Như vậy mỗi pháp của Phật trị mỗi bệnh của
chúng sanh. Nếu chúng sanh có bệnh, biết rõ bệnh của mình, lấy pháp của
Phật trị thì bệnh sẽ lành. Còn người có bệnh mà không biết thì chịu
thua, hoặc biết bệnh nhưng không biết thuốc cũng không dùng được.
Như
vậy pháp Phật là pháp trị bệnh cho chúng sanh. Thế nhưng pháp Phật đã
có hai ngàn năm trăm mấy chục năm rồi, mà bệnh chúng sanh cũng không
hết, bởi vì chúng sanh nhiều bệnh quá.
Như
chúng ta đã biết, sau khi đức Phật giác ngộ dưới cội bồ-đề rồi, Ngài
tìm đến năm anh em ông Kiều-trần-như để hóa độ. Bài pháp đầu tiên Phật
nói là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế chia ra hai phần, một phần chỉ ra sự
đau khổ, một phần dạy cách diệt đau khổ.
Về
phần đau khổ, Phật chỉ thân này chứa đựng bao nhiêu sự đau khổ, nên
có thân là có khổ. Vậy cái khổ đó ai đặt ra, từ đâu đến? Đức Phật bảo
cái khổ đó có nguyên nhân. Nguyên nhân đó là gì? - Gọi là Tập. Như vậy
khổ là một lẽ thật, nguyên nhân tạo khổ cũng là một lẽ thật. Vì vậy
nên nói Khổ đế, Tập đế.
Khổ
đã không phải ngẫu nhiên đến mà có nguyên nhân. Vậy khi biết nguyên
nhân rồi muốn cho hết khổ thì phải tiêu diệt nguyên nhân gây khổ. Tiêu
diệt được nguyên nhân gây khổ thì sẽ hết khổ. Nhưng muốn tiêu diệt
nguyên nhân đau khổ không thể nói suông, mà phải có phương pháp. Cũng
như thầy thuốc biết bệnh đang hành, bệnh nhân đang khổ, thì phải truy
nguyên tìm ra vi trùng gây bệnh. Biết chính xác vi trùng rồi thì phải
diệt vi trùng, diệt vi trùng xong mới hết bệnh. Nhưng nói diệt vi trùng
suông thôi thì không được, phải có phương thuốc cụ thể, mới diệt hết
vi trùng.
Cũng
vậy, Phật dạy tất cả khổ của chúng sanh đều có nguyên nhân. Nếu chúng
ta tra cứu biết rõ nguyên nhân rồi thì phải tiêu diệt nó, muốn tiêu
diệt nó phải có phương pháp. Nên Phật nói Khổ đế là quả, Tập đế là
nhân. Diệt đế là diệt hết nhân khổ. Muốn diệt hết nhân khổ phải có
phương pháp, phương pháp đó là Đạo đế. Có phương pháp mới dùng phương
pháp ấy diệt hết nguyên nhân đau khổ. Do đó, Diệt đế là quả giải thoát,
còn nhân của quả giải thoát là Đạo đế, tức phương pháp diệt khổ.
Đức
Phật dạy chúng sanh đâu khác gì việc của các thầy thuốc đang làm. Nên
đạo Phật rất thực tế, không nói chuyện viển vông xa vời gì hết. Ai có
bệnh chỉ cần dùng thuốc đúng thì trị lành bệnh. Trị lành bệnh là hết
khổ, nên nói đạo Phật là đạo cứu khổ chúng sanh.
Ở
thế gian, thầy thuốc trị về thân bệnh. Trong đạo, Phật trị tâm bệnh.
Giữa hai việc điều trị đó, việc nào quan trọng hơn? - Điều trị tâm
bệnh quan trọng hơn. Bởi vì dù thầy thuốc hay mấy, biết bệnh nhân đang
bị đau tim, hay đau phổi, thầy thuốc có thuốc nhưng người bệnh cứ rầu,
cứ buồn, thì trị nổi không? - Không nổi. Vì tâm người bệnh không an,
không vui thì điều trị khó lành. Vì vậy nên tâm bệnh rất là hệ trọng.
Nếu thầy thuốc có được hai phương thuốc, một trị thân bệnh, một trị
tâm bệnh thì hay biết mấy. Trị như vậy mới toàn hảo, còn chỉ một phần
thì chưa được.
Để
trị tâm bệnh Phật dạy những pháp để tiêu trừ nguyên nhân sanh ra
bệnh. Bệnh của chúng sanh tới tám muôn bốn ngàn, pháp của Phật cũng có
tới tám muôn bốn ngàn. Nhưng nói về cội gốc của bệnh, thì có sáu thứ
căn bản phiền não. Trước khi nói pháp trị bệnh chúng ta cần phải biết
các thứ bệnh. Bệnh tình đó đang thế nào, muốn giới thiệu thuốc thì phải
biết hậu quả hay hiện trạng bệnh đang hoành hành ra sao.
