02/01/2018 21:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 1624
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài viết này sẽ phân tích Bát Nhã Tâm Kinh dưới cái nhìn bất nhị, hy vọng sẽ làm sáng tỏ bài kinh cốt tủy này như một lối đi của Thiền Tông, nơi đây sẽ thấy Sắc và Không hiện ra trong từng niệm tâm, và như thế Tứ Thánh Đế hiển lộ trong từng niệm tâm – một cách thực dụng để xa lìa tham sân si, và ai cũng có thể tự quan sát được.


Người viết tự xét vốn tu, vốn học không bao nhiêu, cho nên chủ yếu sẽ dẫn ra nhiều kinh luận để tham khảo. Đặc biệt, bốn chữ “Mê ngộ bất dị” nơi đầu bài là nhan đề một bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ, một bậc đại giác ngộ trong Thiền Tông Việt Nam. Ý rằng, mê và ngộ không hề dị biệt gì nhau, cũng như tất cả sóng vốn không hề rời nước, cũng như tất cả ảnh hiện vốn không hề rời gương tâm rỗng rang tịch lặng, cũng như tất cả phiền não vọng tâm vốn không hề rời niết bàn diệu tâm.


CHÁNH KIẾN: CHẲNG PHẢI CÓ, CHẲNG PHẢI KHÔNG

Bát Nhã Tâm Kinh viết rằng: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác Sắc, Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như thế.”

Câu hỏi có thể nêu ra nơi đây là: Đức Phật nói như thế nào trong Kinh Tạng Pali?

Trong Kinh SN 12.15 - Kaccaayanagotto Sutta, bản dịch của Maurice O'Connell Walshe, Đức Phật giải thích cho ngài Ca Chiên Diên về Chánh kiến, rằng thế gian ưa nhìn ra hai kiến chấp, hoặc các pháp là có, hoặc là không. Nhưng bậc trí tuệ cao nhất nhìn thấy thế gian như nó là, khi pháp tập khởi, không gọi là không; khi pháp tịch diệt, không gọi là có.

Chú ý phương pháp Đức Phật dùng nơi đây, chủ yếu phủ định, không khẳng định, xin lập lại lời Đức Phật:  bậc trí tuệ cao nhất nhìn thấy thế gian như nó là, khi pháp tập khởi, không gọi là không; khi pháp tịch diệt, không gọi là có.

Phương pháp phủ định về sau, được ngài Long Thọ sử dụng tuyệt vời.

Trích dịch Kinh SN 12.15 như sau:

Trưởng lão Kaccaayana thưa: Bạch Thế Tôn, thế nào là chánh kiến (Right view)?

Đức Phật đáp: Thế gian nghiêng về hai cái nhìn, hoặc cho là Có (hiện hữu, sắc, existence), hoặc cho là Không (non-existence). Nhưng với người có trí tuệ cao nhất, thấy thế gian tập khởi như nó thực sự là, không gọi được là ‘không có hiện hữu thế giới này’ và với người có trí tuệ cao nhất nhìn thấy thế giới tịch diệt như nó thực sự là, không gọi được là ‘có hiện hữu thế giới này…

… ‘Tất cả pháp hiện hữu’ là một kiến chấp cực đoan, ‘không pháp nào hiện hữu’ là cực đoan khác. Tránh cả hai cực đoan, Như Lai dạy trung đạo: Do duyên vô minh, hành khởi dậy… [lập lại như Kinh SN 12.10]… Do vậy tập khởi cả mớ sầu khổ. Nhưng khi vô minh mờ nhạt dần và tịch diệt, hành sẽ tịch diệt, hành tịch diệt sẽ dẫn tới thức tịch diệt… Như thế sẽ tịch diệt toàn bộ khối sầu khổ này.” (1) 


ĐỨC PHẬT DẠY: SẮC THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC LÀ KHÔNG

Bát Nhã Tâm Kinh viết: Sắc tức là Không, và Thọ Tưởng Hành Thức cũng là như thế (là Không)…

Như thế, câu hỏi là: Có phải Đức Phật nói rằng Sắc tức là Không, và nói rằng Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Không?

Đúng như thế. Trong Kinh Tương Ưng SN 22.95, Đức Phật dạy như thế, rằng Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đều là Không.

