộc vào mức độ mà mỗi cá nhân đã cam kết, liên hệ với giá trị xã hội đó, và cũng tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người. Thế nên, cả xã hội có thể bị thúc đẩy theo một chiều hướng nào đó qua những tín ngưỡng và giá trị xã hội tập thể. Đó là lý do tại sao đạo Phật đã coi tín ngưỡng có một ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hành động nghiệp báo. Tham và sân sẽ trầm trọng hơn và khó kiểm soát hơn nếu chúng dựa trên tà kiến, mê tín, và những giá trị xã hội xấu. Ngược lại, tham và sân sẽ ở mức độ nhẹ hơn, dễ kiểm soát hơn, và có thể dập tắt hẳn nếu chúng dựa trên chánh kiến, chánh tín, và những giá trị xã hội tốt.

Ngày nay, lòng tham và sân hận đang phát triển một cách xuôi chèo mát mái. Chúng được ủng hộ và dựa trên một nền tảng mạnh mẽ của tà kiến. Trong những thập niên trước, chúng ta đã chứng kiến nhiều vấn đề về ý thức hệ và thế giới đã chia thành hai phe. Giờ đây, sự tranh chấp giữa những ý thức hệ này đã suy cạn, thế nhưng, chúng ta vẫn chưa giải quyết được những vấn đề về chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc, và chủ nghĩa biệt phái. Ý thức hệ là một loại kiến chấp, và vì thế chúng ta hãy quay lại bình diện kiến chấp và đức tin để tìm một giải pháp.

Một cách tổng quát, đức tin đang khống chế nền văn minh nhân loại đã dựa trên ba nhận thức chính:

Nhận thức rằng nhân loại được tách biệt khỏi thiên nhiên, và phải kiểm soát, khống chế hoặc sử dụng thiên nhiên theo ước vọng của họ.

Nhận thức rằng đồng loại không phải là "những con người như nhau". Nhận thức nầy nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa con người với nhau thay vì tìm những điểm tương đồng.

Nhận thức rằng hạnh phúc chỉ có thể có được bằng sự dư thừa sở hữu vật chất.

Nhận thức đầu tiên là một thái độ hướng về thiên nhiên; nhận thức thứ hai là một thái độ hướng đến đồng loại; và nhận thức thứ ba là một nhận thức về mục đích của đời sống.

Ba niềm tin hay nhận thức trên đã qui định hướng phát triển của nhân loại. Rất dễ dàng nhìn rõ vai trò của chúng trong thời hiện đại, trong đó nhân loại hầu như hoàn toàn bị chúng khống chế. Bị giữ chặt dưới quyền lực của chúng, hành động của chúng ta trở thành cộng nghiệp ở tầm mức xã hội. Thế nên sự phát triển của xã hội loài người đã được hướng dẫn bởi nghiệp - hoặc hành động - của những con người mê muội vì ba nhận thức sai lệch trên.

Khi lòng tham và sân hận được đặt nền trên hoặc ủng hộ bởi kiến chấp - cho dù là tôn giáo, chính trị hay điều gì khác - chúng sẽ được đẩy mạnh và củng cố, với những hệ quả tản rộng rất khó điều chỉnh. Bao lâu mà kiến chấp chưa được định vị đúng đắn thì lòng tham và sân hận khó có thể dập tắt.

Các khoa học và các môn học khác - đã dẫn đến sự tiến bộ vật chất trong thời hiện đại và cũng đã đặt nền cho nền văn minh hiện đại - đã phát triển một cách vô ý thức dưới ảnh hưởng của ba nhận thức nầy. Thí dụ như, khoa học thiên nhiên đã phát triển dưới ảnh hưởng của ước vọng muốn chinh phục thiên nhiên, là đã dựa trên nhận thức thứ nhứt - nhận thức rằng nhân loại tách rời khỏi thiên nhiên; khoa học xã hội đã nhìn con người trong khía cạnh phe phái và đấu tranh quyền lực thay vì nhìn họ như là những người bà con hay là những người bạn đồng cư trên quả địa cầu thân yêu; khoa học nhân văn được phát triển dưới ảnh hưởng của ý niệm tự do và hạnh phúc là những điều kiện ngoại tại - kết quả của sự kiểm soát thiên nhiên hoặc những đồng loại khác.

Trong những năm sắp tới, nhân số trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng, tài nguyên thế giới sẽ tiếp tục suy giảm, và môi sinh sẽ tiếp tục băng hoại. Ba nhận thức sai lệch trên sẽ đẩy cao các vấn đề nầy tới mức độ nguy kịch hơn. Trong khi nhân số gia tăng và tài nguyên suy giảm, chúng ta tiếp tục cảm nhận rằng sự hạnh phúc tùy thuộc vào những thú vui cảm tính và sự sở hữu vật chất, rằng tự do như là quyền lực kiểm soát các điều kiện bên ngoài, và rằng đồng loại như là những kẻ kình địch và xa lạ. Chúng ta đang chịu áp lực càng lúc càng tăng nhằm cạnh tranh với nhau để chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên. Dưới sự hướng dẫn lệch lạc của ba kiến chấp sai lầm nầy, chúng ta cũng đã hình thành nếp sống dẫn tới sự nảy sinh những căn bệnh xã hội như nghiện ngập, bạo động, thần kinh căng thẳng, bệnh tâm thần, tự tử, và AIDS - và nhiều di sản của thế kỶ 20 mà công dân thế kỶ 21 phải đối phó.

