22/12/2012 18:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 68942
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Vậy là thời khắc “ngày tận thế” 21-12-2012 - tin đồn đã qua. Tất nhiên, về mặt khoa học như NASA đã khẳng định là đúng, rằng, ngày tận thế không xảy ra vào ngày 21-12-2012 như đồn đoán.

Tuy nhiên, đằng sau tin đồn “ngày tận thế” chúng ta dễ dàng nhận ra nỗi sợ hãi của con người mãi mãi là cái chết, dù cái chết vốn là hiển nhiên của quy luật sanh-trụ-dị-diệt mà Đức Phật đã tuyên lưu.

>> Nghĩ về "ngày tận thế"

an tru hien tai.jpg

An trú trong hiện tại - Ảnh minh họa

Cái chết là nỗi sợ, là cái khổ trong tám cái khổ mà Đức Phật dạy ngay từ bài pháp đầu tiên. Vì còn khổ bởi sanh, già, bệnh, chết… nên ta mới phải… làm người. Và, vì thương con người còn khổ bởi những điều đó nên Đức Phật mới thị hiện để nói pháp Tứ đế (bốn sự thật) và giảng giải về con đường thoát khổ mà Ngài đã thực chứng bằng thân tứ đại của mình ngay nơi địa cầu này.

Thế nhưng, chúng ta học Ngài nhiều, am hiểu lời Ngài dạy với tư cách như một học giả thì nhiều nhưng trở thành một hành giả, đi theo Ngài trên lộ trình liễu sanh thoát tử thì ta chưa đi, hoặc có đi nhưng lắm khi chùn bước, và sau đó lại quay về con đường trầm luân như đã từng ngụp lặn, trôi lăn…

Vì ta thiếu hạnh nguyện sâu dày, hoặc, vì ta chưa tin sâu sắc nơi lời Ngài dạy. Vì ta không đủ dũng khí hay lời nguyện “theo gót chân Bụt” của ta chưa đủ lớn để thắng lại những hấp lực của thế gian vốn đã được ta huân tập nhiều đời thành “tập khí”, chi phối mạnh mẽ nơi ta. Chính vì vậy mà dẫu mỗi ngày ta vẫn tụng kinh, niệm Phật, rồi phát nguyện “Con nay xin phát nguyện/ Sanh về cõi cực lạc” nhưng đến khi bệnh tật, hay cái chết cận kề thì ta vẫn băn khoăn, vẫn nắm níu, cân đo nhiều thứ nên vẫn khổ đau, giằng vặt… Vì thế, cận tử nghiệp của ta trở thành duyên xấu dắt dẫn ta lại trở vào con đường luân hồi sanh tử, thậm chí đọa lạc vào chốn ác đạo tam đồ.

Câu chuyện về sự tu tập không vững chãi, không dứt khoát trên con đường hướng thượng, giải thoát ấy có nhiều và tin đồn về “ngày tận thế” như là dịp để nó hiển bày trong tâm thức chúng ta, những người mang danh con Phật, mỗi ngày vẫn nguyện (bằng miệng) lời nguyện “sanh Tây phương Tịnh độ trung”.

Bởi ta chỉ nguyện bằng miệng (chứ chưa phải bằng tâm) và sự tha thiết của ta không đủ nên ta vẫn thấy thân này là của ta, mọi cái mà ta đang (tạm) sở hữu là cái đáng quý… nên khi nghe tới “ngày tận thế” ta lại hoang mang sợ chết!

Không biết có Phật tử nào vì sợ “ngày tận thế” đã dốc tiền của để dùng vào việc nào đó mà trước đây không dám dùng, thậm chí là bỏ công bỏ việc để “trốn” mọi thứ và niệm Phật chờ tận thế? Nếu có ai như thế thì người ấy thật sự đã không an trú hiện tại, tu không thường. Thấp thoáng trong hành động ấy là nỗi sợ hơn là sự dốc lòng tu tập, trung dung theo con đường trung đạo mà Phật dạy.

Bình thường là tâm đạo, bài pháp ấy ta đã quên sạch khi “nhận” được “bản án” sẽ chết vào một ngày mai nào đó, hay chốc lát nữa. Tâm lo sợ, tán loạn, không chấp nhận sự thật về cái chết (như đã nói là điều hiển nhiên) là nguyên nhân làm ta đọa lạc, bởi nó cũng là kết quả của tham-sân-si mà ta dưỡng nuôi trong tâm mình.

Do vậy, không chỉ là “tận thế” mà thực sự từng sát-na ta vẫn đang đối mặt với sanh-lão-bệnh-tử, và vô thường có mặt thường trực có thể “lấy” đi mạng sống của ta bất cứ lúc nào bằng sự hoại diệt, tứ đại tan rã. Nên, việc thực tập lời Phật dạy căn bản nhất là “đoạn ác, làm lành”, “giữ tâm ý trong sạch” trong từng phút giây được sống chính là chìa khóa để chạm vào an lạc, giải thoát.

Giải thoát ngay lúc con sống và khi chết chắc chắn ta cũng sẽ có nhiều cơ hội để vượt thoát luân hồi.

Thiết nghĩ, ngay cả người thế gian khi được hỏi “Nếu chỉ còn một ngày để sống thì bạn sẽ làm gì” và họ còn biết “sống bình an, bình thường” với quỹ thời gian ngắn ngủi đó. Đồng thời, họ còn biết tâm niệm rằng “Ngày mai chẳng biết ra sao nữa. Mà có ra sao cũng chẳng sao” thì ta là Phật tử sao lại sợ hãi tin đồn “ngày tận thế” dù đã được trang bị “an trú trong hiện tại”, nhân quả, vô thường…?

Nghĩ thế để nhìn lại, nhân sự kiện đồn đại “ngày tận thế” mà ta có cơ hội nhận diện mình tu chưa giỏi, thậm chí không phải là một “hành giả” đúng nghĩa, không phải là con Phật vì mình không giống một chút nào tinh thần vô ngã mà Ngài đã tuyên lưu. Cái này dân gian gọi là “cháy nhà ra mặt chuột”.

Tất nhiên, biết thế để mà sửa mình, từ ý, ngữ, thân, để mình có thể đối diện với tử sanh một cách an bình. Và đó cũng là để mình không lại trôi vào sáu đường, không bị đọa lạc xuống ác đạo…

Lưu Đình Long

http://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2012/12/22/3A405A/


Âm lịch

Ảnh đẹp