Đáp: Qua câu hỏi trên, để tiện trả lời, chúng tôi xin được tách ra làm 2 câu hỏi :
1- Việc cầu nguyện đó ảnh hưởng thế nào đối với người có tội lỗi?
Xin
thưa: Rất có ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng đó, nó còn tùy thuộc
vào nhiều yếu tố. Nếu những yếu tố tốt, thì ảnh hưởng kết quả tốt. Ngược
lại, thì không như thế.
Những yếu tố tốt như thế nào? Như
trường hợp bà Mục Liên Thanh Đề, sở dĩ bà được thoát khỏi cảnh khổ ngạ
quỷ, là vì bà có nhiều yếu tố thắng duyên tốt .
Thứ nhứt, là
ngài Mục Kiền Liên con của bà rất là chí hiếu. Ngài đã hết lòng tha
thiết trong việc thiết lễ trai tăng cúng dường đúng theo lời Phật
dạy.
Thứ hai, chư Tăng, những người chú nguyện cho bà đều là
những vị tu hành thanh tịnh suốt thời gian 3 tháng an cư kiết hạ. Nhờ
tâm các Ngài thanh tịnh, nên sức chú nguyện của các Ngài có một ảnh
hưởng rất mạnh đến mục tiêu mà các Ngài nhắm tới. Mục tiêu đó là bà Mục
Liên Thanh Đề.
Điều nầy, nếu nói theo triết học, thì gọi là:
“Thần giao cách cảm”. Tuy vô hình, nhưng nó có một sức mạnh rất mãnh
liệt. Người xưa nói: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai.” Nghĩa là:
Sức thành khẩn tha thiết hướng đến đâu, có thể chẻ núi phá vàng đến đó.
Xin nêu ra đây một câu chuyện để chứng minh:
Trong quyển Niệm
Phật Thập Yếu trang 104, cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm có thuật câu
chuyện như sau: “ Có một vị bên
Pháp tuổi trẻ, góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải khuây.
Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp,
mới tỏ thật chuyện mình, xin cưới cô nầy làm vợ, và được chấp thuận.
Nhưng lúc chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô
thị. Người thợ rèn thấy con gái mình bụng ngày một lớn, còn chàng sở
khanh kia thì tuyệt tích như cánh chim hồng, nghĩ mình nhà nghèo thế yếu
không thể kiện thưa, tức giận quá mỗi buổi chiều cầm búa đập vào tấm
sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm phẩn hận.
Nhưng ở đô thành cứ vào 5 giờ chiều, vị bác sĩ nọ bổng ôm đầu rên la,
chữa trị đủ cách vẫn không khỏi.
Sau người bạn của bác sĩ trong
lúc về thăm
quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi
tên bạn mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm
ra biết nguyên nhân căn bệnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải
đến xin lỗi và cưới cô gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bệnh
vị bác sĩ mới khỏi.”
Qua đó, chúng ta thấy, tâm lực có một sức mạnh vô hình như thế.
Thứ
ba, là bà Mục Liên Thanh Đề. Bà ta mới thực sự là yếu tố chính và quan
trọng hơn hết. Sự gia trì của Phật cũng như sức chú nguyện của chư tăng,
tất cả đều là những tác động trợ duyên tốt. Và nhờ sức trợ duyên mạnh
mẽ đó, mà đánh động được tâm thức của bà ta. Bà ta đã ăn năn hối cải, và
tha thiết sám hối. Nhờ sự thành tâm cải hối đó,
mà bà được siêu thoát sanh lên cõi trời Thiên Hoa Quang.
Kinh
nói: “Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám. Tâm nhược diệt thời, tội diệc
vong. Tội vong, tâm diệt lưỡng câu không, thị tắc danh vi chơn sám hối”.
Nghĩa là: Tội lỗi từ tâm (vọng) khởi, cũng từ tâm mà sám. Khi tâm lặng
rồi, thì tội cũng tiêu. Tội tiêu, tâm lặng cả hai đều không còn nữa, đó
mới thật là chơn thật sám hối.
2- Việc làm nầy có rơi vào mê tín
không? Xin thưa: Việc làm nầy, chẳng những không phải là mê tín mà lại
còn rất phù hợp với tinh thần giác ngộ của Đạo Phật. Tức là tinh thần tự
giác. Lý do tại sao ? Trước hết, xin dẫn ra đây một vài mẩu chuyện
ngắn, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ thuật kể trong quyển Bước Đầu Học
Phật, để chứng minh.