Để giải quyết những vấn đề của lòng tham, sân hận, ích kỶ và tương hoại, chúng ta phải đối phó với vấn đề kiến chấp (thành kiến) và thái độ. Khi chúng ta nói về kiến chấp là chúng ta đã bước vào lãnh vực của tôn giáo. Tôn giáo đối phó với vấn đề kiến chấp và tự nó là một loại kiến chấp. Để tôn giáo có thể giải trừ những vấn nạn của thế giới một cách hiệu quả, nó phải được dựa trên chánh kiến (right view = sammaditthi), và chánh kiến đó phải được truyền bá trên thế giới, hơn là chỉ khuyến khích và dạy dỗ theo ba nhận thức sai lệch trên.

Các nước phát triển đã đồng ý rằng nhận thức thứ nhất - nhân loại tách biệt khỏi thiên nhiên, và tham vọng chinh phục thiên nhiên - là một sai lầm. Các nhà môi sinh học nhấn mạnh rằng chúng ta phải bắt đầu nhìn con người như một phần của thiên nhiên và con người phải học cách sống hòa bình với thiên nhiên. Đó là một dấu hiệu rất tốt. Nó cho thấy rằng chúng ta đang bắt đầu để ý tới nhận thức đầu tiên trong ba nhận thức độc hại trên. Mặc dù đó là một khởi đầu tốt, nhưng nó chưa đầy đủ. Ba nhận thức trên đều tương liên với nhau, và chúng phải được chú ý tới đầy đủ để thực sự có thể giải quyết vấn đề.

Một yếu tố khác liên quan đến những vấn đề hiện đại là cách mà chúng ta nhìn nhau. Đây là thái độ thứ hai mà chúng ta phải sửa đổi. Các tôn giáo chúng ta gặp nhau hôm nay là nhằm tìm kiếm một đường hướng để giúp con người sống hoà bình với nhau và làm thuyên giảm những nỗi khổ trên thế giới. Đây là một mục tiêu cao cả, một nỗ lực đúng lúc - có lẽ hơi trễ một chút - nhưng trong chính các hàng giáo phẩm, chúng ta phải thừa nhận rằng, tôn giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong việc làm nảy sinh ra những vấn đề mà tôi đã nói. Cho đến nay, trên khắp thế giới, tôn giáo là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự chia rẽ và bất hòa, ngay cả đến chiến tranh và bạo hành nữa. Để thực sự có thể giải trừ những vấn nạn nầy, chúng ta phải đủ dũng cảm nói ra và thành thật nhìn vào chính chúng ta trước khi có thể dạy dỗ hay kêu gọi, thuyết phục người khác. Chúng ta phải can đảm nhìn lại và truy tìm trong chính tôn giáo của mình để tìm ra những nguyên nhân, những lý do, mà trong quá khứ, con người đã giết nhau và gây ra những cuộc chiến tranh vì tôn giáo. Nếu chúng ta có thể tìm thấy điều đó, thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề.

Tôn giáo của chúng ta đã dạy chúng ta nhìn những người theo các tôn giáo khác như thế nào? Họ có dạy chúng ta nhìn người khác đạo với lòng tương kính, tình huynh đệ và hòa thuận, hay họ dạy chúng ta nhìn những người khác đạo như những kẻ thấp kém hơn, những kẻ tội lỗi, thiếu văn minh, lầm đường lạc lối, là những kẻ cần phải tiêu diệt đi? Nhiều tôn giáo đã có khuynh hướng giúp đỡ chỉ một nhóm người chọn lọc, khuyến khích sự hòa ái và thân thiện chỉ trong nhóm của họ, còn tiếp xúc với người khác thì lạnh nhạt, thiếu thân thiện. Đây chính là lý do mà tôn giáo đã là một sức mạnh chia rẽ trong lịch sử nhân loại, một chất xúc tác dẫn tới chiến tranh và tàn phá.

Nhiều giáo huấn thích hợp cho một nhóm nhỏ thì giờ đây không còn thích hợp cho "ngôi làng toàn cầu" (Global Village) nữa. Chúng không còn thích ứng trong hoàn cảnh hiện tại. Sự phát triển vật chất đã nối liền hành tinh này bằng những phương tiện truyền thông nhanh chóng, nhưng nhiều giáo huấn vẫn còn tính cách "bộ phái" (sectarian) và không chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng sống chung với nhau ở trình độ toàn cầu. Hình như là sự phát triển nhân cách con người không tương xứng với tình trạng thế giới vật lý. Tôn giáo chưa hòa điệu với việc giải quyết những nhu yếu của con người ở trình độ toàn cầu. Chúng ta thấy rằng, tôn giáo, thay vì là những yếu tố đưa tới sự tương thuận và hòa ái trên thế giới, lại là nguyên nhân cho nhiều tranh chấp và xung đột, chiến tranh và tàn sát đẫm máu.

Chúng ta phải thẩm định lại vai trò của các tôn giáo, và xét lại thái độ và kiến chấp của chúng ta. Nếu tôn giáo giữ một vai trò xây dựng trong việc phát triển nhân cách, thì nền tảng của những kiến quan nầy phải được đặt nền một cách đúng đắn và vững chắc. Con người phải được khuyến khích nhìn nhau một cách bình đẳng, tương kính và chấp nhận nhau, nhìn nhau với thái độ hài hòa, tương thuận.

Trong khi chưa thể nhìn nhau một cách tích cực như thế, thì ít ra, chúng ta có thể giải trừ tình huống tiêu cực bằng cách dạy rằng: giết người là một tội ác, là một hành động xấu. Giết người, cho dù người đó làm nghề gì, thuộc tôn giáo nào, chủng tộc nào, phe phái nào, thì luôn luôn là một tội ác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng nền tảng căn bản nầy.

