CHÚ GIẢI KINH NHÂN QUẢ BA ĐỜI


Thích Đạt Ma Phổ Giác
24/10/2013 14:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 1839
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên hội Linh Sơn, Tôn giả A Nan cùng tứ chúng đồng tu đông vô số đồng hướng về đức Phật, chắp tay cung kính đảnh lễ rồi quỳ xuống thưa rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Về sau đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở thế giới Ta Bà này do nhân điên đảo tà kiến,

chẳng biết đúng sai nên nhiều người tâm niệm chẳng lành, không biết tôn kính Tam Bảo, không biết hiếu dưỡng cha mẹ, không biết luân thường đạo lý mà làm các điều xằng bậy hại người, hại vật. Do nhân nghiệp đó mà hiện đời sinh ra nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại vật, cho đến nghèo giàu sang hèn chẳng đồng nhau. Do nguyên nhân nào mà khiến họ phải chịu quả báo như vậy? Cúi xin đức Thế Tôn mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn thương xót chúng con mà giải thích đầy đủ sự việc”.

Phật bảo A Nan cùng bốn chúng: “Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ. Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nghiệp nhân gieo tạo đời trước mà cảm thọ quả báo hiện tại. Cho nên, tất cả chúng sinh trước tiên hiếu kính cha mẹ, kế đến phải tôn kính, quý trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba không nên sát sinh hại mạng mà hay phóng sinh giúp người cứu vật, thứ tư vì lòng từ bi thương xót chúng sinh mà ăn chay, bố thí, làm lành để gieo trồng phước đức cho hiện tại và mai sau”.

Phật nói kệ nhân quả :

Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai một lòng tôn kính
Mà thọ trì kinh này
Đời đời sống hạnh phúc
Hưởng phước báu an vui.
Này thiện nam tín nữ
Kinh Nhân Quả ba đời
Là giáo lý nền tảng
Giúp mọi người giác ngộ.
1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước biết bố thí cúng dường,
Trang nghiêm tượng Phật bằng vàng ròng.
2.Đời nay hưởng phước sang giàu
Quan quyền thế lực muôn người kính tin.
3. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước bắc cầu làm đường đi.
4. Mặc đồ tốt đẹp do nhân gì?
Đời trước cúng áo giúp Tăng Ni.
5. Dư ăn, dư mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.
6. Ăn mặc thiếu thốn do nhân gì?
Kiếp trước bỏn xẻn không chia sẻ.
7. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa kia cúng gạo giúp chùa chiền.
8. Phước lộc đầy đủ do nhân gì?
Xưa công quả xây chùa cúng Phật .
9. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.
10. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước thường đọc tụng kinh Phật.
11. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.
12. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước một lòng sống thủy chung.
13. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước giúp đỡ người cô độc.
14. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người săn bắt thú.
15. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước phóng sinh muôn loài vật.
16. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa phá tổ chim ăn trứng con.
17. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước hại người sống cô đơn.
18. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước không giết hại người vật.
19. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
20. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước chia rẽ vợ chồng người.
21. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.
22. Làm thân tôi tớ do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.
23. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.
24. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường người lạc lối.
25. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.
26. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng mẹ cha.
27. Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước cười chê người lễ Phật.
28. Tay chân tật nguyền do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa làm khổ người hại chúng sinh.
32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa giúp thuốc men cứu nhân loại.
33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác hãm hại người.
34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột
35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước giăng lưới giết hại cá.
36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước khinh người khi xem kinh.
38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa rượu thịt uống ăn bê bối.
39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước khinh thường người tụng kinh.
40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
43. Cô đơn cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non-già-thiếu lòng gian xảo.
45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước giết hại tạo oan gia.
Muôn việc tốt xấu do mình tạo
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Kiếp trước gây nhân nay hưởng quả
Đời nầy gieo phước hưởng về sau
Nếu ai hủy báng kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người
Kẻ nào thọ trì kinh Nhân Quả.
Chư Phật, Bồ tát đều chứng minh
Kẻ nào biên chép kinh Nhân Quả
Giúp người đọc tụng cùng hiểu biết
Nếu người giảng nói kinh Nhân Quả
Đời đời kiếp kiếp được thông minh
Kẻ nào đề xướng kinh Nhân Quả
Đời sau người thấy sinh cung kính
Người nào ấn tống kinh Nhân Quả
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Nếu như nhân quả không cảm ứng
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu kinh Nhân Quả
Không còn bị đọa ba đường dữ.
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nay
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm hiện tại.

NHÂN QUẢ LÀ CHÂN LÝ SỐNG

Chúng tôi biên soạn và chú giải kinh Nhân Quả ba đời trong một duyên thật bất ngờ, vì có một Phật tử muốn ấn tống kinh này để truyền bá cho mọi người tụng đọc mà tin sâu lời Phật dạy, cùng nhau tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ. Phật tử ấy yêu cầu chúng tôi biên soạn, chú giải để lời kinh thêm sáng tỏ hơn, giúp mọi người thông hiểu dễ dàng. Mới đầu chúng tôi từ chối vì nghĩ mình là kẻ hậu học, tài hèn sức yếu sẽ không kham nổi lời Phật dạy nghĩa lý sâu xa, nếu luận bàn không đúng chỗ thì e rằng phá hủy Chánh Pháp; nhưng với lòng biết ơn Tam Bảo, biết ơn Phật Pháp đã giúp chúng tôi thay đổi cuộc đời, làm mới lại chính mình nên chúng tôi cũng hết lòng tham khảo các bản dịch của chư tôn đức, rồi biên soạn, chú giải để giúp mọi người tin sâu nhân quả mà cùng nhau tu tâm dưỡng tánh, lánh ác làm lành bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Kinh Nhân Quả Ba Đời là một triết lý sống thực tiễn, lành mạnh, đạo đức, phản ảnh đời sống thực tế của con người phải chịu nhiều khổ sở, hay hưởng phước vô lượng là tùy theo nhân gây tạo hiện tại mà cho ra kết quả trong tương lai. Người nào thích vui chơi, hưởng thụ quá đáng thì dễ bị sa đọa rồi giam mình trong ngục tù tội lỗi, muôn kiếp chịu khổ sở vô cùng. Ai thích gieo trồng phước đức, thường giúp người cứu vật thì luôn sống trong an vui, hạnh phúc. Do đó,

Bờ vực thẳm đợi kẻ ăn chơi         
Bờ giác ngộ đón người tu thiện.

Giác ngộ hay vực thẳm là tùy theo ý thức của mọi người. Người con Phật phải biết khôn ngoan sáng suốt chọn lựa, tránh xa nhân xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp. Đọc kinh Nhân Quả Ba Đời sẽ giúp chúng ta có hiểu biết chân chánh, thấy rõ ràng hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy, thấy rõ lý nhân quả nên chúng ta cẩn thận giữ gìn thân-miệng-ý, cố gắng làm các việc thiện ích hầu đem lại lợi lạc cho mình và người. Tin sâu nhân quả và biết áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ta có thêm ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua nỗi khổ, niềm đau, dám làm dám chịu về mọi hành động của bản thân. Mình làm lành được hưởng nhiều phước báo, mình làm ác chịu nhiều khổ đau mà không than thân trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là…, hoặc phó thác số phận cho ai đó. Người không tin sâu nhân quả sẽ có thái độ thấp hèn, yếu đuối, luôn bi quan, chán nản, sống trong lo lắng, sợ hãi vì hay làm nhiều việc xấu ác để hại người, hại vật. Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật luôn chịu sự chi phối của nhân quả, không có gì ngẫu nhiên khi không mà có và không có sự sắp xếp của đấng tối cao nào để buộc con người noi theo giáo điều thiển cận mà không có sự trải nghiệm thực tế.

Đạo Phật không phải là một tôn giáo như mọi người thường lầm tưởng, đạo Phật là một triết lý sống giúp con người biết được điều hay lẽ phải để biết cách tu tập, hành trì, chuyển hoá phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi. Đạo Phật có chất liệu tình thương nhờ biết từ-bi-hỷ-xả nên rất gần gũi và thực tế trong đời sống con người nhờ biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời nhằm chia vui, sớt khổ để phục vụ lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người do chính mình quyết định. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng họa. Một con người, một gia đình, một xã hội luôn có niềm tin sâu sắc với nhân quả thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Nhờ tin sâu nhân quả nên tuổi trẻ biết dấn thân phục vụ vì lợi ích tập thể, luôn hòa mình vào cộng đồng xã hội để có dịp đóng góp và phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp sống còn của nhân loại; tin sâu nhân quả và ứng dụng vào đời sống hằng ngày, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Kính mong mọi người hãy nên tin sâu nhân quả và tự tin chính mình để được sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, cảm thông và tha thứ, dấn thân và phục vụ vì tình người, tình nhân loại trong cuộc sống.

HIẾU KÍNH CHA MẸ LÀ NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Nói đến nhân quả ba đời, Phật dạy người Phật tử chân chính trước tiên phải hiếu thảo, cung kính với cha mẹ, kế đến quy y Tam bảo và không sát sinh hại vật, mở rộng lòng từ bi ăn chay, làm lành lánh dữ, đó là yếu chỉ của kinh. Chúng tôi xin giải thích về công ơn của cha mẹ trước vì đây là phần chính yếu rồi mới đi vào các phần kinh khác.

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Từ ngàn xưa cho đến nay có nhiều chuyện thật trái ngang như vậy, rất hiếm có người con nào nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ từ vật chất đến tinh thần. Vậy mà có người mới nuôi cha mẹ một chút đã kể công đủ thứ, hoặc tệ hại hơn tìm cách tránh né bổn phận làm con. Thực tế rất phũ phàng, con bỏ cha mẹ thì nhiều còn cha mẹ bỏ con lại rất ít. Đức Phật của chúng ta là một người con đại hiếu, sau khi thành đạo Ngài đã dùng thần lực lên cõi trời Đao Lợi để hướng dẫn, chỉ dạy cho mẹ Ngài pháp giác ngộ, giải thoát. Đến khi vua cha bệnh nặng, Ngài về khai thị để cha chứng được quả Thánh và chính Ngài đích thân gánh kim quan của cha đi thiêu mà làm gương cho nhân loại.