Chúng ta trích dịch từ Kinh SN 22.95 như sau:

“…Như thế, các sư, bất cứ dạng sắc nào, cho dù là (sắc) thời quá khứ, tương lai, hay hiện tại, dù (sắc) trong hay ngoài, dù (sắc) thô  hay tế, dù (sắc) hạ đẳng hay thượng đẳng, dù (sắc) gần hay xa: vị sư khảo sát nó, tư duy về nó, và cẩn thận quan sát nó, và nó sẽ hiện ra với sư này như là không, như là rỗng rang, như là vô tự tánh. Có cái gì nơi đó ở trong sắc đâu?

“…các sư… tương tự, với thọ, tưởng, hành, thức…” (2)

Như thế, chúng ta thấy rất nhiều câu trong Bát Nhã Tâm Kinh là ghi đúng 100% lời Đức Phật dạy trong Tạng Pali.


ĐỨC PHẬT NÓi VỀ TIẾNG ĐÀN: CÁI ĐƯỢC NGHE LÀ KHÔNG

Bát Nhã Tâm Kinh viết rằng: “Vô sắc thanh hương vị xúc pháp.”

Hiểu là: Không hề có cái gì là cái được thấy, không hề có cái gì là cái được nghe… tương tự với hương vị xúc pháp.

Trong Bộ Tương Ưng, có bài Kinh 35.246 còn được gọi là Kinh “The Simile of the Lute” – nghĩa là Kinh Ví Dụ về Đàn Dây. Chữ “lute” chỉ có nghĩa là đàn dây. Có thể lấy thí dụ đương thời là đàn guitar, hay cổ thời là đàn tỳ bà, hay đàn tranh.

Trong kinh này, trước tiên Đức Phật dạy pháp an tâm là: hễ thấy tham sân si khởi lên trong tâm khi mắt thấy (khi tai nghe…) thì hãy cảnh giác rằng như thế là nguy hiểm vô cùng tận. Rồi Đức Phật lấy thí dụ như khi con trâu hay bò ra cánh đồng phá lúa, cần phải ghìm trâu lại. Rồi Đức Phật lấy thí dụ như tiếng đàn quyến rũ người nghe. Đức Phật nói rằng tiếng đàn là do duyên hợp, có chẻ cây đàn làm hàng trăm mảnh cũng không thấy gì là tiếng đàn, có nghĩa là cái được nghe vốn thực là rỗng rang.

Ghi nhận rằng Kinh SN 35.246 (The Simile of the Lute) là bản Anh văn, nhưng bản của Hòa Thượng Thích Minh Châu là Kinh SN 35.242 (Đờn Tỳ Bà). Trong ghi chú (3) sẽ dẫn links tới cả hai bản Anh và Việt. Nơi đây, chúng ta trích từ bản Việt ngữ để thấy Đức Phật dạy về Tánh Không, rằng không hề có cái gì là cái được nghe, qua thí dụ về tiếng đàn tỳ bà, trích:

"...Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các sắc do mắt nhận thức có khởi lên dục (chanda), tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy. Con đường này là con đường đầy sợ hãi, đầy kinh khủng, đầy gai góc, đầy rừng rậm, con đường ác, con đường tà, con đường đầy trộm cướp. Con đường này là con đường do phi thiện nhân dùng, không phải con đường do thiện nhân dùng. Như vậy, với ý nghĩ: “Đây không phải con đường xứng đáng cho ta”. Hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy đối với các sắc do mắt nhận thức … Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các vị do lưỡi nhận thức … đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên dục, tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy...