Đời sống chúng ta đầy những tranh chấp và xung đột. Nếu chúng ta nhìn sâu vào tình trạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, lý do mà những giá trị như nhân quyền và sự khoan dung tôn giáo đã trở thành rất quan trọng trong thời đại nầy là vì chúng ta đang sống trong một thời đại của sự tranh chấp, và nếp suy tư của chúng ta thì quá chia rẽ và bè phái, cục bộ. Trong khi sự quan trọng của những quan niệm như nhân quyền và sự khoan dung tôn giáo phải được đề cao, chúng ta cũng phải nhận rằng, sự quan trọng nầy dựa trên một thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ. Phần lớn tư tưởng của nhân loại vẫn bắt nguồn từ nhị nguyên luận. Nhân quyền là sự bảo đảm của chúng ta để không tàn phá lẫn nhau, trong khi chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ như thế.

Quan niệm về nhân quyền khởi phát từ một bối cảnh lịch sử của sự chia rẽ, kỳ thị và tranh chấp. Chúng rất cần thiết để bảo vệ tránh sự tấn công của kẻ khác, là một trả lời trong một tình huống tiêu cực: Khi nền văn minh bị đe dọa bởi sự khiêu khích, tấn công và tranh chấp, thì rất cần thiết phải có một vài phương thức bảo vệ nào đó. Nguyên nhân của nhân quyền đã dẫn đến việc thiết lập luật pháp và những qui định trong cố gắng giữ vững sự hài hòa trong xã hội chúng ta. Trong các nước phát triển, những phẩm tính nầy có hiệu quả và cũng rất hữu ích cho cả thế giới. Trong khi nhân quyền rất hữu ích trong khuôn khổ nhằm giải hòa những mối bất đồng, chúng không phải là điều lý tưởng. Chúng chỉ là sự đồng thuận. Đồng thuận không có khả năng hướng dẫn nhân loại tới sự hòa hợp và thống nhất chân chính. Đồng thuận chỉ là tình trạng mà mỗi bên đồng ý tự giới hạn mình và cho phép người khác làm một số việc gì đó để cùng đạt tới ích lợi chung. Nó đòi hỏi phải có một phẩm chất cao của năng lực hành động và sự kham nhẫn đầy trí tuệ.

Tự yếu tính, quan niệm về nhân quyền có ba thiếu sót lớn:

* Trước hết, quan niệm đó tự nó là kết quả của sự chia rẽ, xung đột và tranh chấp. Ý tưởng về nhân quyền được hình thành nhằm bảo đảm sự tự bảo tồn và bảo vệ quyền lợi chung. Nhân quyền chỉ đạt được bởi đòi hỏi.

* Thứ hai, nhân quyền là một qui ước (convention), là một sản phẩm hoàn toàn nhân tạo chứ không hiện hữu trong điều kiện tự nhiên. Chúng không phải là những "quyền tự nhiên" (natural rights). Là một sản phẩm nhân tạo, chúng không được đặt nền vững chắc trên sự thực. Để có hiệu lực, chúng phải đuợc bảo vệ bởi luật pháp và phải được chấp thuận từ mọi phía. Để cho nhân quyền được tồn tại lâu dài và vững chắc, chúng phải được liên hệ tới thực tế tự nhiên, và để được như thế, tâm thức con người phải được phát triển đến mức độ con người sẵn sàng ca ngợi nhân quyền. Chỉ có cách nầy nhân quyền mới được dựa trên một chân lý tự nhiên và được chấp nhận.

* Điều nầy dẫn chúng ta đến sự thiếu sót thứ ba của quan niệm nhân quyền, đó là, chúng chỉ là qui ước cho hành vi xã hội. Chúng không đào sâu đến vấn đề động cơ tinh thần (mental motivation). Hành vi xã hội luôn liên hệ đến động cơ tinh thần. Động cơ tinh thần hình thành và hướng dẫn hành vi xã hội. Nếu nền tảng tinh thần sai lầm, ngay đến những hành động có vẻ có ý hướng tốt cũng dẫn đến sự tranh chấp.

Trong khi chúng ta phải tiếp nhận những yêu cầu của các nhà hoạt động cho nhân quyền, chúng ta cũng phải phân tích phẩm chất tinh thần của họ trước khi chúng ta có thể hiểu rõ tình huống. Khi chúng ta nhìn sâu vào những động cơ tinh thần đàng sau các yêu cầu của nhân quyền, chúng ta thấy rằng chúng thường được dựa trên hoặc ảnh hưởng bởi lòng sân hận, phẫn uất hay sợ hãi. Khi mà có những cảm tính như thế, thì sẽ rất khó khăn để đạt đến một kết quả thật sự tốt đẹp từ những hoạt động cho nhân quyền, bởi vì cảm tính căn bản đàng sau chúng không có hài hòa thật sự. Khi mà những hoạt động nhân quyền được thúc đẩy bởi những động cơ xấu, thì hành vi hệ quả sẽ rất khó khăn để đạt được kết quả đòi hỏi.

Lạm dụng nhân quyền phải được nhận rõ trong tận đáy sâu tâm thức của từng cá nhân, và đây là điều quan ngại cho sự phát triển nhân cách. Chúng ta cũng cần phải tiến tới một phương thức suy tư hoặc một nhận thức về sự tương quan nhân loại tích cực hơn. Nghĩa là, chúng ta phải nhìn nhân loại như bà con láng giềng. Chúng ta đều bình đẳng trước cặp mắt của qui luật tự nhiên, chúng ta là những chủ thể bình đẳng trước những qui luật tự nhiên.