Trong các bản kinh, Ngài thường dạy các thiện nam tín nữ ngoài việc chăm sóc chu đáo mọi mặt còn phải khuyên cha mẹ quy y Tam bảo hoặc xuất gia tu hành giác ngộ, giải thoát mới thật sự là người con đại hiếu. Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của đạo Phật nên trong kinh Nhân Quả Ba Đời, Phật dạy người Phật tử chân chánh trước tiên phải biết hiếu dưỡng, cung kính đối với cha mẹ, sau mới quý kính, tôn trọng Tam bảo, kế đến là bố thí cúng dường, phóng sinh, giúp người cứu vật và cuối cùng là ăn chay, làm lành lánh dữ.

Một con người nếu không biết hiếu thảo với cha mẹ thì khó lòng thành đạt, vì ơn nghĩa hai đấng sinh thành mình còn chối bỏ, thử hỏi người đó có bao giờ sống tốt với mọi người được không. Đối với cha mẹ mà mình còn làm ngơ không chút thương xót, không biết hiếu nghĩa, hiếu kính, hiếu hạnh, hiếu tâm; một người như thế thì việc ác nào cũng có thể làm, thử hỏi làm sao họ tín kinh Tam Bảo được, nếu vậy làm sao họ có tâm giúp người, cứu vật mà làm lành lánh dữ. Một con người không có những chất liệu của tình thương yêu chân thật nếu có sống cũng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngược lại còn làm tổn hại cho nhân loại.

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.

Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của người Phật tử chân chánh, khi thọ ơn ai dù là việc nhỏ nhặt nhất cũng không bao giờ quên. Nếu ai làm được như vậy người thế gian gọi đó là người tốt vì biết sống có tình, có nghĩa, khi thọ ơn ai là phải ghi nhớ để có dịp đền ơn đáp nghĩa; ngược lại, khi thọ ơn ai mà vờ làm lơ, có khi còn đối xử tệ bạc với người ơn của mình, thế gian gọi đó là kẻ tiểu nhân, là người vong ơn bội nghĩa. Biết ơn và đền ơn là nền tảng đạo đức sống của nhân loại nên ơn nghĩa là cái gốc của đạo làm người. Con cái luôn hiếu kính với cha mẹ vì biết ơn mang nặng đẻ đau, công sinh thành dưỡng dục. Học trò quý kính, biết ơn thầy cô giáo nên cố gắng siêng năng, chăm chỉ học hành. Trong cuộc sống, Phật thường nêu lên 4 ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn đàn na tín thí để khuyên nhủ và răn dạy mọi người. Công ơn cha mẹ là một trong 4 ơn trọng chúng ta phải có trách nhiệm đáp đền.

Một người con hiếu kính thì sẽ ăn nên làm ra, công thành danh toại, kẻ bất hiếu thì ít khi làm nên sự nghiệp. Đa số người con bất hiếu đều dính vào vòng tệ nạn xã hội, cha mẹ mà còn không biết ơn nghĩa, thử hỏi làm sao mở rộng tấm lòng giúp đỡ người xung quanh. Do đó, người con bất hiếu luôn thất bại trong cuộc sống và thường xuyên bị cạm bẫy cuộc đời cuốn trôi rồi sống trong đau khổ, lầm mê. Phật dạy, niềm vui của bậc hiền Thánh là biết hiếu kính với cha mẹ, nhiều người không hiểu cứ nghĩ cúng dường cho người tu là có phước nên nghe đồn ở đâu có linh ứng một chút thì đùng đùng kéo đến cúng dường, bỏ mặc cha mẹ ở nhà khổ sở, thiếu thốn. Tu như vậy là đi ngược lại lời Phật dạy. Trên đời này ai còn đủ mẹ cha là một phước báu lớn lao, người con ấy thật hạnh phúc vì còn có cơ hội báo hiếu, chăm lo phần vật chất lẫn tinh thần, giúp cha mẹ an vui trong tuổi già nhờ biết quy hướng Tam Bảo. Người con hiếu trước tiên phải biết vâng lời và kính trọng cha mẹ, nên ca dao có câu:

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Do đó,

Thương cha mến mẹ con làm,
Không sợ tốn kém, không nề gian nan.
Công cha nghĩa mẹ khó đền,
Vào thưa, ra hỏi mới là đạo con.

Phận làm con phải biết quan tâm, lo lắng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui và một lòng tôn kính, quý trọng. Trong kinh Bổn sự Phật dạy: “Giả sử có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ suốt đời không bao giờ dừng nghỉ, lại còn cung cấp cho cha mẹ đầy đủ các thức ăn, vật dụng, thuốc thang đến trăm ngàn kiếp cũng không thể trả hết công ơn cha mẹ; còn khuyên cha mẹ biết quy y Tam bảo, giữ gìn 5 điều đạo đức, không làm tổn hại cho tất cả chúng sinh thì đó là cách báo hiếu cao cả nhất vì giúp cha mẹ sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ”. Vào thời Phật tại thế, người dưỡng nuôi Ngài là dì mẫu muốn xuất gia để sống đời giải thoát. Bà đã xin Phật nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Ngài A Nan mới nhắc lại công ơn nuôi dưỡng thì Phật mới nói rằng, “ta đã hướng dẫn cho dì mẫu quy y Tam bảo, giữ 5 giới cấm, tu 10 điều lành, như thế là đã trả ơn cho dì mẫu rồi”; nhưng cuối cùng, Phật đã cho bà xuất gia sau nhiều lần khuyến dạy giữ 8 điều tôn kính chư Tăng. Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ phân chia 2 giai cấp thống trị và nô lệ, người nữ không có quyền tham dự vào công việc xã hội, huống hồ là tham gia vào sự tu học của bậc hiền Thánh. Cho nên, ai khuyên cha mẹ xuất gia tu hành để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc thì đó mới là người con đại hiếu.

(Hôm nay, nhân dịp chú giải bản kinh Nhân Quả Ba Đời, nghĩ đến công khó nhọc của mẹ suốt một đời vì con trẻ, con có chút lòng thành nguyện cầu hồng ân Tam bảo luôn gia hộ cho mẹ ở đời sống kế tiếp cùng tất cả chúng sinh luôn sống với nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.)

BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG ĐƯỢC QUẢ BÁO GIÀU SANG

Bây giờ chúng ta tuần tự đi thẳng vào mỗi nguyên nhân và chú giải trực tiếp nội dung:

Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước biết bố thí cúng dường,
Trang nghiêm tượng Phật bằng vàng ròng.
Đời nay hưởng phước giàu sang,
Quan quyền thế lực muôn người kính tin.

Người được làm quan dĩ nhiên không phải chuyện đơn giản, người đó phải nhiều đời siêng năng, chăm chỉ học hành, có kiến thức sâu rộng, khi làm việc luôn giúp dân, giúp nước được cơm no áo ấm, lại hay biết tôn kính cúng dường người tu hành chân chánh, ủng hộ xây dựng chùa chiền, thành lập đạo tràng giúp mọi người tu dưỡng đạo đức tâm linh. Làm quan thì ba họ được nhờ, cùng nhau biết cách tích lũy thêm phước đức nên càng giúp ích cho xã hội, làm giảm bớt tệ nạn xấu ác giúp mọi người sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Bởi do kiếp trước khéo tu,
Kiếp này con cháu võng dù xênh xang.

Ngày nay, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp biết quan tâm lo lắng cho dân, mở rộng mạng lưới giáo dục, phát triển con người tâm linh thì đời sống nơi đó khấm khá hơn, con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn nhờ hiểu biết tin sâu nhân quả mà cùng nhau dìu dắt, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp tham nhũng, lãng phí, tham ô của công thì nơi đó người dân sẽ sống nghèo hèn, thấp kém, tệ nạn xã hội lan tràn mà gây khổ đau cho người và vật.

Bố thí cúng dường là con đường dẫn đến giàu có và nhiều uy quyền thế lực, giúp chúng ta sung mãn, đầy đủ về vật chất trong hiện tại và mai sau. Người biết bố thí luôn mở rộng tấm lòng nên được phước làm vua quan, càng có cơ hội giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa; nhưng nếu thiếu tu tập chuyển hóa phiền não tham-sân-si thì dễ sinh tâm cống cao, ngã mạn, chấp thân tâm này làm ngã là “tôi”, là “của tôi” nên nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, do đó lạm dụng quyền hành của mình mà bóc lột kẻ dưới.

Có phước thì được hưởng lộc ăn thịt, uống rượu bia hoặc các món ngon vật lạ khác, thành ra dính vào nghiệp tội sát sinh, hại vật. Người có hiểu biết chân chính luôn biết điều hòa từ trách nhiệm làm việc cho đến an sinh đời sống lúc nào cũng vừa phải, chừng mực; nhờ vậy khi có quyền cao chức trọng càng giúp ích cho nhiều người hơn và bản thân mình cũng luôn được hoàn thiện; nhất là những nhà lãnh đạo đều là Phật tử thuần thành chẳng hạn như nước Thái Lan thì thế gian sẽ là thiên đường hạnh phúc.

Cưỡi ngựa ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước bắc cầu làm đường đi.

Thuở xưa, phương tiện đi lại nhờ vào các loài súc vật như lừa, ngựa, bò, trâu. Những người có chức có quyền thì được ăn trên ngồi trước, được ngồi kiệu để mọi người khiêng và có bảo vệ đàng hoàng. Do nhân đời trước họ biết bắc cầu, làm đường cho mọi người được đi lại dễ dàng và còn vận động nhiều người làm theo; nhờ vậy lương thực thực phẩm, hàng hóa, của cải được lưu thông nhanh chóng giúp dân chúng trao đổi, mua bán dễ dàng. Ngày nay con người văn minh, tiến bộ hơn đã đóng góp lợi ích thiết thực trong công cuộc phát triển nền văn minh nhân loại, phương tiện chuyên chở được thay thế bằng những loại xe cao cấp, đắt tiền để phục vụ cho những nhà lãnh đạo hoặc các nhà tỷ phú. Họ là những người không những kiếp trước bắt cầu, làm đường mà còn giúp đỡ, sẻ chia tận tình khi thấy người gặp tai ương, hoạn nạn, lúc nào cũng tôn trọng, cung kính cúng dường người tu hành chân chính, chăm chỉ nghe lời thầy cô giáo hay làm các điều phước thiện khác.