Bây
giờ thử nghiệm lại tất cả chúng ta trong hiện đời khổ hay vui? Nếu
vui thì không có bệnh, không bệnh thì cần gì thuốc. Nếu có bệnh mới
tìm nguyên nhân gây bệnh và trị bằng cách nào. Trong nhà Phật nói con
người bị bốn, hoặc tám thứ khổ vây hãm, không ai thoát khỏi. Sanh khổ,
già khổ, bệnh khổ, chết khổ, có ai khỏi đâu? Như vậy quả thật chúng ta
là bệnh nhân rồi. Ngoài ra còn ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu
bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nghĩa là thương yêu xa lìa khổ, oán
thù mà gặp mặt hoài khổ, mong muốn không được khổ, thân này tự bại
hoại không an khổ. Kiểm lại trong tám thứ khổ chúng ta đều có đủ. Rõ
ràng xác định được chúng ta là bệnh nhân rồi, thì mới nói tới trị
liệu.
Muốn
trị bệnh thì phải phăng tìm nguyên nhân. Nguyên nhân nào sanh ra
những thứ khổ đó. Phật nói nhiều lắm nhưng ở đây tôi chỉ kể sáu thứ:
tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Vì có nhân này nên có quả kia. Thí
dụ như tham, căn bản là tham sống. Có người nào không tham sống sợ chết
đâu? Nhưng rồi cũng phải chết, bởi vậy nên khổ. Bây giờ mình hết tham
sống thì không sợ chết. Mà không sợ chết thì đâu còn khổ.
Từ
tham sanh bao nhiêu thứ khổ. Đức Phật chia ra hai thứ: một là tham về
ngũ dục, hai là ngũ trần. Tham ngũ dục là: tài, sắc, danh, thực,
thùy. Tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh vọng, thực là ăn
uống, thùy là ngủ nghỉ, năm cái này để cho mình tham. Từ những tâm tham
này sanh ra các thứ khổ kia. Vậy chúng ta phải lấy thuốc gì để trị vi
trùng tham?
Tham
tài phải lấy hai thứ thuốc hòa hợp lại trị: thuốc thứ nhất là “bố
thí”, thuốc thứ hai là “vô thường”. Phật dạy tất cả tài sản của chúng
ta bị năm nhà cướp lấy. Năm nhà là gì: 1- Nước lụt, 2- Trộm cướp, 3-
Con bất hiếu, 4- Lửa cháy, 5- Vua chúa hay quan quyền tìm cách cưỡng
đoạt.
Như
chúng ta chứng kiến nạn lụt miền Trung vừa rồi, bao nhiêu năm dành
dụm chỉ một cơn lũ là cuốn sạch, không còn gì cả. Như vậy tài sản của
chúng ta có bảo đảm đâu, nên Phật nói nó thuộc về năm nhà. Nếu không
bị lụt, có khi bị cháy cũng rụi. Không cháy thì bị trộm cướp, không bị
trộm cướp thì con bất hiếu phá hết sự nghiệp. Không bị con cái thì gặp
những thế lực bên ngoài cưỡng bức cướp lấy.
Tuy
nói tiền bạc của cải của mình nhưng không bảo đảm giữ được lâu dài,
như vậy tham để làm gì? Nghĩ đến lý vô thường chúng ta bớt tham. Bớt
tham thì bớt khổ. Con người thường có bệnh hễ tiền của trong tay thì
được một đòi hai, được hai đòi bốn, muốn thêm hoài. Ở đây Phật dạy phải
xả, phải bố thí. Nên nghĩ chúng ta có bao nhiêu đủ ăn rồi, phần dư bố
thí cho người. Như vậy là bớt lòng tham. Nếu người dư dả đem bố thí,
vì biết rằng của cải giữ không được, không có tâm gom góp, keo sẻn là
đã trị được bệnh tham tài. Rõ ràng có bệnh thì có thuốc. Biết được
nguyên nhân vì tham tài, mà cầu bất đắc nên khổ. Muốn nhiều của nhưng
muốn hoài không được thì khổ. Bây giờ mình đem ra bố thí tức không cần
giữ gìn nữa thì đâu còn lòng tham. Mà không tham thì đâu có khổ.
Người
tham sắc Phật dạy dùng thuốc “quán bất tịnh” để trị. Bởi vì khi tham
sắc thì thấy người đẹp, tự nhiên chúng ta nghĩ ngợi người đó đẹp thế
này, người đó quí, sang thế nọ v.v… Ngược lại nếu chúng ta quán thân
mình bẩn thỉu không ra gì, thân mọi người cũng vậy. Quán đến khi mình
gớm thân mình, thì thân người khác mình cũng gớm luôn. Mà gớm thì hết
tham. Đó là cách trị bệnh tham sắc.