...Ví như, này các Tỷ-kheo, một vị vua hay đại thần của vua từ trước chưa từng được nghe tiếng đàn tỳ bà, nay được nghe tiếng đàn tỳ bà, vị ấy nói: “Này Bạn, tiếng ấy là tiếng gì, khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy?” Họ nói với vị ấy: “Thưa Tôn giả, đây là đàn tỳ bà, với tiếng khả ái như vậy, mê ly như vậy, khả lạc như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy”. Vị ấy nói như sau: “Hãy đi và đem đàn tỳ bà ấy về cho ta”. Họ đem đàn tỳ bà về cho vị ấy, và nói như sau: “Thưa Tôn giả, đàn tỳ bà này với tiếng khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy”. Vị ấy bèn nói: “Thôi vừa rồi đối với ta về đàn tỳ bà này. Hãy đem tiếng lại cho ta”. Họ thưa với vị ấy: “Thưa Tôn giả, cái này được gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ nhiều thành phần này nên đàn phát âm. Như duyên cái bầu, duyên cái da, duyên cái cán, duyên cái đầu, duyên cái dây, duyên cái cung, duyên nỗ lực thích nghi của người. Như vậy, thưa Tôn giả, cái này gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ gồm nhiều thành phần này nên đàn phát âm”. Rồi vua ấy đập đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh; sau khi đập bể đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh, vị ấy chẻ thành từng miếng nhỏ; sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, vị ấy lấy lửa đốt; sau khi lấy lửa đốt, vị ấy vun lại thành đống tro; sau khi vun lại thành đống tro, vị ấy đem quạt đống tro lớn ấy trước làn gió mạnh, hay để chúng trôi theo dòng nước sông chảy mạnh. Rồi vị ấy nói: “Thật là hạ liệt, cái gọi đàn tỳ bà này, dầu cho tỳ bà là cái gì. Ở đây, đại chúng thường phóng dật, bị hướng dẫn sai lạc”...."

LÀ KHÔNG, LÀ RỖNG KHÔNG, LÀ TUYỆT KHÔNG

Cũng trong Tương Ưng Bộ, nói rất minh bạch... Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch bản Kinh 35.234 Rắn Độc, trích:

"...Ngôi làng trống không, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Này các Tỷ-kheo, nếu một người hiền, kinh nghiệm, có trí, tìm hiểu nó với con mắt; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không … Nếu tìm hiểu nó với ý; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không..." (4)

Kết hợp bài kinh này và bài kinh dẫn trước kinh này, sẽ thấy rằng từ mắt tai mũi lưỡi thân ý sinh khởi Khổ Đế và Tập Đế, nhưng khi nhận ra tất cả các pháp là trống không, là rỗng không, là tuyệt không… tức khắc hiện lên Đạo Đế và Diệt Đế.

Kinh vừa dẫn nói về sáu nội xứ, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức. Còn sáu ngoại xứ là: cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được thân xúc và các sự vật hiện tượng nhận biết qua ý thức.

Nơi đây, Tứ Thánh Đế hiện ra trong các niệm tâm: khi pháp tập khởi là Khổ Đế và Tập Đế… và khi pháp tịch diệt là Đạo Đế và Diệt Đế, và là Niết Bàn.

Tại sao gọi gọi tập khởi là Khổ? Bởi vì Kinh Phật dạy như thế trong Kinh SN 35.133 (Verahaccaani Sutta).

Kinh này trích dịch như sau:

“… vị nữ cư sĩ bạch với Đại sư Udaayii: Bạch Đại sư, xin dạy con cái gì các vị A La Hán nói là gây ra đau đớn và sầu khổ hiện ra? Cái gì quý ngài nói là sẽ làm cho đau đớn và sầu khổ biến mất?

“Đại sư Udaayii dạy: Nơi con mắt hiện ra, các ngài A La Hán tuyên bố là đau đớn và sầu khổ hiện ra. Nơi con mắt vắng mặt, quý ngài tuyên bố rằng đau đớn và sầu khổ không hiện ra. [tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân, ý]…”

Bản tiếng Anh: "Where the eye is, sister, the Arahants declare that weal and woe exist. Where the eye is absent, they declare that weal and woe do not exist. [Similarly for ear, nose, tongue, body (touch) mind.]" (5)

TỨ THÁNH ĐẾ CŨNG LÀ KHÔNG:

CÁC PHÁP KHÔNG TỪ ĐÂU TỚI, KHÔNG ĐI VỀ ĐÂU

Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng: Vô Khổ Tập Diệt Đạo.

Nghĩa là: vốn không hề có Khổ Đế, không hề có Tập Đế, không hề có Diệt Đế, không hề có Đạo Đế.

Trong các kinh dẫn trên đã hàm ý rằng các pháp nó như thế là như thế, mắt [tập khởi] là khổ, nhưng cũng nơi mắt [tịch diệt], Niết Bàn hiện ra. Đức Phật còn dẫn ra tiếng đàn để nói rằng các pháp [thế gian này] vốn không từ đâu tới, và tịch diệt cũng không đi về đâu.