Tuy nhiên, điều nầy tự nó chưa phải là một suy tư tích cực. Chúng ta phải nhìn con người vừa bình đẳng vừa hợp nhất. Thời nay, người ta đã nói quá nhiều về bình đẳng, nhưng thường hướng tới loại bình đẳng đầy sự chia rẽ và tranh chấp. Một nhận thức về bình đẳng như thế dẫn tới thái độ tranh chấp về các quyền bình đẳng. Đó là sự bình đẳng dựa trên lòng tham, hoài nghi và sợ hãi. Sự hợp nhất rất cần để ngăn chận động cơ thúc đẩy sự bình đẳng khỏi bị chia rẽ. Hợp nhất là một ước vọng và sở thích được sống với nhau, một thái độ dẫn tới sự kết hợp và liên minh. Nó không đơn giản là sự đồng thuận trước sự cạnh tranh, mà nó là sự phát triển của sự hợp tác vào tính hài hòa.

Cạnh tranh phải được quân bình bởi sự hợp tác và được nâng đỡ bởi điều mà đạo Phật gọi là tâm từ (metta), một tình thương yêu phổ quát, không giới hạn, không điều kiện. Rất ít người thực sự hiểu về thiện ý hay tình yêu. Họ có thể yêu, nhưng đó là tình yêu hạn hẹp, kỳ thị, chia rẽ và điều kiện hóa - họ thương những người cùng nhóm, nhưng không thương những người khác nhóm. Tình yêu thương và thiện ý phải được chan rải khắp nơi, vượt mọi biên giới, hướng đến mọi đời sống hiện hữu trong vũ trụ.

Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không bảo tồn được những truyền thống văn hóa độc đáo của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta được sinh ra từ nhiều nơi khác nhau, và sống trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, thế nên bảo vệ truyền thống và những nền văn hóa dân tộc cần được tiếp tục. Thuận theo và thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên dẫn tới sự hòa hợp và hạnh phúc trong hoàn cảnh đặc biệt đó. Những nền văn hóa dân tộc có thể và nên được bảo vệ, và sẽ trở thành giai đoạn hợp nhất trung gian để hướng tới sự hợp nhất toàn cầu tuyệt hảo. Thế nên, chúng ta có sự đa dạng trong hợp nhất. Bảo tồn truyền thống phải được thực hiện với trí tuệ và sự hiểu biết, chứ không phải với ảo tưởng và kiến chấp mù quáng.

Nếu chúng ta thực hành đúng đắn đối với vấn đề phát triển nhân cách, nhân số sẽ tăng từ nhiều nhóm cô lập thành những cộng đồng toàn cầu, một cộng đồng dung hòa cả tính khu vực và tính toàn cầu.

Con người được phát triển tốt đẹp sẽ tránh được phẩm tính xấu mà đạo Phật gọi là chấp thủ (macchariya) trên năm phương diện.

Năm loại chấp thủ như sau:

Chấp thủ tính địa phương và tính quốc gia.
Chấp thủ về gia đình, dân tộc và tôn giáo.
Chấp thủ về sự giàu có vật chất.
Chấp thủ về giai cấp, bao gồm địa vị xã hội, màu da và nhiều vấn đề khác.
Chấp thủ về kiến thức và sự học hỏi, bao gồm những thành tựu trí thức và giải trí.

Sự phát triển nhân cách đúng đắn được biểu lộ qua sự vắng mặt của năm loại chấp thủ kể trên và đề cao tính xả chấp hoàn toàn. Khi cần định mức phát triển nhân cách, chúng ta phải để ý đến sự có mặt hay vắng mặt của năm loại chấp thủ nầy.

Đã đến lúc chúng ta phải dứt bỏ năm loại chấp thủ nầy để cứu thế giới khỏi sự đe dọa của chiến tranh và tàn phá. Tuy nhiên, trong hiện tại, hình như ở trạng huống ngược lại. Không giống như sự phát triển kỸ thuật giúp đẩy mạnh truyền thông và sự tương duyên, thái độ tâm thức căn bản của con người hiện tại lại là thái độ cạnh tranh dữ dội, tự bảo tồn và bảo vệ quyền lợi của mình bằng sự thiệt thòi của kẻ khác. Nhân quyền trở thành dụng cụ để bảo vệ quyền lợi cá nhân. Chúng giúp cho thế giới tụ lại với nhau trong khi thế giới vẫn bị khống chế bởi nếp suy tư chia rẽ.

Tôi đã nói về hai thái độ hay kiến chấp quan trọng đã ảnh hưởng đến hành động của con người trong thời hiện đại: nhận thức đối kháng xem cuộc đời, một mặt, như một cuộc chiến đấu chống lại đồng loại, mặt khác, cũng chống lại thiên nhiên. Thái độ căn bản của con người là thái độ tìm kiếm sự chiến thắng. Loại thái độ nầy không còn đứng vững nữa. Chúng ta phải học sống hài hòa, với người khác và với môi trường thiên nhiên. Chúng ta có hai người "bạn", người bạn nhân loại và người bạn môi trường thiên nhiên. Họ không phải là đối thủ hay kẻ thù mà ta phải chiến thắng, nhưng là những người bạn mà ta cần học để hợp tác.

Để thực sự giải quyết hai kiến chấp sai lệch nầy, chúng ta phải đào sâu tới thái độ căn bản thứ ba từng tô điểm nhận thức con người, nhằm đối phó với sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa căn bản hay mục đích của đời người. Con người đã từng khao khát tự do, nhưng định nghĩa của họ về tự do thì không rõ ràng và bất nhất. Nhận thức về tự do thường thấy trong nền văn minh hiện đại là sự vắng mặt của biện pháp hạn chế từ bên ngoài, khả năng kiểm soát người khác và thế giới thiên nhiên. Một nhận thức về tự do như thế đã điều kiện hóa cách thức chúng ta nhìn những phẩm tính khác của đời sống, thí dụ như sự hạnh phúc. Nếu chúng ta nhìn tự do như là khả năng kiểm soát và sử dụng sự vật khác, như cách chúng ta tích lũy sở hữu vật chất và kiểm soát thiên nhiên, thì khi ấy, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta càng sở hữu nhiều thì chúng ta càng hạnh phúc.