Đến
tham danh phải dùng pháp quán “vô thường”. Bởi vì mọi thứ trên đời
này được rồi sẽ mất. Thí dụ như người ứng cử Tổng thống được đắc cử,
thì bốn năm năm cũng hết nhiệm kỳ, có còn mãi đâu! Bởi nó không bền,
vì vậy phải quán vô thường, quán nó là khổ hai thứ hòa hợp. Khi chưa
được danh vì lo lắng chạy chọt đủ thứ đã là khổ. Khi được rồi lo nó
mất lại khổ nữa. Nếu thật sự nó mất thì càng buồn. Cho nên quán tham
danh gốc là khổ đau. Người không hiếu danh dù được mời gọi cũng không
muốn. Nếu có làm việc gì thì vì tất cả lợi ích chung chớ không vì danh
vị của mình. Đã vì tất cả lợi ích chung thì được không mừng, mất cũng
không lo, như vậy mới không khổ.
Đến
việc tham ăn (thực) cũng là gốc của khổ. Phải dùng hai thứ thuốc “vô
thường” và “bất tịnh” hòa lại. Thức ăn khi còn ở miệng thì quí, nhưng
nuốt qua khỏi cổ rồi thì hết quí. Giả sử nó không chịu vào mà ụa ra
thì có gớm không? Như vậy nó quí khi còn ở ngoài. Nuốt vô rồi nó trở
thành dơ, đâu phải là quí. Tại vì chúng ta cứ mê say nên cho là quí.
Nếu thấy nhơ nhớp thì đâu có tham. Lại một điều nữa, thức ăn ngon được
bao lâu? Chỉ một hai phút ở trong lưỡi trong miệng thôi, qua khỏi cổ
thì hết ngon rồi, nên nó tạm bợ vô thường, tham làm gì. Xét như vậy
thì bớt được tham ăn.
Tới
bệnh tham ngủ. Nhà Phật dạy muốn trừ bệnh tham ngủ phải dùng thuốc
“vô thường”, thuốc “tinh tấn” hòa lại. Nên nghĩ mạng sống này không
bao lâu, không có gì bảo đảm. Giờ nào còn sống thì mừng giờ đó, qua
giờ khác thì không thể biết được. Vì thân này rất mỏng manh, rất tạm
bợ. Nên chúng ta hiện sống, có những việc nên làm đáng làm mà không lo
làm, cứ nằm ngủ hoài. Nhà Phật dùng câu: “cần tu như lửa cháy đầu”,
nếu đốm lửa rơi trên đầu thì chúng ta chần chờ hay phủi ngay? Vô
thường đến bất kể lúc nào, chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy
giờ nào còn sống, còn khỏe thì nên làm tất cả những gì có thể làm,
chớ không bỏ trôi ngày giờ lãng phí một cách vô ích.
Như
vậy vừa quán vô thường, vừa tinh tấn thì trừ được bệnh tham ngủ. Nên
tôi thường nói với Tăng Ni muốn trị bệnh tham ngủ thì phải dùng cây
roi tinh tấn mà đánh cho nó thức.
Như
vậy là trị năm thứ ngũ dục bằng năm thứ thuốc rồi. Ở đây tôi không
nói ngũ trần vì ngũ trần cũng anh em với ngũ dục vậy thôi.
Qua
sáu thứ căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Bệnh
tham đã có mấy bài thuốc ở trên rồi, đến đây khỏi phải nhắc lại. Kế
bệnh sân, thì trị bằng hai thứ thuốc “từ bi” và “nhẫn nhục”. Nhẫn nhục
là giải quyết cấp thời, khi người ta làm trái ý, mình nổi sân lên liền
phải nhẫn, buông xả đi thì gọi là nhẫn nhục. Buông xả dừng được cơn
thịnh nộ rồi, nhưng lâu lâu nhớ lại cũng tức. Nghĩ rằng người ta nói
bậy, làm bậy, mình mới giận. Nhưng nếu chúng ta biết nghĩ lại, tại vì
ngu si nên họ làm quấy thật đáng thương. Nghĩ như vậy mới hết giận
luôn, chớ còn đè nén, mai mốt nhớ lại giận nữa thì không được. Cho nên
có thuốc nhẫn nhục mà không có thuốc từ bi thì cũng dễ tái phát. Có
nhẫn nhục rồi phải có từ bi quán theo sau đó. Bởi vì nếu chúng ta có
tình thương thì lỗi nhiều thấy ít, nếu không thương thì lỗi ít thấy
nhiều, không thể thứ tha được. Vì vậy phải vừa nhẫn nhục, vừa quán từ
bi mới trị hết bệnh nóng giận.
Đến si, tức si mê. Si mê có hai tầng bậc:
Thứ nhất không biết gì là tội, gì là phước, gì là tà, gì là chánh, không phân biệt rành rẽ. Đó là si mê hạng thấp.
Tuy
nhiên quí Phật tử thử xét lại xem thiện, ác chúng ta đã phân biệt
rành chưa? Đôi khi chúng ta tưởng như mình đã biết rất rành về thiện
ác, nhưng có nhiều cái thiện mà thành ác, ngược lại ác lại thành
thiện. Thí dụ cô giáo phạt học trò lười, trốn học hoài thì thấy như ác.