Mặc đồ tốt đẹp do nhân gì?
Đời trước cúng áo giúp Tăng Ni. 

Nhân quả lúc nào cũng công bằng, không thiên vị bất cứ một ai, hễ gieo nhân thì được quả. Tăng Ni là những người xuất gia trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh nên đời sống tu hành nhờ vào lòng hảo tâm của đàn na tín thí. Bốn món cúng dường thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc men là việc làm cần thiết để giúp Tăng Ni yên tâm tu học mau thành Phật đạo để độ khắp nhân gian. Do đó, cúng thí y phục được quả báo nhiều đời mặc đồ tốt đẹp và sang quý.

Dư ăn dư mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho uống ăn.

Quả thật, thấy người bất hạnh nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, ta mở lòng giúp đỡ cho uống ăn với lòng thành kính, tôn trọng, không đòi hỏi trả ơn nên hiện đời có của ăn của để dư dã. Giúp đỡ và sẻ chia là công hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài luôn lắng nghe tiếng khổ của tha nhân mà tùy duyên làm lợi lạc cho người và làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Thấy người khổ mà không mở lòng san sẻ thì quả thật là vô cảm, sống như thế chẳng khác nào loài cầm thú. Ta được no cơm ấm áo không phải bỗng dưng mà có, nhờ sống có tình có nghĩa và biết siêng năng tinh cần nên mọi việc đến với ta đều được tốt đẹp, an vui. Phật dạy cuộc sống của ta đều phải nương nhờ lẫn nhau trên mọi phương diện, ta không làm ruộng nhưng vẫn có gạo để nấu thành cơm, không nuôi tằm dệt vải nhưng vẫn có áo quần để mặc và cứ như thế đủ thứ ngành nghề giúp chúng ta an sinh sự sống. Cho nên, hạnh giúp đỡ sẻ chia, thương người cứu vật dưới nhiều hình thức khác nhau là nhân dẫn đến giàu có, dư ăn dư mặc.

THAM LAM BỎN SẺN QUẢ BÁO NGHÈO HÈN

Ăn mặc thiếu thốn do nhân gì?
Đời trước bỏn sẻn không chia sẻ.

Con người lúc nào cũng tham lam, ích kỷ, muốn tích chứa về cho riêng mình thật nhiều nên keo kiết, bỏn sẻn, hà tiện, chẳng dám cho người thân, huống chi giúp người không quen biết. Từ thói quen trùm sò đó làm cho con người hủy diệt lòng từ bi của chính mình. Một ông tỷ phú sau khi chết gia tài được sung vào công quỹ vì không có người kế thừa. Nhà tuy giàu nhưng thức ăn của ông toàn những thứ rẻ tiền, quần áo bằng vải gai, sống lam lũ, cực khổ cả đời mà không được ăn ngon mặc đẹp do tâm keo kiết, bỏn sẻn nên bị quả báo như thế. Ông giàu có nhờ từng cúng dường một vị Phật trong quá khứ, sau tâm hối tiếc, bủn xỉn khởi lên nên mới bị quả báo, tuy giàu có 7 đời những vẫn làm việc nhọc nhằn, vất vả, không được ăn sung mặc sướng vì tâm bỏn sẻn, hà tiện. Do đó, sống ở đời ta cần có tình thương yêu chân thật, nhờ vậy mà biết mở lòng giúp người, cứu vật khi cần thiết. Đời này ăn uống thiếu thốn lại không được mặc quần áo đẹp cũng chỉ vì tham lam, bỏn sẻn, có tài sản của cải thà để hư mục chứ không dám giúp một ai. Người Phật tử chân chính phải hiểu biết sáng suốt và tin sâu nhân quả để tùy duyên giúp đỡ người xung quanh.

Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa kia cúng gạo giúp chùa chiền.

Bố thí là cửa rộng mở muôn sự giàu có, sang trọng. Tiền bạc vật chất đầy đủ không phải ngẫu nhiên khi không mà được, phải có tâm thành thiết tha dâng cúng, mong Tam Bảo trường tồn ở thế gian này. Chính tâm bố thí chân thành đó mà ngày nay ta được nhà cao cửa rộng, cuộc sống ấm no, an vui, hạnh phúc. Nhờ bố thí giúp ta khép lại cánh cửa nghèo cùng khốn khổ, cuộc sống khá giả nên ít lo lắng về kinh tế mà có điều kiện giúp người, cứu vật, việc tu tập chuyển hóa phiền não tham-sân-si được nhiều kết quả tốt đẹp. Phật dạy pháp bố thí để chuyển hóa kiếp nghèo khổ, dứt trừ tham-sân-si, nhờ vậy mở rộng tấm lòng từ bi, quảng đại mà luôn bao dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ với tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Cúng thí giúp người tu hành chân chánh là một phước báu lớn lao cùng với tâm thành kính, nhờ vậy ta mới có dịp thân cận và học hỏi những điều hay lẽ phải trong cuộc đời, biết cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Phước lộc đầy đủ do nhân gì?
Xưa công quả xây chùa cúng Phật.

Đã được nhà lớn lầu cao mà còn đầy đủ các nhu cầu cần thiết khác, không thiếu một thứ gì, có phước lại còn hưởng lộc thì cuộc sống như thế hiếm người trên thế gian này có được. Có phước là điều tốt nhưng hưởng lộc không đúng cách sẽ làm tổn hại thân tâm như ăn thịt, uống rượu thì phải sát sinh hại vật. Nếu vì đam mê quá trớn sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn khác như cờ bạc, mê sắc dục và nhiều tai hại khác nữa. Bố thí cúng dường với lòng thành kính và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ là nhân dẫn đến phước lộc đầy đủ. Người có trí sẽ biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa, muốn giàu hay nghèo tùy ở mình. Hưởng lộc quá mức, không biết điều hòa cho có chừng mực thì được cái này lại mất cái kia. Người Phật tử phải khôn ngoan, sáng suốt hơn nhờ biết giữ gìn 5 giới đức nên ít rơi vào trường hợp xa hoa lãng phí, do đó công đức tu hành ngày càng thăng tiến nhờ biết “phước huệ song tu”.

PHÁP THÍ THÙ THẮNG HƠN CÁC SỰ BỐ THÍ

Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.

Hoa luôn tỏa ngát hương thơm dịu mát và làm mọi người thích thú ngắm nhìn nên cúng hoa được tướng đẹp đẽ, trang nghiêm; thường xuyên nóng giận, bất bình sẽ chịu quả xấu xí, đen đúa. Một công đức khác cũng tác thành ngoại hình xinh đẹp là biết xử sự ôn hòa, nói lời từ ái; người xuất gia thì không dâm dục, người tại gia thì không tà hạnh, luôn sống chung thuỷ và hay thương người, thương vật nên cảm thành gương mặt đẹp đẽ, dễ thương. Nóng giận cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tướng mạo không được trang nghiêm, mặt mũi xấu xí, nhìn thấy không muốn thân cận, gần gũi hoặc mến thương.

Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước thường đọc tụng kinh Phật.

Ưa học hỏi, tham khảo, nghiên cứu lời Phật dạy, biết nghiệm xét, quán chiếu nên phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật, nhờ vậy mà biết cách vượt qua cạm bẫy cuộc đời để sống bình yên, hạnh phúc. Khi siêng học hỏi lời Phật dạy mà còn đem ra giảng nói lại với nhiều người để biết được điều hay lẽ phải mà bắt chước làm theo, giúp mọi người sống có tình thương yêu chân thật bằng trái tim hiểu biết. Người có lòng nhân luôn siêng năng học hỏi, trau dồi kiến thức từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến khi lớn khôn gặp được Tam bảo lại càng siêng học nhiều hơn; nhờ vậy thông minh, sáng suốt, biết cách tu tập chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Học hiểu, đọc tụng lời Phật dạy là trách nhiệm và bổn phận của người tại gia, nhờ vậy biết cách làm phước và tu hành; do đó hiện đời thông minh và trí tuệ nên không bị phiền não tham-sân-si làm tổn hại.

Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.

Chúng ta gặp nhau mà cảm thấy hân hoan, vui vẻ, tay bắt mặt mừng là do nhiều đời ta từng yêu thương, gắn bó với nhau; hay mới gặp nhau mà cảm thấy bực bội, khó chịu thì biết mình đã từng gây đau khổ cho nhau. Có duyên gặp gỡ vui mừng là những người từng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong quá khứ, có khi là cha mẹ, có khi là vợ chồng hoặc bạn bè thân thiết. Người Phật tử khi đến chùa trước phải biết quy kính Tam bảo, kế đến tôn kính quý thầy cô, vui vẻ làm công quả phụ giúp việc chùa khi cần thiết; nhờ vậy duyên lành được kết nối sâu sắc bằng tình người trong cuộc sống, bằng đạo nghĩa thầy trò nên mới gặp nhau đã tay bắt mặt mừng trong niềm vui vô hạn.

SỐNG ĐÚNG ĐẠO NGHĨA LÀM NGƯỜI

Vợ chồng bền lâu do nhân gì?
Đời trước một lòng sống thủy chung.

Chung thủy và biết nhường nhịn, cảm thông và biết tha thứ cho nhau là bí quyết dẫn đến hạnh phúc gia đình dài lâu. Thành thật là một đức tính tốt đẹp luôn giúp vợ chồng biết thương yêu, tin tưởng lẫn nhau. Chồng không gian dối vợ, vợ luôn trung thực, thật thà với chồng nên không có sự nghi ngờ. Khi mới quen nhau còn trong giai đoạn tìm hiểu ai cũng muốn làm đẹp lòng người yêu nên bằng mọi giá thể hiện những đức tính tốt đẹp, đến khi lấy nhau bắt đầu thói quen xấu lộ ra, nếu không biết cảm thông và tha thứ thì dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn, xung đột, gây gổ, cãi vã, trách móc lẫn nhau. Nhẹ thì gia đình xào xáo, bất đồng quan điểm, nặng thì dẫn đến ly dị, ly hôn. Muốn giữ vững hạnh phúc gia đình vợ chồng phải đồng phát tâm cùng hướng về con đường thiện, hãy nói không với các việc xấu ác và hãy siêng năng làm những việc tốt lành. Chồng phải biết thương yêu, quý kính, tôn trọng vợ, đó là chất liệu làm nên hạnh phúc gia đình. Ngày xưa quan niệm chồng chúa vợ tôi xem con là nợ, vợ là oan gia, cha mẹ vợ là con khỉ già nên người phụ nữ trong thời đại này chịu nhiều thiệt thòi to lớn. Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng nên người phụ nữ không được tôn trọng. Tôn trọng vợ là biết quan tâm, nói những lời khen ngợi về tài năng và đức hạnh của vợ, biết thương yêu và không khinh thường vợ trên tinh thần bình đẳng nam nữ, không nên coi vợ như người đầy tớ muốn mắng chửi, đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình. Chồng luôn thương yêu, quý mến vợ và một lòng sống thủy chung là yếu tố chính để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Một gia đình hạnh phúc trên thuận dưới hòa không thể có người chồng lăng nhăng, dan díu với người nữ khác.