Khi chú giải về tiếng đàn không từ đâu tới và không đi về đâu, Ngài Bhadantacariya Buddhaghosa (Phật Âm) viết trong Thanh Tịnh Đạo Luận, Chương XX, Đoạn 96, bản Việt dịch của Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải như sau:

96. Vị ấy hiểu như sau: không có tích lũy của danh-sắc chưa sanh (hiện hữu) trước khi nó sanh. Khi nó sanh, nó không đến từ một đống hay một kho chứa nào, và khi diệt, nó không đi về hướng nào cả. Không nơi nào có một chỗ chứa, một cái kho, một nơi tàng trữ cho những gì đã diệt. Không có một kho chứa nào cho âm thanh trước khi cây đàn được đánh lên âm thanh không đến từ một kho chứa nào khi nó trổi lên, cũng không đi về hướng nào khi nó dứt, nhưng trái lại, từ không nó trở thành có, nhờ cây đàn và nỗ lực thích nghi của người đánh đàn, và sau khi có nó trở thành không. Cũng vậy là tất cả sắc pháp và vô sắc pháp, từ không mà được sanh ra, sau khi hiện hữu, chúng tan biến.”

Để làm sáng tỏ ý này, xin trích bản Anh dịch, cùng đoạn The Visuddhimagga (XX, 96) của dịch giả Nina van Gorkom:

96. There is no heap or store of unarisen nāma-rūpa (existing) prior to its arising. When it arises it does not come from any heap or store; and when it ceases, it does not go in any direction. There is nowhere any depository in the way of heap or store or hoard of what has ceased. But just as there is no store, prior to its arising, of the sound that arises when a lute is played, nor does it come from any store when it arises, nor does it go in any direction when it ceases, nor does it persist as a store when it has ceased (“Kindred Sayings” IV, 197), but on the contrary, not having been, it is brought into being owing to the lute, the lute’s neck, and the man’s appropriate effort, and having been, it vanishes - so too all material and immaterial states (rūpa and nāma), not having been, are brought into being, having been, they vanish.”

Các links cho Thanh Tịnh Đạo, Chương XX, Đoạn 96, bản Việt và Anh dịch ở ghi chú số (6).

 

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ: MÊ NGỘ BẤT DỊ

Bát Nhã Tâm Kinh nói: Dĩ vô sở đắc cố...

Như thế, như các kinh đã dẫn trên, sẽ thấy ý nghĩa trong Bát Nhã Tâm Kinh: Bởi không hề có cái gì gọi là sở đắc…

Và vì Tứ Thánh Đế hiện ra trong một niệm tâm, do vậy Mê và Ngộ không gì khác biệt nhau.

Bất kỳ ai cũng có thể tự quan sát niệm trong tâm mình, dần dần khi lắng tâm được, sẽ tới lúc thấy như các kinh dẫn trên đã nói, và khi các tâm tham sân si vắng lặng, lúc đó là mặt nước hồ tâm phẳng lặng, là tiếp cận với Tướng Không của các pháp, nơi đó tâm sẽ trong trẻo, lặng lẽ, bình an.

Niết Bàn không ở đâu xa, vì các pháp không từ đâu tới và cũng không đi về đâu.

Trong Kinh AN 3.47, Đức Phật dạy rằng có ba pháp hữu vi (tập khởi được thấy, tịch diệt được thấy, biến dị được thấy) và có ba pháp vô vi – vô vi hiểu là giải thoát, xa lìa phiền não, nơi đó “không tập khởi nào được thấy, không tịch diệt nào được thấy, và không biến dị nào trong khi nó còn hiên trú được thấy.” (Đức Phật dạy: Bhikkhus, there are these three characteristics that define the unconditioned. What three? No arising is seen, no vanishing is seen, and no alteration while it persists is seen. These are the three characteristics that define the unconditioned.) (7)

Như thế, cõi này là phiền não, và cõi này cũng là Niết Bàn. Phiền não không phải Niết Bàn, nhưng cũng không thể gọi là khác với Niết Bàn.

Cũng như sóng không lìa nước, như ảnh không lìa gương. Sắc chẳng khác Không, và Không chẳng khác Sắc.

Trong Thiền sử Việt Nam có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua bài thơ nhan đề “Mê ngộ bất dị” đã viết về cảnh giới này, nơi mắt thấy và tai nghe chính là sầu khổ (vọng khởi tam đồ khổ), nhưng cũng chính nơi mắt thấy và tai nghe tức khắc là giải thoát khi hành không khởi dậy (Niết Bàn tâm  tịch tịch).