Nhưng nhờ phạt nó sợ cố gắng học, như vậy thì ác hay thiện? Còn giả
sử như kẻ ghiền á phiện bị ụa mửa, có người thấy vậy mua á phiện đưa
cho họ hút, như vậy thiện hay ác? Mới nhìn như thiện vì kẻ đang khổ,
cho hút thì họ đỡ khổ, nhưng sự thật thì ác vì làm cho họ ghiền hoài.
Nên nhiều việc mới nhìn thấy thiện, mà hậu quả lại ác hoặc ngược lại
mới nhìn thấy ác nhưng hậu quả lại thiện. Vì vậy phân biệt thiện ác
cũng không phải dễ, phải có trí tuệ mới có thể phân biệt được. Phân
biệt được thiện ác mới phân biệt được tội phước. Cái gì tội, cái gì
phước? Nếu việc làm giúp ích được người lâu dài thì có phước. Còn việc
làm trước mắt thấy như thiện mà tạo thành cái khổ cho người lâu dài
thì trở thành ác. Như vậy thiện ác thật khó xử, khó giải quyết. Nhưng
nếu chúng ta phân biệt được thiện ác thì tội phước mới không lầm lẫn.
Cũng
vậy tà chánh, rất khó phân biệt. Có những trường hợp mới nghe như
phải, như chánh, nhưng mà rốt cuộc lại tà. Như có người trong đạo Phật,
rất cung kính Phật. Bởi quá cung kính nên tin đức Phật có đầy đủ vạn
năng xin cái gì cũng được. Vì vậy mỗi khi có tai nạn hoặc gặp vui buồn
cứ đến xin Phật cầu Phật. Quan niệm như vậy là đã thành tà. Cung kính
Phật tại sao lại tà, đó là vấn đề mà đôi khi Phật tử chúng ta không
nhận ra. Đức Phật từng tuyên bố “ta không có quyền ban phước giáng họa
cho ai”. Vậy chúng ta xin Phật cho hết tai họa thì có ngược lại lời
Ngài nói không? Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, không phải tà
là gì? Trong đạo, người mắc kẹt bệnh này rất nhiều. Tu thì không chịu
tu mà cứ xin. Phật dạy dùng pháp để trị tâm bệnh mà chúng ta cứ xin là
sao? Có nhiều Phật tử nói tôi theo đạo Phật mười năm rồi, mà động tới
thì phiền não đủ thứ. Tu mà không hết khổ thì đạo Phật vô hiệu, không
giá trị. Như vậy kẻ ấy làm tăng giá trị đạo Phật hay làm giảm giá trị
đạo Phật? Việc này thật tế nhị. Quí Phật tử phải hiểu tin Phật là nên
tin điều gì và không nên tin điều gì. Người ta cứ ỷ lại vào Phật, cầu
mong Phật cho cái này cái nọ. Được như ý thì nói Phật linh, rủ nhau đi
chùa. Nếu không được như ý thì Phật không linh.
Phật
dạy chúng ta phương pháp tu, nếu có nóng giận nên tu pháp gì, đâu có
cầu ai. Ứng dụng pháp Phật để tu thì phiền não giảm, đau khổ bớt. Như
vậy Phật cứu khổ cho mình rồi. Cũng như thầy thuốc khám bệnh, cho
thuốc, nhưng bệnh nhân không chịu uống, vậy làm sao hết bệnh? Kẻ ấy thầy
thuốc cũng chịu không có cách nào khác. Phật là thầy thuốc trị tâm
bệnh cho chúng sanh. Nhưng chúng sanh không chịu dùng thuốc thì làm sao
hết bệnh, nên theo đạo Phật mà vẫn tà như thường. Hiện nay có rất
đông người theo đạo Phật như vậy.
Nhiều
huynh đệ than phiền nói tôi tu mà cứ chỉ trích người này chỉ trích
người kia. Vì tôi thấy việc tà mà không xây dựng, không chỉ dạy thì đối
với Phật pháp tôi đã có tội rồi. Do đó muốn phân biệt tà chánh rất là
khó.
Đó
là chưa kể nhiều người tuyên bố mình là Bồ-tát tái thế để độ chúng
sanh, hay họ tuyên bố có câu chú lá bùa trị lành tất cả bệnh. Quí Phật
tử nghĩ sao, điều đó chánh hay tà? Trong nhà Phật dạy không có vị
Bồ-tát nào hiện thân ra đời mà vỗ ngực xưng tên ta là Bồ-tát cả. Bồ-tát
đi lẫn trong quần chúng hành mật hạnh Bồ-tát. Nếu nói ta là Bồ-tát để
được người cung kính lễ lạy thì làm sao hành hạnh Bồ-tát? Chỉ như có
người bệnh cần phải cõng đi bệnh viện thì Bồ-tát làm. Người gặp cảnh
nghèo đói cần giúp thì Bồ-tát giúp thầm lặng, không hiện tướng khác
người. Đôi khi vì thử người, Bồ-tát hiện thân thấp kém để thử người mến
đạo. Nếu xưng Bồ-tát, mọi người đều quí kính hết thì làm được gì. Tự
xưng Bồ-tát còn không phải hạnh Bồ-tát, huống nữa tự xưng Phật thì
chúng ta bái không nên lại gần, vì đó là tà rồi.