Người phụ nữ thường quản lý, quán xuyến, sắp xếp ổn định việc nhà giỏi hơn đàn ông nên chồng phải tin tưởng tuyệt đối, giao quyền cho vợ. Nếu người chồng so đo, ích kỷ, hẹp hòi, đưa tiền cho vợ từng bữa thì chẳng khác nào xem vợ như người giúp việc. Người chồng nên hâm nóng tình yêu bằng cách tặng quà hay mua đồ trang sức cho vợ vào những ngày kỷ niệm. Lúc mới quen nhau người nam thường tặng quà cho người nữ để lấy lòng, khi đã chính thức nên duyên thì ít quan tâm đến cảm xúc hay vấn đề tặng quà cho vợ vì nghĩ nàng đã thuộc về mình. Thích làm đẹp và mang đồ trang sức là sở thích của người nữ, việc quan tâm tặng quà cho vợ để nhắc lại những kỷ niệm đẹp thời hai đứa mới yêu nhau làm cho người nữ tăng thêm phần hạnh phúc, là cách thức hâm nóng lại tình yêu để phụ nữ tăng thêm nghị lực sống, cố gắng vượt qua những gian nan, khó khăn và cực khổ mà họ phải gánh lấy một mình khi làm vợ. Việc mua đồ trang sức tặng cho vợ là thể hiện mẫu người chồng lý tưởng, giúp cho tình nghĩa vợ chồng luôn được đẹp mãi theo thời gian.

Theo quan niệm ngày xưa, người chồng là lao động chính trong gia đình, người vợ lo việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái, lo chu toàn mọi việc trong nhà. Thời đại ngày nay cả chồng lẫn vợ đều cùng làm việc như nhau, nếu chồng đi làm về mở ti vi xem hoặc nằm phè ra nghỉ, để vợ một mình lo việc cơm nước là không hợp lý, người chồng phải biết chia sẻ, gánh vác cùng vợ. Khi chồng nóng giận nặng lời thì vợ phải biết nhẫn nhịn và tìm cách lựa lời khuyên nhủ, hoặc khi chồng khuyên bảo hay chỉ dạy điều gì thì vợ phải biết lắng nghe. Người vợ phải luôn một lòng thương yêu, quý kính, thủy chung với chồng để giữ mãi kỷ niệm đẹp của tình yêu lứa đôi; biết quán xuyến và xử lý việc nhà một cách tốt đẹp; gần gũi, đối đãi tốt với họ hàng thân thuộc, khách khứa và những người giúp việc thay chồng; biết chi tiêu, mua sắm đúng mức và gìn giữ tiền bạc, tài sản cho gia đình; cẩn thận, siêng năng, tháo vát, vuông tròn trong mọi công việc. Nhờ những yếu tố tích cực trên mà vợ chồng sống với nhau bền lâu dài từ đời này sang kiếp nọ.

Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước giúp đỡ người cô độc.

Một gia đình thành đạt và sống êm ấm, hạnh phúc trong tình yêu thương chân thật là nhờ cha mẹ đạo đức, mẫu mực, hết lòng nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành, ai cũng có công danh sự nghiệp tốt đẹp. Gia đình như thế thường được mọi người kính trọng, tôn quý nhờ con cái biết hiếu dưỡng cha mẹ, anh chị em vui vẻ sống với nhau hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng biết chia ngọt xẻ bùi, cùng gánh vác trách nhiệm và bổn phận để hỗ trợ cho nhau. Ngoài những trách nhiệm đối với gia đình, người thân, ta còn quan tâm giúp đỡ kẻ thế cô bần hàn, người già neo đơn, người tàn tật; thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ trẻ em không cha mẹ. Tóm lại, trong sự sống tương giao này ta cần phải có tấm lòng từ bi biết chia vui sớt khổ với mọi người tùy theo hoàn cảnh để ta và người cùng sống trong bình yên, hạnh phúc bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Không cha mất mẹ do nhân gì?
Đời trước thường xuyên săn bắt thú.

Nếu ai theo truyền thống có ông trời tạo ra vạn vật để nuôi sống con người và cúng tế thần linh thì sẽ cám ơn ông trời, do đó mặc tình săn bắt, bẫy lưới các loại thú vật để nuôi sống bản thân. Do nhân giết hại như thế nên đời nay sinh ra cha mẹ mất sớm, không người nuôi nấng, dạy dỗ, chính vì vậy mà lao khổ trăm bề, chịu khổ sở, cô đơn. Loài súc sinh tuy không có suy nghĩ, hiểu biết như con người nhưng chúng vẫn có mối quan hệ yêu thương mật thiết với nhau bằng ngôn ngữ của chúng. Hai con đực, cái đang sống bên nhau êm đềm, hạnh phúc, sao ta lại giăng bẫy hoặc bắn đi một con? Chúng vẫn sẽ đau khổ trong sự mất mát ấy, ta vì ăn ngon mặc đẹp mà nỡ nhẫn tâm giêt hại chúng như thế để phục vụ nhu cầu cá nhân mình. Ai cũng tham sống sợ chết, vậy mà ta vì không có lòng từ bi mà sát sinh, hại vật nên quả báo hiện đời bị giết hại trở lại hoặc phải trả ân oán, hận thù khi hội đủ nhân duyên.

Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước phóng sinh muôn loài vật.

Nhờ có tấm lòng rộng mở luôn đem niềm vui chan hòa đến với tất cả mọi người, sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ, niềm đau với người khốn khó để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh; đã thương người mà còn hay phóng sinh, cứu vật nên con cháu đông đúc, cùng nhau hòa hợp mà vui sống, tuổi thọ được lâu dài, không có người chết yểu hay bệnh hoạn nặng nề. Đó là phước báo lớn lao, mọi người hãy nên thường xuyên quán chiếu, soi sáng để ý thức được sự khổ đau do việc giết hại gây ra. Một nhân duyên khác được phước báu như thế là hay khuyên nhủ mọi người sống vui vẻ, hoà thuận, biết kính trên nhường dưới, luôn sống với tinh thần đoàn kết thương yêu, bao bọc che chở và giúp đỡ lẫn nhau; ngoài ra còn không nói lời gây chia rẽ, đến với người này lại nói xấu người kia, đến người kia lại nói xấu người nọ, làm hai bên hiểu lầm lẫn nhau mà gây ra oán giận, thù hằn.

Phóng sinh ở đây có ý nghĩa cao hơn là giúp con người trước, sau tùy duyên thấy chúng sinh nào đang bị giam cầm hoặc sắp bị giết thì mở rộng lòng từ để mua lại và thả chúng về trú xứ ban đầu. Người có lòng từ không bao giờ dám sát sinh, hại vật mà còn hay giúp người, cứu vật; do vậy hiện đời phước báu đông đủ, cháu con đầy nhà mà vẫn sống an vui, hạnh phúc. Người tu nếu biết tu hành chân chính thì có đông vô số đệ tử.

PHÁ HOẠI SỰ SỐNG NGƯỜI VÀ VẬT

Nuôi con không được do nhân gì?
Trước phá tổ chim ăn trứng con.

Chúng ta thường tham sống sợ chết nên ai cũng cố gắng bảo vệ mạng sống chính mình mà nỡ nhẫn tâm giết hại các loài khác để bồi bổ thân này. Chính vì thế con người tìm đủ mọi cách để sát sinh hại vật, muốn câu cá thì họ phải phá ổ kiến vàng để lấy trứng câu, dùng ná bắn phá tổ chim, nuôi gà lấy trứng, tìm đủ mọi cách để mưu cầu sự sống cho riêng mình mà đành lòng sát hại các loài vật. Nhân hủy diệt thì quả khổ đau nên sinh con mang nặng đẻ đau mà nuôi không được, đành cam chịu mất mát, đau thương trong sinh ly tử biệt. Bồ tát sợ nhân biết ngừa từ nhân xấu ban đầu nên tránh được nhiều tai họa trong đời. Chúng sinh khi gặp quả xấu mới than vãn, trách móc, lo lắng, sợ hãi rồi đổ thừa trời Phật không linh hiển, sao không giúp đỡ người mong cầu được như ý. Khi gieo nhân xấu thì vui vẻ hả hê như ăn cá đang có trứng, nuôi gà vịt lấy trứng ăn… Khi quả xấu đến thì phiền muộn, khổ đau do không biết ngăn ngừa từ nhân chỉ vì không tin sâu nhân quả.

Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước hại người sống cô độc.