Hiện nay, nhận thức nầy đã sa lầy với sự xói mòn của môi sinh, và chúng ta thấy rằng, tài nguyên thiên nhiên không còn đủ để minh chứng nhận thức đó nữa. Điều nầy dẫn đến tình huống là chúng ta buộc phải nhân nhượng, thỏa hiệp. Bằng một cách thức tương tự như khi chúng ta nhân nhượng với nhau, chúng ta cũng buộc phải nhân nhượng với thiên nhiên. Nếu chúng ta tìm kiếm hạnh phúc theo mức độ mà sự ham muốn đòi hỏi thì sẽ không bao giờ chấm dứt sự sử dụng thiên nhiên. Làm như thế là chúng ta tự đưa mình đến tình trạng nguy hiểm - vì tài nguyên thiên nhiên bị tiêu mòn và môi trường sinh sống bị tổn hại, và sự an toàn của chúng ta bị đe dọa. Và vì thế chúng ta phải tương nhượng. Để giữ cho thiên nhiên và con người cùng tồn tại, chúng ta đồng ý từ bỏ một vài thú vui cá nhân. Sự tương nhượng này được thực hiện vì nó cần thiết, và chúng ta không cảm thấy hạnh phúc vì nó. Đó là một sự hy sinh mà chúng ta buộc phải làm để còn tồn tại. Lý do đã dẫn chúng ta đến tình huống nầy là vì thái độ sai lầm của chúng ta.

Nói vắn tắt, để con người được sống hạnh phúc phải có tự do ở ba trình độ.

* Tự do đầu tiên là tự do được sống với thiên nhiên và môi trường sinh sống. Chúng ta có thể gọi đây là tự do vật lý. Đây là tự do khỏi sự ràng buộc của ước muốn và sự tước đọat, chỉ cần cung cấp vừa đủ cho bốn loại nhu yếu cần thiết cho đời sống - thực phẩm, quần áo, nhà cửa và thuốc men (danh từ đạo Phật gọi là tứ sự). Điều nầy cũng bao gồm tự do khỏi những thiên tai, và khả năng có thể đối phó với chúng khi chúng xảy ra.

* Thứ hai, chúng ta phải có tự do trong quan hệ với đồng loại. Nghĩa là, sống an toàn với nhau mà không bị bóc lột bởi kẻ khác. Chúng ta có thể gọi đây là tự do xã hội.

* Tuy nhiên, hai hình thức tự do kể trên sẽ không thực sự có hiệu quả nếu chúng không liên hệ đến hình thức tự do thứ ba, một tự do nội tâm, tự do cá nhân. Phát triển nhân cách ở trình độ cá nhân, sẽ dẫn tới sự tự do nội tâm, là nhiệm vụ quan trọng nhất của con người hiện tại. Có tự do vật lý và tự do xã hội, chúng ta phải học cách sống độc lập như thế nào, để được hạnh phúc và hài lòng với chính mình. Đây là tự do nội tâm. Đây là niềm hạnh phúc hoàn toàn độc lập với bên ngoài, không còn tùy thuộc vào sự bóc lột thiên nhiên hay đồng loại. Chúng ta trở nên càng lúc càng có khả năng tìm thấy sự an lạc trong chính tâm hồn chúng ta, bằng chính trí tuệ của chúng ta. Khả năng an lạc mà không có sự bóc lột thiên nhiên và đồng loại là một dạng thức độc lập khỏi những điều kiện thiên nhiên và xã hội. Niềm hạnh phúc càng độc lập thì sự tự do vật lý và tự do xã hội càng được bảo đảm. Lúc đó, chúng ta sẽ có một quan hệ tốt đẹp nhất với thiên nhiên và xã hội và sẽ không còn nhu yếu bóc lột chúng.

Tự do nội tâm là một bảo đảm vững chắc nhất mà tự do vật lý và tự do xã hội có thể đặt nền. Không có nó, hạnh phúc phải tùy thuộc vào sự bóc lột môi trường bên ngoài. Bao lâu mà còn sự bóc lột như thế thì tự do vật lý và tự do xã hội không phải là những hiện thực khả hữu. Tốt nhất, phải là sự tương nhượng, một tình trạng mà con người buộc phải làm - hoặc tránh đừng làm - điều gì đó để bảo tồn môi sinh. Tuy nhiên, nếu có sự tự do nội tâm thì có thể có một thái độ hài hòa với môi sinh bên ngoài, và nhân loại có thể đạt tới một niềm hạnh phúc vừa hài hòa vừa quân bình.

Con người có tiềm năng rất lớn để đạt đến tự do ở trình độ cao, nhưng vì ảo vọng về hạnh phúc dựa trên sự sở hữu vật chất và sự hưởng thụ đầy kinh nghiệm cảm tính nên hạnh phúc của chúng ta bị buộc chặt vào những đối tượng vật chất. Con người hôm nay thấy rằng họ không thể có được kinh nghiệm an lạc trong chính họ, và họ buộc phải bóc lột thiên nhiên và đồng loại. Thiếu khả năng có được hạnh phúc tự chính mình, họ phải tìm kiếm những điều kiện bên ngoài. Càng nhiều người làm như thế, vấn đề càng rắc rối. Không những chúng ta thiếu tự do và hạnh phúc trong đời sống chúng ta, chúng ta còn đánh mất cả tự do vật lý và tự do xã hội nữa. Thế nên, hình như là càng tiến bộ về vật chất, thì chúng ta càng dễ đánh mất khả năng có được niềm hạnh phúc tự tại.