Điểm
kế nữa, người dạy tu mà bảo phải thề độc, nếu bỏ đạo sẽ bị đọa địa
ngục v.v… Như vậy tà hay chánh? - Chắc chắn là tà rồi. Bởi tà nên họ sợ
người ta bỏ. Vì vậy bắt thề độc, lỡ vô rồi phải trung thành. Đó là tà
giáo, nhiều Phật tử bị lầm đáng thương lắm.
Đức
Phật dạy chúng ta qui y Phật thề tránh điều dữ nguyện làm việc lành,
chớ không thề thốt gì hết. Lúc nào không muốn tu nữa thì thôi, không
có chuyện hăm dọa bỏ đạo bị đọa địa ngục. Phân biệt tà chánh phải dùng
trí tuệ. Muốn trị bệnh si mê thì vận dụng trí tuệ quán chiếu mới trị
được. Bởi vì từ si mê người ta tạo đủ thứ nghiệp, chịu đủ thứ khổ. Nay
muốn có trí tuệ chúng ta phải: một học chánh pháp (Hữu sư trí), hai tu
Thiền định (Vô sư trí). Lấy trí tuệ dẹp si mê.
Phần
thứ nhất tôi nói về si mê cạn, đến phần thứ hai tôi nói về si mê sâu.
Si mê sâu là giả mà tưởng là thật, cái thật lại không biết. Như thân
này giả mà chúng ta tưởng thật. Đó là si mê. Si mê sâu này rất nguy
hiểm vì chấp giả làm thật, nên không bao giờ biết được cái thật. Đến
tâm cũng chấp cái giả của tâm cho là Tâm thật. Trong kinh Lăng Nghiêm,
phần bảy chỗ hỏi tâm, Phật hỏi ngài A-nan:
- Cái gì là tâm của ông?
Ngài A-nan trả lời:
- Bạch Thế Tôn cái hay suy nghĩ là tâm con.
Phật quở:
- Cái đó không phải tâm ông.
Ngài hoảng hốt hỏi Phật:
- Vậy con không có tâm sao?
Phật nói:
- Ông có tâm, nhưng cái suy nghĩ đó không phải là tâm ông.
Phật
liền dùng thí dụ chàng Diễn-nhã-đạt-đa đứng trước mặt gương soi mặt,
thấy đầu mặt rõ ràng trong gương. Khi úp gương xuống, đầu mặt mất, ông
ôm đầu chạy nói: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi.” Tại sao ông ôm
đầu chạy lại la mất đầu? Tại chấp bóng cho là đầu thật, nên mất bóng
liền ôm đầu thật chạy la mất đầu. Chúng ta cũng vậy, suy nghĩ phân biệt
mà cho là tâm mình. Thật ra đó là duyên theo bóng, nghĩ về người thì
có bóng người, nghĩ về vật có bóng vật. Nó lăng xăng nhưng tìm lại thì
mất dạng. Không phải bóng là gì? Khi không suy nghĩ, không tính toán
gì hết, lặng yên, lúc đó có tâm mình không? Tâm là cái biết, mắt thấy
biết, tai nghe biết. Vậy mà chúng ta không bao giờ nhận cái đó, cứ
nhận bóng dáng cho là mình. Như vậy chúng ta có giống Diễn-nhã-đạt-đa
không, cứ chấp bóng là tâm mình? Chấp bóng là mình tức chấp tâm giả
cho là thật, thì không bao giờ thấy được Tâm thật.
Nên
biết, tại sao chúng ta phải tu thiền? - Là để cái tâm tạm bợ bóng
dáng đó lặng xuống, nếu theo nó liên tục thì làm gì thấy cái thật. Tôi
thường ví dụ như cái gương, nhìn vào thấy có bóng người, bóng vật.
Lúc đó chúng ta thấy mặt gương rõ không? Bởi mải lo thấy bóng mà quên
gương. Nếu khi không thấy bóng mới nhận ra mặt gương luôn trong sáng.
Cũng vậy, tâm chúng ta luôn hiện tiền trong sáng. Nhưng chạy theo vọng
tưởng thì quên tâm. Khi dừng được vọng tưởng, cũng như gương không có
bóng, mặt gương hiện rõ ràng. Chúng ta tu thiền chủ yếu là vì thế.
Tâm
theo cảnh là tâm tạo nghiệp, buồn thương giận ghét là mầm tạo nghiệp.
Nếu không nghĩ ngợi lăng xăng thì có buồn thương giận ghét không? Tâm
không buồn thương giận ghét đâu có sanh diệt! Không sanh diệt mới
thật là cái chân thật của mình. Do đó si mê tầng thứ hai này rất sâu.