Ở đời có nhiều điều éo le hết sức, gái lớn lên mà không có chồng thị bị thế gian nquyền rủa, cho rằng người đó vô duyên hay là gái độc. Không chồng là một phước lớn vì khỏi phải bận tâm lo lắng việc con cái, nhờ vậy có thời gian để nuôi dưỡng cha mẹ mà đáp đền công đức sinh thành dưỡng dục. Nếu đủ duyên được xuất gia làm Ni chúng để tu hành thì hạnh phúc biết dường nào; còn có chồng mà không có con cũng đâu có sao, chỉ sợ ông chồng vì muốn có con để nối dõi tông đường mà sinh tâm lấy vợ bé thì chỗ này hơi rắc rối, nếu không biết dàn xếp hài hòa thì sinh chuyện ghen tuông có thể làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ngược lại, người chồng có vợ mà không con nhưng vẫn một lòng thủy chung với vợ, chắn chắn người này là một Phật tử thuần thành có niềm tin sâu với Tam Bảo nên biết đối xử đúng cách, do đó hai người sống bên nhau rất hạnh phúc. Thường gia đình nào không con lúc tuổi già bệnh đau đi đứng khó khăn thì không ai nuôi nấng, giúp đỡ, cuộc sống sẽ phải chật vật, cô đơn. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng biết tu nhân tích đức thì cuộc sống cũng không có gì phải lo lắng, bận lòng. Nhân hại người cô độc thường hay bị quả cô đơn trở lại, do đó khi còn trẻ phải biết giúp đỡ người tàn tật, người già cả, trẻ mồ côi, người không ai nuôi dưỡng tùy theo khả năng mà mở lòng giúp đỡ.

Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước không giết hại người vật.

Sống lâu trường thọ là điều ai cũng muốn nhưng ít ai được toại nguyện như ý. Bởi vì sao? Chúng ta muốn sống lâu, sống thọ mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân, cứ nghĩ rằng con người là tôn quý nên mặc tình giết hại để nuôi dưỡng bản thân mình, làm tổn hại các loài súc sanh không thương tiếc; do đó phải chịu quả bệnh hoạn, đau yếu, chết yểu là lẽ đương nhiên. Muốn sống thọ ta phải biết thương người, thương vật, thường quán chiếu chúng cũng có mạng sống và bình đẳng như ta, vì ngu si mê muội mà bị đọa như thế. Nhờ thường xuyên suy ngẫm như vậy ta sẽ phát sinh trí tuệ mà hiểu thấu muôn loài, do đó biết cách không làm tổn hại người và vật.

Người Phật tử khi quy y Tam bảo giới thứ nhất phải ý thức được sát sinh hại vật sẽ làm đau khổ chúng sinh vì ai cũng tham sống sợ chết. Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả muôn loài nên khuyên người xuất gia không được ăn mặn mà hay ăn chay để thể hiện lòng từ bi. Người tại gia tuy còn ăn mặn nhưng ăn theo Tam tịnh nhục, có nghĩa là không trực tiếp giết hại, xúi bảo người khác giết hại và vui vẻ đồng tình khi thấy người khác giết hại. Ăn bằng cách mua con vật khi người ta đã làm sẵn hoặc được nấu chín, nếu có tội cũng nhẹ có thể sám hối, làm phước, phóng sinh thì sẽ chuyển được. Người Phật tử chân chính phải biết ăn chay mỗi tháng tối thiểu từ 2 ngày cho đến 10 ngày và có thể ăn chay trường luôn càng tốt. Nếu vì hoàn cảnh sống mà ta không thể ăn chay hoàn toàn thì nên ăn mặn theo tinh thần từ bi, không thấy, không nghe, không giết.

Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.

Chết yểu hay chết không đúng tuổi thọ là một vấn nạn lớn cho con người ngày nay, vì nhu cầu sự sống mà chúng ta giết hại hằng ngày không biết bao nhiêu loài vật với đủ mọi hình thức nấu nướng, luộc, chiên xào; thậm chí có những người ăn uống hết sức dã man, chúng cho con gà vào trên lò than có đặt tấm nhôm, nóng quá con gà phải chạy tới chạy lui một hồi. Họ đem chặt hai bàn chân con gà ăn trước, khi con gà vẫn sống thì còn nhiều chuyện ghê tởm hơn nữa. Chúng tôi rất mong mọi người hãy nên suy xét cẩn thận trước khi làm một việc gì, không lẽ vì mạng sống của mình mà ta nỡ tàn ác đến thế ư? Giết hại là nhân làm tổn hại lòng từ bi của con người nên quả chết yểu, chết bất đắc kỳ tử, chết nước, chết do tai nạn giao thông, chết cháy, chết bị trộm cướp giết, chết do vua quan hãm hại, chết do chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, lũ lụt… hết thảy đều do nhân giết vật nuôi mạng sống của mình. Trong các tội ác, nghiệp sát là tội nặng nề nhất, từ giết vật dẫn đến quen tay rồi có thể giết người. Muốn chuyển hoá được nghiệp sát, ta phải thường xuyên quán tình thương, quán từ bi, quán trí tuệ rộng lớn để thấy tất cả chúng sinh là người thân yêu của chúng ta.

PHÁ HOẠI HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH NGƯỜI KHÁC

Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước chia rẽ vợ chồng người.

Khi lớn lên ai cũng muốn có một mái ấm gia đình sống an vui, hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa, nhưng tại sao ta mãi cô đơn không người ưng thuận, làm quen được một thời gian họ cũng tìm cách lánh xa, không chịu nên duyên chồng vợ. Tất nhiên, mọi việc đều có nguyên nhân, không phải khi không bỗng dưng như vậy. Nhân quả rất công bằng, nếu ta không ly gián vợ chồng người khác làm họ khổ đau, tuyệt vọng thì tại sao ta lại cô đơn trong khi lòng luôn thèm muốn một tình yêu đích thực. Phá hoại hạnh phúc gia đình người là nhân không hạnh phúc trong đời sống hiện tại, khi ta gá nghĩa vợ chồng với ai thì cũng không được lâu dài, bền bỉ, bị đổ vỡ nửa chừng hoặc bị chết sớm. Người Phật tử khi nằm trong hoàn cảnh đó không nên buồn khổ vì có cơ hội báo hiếu mẹ cha hoặc nuôi con một mình, lúc này ta có thời gian quán chiếu nhiều hơn để thấy rõ không có tình yêu thương chồng vợ mình sẽ bớt nhọc công, lao sức lo lắng nhiều điều mà an tâm làm tròn trách nhiệm khác.

Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.

Sống ở đời ít ai nghĩ hậu quả về sau, chỉ biết thỏa mãn khoái lạc nên mặc tình dan díu, lấy chồng người khác làm vợ người đau khổ tràn trề, có khi gần như tuyệt vọng. Không gì buồn tủi, cô đơn hơn khi có chồng mà chẳng được chồng yêu, lại đi tìm người con gái khác để ân ái, dẫn đến ghen tuông mà gây ra nhiều vụ án hết sức thảm thương. Vợ nhỏ thân tàn ma dại vì bị vợ lớn tạc axit, người chồng buồn quá nhảy lầu tự tử, vợ lớn lãnh án chung thân, con cái sa đà nghiện ngập, hút chích. Thật tội nghiệp thay cho thân phận đàn bà, vì chút ghen tuông vô cớ mà làm tan nát hạnh phúc gia đình. Làm đấng mày râu các anh hãy nên chín chắn suy nghĩ, chớ vì tham đắm sắc đẹp mỹ nhân mà làm khổ lẫn nhau. Phụ nữ ngày nay phần đông ở góa, tuy có chồng nhưng không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn, khổ đau, buồn tủi, hận lòng một mình, côi cút nuôi con trong đau xót vô vàn. Nhiều người ở vậy không nổi nên tìm chỗ gá nghĩa nương thân nhưng ít bao giờ được hạnh phúc trọn vẹn, và cuối cùng cũng đường ai nấy đi. Nhân khinh rẻ, mạt sát chồng, hung dữ coi thường chồng nên gieo nhân thì phải gặt quả, bụng làm dạ chịu chứ than thân trách phận làm sao được. Tuy nhiên, nếu người biết tu thì dễ dàng vượt qua chỗ này mà lo làm ăn, nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn, nương nhờ cửa Phật mà sống tốt hơn nhờ tin sâu nhân quả.

Làm thân tôi tớ do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa

Người bần cùng khốn khổ vì làm tôi tớ cho thiên hạ mà sống nhọc nhằn, bị người sai khiến, hành hạ đủ điều, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, còn tệ hơn kiếp ngựa trâu cày bừa cực khổ, chuyên chở ngày đêm, bị người trói cột, đánh đập đau đớn. Tất cả đều do mình tạo lấy vì kiếp trước được người giúp đỡ, lo lắng như người thân lại không biết ơn mà còn đang tâm phản phúc, làm người bị nạn. Do nhân như thế mà ngày nay phải chịu quả khổ, chịu nhọc nhằn làm thân tôi tớ, khổ sở trăm bề. Chúng ta thọ ơn ai phải biết ghi nhớ trong lòng, chờ có cơ hội mà đền ơn đáp nghĩa, chớ nên phụ bạc, ác lòng hại người giúp đỡ mà trăm kiếp, nghìn đời phải chịu quả khổ đắng cay làm tôi mọi cho người. Khi thọ ơn ai điều gì dù rất nhỏ nhẹm thì người hiểu đạo cũng phải khắc cốt ghi tâm, chờ có dịp để đền ơn đáp nghĩa. Không trả ơn mà còn phản phúc thì đời nay nghiệp nặng phải sinh làm trâu, bò, lừa, ngựa để kéo xe nặng nhọc mà vẫn bị người bạc đãi, nhẹ thì làm tôi tớ cho người sai bảo mà trả quả kiếp xưa.

SÁU CĂN KHÔNG ĐẦY ĐỦ

Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.

Con người làm được mọi việc tốt đẹp, an toàn là nhờ có đôi mắt sáng, đôi mắt ấy nhìn thấu rõ mọi sự vật để ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Có một bà lão ăn mày muốn cúng dường Tam Bảo mà không có tiền, một hôm bà xin được 2 xu, với lòng thành kính bà nhịn ăn đi đến tiệm mua dầu. Người chủ bán dầu ngạc nhiên hỏi, “hôm nay bà mua dầu để làm gì?”. Bà nói, “tôi mua dầu để cúng dường Phật, mong đời sau đủ phước báu để chuyển kiếp nghèo hèn này”. Chủ bán nghe nói thế vui vẻ cho bà thêm một phần để cúng dường, nhờ vậy ngay hiện đời bà được sáng tâm, đèn của bà đốt cả ngày đêm không tắt, dù có thổi đèn cũng như vậy. Ta cúng dường với lòng thành kính thì quả báo đến hết sức kỳ diệu, nhiệm mầu đến lạ lùng, khó có thể tin đó là thật; hoặc ta hay thắp sáng đèn đường để người qua lại dễ dàng, thấy được gò nỗng, sình lầy mà không bị vấp ngã.

Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường người lạc lối.

Đui mù là một thiệt thòi rất to lớn, có mắt để nhìn, để thấy mà biết phân biệt được mọi sự vật đẹp xấu như thế nào. Có một thầy thuốc chữa bệnh mắt rất giỏi, một hôm có người phụ nữ bị bệnh mắt chữa trị nhiều nơi không hết và có nguy cơ bị mù, gặp được thầy giỏi bà mừng vô hạn nên hứa rằng, “nếu ông chữa lành đôi mắt cho tôi, tôi xin nguyện tất cả con cái của tôi sẽ làm người hầu cho ông để đền ơn đáp nghĩa”; nhưng đến khi ông sắp chữa lành đôi mắt thì bà giở giọng tráo trở, muốn lật lọng giao kèo. Thầy thuốc biết được tâm niệm xấu của bà nên oán giận mà dùng thuốc độc làm bà mù lại đôi mắt. Do vậy kiếp sau ông bị quả báo mù lòa từ lúc mới sinh ra. Một nguyên nhân gây mù lòa khác là hướng dẫn người lầm đường, lạc lối, đi vào chỗ đam mê, tội lỗi, làm nhiều điều xấu ác. Người thế gian ăn không ngồi rồi lợi dụng trẻ nít mồ côi bắt về làm mù mắt để đi ăn xin, đem tiền về cho chúng. Việc làm này quá tàn nhẫn, chỉ có những kẻ ác ôn, không còn tính người mới dám làm như thế. Quả báo về sau vô số kiếp bị mù lòa đôi mắt mà vẫn phải bươn chải tự kiếm miếng ăn trong nhọc nhằn, vất vả nhưng vẫn thiếu thốn, khó khăn.

Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.

Sáu căn không đầy đủ là một thiệt thòi to lớn, lại bị môi miệng sứt thiếu làm cho người càng thêm xấu xí. Thường những ai bị quả báo này hay tối dạ, chẳng sáng suốt tí nào. Nếu là con trai còn dễ coi một chút, nếu là con gái thì rất khó coi. Người bị như thế thường hay nói ngọng, nói đớt, đã xấu lại còn mắc chứng nói chuyện khó nghe. Bởi kiếp trước hay chọc phá người câm điếc, lại còn không tín tâm Tam Bảo, đi chùa mục đích để vui chơi thỏa thích hoặc nói chuyện phím, thấy người cúng dường sinh tâm tật đố, chỉ trích, dèm pha, chê bai người có giới hạnh đầy đủ. Nhẹ thì quả báo môi miệng sức thiếu, nặng thì câm điếc, ngọng nghẹo, xấu xí, tật nguyền, và còn vô số ác nghiệp khác mà cấu thành quả khổ cũng chỉ vì thấy biết sai lầm, không tin nhân quả mà chịu nhiều tai ương, khốn khổ trong cuộc đời. 

Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng mẹ cha.

Mẹ mang nặng đẻ đau, chịu khổ sở nhọc nhằn, cha đi làm thuê làm mướn nuôi ta ăn học đàng hoàng, khi lớn khôn lại dựng vợ gã chồng, suốt một đời tận tụy hy sinh vì con trẻ; nhưng ta chẳng biết ơn mà còn chửi mắng cha mẹ thậm tệ nên đời nay phải chịu quả báo câm điếc, ngọng nghẹo, khốn khổ vô cùng. Kinh Phật dạy trên đời này có hai hạng người không thể trả ơn hết được là mẹ và cha, vậy mà ta nào hay biết; vì đắm sắc mê hoa, bị tiếng sét ái tình làm lung lạc lòng mình đến nỗi bất hiếu với cha mẹ, không cung cấp dưỡng nuôi khi cha mẹ tuổi già đã đành, lại còn đánh đập, mắng chửi, bỏ cho đói khát. Tội ấy cao ngất đất trời, bị đọa địa ngục chịu khổ đau vô số kiếp, đến khi được làm người trở lại thì bị câm điếc, ngọng nghẹo, thật đáng thương thay. Mắng chửi, nói nặng người thì bị người mắng chửi, đánh đập trở lại, nếu không dằn được cơn giận thì hai bên xấu xé lẫn nhau dẫn đến “nai giạt móng, chó le lưỡi” mà còn gây thêm ân oán, hận thù không có ngày thôi dứt. Người Phật tử hãy nên lấy hạnh hiếu làm đầu, vì có hạnh này thì muôn hạnh lành khác mới được phát sinh theo và từ đó ta mới thật sự có tấm lòng nhân ái thương người, cứu vật. Người ngoài ta vẫn thương xót, giúp đỡ thì cha mẹ ta càng cung kính, hiếu dưỡng hơn; chắc chắn đời này và đời sau ta có thân thể tốt đẹp, trang nghiêm, đầy đủ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý vẹn toàn.

PHỈ BÁNG NGƯỜI TU HÀNH CHÂN CHÍNH

Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước cười chê người lễ Phật.

Ai bị quả báo lưng gù thì người niễng một bên rất khó coi. Vì sao mà nên nông nỗi này? Thấy người tụng kinh, lễ Phật thì khinh khi coi thường, nói rằng Phật xi măng, Phật gỗ, lễ lạy như vậy có lợi ích gì; rồi lại cười chê người tu hành chân chính nên ngày nay chịu quả báo gù lưng như hứng chịu một khối thịt ung thư cả chục ký. Lễ Phật để ta biết được mình còn thấp kém, ti tiện mà cố gắng vun bồi phước huệ, học được hạnh khiêm tốn mà yêu thương bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu ta không biết lễ Phật thì cũng đừng nên cười chê, coi thường mà sau này phải chịu quả báo khổ đau vì nhân quả theo ta như hình với bóng. Khi nói năng hay làm việc gì ta phải cân nhắc kỹ càng trước khi nói và hành động, đừng chờ quả khổ đến rồi lại than thân trách phận và đổ thừa thì không nên. 

Tay chân tật nguyền do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.

Người đánh đập người vô cớ hoặc bẫy lưới chim cá, làm người và vật khổ đau thì ngày nay phải chịu tật nguyền, làm người không đủ 6 căn. Chân tay bị cong quẹo, cà quèo cà quắp, người cao chưa đầy một thước, muốn tự mình ăn cơm uống nước rất khó khăn. Hạng người như vậy chúng tôi thấy rất nhiều vì tháng nào chúng tôi cũng đến trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa-Tỉnh Bình Dương để cùng chia vui sớt khổ với những người bất hạnh. Chúng tôi đã làm việc này trong nhiều năm với tấm lòng “của ít tình nhiều”, mong muốn mọi người sẽ được lành lặn, đầy đủ 6 căn như người bình thường; nhưng cũng may cho những người này vì hiện tại họ gặp được Chánh Pháp của Phật đà qua sự hướng dẫn của chúng tôi. Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa là cơ sở duy nhất có chùa Phước Thiện được sự quan tâm và giúp đỡ của lãnh đạo ủy ban chính quyền các cấp, nhờ vậy mà những trại viên ở đây luôn an tâm vui vẻ sống hòa hợp với nhau và biết làm lành lánh dữ, tin sâu nhân quả theo lời Phật dạy.

QUẢ BÁO CỦA SỰ LƯỜNG GẠT

Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.

Xưa có một cô bé bán bánh do tâm cung kính cúng dường Tam Bảo nên sau này được làm hoàng hậu. Bà ta có 5 người tùy tùng, 4 người khiêng kiệu cho bà, 1 người chuyên dọn dẹp và được sai làm các việc cần thiết. Bà đến hỏi Phật nguyên nhân vì sao? Phật bảo 5 người đó trước là sa môn, do giả dạng hiện tướng tu hành nhận của cúng dường từ bà mà ngày nay phải làm thân tôi tớ trả nợ. Thiếu nợ không trả hoặc lường gạt của người khác nhẹ thì làm tôi tớ, nặng thì làm trâu ngựa để cày bừa, kéo xe nặng nhọc mà trả nợ năm xưa. Nhân quả rất công bằng không từ chối một ai, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, dù trăm kiếp ngàn đời chúng vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện.

Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.

Người đời trước biết làm phước cho các loài súc vật ăn uống no đủ, đàng hoàng, nhưng do nhân tham đắm, ngu si mà phải đọa làm heo. Làm heo thì sướng thật, được con người cho ăn uống phủ phê toàn những thứ bén mắt nên khi ăn chúng táp nghe phầm phập, ăn xong lại nằm phè ra ngủ một giấc ngon lành; ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, được con người chăm sóc chu đáo, tắm rửa sạch sẽ ngày ba lần; nhưng cuối cùng chỉ trong vòng 3 tháng heo ta được đưa vào các lò thịt để cung cấp cho người. Loài chó cũng vậy, có những con chó nhà giàu được chủ thương yêu chăm sóc, nuôi nấng chu đáo hơn cả con người. Tuy chúng cũng được hưởng phước đầy đủ nhưng chỉ là loài thú, không có sự hiểu biết như con người. Con người dù nghèo nhưng biết tu nhân tích đức, tin sâu nhân quả thì cuộc sống vẫn giá trị và quý báu hơn vì có thể đóng góp nhiều lợi ích cho nhân loại.

QUẢ BÁO LÀM KHỔ CHÚNG SINH

Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa làm khổ người hại chúng sinh.

Bệnh hoạn có nhiều nguyên nhân, một do ăn uống thái quá, hai do làm khổ người, hại chúng sinh. Chúng ta thường nghe nói:

Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Không ăn một miếng lộn gan trên đầu.

Ăn uống là nhu cầu cần thiết để nuôi sống con người, nhưng vì chúng ta không biết điều tiết hài hòa, cứ nghĩ phải bồi bổ cho tấm thân đầy đủ để có sức khỏe làm việc phục vụ cho gia đình, xã hội nên cứ tham đắm ăn uống thật nhiều. Thật ra, cơ thể thiếu chất cũng sinh bệnh mà dư chất lại càng bệnh hơn. Thiếu chất thì gọi là bệnh nhà nghèo, dư chất thì gọi là bệnh nhà giàu, đó là loại bệnh thái quá trong ăn uống. Có một loại bệnh do làm khổ đau con người, đánh đập các loài súc vật như nuôi trâu bò để cày bừa, kéo xe, khi cày bừa mệt hoặc kéo xe nặng chúng đi chậm ta không biết thương xót mà còn dùng roi hoặc cây có đầu nhọn để đánh, để chọt làm chúng đau đớn, khổ sở vô cùng. Làm con người ta phải có lòng nhân, những con vật giúp ta làm nên sự sống cần phải biết quý trọng, chăm sóc chu đáo, cho uống ăn đủ đầy, làm việc có giờ giấc. Ta đừng lạm dụng chúng quá sức, đừng vì chút lợi riêng mà hành hạ làm chúng khổ đau.

Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa giúp thuốc men cứu nhân loại.

Thời Phật còn tại thế, có vị tỳ kheo chứng A La Hán suốt đời không bệnh, đến khi viên tịch an nhiên, tự tại ra đi để lại cho đời tiếng thơm muôn thuở. Mọi người thắc mắc hỏi Phật do tạo nhân gì mà được thân không bệnh. Phật dạy thầy Tỳ kheo đó xưa kia từng làm thầy thuốc chữa bệnh giúp người không lấy tiền. Không bệnh là hạnh phúc tối thượng, có sức khỏe, có con người, có hiểu biết chân chánh thì cuộc sống sẽ bình an, hạnh phúc biết dường nào. Chúng ta hay có tật chờ quả khổ đến mới than thân trách phận mà không biết tạo nhân tốt để được ích mình, lợi người. Xã hội hiện nay theo quan niệm của cá nhân tôi có 3 nghề nghiệp tôn quý khó có thể thực hiện được trọn vẹn. Đó là nghề bác sĩ hay thầy thuốc, nghề dạy học cho các em và nghề tu sĩ dạy con người sống có văn hóa, đạo đức để trở thành con người tâm linh. Phật đã dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”; chỉ có đạo Phật mới chính thức là đạo của con người nên ngày nay thế giới đã công nhận lễ Phật Đản là lễ hội văn hóa của loài người.

QUẢ BÁO CỦA VIỆC LÀM ÁC

Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác hãm hại người.

Nhân vu khống để người bị tù tội oan hoặc hay giam cầm các loài súc vật vì thú vui của mình dẫn đến quả báo ngày nay phải chịu tù tội, và còn rất nhiều nguyên nhân khác như cướp của giết người, tham nhũng, bóc lột của người khác, lãng phí của công, thụt két công quỹ, giựt nợ, lường gạt, ghen tuông, đánh đập người vô cớ, bạo hành trong gia đình, nghiện ngập ma túy, say sưa nên làm bậy… Vô số những ác nghiệp như thế không sao kể hết mà kết thành vòng lao lý, tù tội. Hiện tại tệ nạn xã hội lan tràn đã đến hồi báo động vì chương trình giáo dục của ta chưa được hài hòa, chừng mực. Kính mong sao quý ban chính quyền các cấp vì sự nghiệp và tương lai lâu dài của đất nước mà đưa giáo lý nhà Phật phổ cập hóa nhân gian. Chúng tôi từng bước đã và đang làm việc này để xây nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống vì tình người, tình nhân loại trong cuộc sống.

Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột.

Chết đói là một quả báo vô cùng đau khổ, thân thể tiều tụy, chết dần chết mòn theo thời gian chẳng khác nào kiếp ngạ quỷ lang thang, đói khát vô cùng, muốn ăn mà ăn chẳng được vì miệng nhỏ như cây kim, bụng lớn như cái trống chầu. Vì quả báo do tham lam, bỏn xẻn mà phải chịu đói khát như bà Thanh Đề mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, lúc sống tạo nhiều ác nghiệp nên chết bị đọa làm quỷ đói. Mục Liên xin được bát cơm hai tay dâng mẹ, bà một tay che cơm, một tay bốc ăn vì sợ quỷ khác thấy xin; nhưng nghiệt ngã thay, cơm hóa thành lửa, bà ăn không được nên khổ sở vô cùng. Còn việc lấp hang rắn chuột hay hủy hoại lương thực thực phẩm của người khác thì ngày nay phải chịu quả báo chết khát, chết đói là vậy.

Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Trước bẫy lưới giết hại cá chim.

Vì sự sống của nhân loại mà con người bày ra đủ cách để giết hại các loài súc sinh, nào bẫy lưới giăng bắt các loài thủy sản dưới nước; nào săn bắn, bẫy lưới các loài thú rừng và loài có cánh, đủ mọi hình thức để nuôi sống loài người. Con người là một sinh vật cao cấp nhất trong các loài nhờ có óc suy xét, tìm tòi, nghiên cứu, phát minh những tiện nghi vật chất để phục vụ cho nhân loại. Chính vì con người có hiểu biết nhờ quán chiếu mà biết soi sáng mọi sự vật, nếu đi theo chiều hướng tốt đẹp thì giúp nhân sinh sống an bình, hạnh phúc; ngược lại nếu theo chiều hướng si mê, chấp ngã nên muốn chiếm hữu sẽ làm muôn loài chịu nhiều đau khổ, khi đã ác thì cùng hung cực ác không loài nào bằng. Thế giới này 5 loài cùng chung ở nên tương tàn, tương sát lẫn nhau để bảo tồn mạng sống. Lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu và cứ như thế ăn nuốt lẫn nhau nên nhân quả thù nghịch vay trả không có ngày cùng. Chính vì thế mà thế giới luôn xảy ra chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, thiên tai lũ lụt không có ngày thôi dứt vì nghiệp giết hại mà ra.

Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.

Nhiều người suốt đời bôn ba chỗ này, chỗ kia để làm ăn sinh sống mà chẳng bao giờ được cơm no áo ấm, lại hay thiếu trước hụt sau. Thường kẻ nghèo nàn, thiếu thốn dễ trở thành người tội lỗi vì họ lúc nào cũng tìm cách mưu hại người, thành ra càng khốn khổ hơn. Lẽ đời ở hiền thì gặp lành, gieo gió thì gặt bão. Người bần cùng khốn khổ giống như người từ chỗ tối đi vào chỗ tối, nếu không gặp được thầy lành bạn tốt thì chắc chắn suốt đời, suốt kiếp họ bị chìm đắm trong biển khổ sông mê. Người Phật tử giữ gìn 5 giới cấm trọn vẹn thì đời này, đời sau sống đi đến đâu cũng gặp người giúp đỡ tận tình vì không có tâm lấn lướt, âm mưu, hãm hại người nên sống chỗ nào cũng dễ dàng, thuận tiện.

QUẢ BÁO CỦA SỰ CHẤP NGÃ

Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước khinh khi người xem kinh.

Lùn bé là nhân khinh khi, cống cao ngã mạn, xem thường người có tài đức, không biết tôn trọng, kính lễ một ai. Bản thân tôi là một bằng chứng thiết thực, tự thấy mình cũng còn bệnh đó nên bây giờ có tướng lùn thấp, may nhờ có tu chút chút mà biết cách thay đổi từ từ; còn người lớn con nhưng vẫn cống cao ngã mạn thì đó là bệnh chung của nhân loại khi có trong tay một chút quyền lực. Việc khinh thường người xem kinh bị quả báo lùn bé thì không thể chối cãi được. Người đọc kinh, xem sách để học hỏi những điều hay lẽ phải mà biết cách tu tập để chuyển hoá phiền não tham-sân-si, ta lại vì tâm hẹp hòi, ích kỷ mà chê bai, coi thường, không những chịu quả lùn thấp mà còn bị quả ngu si, mê muội vì không chịu học hỏi và chỉ trích người khác. Người Phật tử không nên xem thường việc học của mình, nhưng cũng chớ khinh ai mà phải hay khích lệ mọi người tu học để cùng nhau sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa rượu thịt say sưa hại vật.

Chủ trương của đạo Phật là giúp con người được từ bi, trí tuệ. Từ bi thương xót cứu giúp mọi người mà không có trí tuệ sáng suốt e rằng sẽ làm hại thêm nhiều người. Mục đích của đạo Phật là đem niềm vui và tình yêu thương đến muôn loài nên nhà Phật không có chủ trương giết hại. Vì phương tiện độ thoát chúng sinh nên Phật cấm người xuất gia ăn mặn. Theo tinh thần Phật giáo Bắc tông phát triển theo đời sống con người, cư sĩ tại gia tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà có thể ăn chay hoặc ăn mặn, hạn chế tối đa việc giết hại để nuôi sống bản thân. Phật giáo Nam tông tức nguyên thủy ăn mặn theo tinh thần Tam tịnh nhục, không thấy, không nghe, không giết, không có tâm giết hại khi ăn thì không sao, ai cúng gì ăn đó không đòi hỏi, không tìm cầu. Nhưng tại sao ở đây lại nói ăn thịt rồi đi tụng kinh bị thổ huyết? Vì có tâm cố tình giết hại để bồi bổ thân mình mà phải chịu quả báo như vậy. Chỗ này tùy theo sự nhận hiểu của mỗi người mà ráng cố gắng tu hành cho tốt, đừng vì mình ăn chay mà phỉ báng người ăn mặn. Chay mặn là tùy người, người ăn mặn vẫn chứng quả như thường vì tâm của họ không có ý giết hại.

Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước phỉ báng người làm lành.

Ngu đồng nghĩa với vô minh hoặc si mê, hay nói cho đủ là ngu si, mê muội; đã ngu mà còn điếc nữa thì thật là quá quắc. Người đời thường nói “điếc không sợ súng”, hai từ ngu và điếc đi đôi với nhau để diễn tả đầy đủ sự ngu, đã ngu rồi nên bất chấp tất cả mà làm càng, làm bướng, tới đâu hay tới đó, chẳng biết phân biệt đúng sai. Chính vì vậy mới mạ nhục, phỉ báng người làm thiện, làm lành. Vì họ không tin nhân quả, cho rằng chết là hết hay mọi thứ đều là ngẫu nhiên, không có họa phúc, tốt xấu nên mặc tình gieo tạo nhân ác. Người Phật tử chân chính càng không nên phê phán hoặc chỉ trích ai khi thấy người đó đang làm những việc có ích; đã không phỉ báng mà còn tuỳ hỷ vui vẻ với việc làm tốt của họ thì cả hai đều được phước bằng nhau. Người làm phước thì quả báo nhiều tiền bạc, người tuỳ hỷ vui theo thì không bị tâm ganh ghét, tật đố nên không sân hận mà nói những lời mắng chửi hoặc đã thương, giết người khi không làm chủ được cơn giận.