Hòa
Thượng nói: Mặc dù đây là những mẩu chuyện có tánh cách ngụ ngôn, nhưng
để chúng ta thấy cái tinh thần tự giác của Đạo Phật. Đức Phật có kể lại
tiền thân của Ngài: “Thuở nọ Ngài là đứa con bất hiếu. Khi Ngài chết
rồi vào địa ngục. Ngay trong ngục tối, Ngài thấy ở đàng xa một đóm lửa
sáng rực đi đến dần dần tới Ngài. Tới gần, Ngài nhìn rõ ra là người đang
bị một vòng lửa cháy rực trên đầu. Người đó rên la thảm thiết. Khi tới
gần, Ngài hỏi: Anh ơi, anh làm tội gì mà chịu khổ lắm vậy? Chàng đó nói:
Không giấu gì ông, thuở xưa tôi ở nhân gian, vì bất hiếu với cha mẹ,
nên giờ đây tôi mới khổ như thế nầy.
Ngài hỏi: tới bao giờ anh mới hết tội đó ?
Chàng kia đáp: Chừng nào ở nhân gian có người nào
bất hiếu như tôi, đến thế cho tôi, thì tôi mới hết.
Vừa nói thì
vòng lửa bên đầu anh kia chụp qua đầu của Ngài. Ngài bị đốt cháy đỏ rực,
đau khổ quá Ngài rên la thảm thiết. Khi tỉnh lại Ngài hỏi: “ Đầu tôi bị
vòng lửa đốt cháy như thế nầy, thưa anh chừng nào mới hết, mới khỏi cái
khổ nầy? Anh kia nói: Chừng nào có người ở trên nhân gian bất hiếu như
ông, xuống thế cho ông thì ông mới hết”.
Khi đó Ngài liền nhớ cái
khổ bị đốt như thế nầy đau đớn vô ngần, nếu có người chịu khổ như mình
thì tội nghiệp họ quá, chi bằng để một mình mình chịu khổ thôi. Cho nên
lúc đó Ngài liền phát nguyện: “Nguyện tất cả người trên thế gian, từ đây
về sau đừng có ai bất hiếu như tôi, để một mình tôi chịu cái khổ nầy
suốt đời suốt kiếp”. Ngài vừa nguyện xong, bất thần vòng lửa bay đâu
mất. Ngài thấy Ngài sanh lại ở chỗ khác tốt đẹp, không còn vòng lửa nữa.
Qua
câu chuyện đó tuy có tánh cách ngụ ngôn, nhưng cho chúng ta thấy rõ một
khi phát tâm từ bi rộng lớn, phát tâm đạo đức, thì bao nhiêu cái khổ
cái xấu tan đi.
Thêm một câu chuyện nữa. Phật kể lại: “Một thuở
nọ Ngài là một thợ săn hung ác tàn bạo. Sau khi chết đọa vào địa ngục.
Khi đó quỷ sứ bắt Ngài kéo một chiếc xe cồng kềnh, phía sau có người cầm
roi đánh. Ngài kéo nặng nề quá. Kéo qua chỗ tra tấn người Ngài thấy
những người khác bị đánh đập hành hạ đau khổ rên siết quá đổi. Ngài động
lòng thương nguyện rằng: “Tôi xin thế tất cả cái đau khổ của những
người ở
trong đây! Tất cả cái khổ của những người đang chịu, xin để cho mình
tôi chịu”. Ngài vừa phát nguyện như vậy thì tự thấy Ngài không còn ở địa
ngục nữa.
Thuật qua 2 câu chuyện trên, Hòa Thượng kết luận: “Qua
2 câu chuyện trên đó, chúng ta thấy bà Thanh Đề, sở dĩ ra khỏi vòng ngạ
quỷ không phải chư Tăng có tài xuống đó dẫn bà lên. Không phải có một
ông Diêm Vương hay ông chúa ngục nào mở thả bà, ân xá cho bà. Cũng không
phải ông Phật trên đài sen xuống cứu bà, mà chính vì tinh thần sáng
suốt và ý chí mạnh mẽ cầu tiến của chư Tăng đồng chung một tâm niệm
hướng về bà, mong bà cải đổi tâm niệm xấu xa. Do sự giao cảm đó mà bà
tỉnh giác, chính bà tỉnh giác biết được tội lỗi của bà, nên bà hối hận
chừa bỏ. Do đó, bà thoát
khỏi cái khổ ngạ quỷ. Thoát khỏi là do tâm hối cải tỉnh giác chứ không
phải do sức bên ngoài bắt mình hay thả mình. Đó là sự thật do tinh thần
tỉnh giác của con người mà ra. Chỗ đó đối với quý vị hơi lạ, nhưng sự
thật là thế”.