Tầng thứ nhất vừa nói có thể biết liền, còn thứ si mê này thật thâm
trầm, Phật gọi đó là vô minh.
Đối
với si mê cạn thì chúng ta dùng trí tuệ hữu học phân biệt chánh, tà.
Đối với si mê sâu chấp giả làm thật thì phải có công phu tu. Từ trí do
huân tu mới nhận chân được lẽ thật. Đây là nhân giải thoát sanh tử.
Tóm
lại, muốn trị bệnh si mê phải dùng thuốc trí tuệ và Thiền định. Trí
tuệ là trí hữu học, còn Thiền định để tăng Trí vô sư. Như chỉ thắp đèn
mới phá được bóng tối. Nếu không như thế thì làm sao phá được phiền
não. Cho nên người học Phật không có trí tuệ thì không làm sao phá được
phiền não. Vì trí tuệ phá si mê. Mà si mê sanh ra phiền não. Si mê
chấp thân, si mê chấp tâm v.v… Bao nhiêu khổ đau theo đó mà ra.
Đến
bệnh mạn, tức ngã mạn. Tại sao chúng ta có bệnh khinh mạn hay ngã mạn
này? Vì một là chấp thân, hai là chấp tâm. Thí dụ người đẹp, sang cả
thì thấy ta hơn thiên hạ, hoặc người thông minh học giỏi cũng thấy ta
hơn người. Từ hai thứ chấp thân chấp tâm, thân đẹp thì cho là quí, tâm
lanh lợi thì cho là khôn ngoan, đó là bệnh ngạo mạn. Bệnh này phải
dùng thuốc “vô ngã” để trị. Vô ngã có hai: về thân thì do tứ đại hòa
hợp, về tâm thì tất cả suy nghĩ đều là vọng tưởng hư dối, có gì thật
đâu mà chấp! Ta đã không thật mà trọng mình khinh người là điều vô lý.
Nên dùng pháp quán vô ngã, thân tứ đại duyên hợp nên không có ngã
thật, tâm cũng là bóng dáng của ngoại trần, nên cũng không thật, có gì
là khôn có gì là hơn? Lấy vô ngã để phá ngã mạn, đó là thuốc trị bệnh
mạn.
Đến
nghi, thường nghi có hai loại: Trong nhà thiền hay nói “đa nghi đa
ngộ” thì cái nghi này là nghi quí. Còn nghi bệnh như: một là nghi mình,
hai là nghi Tam Bảo. Nghi không biết Phật có thật không, pháp Phật
dạy có đúng không, các thầy tu có thật không? Do nghi như vậy nên đối
với Tam Bảo mất hết lòng tin. Kế, nghi mình tu không nổi. Đã nghi
mình, nghi Tam Bảo thì làm sao tiến được! Cho nên muốn hết nghi phải
lấy thuốc “chánh tín” để trị. Tức là lấy lòng tin. Lòng tin ở đây là
từ trí tuệ mà có, chớ không phải tin mù quáng. Bởi tin có hai: tin do
trí tuệ gọi là chánh tín, tin một cách mù quáng gọi là mê tín. Chữ tin
này cần phải hiểu cho rõ ràng.
Dùng
chánh tín tức là lòng tin chân chánh để dẹp cái nghi. Chánh tín là
tin thế nào? Một: Tin Tam Bảo bằng trí tuệ, đức Phật có thật hay
không, chúng ta phải tra khảo tìm hiểu cho rõ. Khi nào biết thật có
đức Phật là con người tu hành thành đạo, tin được Phật rồi. Thứ hai là
tin pháp của Phật. Pháp này đúng sự thật hay huyền hoặc sai với chân
lý? Nếu đúng thì chúng ta mới tin pháp. Thứ ba là tin Tăng, những vị
xuất gia tu theo Phật gồm có Tăng Ni. Các vị này có tu chân chánh hay
không? Nghiệm xét thấy hoàn toàn chân chánh đúng với chánh pháp của
Phật mới tin. Nhờ biết nhận định từ trí tuệ nên gọi là chánh tín. Vì
vậy Phật dạy phải Văn Tư Tu. Xét đủ rồi mới đủ lòng tin Tam Bảo. Tin
Tam Bảo là tín tha, kế đến phải tự tín, tức là tin nơi mình. Tin chắc
rằng mình có thể tu được. Nhờ tin như vậy nên mới cố gắng tu. Nếu
không, chúng ta sẽ sợ mình ăn chay không nổi, ngồi thiền không nổi.
Không tin mình thì không thể làm gì được, mặc dù tin Tam Bảo. Cho nên
tin Tam Bảo còn phải tự tin nữa. Những việc Phật làm được chúng ta
cũng làm được. Mình sẽ tu được, không thua ai. Lòng tự tín phải mãnh
liệt như vậy. Tóm lại, lấy thuốc chánh tín để trị bệnh nghi ngờ.
