DẪN
NHẬP
Cách ngôn Trung Hoa có câu: ‘Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc thuyết tha
phi’, khi ngồi một
mình vắng vẻ, hãy thường xuyên suy nghĩ về lỗi lầm của chính mình. Trong lúc đàm
luận nhàn rỗi, chớ nên kể lể chuyện xấu của người. Đây là châm ngôn tu thân của
người đời. Dù chỉ là người dân thường,
nếu ưu tư về lỗi lầm của mình thì có thể
cách mạng được cả số phận; còn như một quân vương, nếu thấy được lỗi lầm của
mình thì không những thay đổi cả mệnh đời, mà còn thay đổi cả vận mệnh quốc gia,
đánh thức toàn trái tim dân tộc, và mãi mãi là tấm gương lịch sử cho những đế
vương sau này học theo.
Vua Ưu-điền suy gẫm về lỗi lầm của mình được kể trong kinh Phật dạy vua Ưu-điền
dùng chánh pháp trị nước (Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận
kinh [佛爲優填王說王法正論經 – Nītiśastra-sūtra – Spoken by Buddha for the sake of King
Udayana], tên khác Chính luận kinh, Vương pháp chính luận kinh), 1 quyển, do
ngài Bất Không (705-774, Amoghavajra, Bất Không Kim Cang, người Tích Lan) dịch
thời Đường, tạng Đại chánh 14, số 524, trang 797.
TOÁT YẾU NỘI DUNG
KINH
Một hôm vua Ưu-điền ngồi trong tịnh thất nơi thanh vắng suy nghĩ: Làm thế nào để
biết lỗi lầm thật sự, công đức chân thật của các
đế vương? Nếu biết ta sẽ bỏ các lỗi lầm mà tu tạo các công đức. Có Sa-môn tịnh
hạnh nào hiểu rõ để giảng cho ta. Sau đó vua lại nghĩ:
Chỉ có Thế Tôn của ta là bậc đại sư trong ba cõi, đầy đủ nhất thiết trí, chắc
chắn biết lỗi lầm, công đức chân thật của các vua. Ta phải đến gặp Thế Tôn thưa
hỏi việc này.
Nghĩ xong nhà vua liền đến chỗ Phật thưa hỏi:
Bạch Thế Tôn! Thế nào là lỗi lầm của các vua? Thế nào là công đức chân thật của các
vua?
Đức Phật dạy, một vị đế vương có mười điều lầm lỗi, mười thứ công đức, năm loại
hành vi xấu làm đế vương bị suy tổn, và có năm điều khiến cho đế vương được thần dân yêu thích, quí kính.
Mười điều lầm lỗi là:
1. Dòng họ không cao quí.
2. Không có quyền lực.
3. Bản tánh hung ác.
4. Chính sách hà khắc, hung dữ.
5. Ít ban bố ân huệ.
6. Nghe theo lời tà vạy, nịnh hót.
7. Làm việc không thuận theo qui chế của tiên vương.
8. Không hướng đến thiện pháp.
9. Không xem xét việc phải trái hơn thua.
10. Chỉ ăn chơi buông lung.
Nếu quốc vương nào phạm 10 lỗi lầm này thì dù kho tàng to lớn, binh hùng tướng
mạnh, cũng không bao lâu đất nước sẽ gặp tai họa loạn lạc. Đại vương nên biết,
lỗi đầu thuộc dòng họ vua, còn 9 lỗi sau thuộc tự tánh của vua.
Mười công đức là:
1. Dòng họ cao quí.
2. Được quyền lực lớn.
3. Tánh tình không hung dữ.
4. Chính sách khoan hồng
5. Ân huệ nồng hậu.
6. Nghe theo lời nói chánh trực.
7. Làm việc, suy nghĩ thuận theo lời dạy của tiên vương.
8. Hướng đến thiện pháp.
9. Biết rõ việc phải trái hơn thua.
10. Không buông lung, phóng đãng.
Nếu quốc vương nào có đủ 10 công đức như vậy thì dù quốc gia không có kho tàng,
hay thiếu binh hùng tướng mạnh, nhưng không bao lâu đất nước cũng tự nhiên giàu
mạnh và được mọi người qui ngưỡng.
Còn thế nào là năm hành vi xấu làm vua suy tổn?
1. Không khéo quan sát, theo dõi quần thần.
2. Tuy khéo quan sát nhưng không có ân huệ, tuy có ân huệ nhưng không kịp thời.
3. Chỉ lo vui chơi, không nghĩ đến việc nước.
4. Chỉ lo vui chơi buông lung, không giữ gìn kho tàng.
5. Chỉ lo vui chơi không tu hành pháp thiện.
Nếu quốc vương nào phạm vào 5 điều trên thì mất phước báo trong hiện tại và cả
đời sau….
Lại có năm điều khiến nhà vua được thần dân yêu thích, quí kính:
1. Ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng.