Cũng theo tinh thần tự giác đó, chúng tôi xin được
nêu ra một thí dụ cụ thể và thực tế hơn. Thí dụ: Ông A bị ghiền á phiện
rất nặng, (dụ như bà Thanh Đề vì tạo nghiệp ác phải đọa vào ngạ quỷ)
con ông là anh B rất hiền từ chí hiếu và kính trọng thương ông (dụ như
Ngài Mục Kiền Liên). Vì quá thương xót tình cảnh nghiện ngập của người
cha, nên anh A tìm đủ mọi phương cách để khuyên cha. Một hôm, anh ta
trông thấy người cha lên cơn ghiền dữ dội, tứ chi rả rời, thân thể gần
như hết cựa quậy,
trong khi đó, thuốc lại không có, anh ta chạy tìm được chút ít đem về
cho cha. Người cha hút vào, sau đó tỉnh lại. Chứng kiến cảnh đau thương
đó (dụ như Ngài Mục Kiền Liên dùng tuệ nhãn xem thấy người mẹ đang bị
cơn đói khát hoành hành đau khổ ngút ngàn) anh ta quyết định tìm cách
cứu cha thoát khỏi bệnh ghiền.
Bấy giờ, anh ta nghĩ đến vị Thầy
của anh ta, là một bậc tu hành giới luật nghiêm minh, đạo cao đức trọng
(dụ như Đức Phật). Anh ta đến quỳ bạch xin thầy chỉ dạy cách nào để cứu
thoát người cha ra khỏi bệnh ghiền. (dụ như Ngài Mục Liên bạch Phật để
Phật chỉ dạy cách cứu mẹ Ngài). Vị thầy đó bảo anh ta, nếu con muốn cứu
thoát cha con bỏ hút á phiện, thì con nên vì cha mà hết lòng mua sắm
những thứ mà cha con thường
ưa thích nhất, đồng thời con nên cung thỉnh quý thầy khác mà hằng ngày
cha con kính trọng, cũng như một số bạn bè thân thuộc nhứt của cha con,
rồi chọn ngày mời mọi người đồng đến hiệp lực cùng con để cùng nhau
khuyên cha con cai nghiện. (dụ như Ngài Mục Liên sắm sanh lễ vật và cung
thỉnh chư tăng chú nguyện).
Anh A thực hiện đúng theo những gì
thầy dạy. Hôm đó là một ngày rất đẹp, khí trời ấm áp (dụ như ngày rằm
tháng 7) anh A trịnh trọng mời cha đến ngồi vào bàn ghế sang trọng và
trước những vật dụng quý giá mà người cha thường mong ước. Sau khi
người cha ngồi vào ghế, bấy giờ , anh A và những người thân thuộc trong
gia đình đến quỳ trước mặt người cha, đồng khẩn khoản tha thiết lên
tiếng khuyên cha nên vì bản thân, vì
con cái và vì bạn bè thân thuộc mà nên cương quyết cai nghiện ma túy
cho bằng được. Thêm vào đó, quý thầy có mặt cũng như toàn thể bạn bè
cũng đồng lòng hết lời chí thiết khuyên bảo.
Trước tình cảnh đó,
người cha quá xúc động đến rơi lệ, nghẹn ngào và rồi ông ta dõng dạt
tuyên bố trước mặt mọi người rằng: “Kể từ ngày hôm nay, tôi cương quyết
sẽ cai nghiện. Không phải nói suông bằng lời cho mọi người vui, mà tôi
nhứt quyết thực hiện bỏ hút cho bằng được. Vì tôi đã sáng mắt nhận ra sự
tai hại khốc liệt của thứ ma túy nầy rồi”! Nói xong, mọi người đều vui
lên như ngày mở hội. Nhứt là người con trai chí hiếu của ông vui mừng
không kể xiết. Và từ đó trở đi, người ta thấy ông ta đã bỏ hẳn và thân
thể của ông
được mạnh khỏe trở lại như xưa. Thế là ông đã tự cởi trói được cái khổ
mà từ lâu nay nghiệp ghiền ma túy nó đã treo ngược xiết cổ ông.
Qua
thí dụ đó cho chúng ta thấy rằng, sở dĩ người cha bỏ được á phiện, là
chính do ông ta cương quyết cải hối chừa bỏ, còn mọi người chỉ là trợ
duyên tốt giúp cho ông ta tăng thêm phần ý chí nghị lực mà thôi. Còn
chánh nhân chính là ông ta. Chính nhờ lòng chí thành tha thiết thương
cha của anh A, tức con trai của ông, là trợ lực chính giúp cho ông ta từ
bỏ được. Lời khuyên của mọi người (Dụ như sự chú nguyện của chư tăng)
đã đánh động được sự tỉnh giác của ông. Như thế, sự cai nghiện của ông
có kết quả tốt là do ông tự ý thức và tự tỉnh giác lấy. (Dụ như bà Thanh
Đề được
thoát hóa là do chính bà tự cải hối ăn năn tâm địa độc ác của bà).
Điều nầy, tuyệt nhiên không do ai cầu nguyện mà được cả. Như vậy, rõ
ràng nào có phải là mê tín đâu!