Cuối
cùng là ác kiến. Trong phần ác kiến có: thân kiến, biên kiến, kiến
thủ, giới cấm thủ, tà kiến. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh phần tà kiến, bởi
vì phần này rất tế nhị. Thường người ta nói tà là lệch là nghiêng.
Kiến ở đây không phải thấy mà nhận định. Tà kiến nghĩa là nhận định một
cách sai lầm. Thí dụ như nói chết là hết, hoặc cho rằng chết rồi,
linh hồn vẫn còn hoài, A trở lại làm A, muôn kiếp vẫn là A thôi. Đây
là tà kiến, vì một bên chấp đoạn kiến, một bên chấp thường kiến. Ngoài
ra như chuyện đến núi Sam xin vay tiền Bà chúa Xứ về làm ăn v.v… Đây
là vừa thuộc về mê tín, vừa là tà kiến.
Nếu
nói Bà chúa Xứ linh thiêng, ai vay tiền Bà đều phát đạt hết thì từ
Long Xuyên lên Châu Đốc mọi người phải giàu hết vì họ ở gần, dễ chạy
lên vay. Nhưng thực tế xét kỹ từ Long Xuyên lên Châu Đốc hay vùng lân
cận được bao nhiêu người giàu? Lẽ ra từ gần tới xa, nhưng ở gần đã không
ra gì thì ở xa làm sao xin được! Tin như vậy là tin nhảm nhí, tin tà
kiến. Tà kiến ngay con người mình, cứ nghĩ mình có linh hồn, mình chết
rồi linh hồn còn nguyên trở lại làm người v.v… Nhà Phật gọi như thế
là tà kiến, vì chấp thường kiến. Còn cho rằng chết là hết không có
nhân quả báo ứng gì cả thì thuộc về đoạn kiến, cũng là tà kiến.
Trong
đạo Phật không nói còn mãi, cũng không nói chết là hết. Quan trọng là
phải làm sao nhận ra nơi con người mình phần nào sanh diệt, phần nào
không sanh diệt. Nhận được như vậy rồi, phải làm sao cho phần không
sanh diệt không bị phủ che. Còn trên mặt sanh diệt, nói còn hoài là
sai, nói hết cũng sai. Bởi vì lâu nay người ta hay nói cái gì mất rồi là
hết, nhưng sự thật không hết. Tất cả đều là một vòng chuyển biến tụ
tán, tụ tán. Kể cả các hình thức nhỏ nhất như bụi đất v.v… Cục đất to
đập nát thành bụi nhỏ, nhìn cục đất thì thấy mất, nhưng nó thành cát
bụi chớ không mất, chỉ chuyển biến đổi hình đổi dạng thôi. Thân này
cũng vậy khi hoại đất trả về đất, nước trả về nước, gió trả về gió, lửa
trả về lửa chớ không mất, không hết. Vậy mà chúng ta thường nhận định
sai lầm, chết là hết. Đó là tà kiến. Nên người Phật tử phải biết từ
thể xác đến tinh thần đều tùy duyên. Chúng luân chuyển tụ nơi này tan
nơi kia chớ không hết. Tùy duyên luân chuyển tức là luân hồi.
Biết
rõ nguyên nhân tạo thành luân hồi như vậy mới có thể chận đứng nó
lại. Hiểu thế mới tu giải thoát sanh tử. Nhiều người nói tu để giải
thoát sanh tử, nhưng hỏi giải thoát cái gì, làm sao giải thoát thì
không biết. Nếu chấp thân sanh diệt là thân mình, chấp tâm sanh diệt là
tâm mình, đó là tiếp tục tạo nghiệp luân hồi, không bao giờ dừng. Còn
không chấp hai thứ đó mà sống được với cái chân thật không sanh diệt
của mình thì không tạo nghiệp, đó là giải thoát, không bị lôi cuốn đi
trong sanh tử nữa.
Có
người hiểu lầm đạo Phật, nói đạo Phật là đạo cứu khổ nhưng sao quí
thầy ít làm việc từ thiện hơn người tu đạo Chúa. Thầy chỉ giảng kinh
như vậy thì cứu khổ chúng sanh chỗ nào? Bởi vì cái nhìn của đạo Phật
khác đạo Chúa. Thí dụ như thấy đứa bé ra bãi biển vun cát làm núi non
chơi, một lát sóng biển ào lên cuốn trôi mất hết, rồi nó tiếp tục làm
nữa, cũng bị cuốn trôi mãi, như vậy tội nghiệp nó tốn công vô ích, sao
không làm gì khác hay hơn.
Đây
cũng vậy, nếu chúng ta còn luân hồi, bỏ thân này tụ lại thân khác
kiếp kiếp đời đời không ra khỏi, nên Phật nói không có khổ nào lớn
bằng khổ luân hồi. Cuộc sống mấy chục năm ra gì, có thiếu, có đói cũng
là tạm thời. Dài thì chết muộn, ngắn thì chết sớm, tất cả cũng phải
chết, không ai thoát được. Như vậy điều đáng lo nhất là làm sao ngay
nơi thân này đừng tiếp tục làm việc vô ích nữa. Chúng ta xét xem cứ
mỗi lần sanh ra chết đi, ta làm được những gì cho người cho mình? Hay
sanh ra lớn lên rồi già chết, đời này qua đời khác! Cứ như vậy hoài
thật là vô lý! Nên Phật nói đi trong luân hồi không có khổ nào bằng.