2. Anh dũng đầy đủ.
3. Khéo dùng phương tiện quyền xảo.
4. Lãnh thọ vật dụng đúng đắn.
5. Siêng tu thiện pháp.
Thế nào là ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng? Nghĩa là nhà vua bản tánh biết đủ,
không tham. Nếu có kho tàng tùy theo khả năng cung cấp, bố thí cho người nghèo
cô độc… dùng lời êm dịu khuyến hóa dân chúng…
Thế nào là anh dũng đầy đủ? Nghĩa là nhà vua có tinh thần không trụy lạc, võ lực
mưu lược đầy đủ. Những người chưa hàng phục thì làm cho hàng phục, những người
đã hàng phục thì bảo hộ họ.
Thế nào là khéo dùng phương tiện quyền xảo? Nghĩa là nhà vua khéo hiểu biết, phân biệt rõ ràng các việc. Dùng
phương tiện nhiếp phục tất cả kẻ oán địch.
Thế nào là lãnh thọ vật dụng đúng đắn? Nghĩa là nhà vua biết tính toán kho tàng
tăng giảm, không xa xỉ, keo kiệt, sử dụng ở mức bình thường, tùy thời cung cấp
cho quần thần, thân tộc… khi bệnh nên ăn những món nên ăn, ăn theo lời
thầy thuốc… Nếu có món ăn ngon nên chia cho mọi người.
Thế nào là siêng tu thiện pháp? Nghĩa là nhà vua đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ
thanh tịnh.
Về tín thanh tịnh, là rõ biết tin có đời sau và tin quả báo nhân thiên, nghiệp
thiện, bất thiện đời sau.
Thọ trì tịnh giới, là mỗi năm ba tháng, mỗi tháng sáu ngày trai giới, xa lìa sát
sanh, trộm cắp, v.v… đó là giới thanh tịnh.
Văn thanh tịnh, là hiểu biết nghiệp đời này và quả đời sau, tu tạo
phước đức, tấn tu đạo nghiệp, ưa các pháp môn vi diệu…
Xả thanh tịnh, là tâm xa lìa xan tham, tự tay bố thí, tu phước viên mãn…
Tuệ thanh tịnh, là hiểu biết như thật có tội,
không tội, thân cận các Sa-môn đa văn, giới hạnh, xa lìa điều ác, tà giáo. Và
biết rõ quả báo viên mãn, sĩ dụng viên mãn, công đức viên mãn.
Nhà vua kế tục đế nghiệp, sanh vào thị tộc thông minh, trí tuệ, kho tàng, tài
bảo dùng hoài không hết, đó gọi là quả báo viên mãn.
Nếu quốc vương khéo dùng phương tiện quyền xảo, thường thành tựu các việc, anh
dũng trong đánh trận, thông đạt các môn kỹ nghệ, đó gọi là sĩ dụng viên mãn.
Nếu quốc vương thọ trì chánh pháp, cùng các nội cung, vương tử, đại thần thực
hành bố thí, làm các việc thiện, trì trai, thọ giới… Đó gọi là công đức viên mãn.
Nếu ai thực hành đầy đủ như vậy gọi là đầy đủ tuệ thanh tịnh.
Sau khi
giảng dạy rõ ràng, đức Phật bảo nhà vua: vào lúc sáng sớm mỗi ngày nên đọc, hoặc
tụng giáo pháp tối thượng này, nương theo đó tu hành, thì gọi là Thánh vương,
Pháp vương; ngoài ra còn được chư Phật, Bồ-tát, trời, rồng… thường theo hộ trì,
và có thể làm cảm động đến thế gian, mưa thuận gió hòa, chiến tranh chấm dứt,
được các nước đến triều cống, phước lộc vô biên, nước nhà an lạc, thọ mạng lâu
dài. Tất cả đều được lợi ích, hiện đời được an lạc.
Vua Ưu-điền nghe Phật dạy xong quá đỗi vui mừng, nguyện thọ trì phụng hành theo.
LỜI KẾT
Kinh Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp chính luận còn có một bản dịch khác
là “Vương pháp chính lý luận”, 1 quyển, do Bồ-tát Di-lặc soạn, ngài Huyền Trang
dịch thời Đường, tạng Đại chánh 31, số 1615, trang 855. Bản “Vương pháp chính lý
luận” của Bồ-tát Di-lặc hơi khác bản của ngài Bất Không, là đức Thế Tôn nói 9
lỗi lầm, 9 công đức, 5 điều suy tổn, 5 phương tiện, 5 pháp đáng mến và 5 pháp có
năng lực dẫn đến pháp đáng mến của bậc đế vương. Đồng thời, đức Phật giảng nói 3
loại kẻ sĩ khác nhau, 3 loại Bổ-đặc-già-la (người), 3 viên mãn, 4 ngữ, 3 thứ ái
dục, 3 thứ tham nhiễm… Nhưng cả hai bản dịch này đều là biệt dịch từ quyển 61,
phần 4 “Nhiếp trạch phần có tầm, có tứ tam-ma-địa”, trong Du-già sư địa luận 100
quyển, Bồ-tát Di-lặc giảng, ngài Huyền Trang dịch thời Đường, tạng Đại chánh 30,
số 1580, trang 279.
