14/02/2012 20:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 41888
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Vì muốn đưa con vào khuôn phép, nhiều cha mẹ chọn biện pháp cứng rắn để quản thúc con, khiến đứa trẻ luôn cảm thấy áp lực nặng nề khi không được cha mẹ chia sẻ những suy nghĩ, những mong muốn của bản thân.



Sai: từ tối hậu thư đến tra vấn

Sáng nào thức dậy, “bữa điểm tâm” của H. là mảnh giấy được mẹ gắn sẵn trước cửa phòng với những câu mệnh lệnh: “Nhớ làm 5 bài toán nâng cao”, “Anh văn học thuộc 20 từ mới”, “Đi học về đúng giờ” v.v.. Nếu H. không làm tốt thì sẽ phải chịu trận với những lời ca thán và kết tội của mẹ. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, mẹ đều can thiệp và bắt H. phải làm theo ý mẹ, nếu cãi lại thì thế nào cũng có một màn tra vấn tại sao “trứng mà đòi khôn hơn vịt”!

Nhiều cha mẹ bỏ công bỏ sức chăm lo cho con và đáp ứng mọi nhu cầu, mong muốn của con, đổi lại họ luôn cảm thấy buồn và thất vọng vì con cái không làm được nhiều so với kỳ vọng. Càng lo lắng cho con, cha mẹ càng cho mình cái quyền bảo ban áp đặt con cái, nên đến khi con cái không thực hiện tốt yêu cầu của mình, họ sẵn sàng trút giận lên con bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề.

V., 15 tuổi rất ác cảm với bố vì bố bận việc, mỗi tuần chỉ tranh thủ gặp V. một lần khoảng mười phút, trong thời gian đó V. thấy căng thẳng và mệt mỏi với những tra vấn của bố. Tranh thủ thời gian gặp mặt con, bố liệt kê một loạt chuyện liên quan đến V., toàn những chuyện mà bố không hài lòng, sau đó là quở trách... Chưa bao giờ được bố lắng nghe và chia sẻ, chính vì vậy V. luôn cảm thấy bị hẫng hụt tình cảm; từ đó nảy sinh thái độ phản kháng bằng cách trơ lì, sống khép kín và ương bướng.

Đúng: từ trái tim đến trái tim

Những điều cha mẹ dạy con sẽ có giá trị khi được đứa trẻ hấp thụ bằng trái tim chớ không phải bằng đôi tai, vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của trẻ, lắng nghe và chia sẻ cùng con, chớ chọn con đường giáo huấn một chiều theo lối áp đặt, chắc chắn trẻ sẽ ứng phó theo kiểu “vô tai này, ra tai kia”.

Thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp từ hai phía dựa trên sự tôn trọng và tin cậy con cái, cho phép trẻ được độc lập và trưởng thành theo lứa tuổi; bằng cách xây dựng ý thức tự giác trong cuộc sống để trẻ biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, qua đó giúp trẻ nâng cao lòng tự trọng, nhận ra được tầm quan trọng của các quyết định bản thân trong việc chọn lựa thái độ sống tích cực và hành vi ứng xử đúng đắn; cha mẹ cần nắm được cảm xúc của trẻ để định hướng cho con có suy nghĩ và hành động phù hợp.

Trước những điều không hài lòng về con cái, cha mẹ cần ứng xử khéo léo. Những lời kết tội, lên lớp… của người lớn dễ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, không những không giúp trẻ nhận ra sai trái mà ngược lại càng làm trẻ thêm kích động. Chỉ có đồng cảm với con, chia sẻ cùng con mới giúp trẻ tự nhận ra thiếu sót và tăng thêm sức mạnh thay đổi bản thân để sống tốt với niềm tin và mong muốn của bố mẹ.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

http://sgtt.vn/Loi-song/151441/Day-con-bang-toi-hau-thu.html


Âm lịch

Ảnh đẹp