Cứu khổ chúng sanh là làm sao cho họ thoát khỏi luân hồi. Đó là gốc
của đạo Phật. Điều này chỉ có Phật thấy chớ chúng ta đâu thấy. Con
người chỉ thấy đói rách và những thứ cần thiết trong cuộc sống. Mà thân
này đã tạm bợ thì những thứ phụ thuộc trong cuộc sống càng tạm bợ
hơn. Vì vậy Phật nói khổ từ đời này sang đời khác liên tục không biết
khi nào dừng.
Trong
kinh đức Phật dạy rằng: “Cái khổ bị thiêu đốt ở địa ngục chưa phải là
khổ, cái khổ làm ngạ quỉ đói khát chưa phải là khổ, cái khổ làm trâu
ngựa kéo cày kéo xe chưa phải là khổ, chỉ si mê không biết lối đi mới
là khổ.” Cho nên đức Phật nói vô minh mê lầm là khổ nhất. Bởi vì nó
dẫn mình đi trong luân hồi vô số kiếp. Phá được nó, không còn lầm lẫn
nữa, gọi là giải thoát sanh tử. Được vậy mới thật sự hết khổ. Đạo Phật
hết sức thâm sâu, chỉ vì người ta không biết nên mới phê phán thế này
thế nọ.
Vì
đạo Phật đưa chúng ta đi quá cái tầm thường của con người, nên con
người khó tin khó nhận. Đức Phật thấy tột cội nguồn nên Ngài thương chỉ
dạy cho chúng ta đến chỗ đó mới là cứu kính. Không phải tu chút ít
được phước sanh cõi lành mà cho là đủ. Sợi dây xích dù bằng vàng, nhốt
chúng ta trong nhà lầu cũng bằng vàng, nhưng chúng ta vẫn thấy khổ như
thường. Bởi vì còn dây xích là còn khổ. Dù xích vàng hay sắt gì cũng
đều khổ hết. Khi nào thoát khỏi dây xích mới hết khổ. Giải thoát là như
vậy. Cho nên đạo Phật không khuyên chúng ta tu để đời sau được sanh
lên cõi trời, mà phải giải thoát sanh tử. Đó mới là cội gốc.
Thế
nên chúng ta phải biết những gì đức Phật dạy là những phương thuốc
trị bệnh cho chúng sanh hết khổ. Từ bệnh tham, bệnh sân, bệnh si v.v…
những bệnh đó bớt được là bớt khổ. Nếu được hết sạch thì sẽ đi đến chỗ
giải thoát sanh tử. Những phương pháp Phật dạy gọi là Đạo đế. Dứt được
mầm đau khổ là Diệt đế, là giải thoát sanh tử.
Như
vậy học Phật, tu Phật là phải ứng dụng phương pháp Phật dạy. Thầy
thuốc cũng vậy, chẩn bệnh, cho thuốc, bệnh nhân phải uống thuốc mới
lành bệnh. Nếu cứ xin thầy cho tôi hết bệnh mà không chịu uống thuốc
thì có lành bệnh không? Đạo Phật vì thế rất thực tế chớ không phải huyền
hoặc như người ta tưởng.
Hiểu
được vậy mới thấy giá trị đạo Phật rất chân thật. Người Phật tử không
hiểu vô tình làm cho đạo Phật trở thành mê hoặc. Lỗi đó tại ai? Cũng
tại một phần ở nhà chùa. Giáo lý Phật dạy quá rõ ràng mà người tu
không áp dụng, không đem ra dạy, lại dạy những chuyện đâu đâu rốt cuộc
nhìn đạo Phật có khác gì ngoại đạo! Những gì ưu, những gì quí của đạo
Phật cũng không biết, cứ nói đạo nào cũng dạy ăn hiền ở lành thôi, mà
không biết gốc của đạo Phật là thế nào. Vì không thấy được điều đó nên
ngày nay theo đạo Phật, mai mốt theo đạo khác, miễn đạo nào cũng ăn
hiền ở lành là được. Như vậy là không hiểu đạo Phật.
Hôm
nay nhân gặp gỡ quí vị thầy thuốc nên tôi nói về thuốc của đạo Phật.
Bởi vì Bác sĩ, thầy thuốc là thực tế khoa học, thì đạo Phật cũng thực
tế khoa học không có gì huyền bí hết. Chỉ tại người không hiểu và nhận
định sai lầm thôi.
Mong quí vị suy gẫm kỹ và ứng dụng tu hành cho có kết quả.
H.T Thích Thanh Từ
Theo thuongchieu.net