12/10/2012 21:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 52657
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI: Chúng tôi là những Phật tử rất thích đi nghe pháp. Chúng tôi đã nghe pháp tại các giảng đường ở TP.Hồ Chí Minh gần 10 năm nay. Một lần, chúng tôi được quí thầy dạy ... “phải biết sống tri túc”. Chúng tôi chưa hiểu thật đầy đủ thế nào là tri túc, nếu “sống tri túc” thì có được buôn bán làm giàu không? Nếu cuộc sống có nhiều phương tiện, của cải thì có đi ngược lại tinh thần “tri túc” hay không?




ĐÁP:

Tri túc là biết đủ, biết an trú vào những gì mà mình hiện có, không vọng tưởng mong cầu. Một đời sống tri túc đúng nghĩa là một đời sống an lạc, thanh cao vì không còn bị khổ đau do sự chi phối của dục vọng. Thế nên, trong kinh Di Giáo, Phật đã dạy: “Người biết sống tri túc, tuy nằm trên đất cũng an lạc, người không biết sống tri túc, tuy ở trên các cõi trời nhưng lòng cũng không an ổn”.

Cần phải thấy rằng, cứu cánh đích thực mà giáo lý Phật đà nhắm đến là diệt hết mọi khổ đau trong cuộc sống. Muốn thoát khỏi khổ đau thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải vượt thoát khỏi mọi dục vọng. Bởi lẽ, mầm mống cội nguồn của tất cả các nỗi khổ đau trong cuộc sống này đều bắt nguồn từ những tham muốn của con người. Còn tham muốn là còn đau khổ, đó là chuỗi nhân quả tương liên tất yếu. Cho nên, việc loại bỏ dần những tham muốn trong cuộc sống đời người đồng nghĩa với việc thực hành một đời sống tri túc. Ở đây, tri túc là một pháp hành, trợ lực cho hành giả trên con đường thăng tiến tâm linh và giải thoát khổ đau.

Tuy nhiên, trên bình diện hiện thực của một chúng sanh với nhiều nghiệp duyên ràng buộc nhưng đang hướng về Thánh đạo; lẽ cố nhiên ta phải tự xác định vị trí cũng như phải lựa chọn một con đường phù hợp, ngõ hầu gặp nhiều thuận duyên trên hành trình tìm về Bảo sở của chính mình. Vì lẽ, Phật giáo là một tôn giáo xây dựng trên cơ sở hiện thực, dựa vào những điều kiện thiết thân của mỗi chúng sanh mà đưa ra những phương thuốc thích ứng.

Khi đã xác định là một người Phật tử ở trong giai đoạn đầu của tiến trình học Phật, lẽ dĩ nhiên mỗi chúng ta còn phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp khác của cuộc sống. Chẳng hạn như phải lập nghiệp, mưu sinh, quan hệ xã hội, bạn bè, dựng vợ gã chồng cho con cái... tất cả những vấn đề đó đòi hỏi những cơ sở để tồn tại mà đời sống vật chất là một điều kiện cần không thể thiếu. Vấn đề ở đây chính là khi tạo ra và sử dụng những phương tiện vật chất ấy, ta phải có thái độ như thế nào để phù hợp với tinh thần tri túc.

Ở đây, theo chúng tôi tri túc không phải là một giáo lý khuyến khích sự tự mãn, tự bằng lòng với những gì ít ỏi mà mình có mà chính là một thái độ biểu lộ sự thao thức của mình đối với những nỗi khổ đau của tha nhân. Chính vì thông cảm với những nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử chân chính không an tâm thâu góp riêng cho mình những tài lợi, những tiện nghi mà mình có thể sở hữu và có quyền thâu góp. Chính vì thông cảm với nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử quên bớt mình đi và nghĩ đến người, luôn luôn tâm niệm rằng những điều kiện vật chất mà mình đang có là có thể tạm đủ cho mình rồi và dành thời giờ, tâm lực để lo lắng cho kẻ khác. Chính nhờ sự tự nguyện tri túc như vậy mà người Phật tử biết hạn chế sử dụng những xa xỉ phẩm, những phí tổn vô ích khác và có thể dành dụm những sở hữu vật chất nhất định để giúp đỡ cho tha thân. Có thêm vài mẫu ruộng để mở mang canh tác, có thêm một chiếc xe để thuận tiện việc đi lại, có được một cái máy điện toán, điện thoại để tiện việc thông tin... điều đó không có gì chống trái với giáo lý đạo Phật cả, không hề đi ngược lại giáo lý tri túc. Trừ phi phương tiện để có được những điều kiện vật chất ấy là phương tiện bất chính và mục tiêu sử dụng là để nhằm thỏa mãn tư dục của cá nhân.

Cho nên có thể thấy, sống tri túc không nhất thiết phải chấp nhận một cuộc sống với điều kiện vật chất tạm bợ và như vậy không hề ngăn cản sự tiến lên hay “làm giàu” của mỗi cá nhân. Việc vận dụng nhiều phương tiện hỗ trợ trong cuộc sống không hề trái với tinh thần tri túc, vì cần phải hiểu tri túc chính là biết đủ đối với bản thân mình để từ đó có thể hy sinh mà phụng sự cho người, cho nhân loại.

(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)


Âm lịch

Ảnh đẹp