Bản âm Hán Việt từ Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, viết như sau, với dịch nghĩa trong ngoặc:

MÊ NGỘ BẤT DỊ

Mê ngộ bất dị (Mê lầm, giác ngộ không khác nhau)

Mê khứ sinh không sắc (Khi mê, sinh ra Không và Sắc)

Ngộ lai vô sắc không  (Khi ngộ, không hề có chuyện Sắc và Không)

Sắc không mê ngộ giả (Sắc và Không, cũng như Mê và Giác Ngộ)

Nhất lý cổ kim đồng. (Từ xưa tới nay cũng là một lẽ)

.

Vọng khởi tam đồ khởi (Khi vọng dấy lên, ba đường khổ hiện lên)

Chân thông ngũ nhãn thông (Khi thực tướng thông rồi, năm con mắt cũng thông)

Niết Bàn tâm tịch tịch (Tâm Niết Bàn lặng lẽ)

Sinh tử hải trùng trùng (Biển sống chết trùng trùng)

.

Bất sinh hoàn bất diệt (Vốn không hề sinh, cũng không hề diệt)

Vô thuỷ diệc vô chung (Vốn không khởi đầu, cũng không kết thúc)

Đãn năng vong nhị kiến (Nếu tâm lìa được hai kiến)

Pháp giới tận bao dung (Khắp pháp giới bao dung vô cùng tận).

.

Chữ “nhị kiến” trong câu áp chót của thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ là nói tất cả những biên kiến hai đầu, tức là 62 tà kiến, là Thường và Đoạn, là Có và Không, và vân vân.

Nơi đây, người viết xin làm vài câu thơ để kính dâng Tam Bảo:

 

Phật đi, chữ rơi lại

con ngồi tụng Tâm Kinh

nghe Tuệ Trung làm quái

nheo mắt cười rung rinh

.

Phật đi, lời vọng lại

con ngồi lặng chín năm

nghe lời kinh bất hoại

hiển lộ dần trong tâm

.

Phật đi, lời sương khói

nhị thừa, tối thượng thừa

con dò kinh tìm lối

viết mấy cũng chưa vừa.

NGUYÊN GIÁC

 

GHI CHÚ:

(1) Kinh SN 12.15 - "The world in general, Kaccaayana, inclines to two views, to existence or to non-existence. But for him who, with the highest wisdom, sees the uprising of the world as it really is, 'non-existence of the world' does not apply, and for him who, with highest wisdom, sees the passing away of the world as it really is, 'existence of the world' does not apply....

..."'Everything exists,' this is one extreme [view]; 'nothing exists,' this is the other extreme. Avoiding both extremes the Tathaagata[ teaches a doctrine of the middle: Conditioned by ignorance are the formations... [as SN 12.10]... So there comes about the arising of this entire mass of suffering. But from the complete fading away and cessation of ignorance there comes the cessation of the formations, from the cessation of the formations comes the cessation of consciousness... So there comes about the complete cessation of this entire mass of suffering." - https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn12/sn12.015.wlsh.html

(2) Kinh SN 22.95: ...So too, bhikkhus, whatever kind of form there is, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near: a bhikkhu inspects it, ponders it, and carefully investigates it, and it would appear to him to be void, hollow, insubstantial. For what substance could there be in form? ...bhikkhus, whatever kind of consciousness there is, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near: a bhikkhu inspects it, ponders it, and carefully investigates it, and it would appear to him to be void, hollow, insubstantial. For what substance could there be in consciousness? -- https://suttacentral.net/en/sn22.95 

(3) Anh ngữ -- Kinh The Simile of the Lute: https://suttacentral.net/en/sn35.246

Việt ngữ -- Kinh Đờn Tỳ Bà: https://suttacentral.net/vn/sn35.242

(4) Kinh 234. Rắn Độc. -- https://suttacentral.net/vn/sn35.234

(5) Kinh SN 35.133. https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.133.wlsh.html

(6) Thanh Tịnh Đạo, Chương XX, Đoạn 96, bản Việt dịch: https://thuvienhoasen.org/p21a9400/phan-thu-ba-tue-chuong-xx-dao-phi-dao-tri-kien-thanh-tinh

Bản Anh dịch: https://alwell.gitbooks.io/abhidhamma_in_daily_life/khandhas.html

(7) Kinh AN 3.47, bản dịch Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/en/an3.47


Âm lịch

Ảnh đẹp