Với sự hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa và mục đích của đời sống và bản chất của tự do và hạnh phúc, chúng ta sẽ tiếp xúc với môi trường vật lý trong một cách thức hài hòa. Bất cứ một sở hữu vật chất nào mà chúng ta có được cũng chỉ là phụ trội, chứ không phải là yếu tố quyết định cho sự hạnh phúc của chúng ta.

Rốt cùng, sự phát triển nhân cách sẽ dẫn tới sự tự do khỏi những "kẻ thù" nội tại, dẫn tới tâm thức hoàn toàn tự do vượt khỏi ảnh hưởng nặng nề của tham, sân, và si. Khi tâm thức của chúng ta hoàn toàn tự do khỏi những sa đọa tinh thần, chúng ta cũng sẽ được tự do khỏi những đau khổ tinh thần, là nguyên nhân chính tạo ra những vấn đề của môi trường xã hội và vật lý. Với sự tự do nội tâm, không còn cần thiết phải bóc lột môi sinh bên ngoài, thay vào đó, chúng ta có thể sống một cách thật sự ích lợi.

Sự tương quan của chúng ta với môi trường thiên nhiên phải là một sự tương quan cân bằng, tránh được những cực đoan. Một cực đoan là chỉ tập trung vào việc sử dụng môi sinh bên ngoài. Còn cực đoan kia là hoàn toàn không để ý gì đến chúng.

Cũng cần lưu ý là những người có khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên và sử dụng nó cho nhu cầu của họ thường nhìn thiên nhiên như là một đối tượng hoàn toàn ngoại tại. Khi phải đương đầu với những vấn đề nhân tính nội tại, thí dụ như khi được hỏi tại sao họ không làm gì về tính ích kỶ và thù hận, họ thường cho rằng những điều đó là những điều kiện tự nhiên của con người. Họ cảm thấy rằng nhân tính nội tại nầy nên để cho nó tự do vận hành. Vậy là, nhận thức của họ về thiên nhiên có tính bất nhất. Chỉ muốn chiến thắng thiên nhiên bên ngoài, họ lại không coi nhân tính bên trong cũng là một điều kiện tự nhiên phải được chinh phục.

Mặt khác, nếu chỉ đơn giản để cho thiên nhiên tự phát thì cũng là một lỗi lầm. Công tác trình bày những vấn đề về môi sinh, nhận thức những nhu yếu cần thiết của con người như thực phẩm, quần áo, nhà ở và thuốc men, là những công tác cần thiết. Để có một quan hệ đúng đắn với thiên nhiên, chúng ta phải thấy rõ hoàn cảnh của chúng ta bằng những phương thức căn bản hơn. Chúng ta phải thấy rằng chính chúng ta là một phần của thế giới thiên nhiên tương thuộc, chứ không phải là một thực thể tách biệt, hay là chủ nhân ông, hay là người kiểm soát thiên nhiên. Nếu chúng ta quán chiếu rằng, chúng ta là một phần của thiên nhiên, và chúng ta thấy rằng những thay đổi trong thiên nhiên cũng có ảnh hưởng đến chúng ta, thì hành động của chúng ta sẽ được kiềm thúc, xác định rõ ràng và quân bình. Trong hoạt động của chúng ta liên quan đến môi trường thiên nhiên, chúng ta sẽ chú ý đến mọi yếu tố có thể được, để sao cho hoạt động của chúng ta được ích lợi nhất về mọi mặt, bao gồm cả môi trường thiên nhiên nữa. Một sự quân bình sẽ được thiết lập. Bao lâu mà chúng ta nhận rõ vị trí của chúng ta trong suốt tiến trình thiên nhiên, chúng ta sẽ có thể hoạt động một cách thành công như là một yếu tố trong toàn thể tiến trình. Hoạt động của chúng ta sẽ được hướng dẫn bằng trí tuệ và chánh kiến.

Thời nay, người ta đã bàn nhiều về một sự phát triển có thể chấp nhận được và đặt nền kinh tế liên hệ tới sinh thái học (ecology). Để cho nền kinh tế được lành mạnh thì thiên nhiên cũng phải được lành mạnh. Đây là một nhận thức cần thiết cho sự tương nhượng, như tôi đã nói ở trên. Sự thành công thực sự của chúng ta về vấn đề nầy tùy vào khả năng thay đổi quan điểm căn bản của chúng ta về mục đích của đời sống và quan niệm của chúng ta về hạnh phúc và tự do.

Ở đây, chúng ta không thể không lưu tâm đến vai trò quan trọng của truyền thông trong việc giới thiệu và ảnh hưởng đến những giá trị xã hội và quan điểm của công chúng. Nếu tiềm năng của truyền thông và kỸ thuật thông tin được hướng tới việc cổ võ cho ba chánh kiến căn bản và những giá trị xã hội tương xứng của chúng - thay vì nhằm giới thiệu và phổ biến tham, sân, si và những giá trị xã hội tương xứng của chúng (đáng ghét, nhưng đang được thịnh hành phổ biến) - thì chúng có thể giúp rất nhiều trong việc giải quyết những vấn nạn toàn cầu và sự phát triển của nhân loại.