Theo sử liệu ghi, vua Ưu-điền (Udayana, dịch Nhật tử vương, Xuất ái vương) trị
vì vương quốc Câu-thiểm-di (Kauśāmbī), vì hoàng hậu là người kính tín Phật pháp
nên ông trở thành vị ngoại hộ đắc lực của Phật. Cho nên khi dẫn nhập vào kinh, chúng ta thấy vua
Ưu-điền là một Phật tử thuần thành, lúc nhàn nhã việc triều chính thường tìm đến
Thế Tôn hỏi đạo, hay nói cách khác đó là hành vi của một vị minh quân, không
kiêu ngạo ta đang ngồi trên ngôi “Cửu ngũ” luôn vẹn toàn không chút lỗi lầm.
Song, thực chất dưới mắt một số nhà nghiên cứu Phật học như Kimura Taiken (Mộc
Thôn Thái Hiền, 1881-1930) cho rằng, các vị đế vương thời đức Phật, ngoài chuyện
đến hỏi đạo còn liên quan đến vấn đề chính trị:
Ấn Độ thời đại đức Phật (thế kỷ thứ V trước Tây lịch) chia ra mười mấy nước,
trong đó những nước lớn mạnh thường muốn thôn tính những nước nhỏ yếu, cho nên
tình trạng giữa các nước rất rối ren. (…) Nếu nói về tình hình nội chính thì
trong hơn mười tiểu quốc đó, có nước là Vương quốc, có nước là Cộng hòa, chính
thể tuy khác nhau, nhưng người nắm quyền chính trị thì đại khái là những người
thuộc giai cấp Sát-đế-lợi (Sĩ tộc), mà những người này vì muốn nắm lấy cơ hội
biến động để quật khởi nên một mặt muốn được sự tin tưởng của giai cấp Bà-la-môn
(giai cấp Tăng lữ, trí thức), mặt khác lại muốn mua chuộc lòng tin cậy của giai
cấp Phệ-xá (giai cấp thực nghiệp) và giai cấp Thủ-đà (nông nô), đó là một việc
không phải dễ dàng, nếu vô ý một chút có thể bị quần chúng oán thán, do đó uy
quyền sẽ giảm. Vì công việc nội chính, ngoại giao phức tạp và khó khăn như thế nên các nhà làm chính trị
thường mong đợi ở một nhà tôn giáo danh tiếng giúp ý kiến để vượt qua những
khó khăn ấy. Đức Phật là một trong những vị đạo sư danh tiếng thời bấy
giờ, cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy đức
Phật cũng được hỏi ý kiến liên quan đến vấn đề chính trị. Và chính vì để
giải đáp những vấn đề thực tế đó mà đức Phật đã phát biểu quan niệm chính
trị của Ngài. (…) Do đó mà Phật giáo đã có Chính trị quan một cách ngoài ý định.
Như vậy rõ ràng là cả hai bản kinh “Phật vị Ưu-điền vương thuyết vương pháp
chính luận” và “Vương pháp chính lý luận” đều không ngoài bản ý nêu trên. Lại
thêm một học giả nhận định đồng tư tưởng: “Tuyệt đỉnh lý tưởng của xã hội Phật
giáo là thế giới Tịnh độ, một thế giới bình đẳng, hòa bình an vui không phải lo
âu vì cuộc sống, ‘tưởng y y chí, tưởng thực thực lai’ (nghĩ y phục có y phục đến,
nghĩ thức ăn có thức ăn lại). Thế nhưng hiện tại cộng đồng xã hội Phật giáo chỉ
thực hiện một phần. Cho nên đương nhiên dù mang một lý tưởng siêu xuất thế gian,
Phật giáo cũng không thoát khỏi sự chi phối hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là về
chính trị và luật pháp. Tất nhiên dưới chế độ xã hộ đương thời, muốn đưa Phật
giáo vào trong dân chúng không thể không thông qua những hoạt động chính trị của
quốc gia”.
Kết lại, lịch sử đã đi qua, nhiều vương triều sụp đổ suy tàn, một vài triều đại
phú cường thịnh trị, còn sau này và mãi mãi cho đến về sau, không biết có bao
nhiêu vị đế vương hiểu được những gì đức Thích Tôn dạy cho vua Ưu-điền chính là “bức
thông điệp” nhắn nhủ lại cho các bậc đế vương cai trị, cho các nhà lãnh đạo tiếp
nối kế tục: Trong vương pháp phải có chánh pháp, trong chính trị phải có chính
đạo.■
Chú Thích
1. Du-già Bồ-tát giới
- Tuệ Sỹ, Nxb Phương Đông.
2. Luận Thành duy thức 8,
T31n1585_p42b04, giải thích: “Sĩ dụng (士用), nghĩa là
những người làm (sĩ) mượn các công cụ để tạo ra sự nghiệp”.
3. Đại thừa Phật giáo tư
tưởng luận, Tác giả Kimura Taiken – HT. Thích Quảng Độ dịch.
4. Giáo dục học Phật giáo
– Nguyên Hồng, Nxb Tôn giáo.
Tâm
Nhãn
Nguồn:
Tập San Pháp Luân 81