Ghẻ lác, phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.

Phật nói cho đủ là Phật Đà, là người đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát. Phật là lời nói tắt, có nghĩa là giác, chính mình tự giác rồi giác tha, giúp đỡ mọi người được giác ngộ như mình cho đến ngày giác ngộ viên mãn; ở đây ý nói đến sự thanh tịnh, sáng suốt. Chúng ta vì thấy biết sai lầm nên bày biện rượu thịt, cá mắm trước bàn Phật mà ăn uống, nhậu nhẹt, say sưa, làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết trang nghiêm bàn Phật, về sau phải chịu quả báo cùi đui, sức hủi, tâm thần ám độn, mê muội. Uống rượu say sưa, hút chích xì ke ma túy, đưa vào cơ thể các loại độc tố có hại hoặc mình xử dụng hoặc xúi bảo người xử dụng sẽ bị nhân quả ghẻ lác, phong điên, ngày nay gọi là bệnh tâm thần vì không còn đủ lý trí sáng suốt để làm chủ bản thân. Chúng tôi cứ ba tháng một lần đến trung tâm tâm thần Tân Định-Tân Nguyên-Bình Dương để giúp đỡ và chia sẻ cho gần 1200 người mắc bệnh này. Nếu ai có dịp đến đây để nhìn thấy những con người như thế chắc chắn sẽ ráng tu hành mà cố gắng không uống rượu, hút chích xì ke, ma túy hoặc bán buôn những thứ độc hại để làm cho người bị thân tàn ma dại.

Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.

Bán đồ giả mà chúng ta lại nói đồ thiệt để gạt người lấy tiền nhiều, người mua lầm chớ người bán có bao giờ lầm đâu. Con người ta vì siêu lợi nhuận mà tìm đủ mánh khóe để lường gạt của người. Dịch vụ quảng cáo ngày nay nhiều khi thông tin không đúng sự thật để đánh lừa thiên hạ. Trầm hương là loại hương thơm quý hiếm phải lội vào chỗ rừng sâu nước độc, nhiều khi phải ngậm ngãi tìm trầm. Trăm người đi thì chỉ có một vài người tìm được, còn đa số bị bệnh hoạn giữa chừng hoặc chết nơi rừng thiêng nước độc. Một số người vì gian tham mà mưu mô xảo quyệt, trộn hàng giả thành trầm hương thiệt bán với giá cắt cổ mổ họng, lường gạt phỉnh người mà bị quả báo vô số kiếp đọa 3 đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sau này nếu được làm người thì chịu quả báo thân thể hôi dơ làm mọi người không dám gần gũi. Người Phật tử khi đã quy hướng ngôi Tam bảo cần phải tin sâu nhân quả, bất cứ làm việc gì đều phải suy xét kỹ càng, nếu cảm thấy không có hại cho người và vật thì nên làm.

QUẢ BÁO CỦA SỰ LỪA ĐẢO VÀ GIẾT HẠI

Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.

Chết treo hay chết bất đắc kỳ tử hoặc chết sông, chết suối, chết khát, chết đói đều từ nhân nhiều kiếp giết hại mà ra. Khi làm người ta giết vật để ăn, đến khi hết phước họa tới thì phải chịu bị giết hại lại. Nhân quả trả vay, vay trả không có ngày cùng vì chúng sinh ăn nuốt, giết hại lẫn nhau. Chính vì vậy, đức Phật từ bi thương xót chế ra giới không được sát sinh, hại vật để ngăn ngừa chúng sinh rơi vào hố sâu tội lỗi. Ai có lòng nhân, có tình thương chân thật thì không bao giờ muốn giết hại dù nhỏ nhít như con kiến, con trùng. Chúng ta là Phật tử thì chớ giết, chớ xúi bảo người khác giết hay vui vẻ khi thấy người giết. Ai muốn làm người tốt trong hiện tại và mai sau thì hãy ý thức sự khổ đau do việc giết hại gây ra mà mở rộng tấm lòng từ bi, quảng đại. Thói quen tham đắm muốn ăn ngon trong việc ăn uống làm cho nhiều người lúc nào cũng muốn tìm kiếm, giết hại bằng cách giăng bẫy lưới đánh bắt, chĩa chọt rồi vui vẻ lột da, xẻ thịt chiên xào nấu. Gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái xúm lại ăn còn khen ngon đáo để, ăn trên sự đau khổ của con vật. Người Phật tử nếu còn ăn mặn hãy nên mua những con vật đã bị chết hoặc thức ăn đã làm sẵn thì không bị quả báo xấu dưới nhiều hình thức, nếu có tội cũng nhẹ vì không cố ý sát sinh, hại vật.

Cô đơn cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.

Nóng giận là một thói quen xấu thường làm con người nhẹ thì ganh ghét tật đố, chê bai, dèm pha; nặng thì chửi mắng, đánh đập, có khi dẫn đến giết người. Vì thường hay nóng nảy, thô bạo nên bị người lánh xa, không thích gần gũi, do đó luôn sống cô đơn, cô độc, không người thân thuộc. Cha mẹ mất sớm, người thân xa lìa, chồng vợ hết duyên, bạn bè ghét bỏ, xã hội không dung, người sống như vậy chẳng khác nào loài thú hoang không nơi nương tựa. Các nhà khoa học chịu giam mình trong phòng kín một thời gian dài để nghiên cứu, phát minh nhằm phục vụ con người; người tu hành có khi chấp nhận cô độc một mình để huân tu trí tuệ mà buông xả tham-sân-si; tuy cô độc nhưng họ không cô đơn vì luôn sống với tâm thanh tịnh, sáng suốt, có ích cho nhân loại. Nhiều người tuy đang sống chung với gia đình, người thân nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì trong lòng họ bị mặc cảm dày vò do tâm ganh ghét, tật đố. Người Phật tử biết tu sẽ tuỳ duyên nương theo cuộc sống mà hay nhìn lại chính mình, dù ta có thể cô độc nhưng ta không cô đơn vì vẫn nhìn thấy từng tâm niệm của mình bằng đôi mắt sáng.

Sét đánh, lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.

Hiện tượng bị sét đánh hay chết cháy là một sự thật, dân gian thường nói kẻ bất hiếu với cha mẹ sẽ bị trời đánh và ngày xưa những việc như thế xảy ra rất nhiều. Việc mua bán cân thiếu tính đủ, gian lận nhiều cách để chiếm đoạt của người, nặng thì bị sét đánh chết tức tưởi, nhẹ thì nghèo cùng, khốn khổ, đói khát, bệnh tật triền miên. Lòng tham con người như giếng sâu không đáy, gian manh, xảo quyệt, lường gạt đủ cách, miễn được lợi cho mình thì thôi, còn ai chịu thiệt thòi ráng chịu. Họ không biết “của trời trả đất”, tiền bạc làm ra do nhân bất chính sẽ bị 5 nhà cuốn trôi (hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cướp, vua quan tịch thu, con cái bất hiếu, phá sản); rốt cuộc phải chịu tiếng đời bêu rếu, bị quả báo thiếu thốn, khó khăn, làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng mà chẳng bao giờ được đủ ăn, đủ mặc. Cân thiếu là hình thức biến dạng của trộm cướp, vì muốn lợi nhuận cho mình nhiều nên nhẫn tâm gian dối, lường gạt của người; quả báo về sau bị sét đánh, lửa thiêu, vô số kiếp nghèo cùng, khốn khổ, làm lụng vất vả mà không có của dư. Người Phật tử quyết sống chân thật, mua bán đong đếm đầy đủ, rõ ràng và phải ăn ngay nói thiệt vì đã tin sâu nhân quả.

Rắn cắn, cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước giết hại tạo oan gia.

Ngày nay, hiện tượng bị rắn cắn, cọp ăn thì ít thấy, mà các sự việc khác thường xảy ra nhiều hơn như thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt, tai nạn giao thông làm vô số người chết thảm; chung quy cũng từ nhân giết hại và phá hủy môi trường mà ra. Tóm lại, kinh Nhân Quả Ba Đời đức Phật chỉ dạy muốn làm người có lòng từ bi rộng lớn trước tiên phải hiếu kính cha mẹ, sau đó quy hướng Tam bảo và ý thức sự đau khổ do giết hại gây ra. Chúng ta quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài vật, không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật. Sự sống vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết. Niềm vui căn bản của chúng sinh là được sống an lành, mạng sống không bị đe dọa dưới nhiều hình thức. Chúng ta biết yêu quý mạng sống của mình như thế nào thì người và loài vật khác cũng yêu quý mạng sống như vậy. Giết hại tức huỷ diệt mạng sống của chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng như bệnh hoạn, chết yểu hoặc bị giết trở lại và cũng là nhân gây ân oán, thù hận không có ngày thôi dứt. Muốn không giết hại ta phải phóng sinh giúp người, cứu vật và ăn chay, làm lành. Tùy theo khả năng người Phật tử sắp xếp tối thiểu mỗi tháng ăn chay 2 ngày hoặc 4 ngày, cho đến 10 ngày. Nếu ai đủ khả năng và có điều kiện thì nên ăn trường chay để mở rộng tấm lòng thương yêu bình đẳng muôn loài vật. Tương lai xã hội có được tốt đẹp hay không còn tùy thuộc vào thế hệ trẻ, nếu ai cũng có niềm tin sâu sắc về nhân quả thì con người, gia đình, xã hội sẽ biết kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống và cùng nhau vui hưởng an lạc, thái bình.

KỆ HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Chúng ta cùng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm để hồi hướng công đức cho mọi người đều thành tựu Phật Pháp nhờ tin sâu nhân quả.

Giải kinh công đức không tính kể,
Thắng phước vô biên đồng hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh,
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Con và cha mẹ, ông bà,
Chúng sinh giác ngộ, cõi đời an vui.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (108 lần)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-19301_5-50_6-1_17-241_14-1_15-1/chu-giai-kinh-nhan-qua-ba-doi.html#detail


Âm lịch

Ảnh đẹp