Một cách căn bản hơn, hệ thống giáo dục - mặc dù ít có ảnh hưởng bằng hệ thống truyền thông - phải có nhiều ý nghĩa hơn chứ không phải chỉ nhằm vào việc chuẩn bị cho có việc làm và chỉ phục vụ cho guồng máy cạnh tranh xưa cũ. Giáo dục phải giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân cách, trong đó phải hướng tới mục đích là khuyến khích, cổ vũ cho ba chánh kiến nêu trên. Chánh kiến có thể được thiết lập trong xã hội qua hệ thống giáo dục như thế.

Trong lãnh vực chính trị, giờ đây, chế độ dân chủ đang trên đường chiến thắng. Tuy nhiên, trong thực tế, công trạng của nó vẫn còn phải đặt câu hỏi và khả năng cứu giúp của nó vẫn còn phải hoài nghi. Bao lâu mà nền dân chủ còn bị chi phối bởi ba tà kiến trên, thì nó không thể đưa chúng ta đến nền hòa bình và an toàn thật sự.

Ngày nay, hình như có một cố gắng gán ghép và ngay cả đồng nhất hóa chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản, như trong cụm từ "dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do" hay "nền dân chủ thị trường tự do". Thật đáng nghi ngờ việc chế độ dân chủ được ghép hay đồng nhất hóa với chủ nghĩa tư bản, hoặc là trên thực tế, nếu ghép chế độ dân chủ với chủ nghĩa tư bản, thì đó có phải là điều thực sự mong muốn hay không? Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, bề ngoài có vẻ như là hai hệ thống đối nghịch và khác biệt, nhưng trong thực tế, cả hai cùng qui tụ dưới chủ nghĩa duy vật và cả hai được đặt nền trên ba tà kiến đã nói - đầy tư tưởng chia rẽ và xung đột. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội cộng sản không chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa tư bản. Ngược lại, nó ngầm cho thấy rằng, trong hai hệ thống ưu việt của chủ nghĩa duy vật, sự sụp đổ của một hệ thống đã xảy ra, thì sự sụp đổ của hệ thống kia có thể xảy ra. Bây giờ, rõ ràng là, người ta tố cáo và phàn nàn về những hậu quả bất lợi của sự phát triển kinh tế dưới nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Để chế độ dân chủ có tính đúng đắn, tự nó phải gạt bỏ những yếu tố tai hại như thế và phải tự thiết lập một nền tảng ý thức hệ đúng đắn. Kinh tế không phải chỉ cần cải cách hoặc thay đổi, mà còn cần phải chuyển đảo trong chính nền tảng lý thuyết của nó.

Trong căn bản, cần phải mưu cầu sự phát triển kinh tế nhịp nhàng và quân bình với phát triển nhân cách. Ngược lại, phát triển kinh tế chỉ là hão huyền. Đôi khi, phát triển kinh tế do ở sự phá hoại môi trường thiên nhiên, đôi khi do ở sự bóc lột người hay dân láng giềng, và đôi khi cũng hy sinh cả thân phận con người. Một thí dụ đơn giản của điều nầy là việc hành nghề mãi dâm chuyên nghiệp, một người có thể đồng ý, hoặc bị bắt buộc, hoặc hy sinh nhân cách chỉ để có tiền thôi. Kinh tế phát triển cũng chỉ là hão huyền trong một vài quốc gia với sự phát triển kinh tế cao nhưng an sinh kinh tế rất thấp, trong trường hợp nầy, không phát triển kinh tế nhưng có an sinh kinh tế cao có thể là một giải pháp tốt hơn.

Tình huống hiện tại là, để xây dựng hạnh phúc cho một nhóm nhỏ thì nhóm người đông hơn và môi trường thiên nhiên nói chung phải chịu thiệt hại. Cho dù cả thiên nhiên bị tàn phá trong tiến trình kiếm tìm hạnh phúc, chúng ta cũng không tìm thấy được hạnh phúc đâu. Đức Phật đã từng nói là cho dù có cả một núi vàng cũng không làm cho con người hài lòng. Cho dù con người tranh giành với nhau cho đến khi toàn xã hội tan rã, họ cũng không tìm thấy hạnh phúc. Mọi người đều tìm kiếm và tranh đấu cho hạnh phúc, nhưng có mấy ai tìm được.

Trong cộng đồng thế giới, nề nếp suy tư cũ kỸ đầy óc bè phái và chia rẽ, không còn đứng vững được. Nó sẽ không cho phép thế giới sống trong hòa bình. Những hệ thống đạo đức trong thế giới hiện đại, như hạn chế tiêu phá thiên nhiên, sự khoan dung tôn giáo và nhân quyền, chỉ là một cố gắng tương nhượng để bảo vệ và duy trì thế giới. Chúng phải được ủng hộ bởi những tiêu chuẩn đạo đức tích cực hơn và một nề nếp suy tư mới.

Trong chiều hướng đó, đạo Phật dạy rằng:

Con người là một yếu tố trong toàn hệ thống thiên nhiên vận hành theo nguyên lý nhân quả và duyên sinh, trong đó mọi yếu tố đều giữ một vai trò của mình. Vì thế, mọi hoạt động cần phải hài hòa và tạo ích lợi cho hệ thống đó.

Mọi hiện hữu, bao gồm con người và thú vật, đồng trú trong hệ thống qui luật thiên nhiên nầy. Mọi sinh vật đều muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ, và đều sợ chết. Tất cả đều giống nhau về điều nầy, bình đẳng và đồng đều. Không có sự phân biệt hay biệt đãi nào trước qui luật thiên nhiên. Giết hại sinh vật cho dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là tội ác; chúng ta nên đề cao lòng từ bi và hài hòa, tương trợ và hợp nhất.

Một đời sống tốt đẹp và cao thượng nhất là được tự do, đây là niềm chân hạnh phúc. Vượt qua và bên trên hai loại tự do ngoại tại - gồm tự do vật lý, liên quan đến môi trường thiên nhiên và bốn nhu yếu cần thiết cho đời sống, và tự do xã hội, không bị những phiền nhiễu xã hội - là sự tự do ở trình độ cao hơn - trình độ nội tâm, là kết quả của sự phát triển nội tâm. Đó là sự trưởng thành của trí thức và tâm thức. Nó dẫn tới một loại hạnh phúc càng lúc càng độc lập, và giờ đây, nó giúp chúng ta có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và hoàn cảnh xã hội một cách xây dựng và tích cực hơn.

Phải nhận rằng chúng ta tùy thuộc vào hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội, vì thế, hai loại tự do đầu tiên là điều kiện cần thiết để chúng ta phát triển tự do nội tâm. Ngược lại, tự do nội tâm là nền tảng để tự do vật lý và tự do xã hội dựa vào, và cũng là một bảo đảm cho chúng. Nếu con người tự phát triển và đạt được tự do nội tâm, thì chúng ta không cần phải đòi hỏi tự do khỏi hoàn cảnh bên ngoài. Thay vào đó, những giá trị đạo đức tích cực sẽ được phát triển. Và sẽ có sự hài hòa mà không cần phải tương nhượng.

Trong hoàn cảnh như vậy, phát triển kinh tế sẽ được quân bình bởi sự phát triển nhân cách, phù hợp với mục đích của Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới nầy, nhằm ủng hộ "sự cộng tác trong tương lai và cùng hoạt động cho hòa bình, cho sự thuyên giảm nỗi đau khổ, và cho sự bảo vệ hành tinh nầy".

Nếu chúng ta còn dính mắc vào ba kiến chấp và nhận thức xưa, thì nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta sẽ phá hủy ba mục tiêu cao thượng nầy. Mặt khác, nếu chúng ta thực hiện theo những quan điểm hài hòa và thiện lành, và khuyến khích sự phát triển hạnh phúc nội tâm, chúng ta sẽ có thể đạt được những mục tiêu nầy.

Trong đạo Phật, chúng tôi cho rằng một người chứng đạt được trình độ phát triển tâm linh cao nhất là người đã hoàn toàn diệt được tham, sân, si trong tâm họ. Tuy nhiên, sự tu tập phải từ từ, đòi hỏi thời gian. Đối với con người bình thường, sự đo lường chắc chắn nhất của việc phát triển nội tâm là sự chấm dứt tà kiến. Nếu ta từ bỏ được tà kiến và phát triển chánh kiến, thì cho dù tham và sân vẫn còn, ngay đến có thể vẫn còn ngã chấp, thì chúng đã ở một mức độ nhẹ hơn nhiều. Vì chúng không được nâng đỡ và xây dựng trên tà kiến, chúng sẽ không tồn tại dai dẳng và không ở mức độ phổ biến. Ngược lại, nếu lòng tham và sân hận được củng cố bởi tà kiến, chúng sẽ dữ dội hơn và tạo hậu quả rộng hơn. Đó là lý do tại sao trong đạo Phật việc phát triển nhân cách đã nhấn mạnh đến việc diệt trừ tà kiến.

Khoa học và giáo dục sẽ có một nền tảng tốt nếu được phối hợp với chánh kiến. Các khoa học ứng dụng và vật lý cũng như kỸ thuật sẽ được thúc đẩy bởi lòng ham muốn kiến thức thuần túy và bởi phẩm chất của đời sống chứ không phải bởi tham vọng muốn bóc lột thiên nhiên cho sự chiếm hữu ích kỶ. Các khoa học xã hội sẽ không nhìn nhân loại bằng một nhãn quan thấp kém què quặt về một xã hội con người tách rời khỏi thiên nhiên, như là một tập họp của những bè nhóm rời rạc đầy những tranh chấp quyền lực, mà thay vào đó, nhìn con người như những bạn đồng hành trong thế giới thiên nhiên nầy. Các khoa học nhân văn nên quan tâm đến nỗ lực nhằm nhận thức được phẩm chất cao quí nhất của con người, đó là sự tự do nội tâm. Từ đó, điều nầy sẽ trở thành một nền tảng cho sự phát triển thích hợp của các khoa học thiên nhiên và xã hội.

Con người trong thế kỶ 20 đã tạo nhiều nghiệp bất thiện, và sẽ ảnh hưởng đến nhân loại trong thế kỶ 21. Đó là di sản gồm nhiều vấn đề mà công dân trong thế kỶ 21 phải đối phó. Để giúp giải quyết những vấn đề nầy và bảo đảm rằng thế kỶ 21 là một thế kỶ an hòa, ngay bây giờ, chúng ta phải thảo luận những phương thức để giải quyết vấn đề đó. Nếu chúng ta có thể tu chỉnh quan điểm của chúng ta như tôi đã trình bày ở đây, thì hy vọng là, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề đó một cách thành công.

Ba kiến quan mà tôi đã diễn tả ở đây rất thích hợp cho thời đại của chúng ta, khi mà môi trường thiên nhiên đang ở tình trạng hao mòn và bị tiêu hủy. Thế giới sinh hoạt của con người như thu hẹp lại. Đã đến lúc chúng ta phải học cách sống với nhau, và điều nầy chỉ có thể có được khi chúng ta phát triển sự tự do không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, và chúng ta nên học cách giúp đỡ và ủng hộ điều nầy. Bằng cách nầy, chúng ta sẽ có thể đạt được sự tự do chân chính và niềm hạnh phúc chân chính.

http://www.quangduc.com/thoidai/031theki.html


Âm lịch

Ảnh đẹp