Cô
Susan Kaiser Greenland là giáo viên dạy môn Chánh niệm, đã làm việc
cùng các em nhỏ suốt một thời gian rất dài. Mới đây cô đã tham gia cuộc
hội thảo “Phát triển Chánh niệm cho trẻ” tại Trung tâm Thiền New York. Cuộc hội thảo rất thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ. Chúng tôi gặp Susan K.Greenland và có vài câu hỏi dành cho cô.
Vì sao cô muốn dạy cho trẻ biết về chánh
niệm?
Susan Kaiser Greenland: Khi tôi bắt đầu
thử tập cho trẻ biết chánh niệm, tôi đã có hai cháu rồi - một bé đi nhà trẻ, và
một bé vào năm học đầu tiên. Tôi nghĩ rằng, nếu chánh niệm giúp ích cho người
lớn, thì đối với trẻ em cũng sẽ như vậy, nhất là trong lãnh vực chú ý, tập
trung. Theo thời gian, tôi còn biết thêm: Chánh niệm không những giúp trẻ phát
triển sự chú ý, nó còn tạo ở trẻ lòng từ tâm, sự đồng cảm, và sự tỉnh giác.
Nhưng điều
tế nhị nhất đã xảy đến cho tôi ngay trước khi tôi bắt đầu dạy con chánh niệm.
Khi ấy tôi đang dự một khóa tu với Ken Mcleod ở Mt.Baldy, tôi bỗng hiểu ra một
vấn đề khiến tôi thay đổi cách dạy tốt hơn, và nhất là điều đó khả thi: Hãy mở
cửa phòng nơi tôi thực hành chánh niệm mỗi buổi sáng, rồi gọi các con vào, để
cho chúng cùng hòa nhập với bài thực hành của tôi.
Ở lứa tuổi nào thì thích hợp để bắt đầu luyện tập chánh niệm?
- Chúng tôi thực tập với trẻ khi trẻ còn là bào thai, khi bé còn ở
trong bụng mẹ. Trong nhiều phương diện, việc này liên quan đến cách chúng ta
biểu hiện ra sao, hơn là những hoạt động chánh niệm mà chúng tôi dạy cho trẻ. Nhưng
đối với việc dạy trẻ ngoài phạm vi gia đình, chúng tôi nhận thấy tuổi mẫu giáo
là lúc thích hợp để bắt đầu.
Có lợi điểm gì khi tập
cho trẻ biết chánh niệm?
- Thì đời sống của ta sẽ dễ dàng hơn,
phải không? Không cần thiết như
vậy. Dạy cho trẻ biết chánh niệm thì chúng sẽ là người đầu tiên báo cho ta biết
khi nào ta không chánh niệm!
Nhưng đối với tôi, ưu điểm lớn nhất của
việc này là giúp cho trẻ phát triển sự tỉnh giác của trí tuệ và tình cảm, để
trẻ có được những kỷ năng sống, trang bị cho trẻ cách để thanh tịnh tâm trí và
cơ thể. Nhờ tỉnh giác, trẻ có thể tập trung và có trí tuệ tốt hơn, để có được
lòng từ bi trong hành động và trong các mối quan hệ.
Nếu trẻ không
chịu nghe lời? Làm thế nào chúng ta có thể dạy chúng?
- Phải thật kiên nhẫn. Đó là cách biểu hiện. Trẻ học từ
những tấm gương. Nên nếu chúng ta làm gương cho chúng về lòng bác ái, từ bi, sự
hòa hợp, ít phản ứng, thì chúng sẽ tự bắt chước giống hệt vậy, hơn là chúng ta
chỉ nói về lòng từ bi hay sự tử tế, lòng tốt.
Trẻ em thực tập ngồi tĩnh tâm
Giai đoạn nào
là khó nhất trong khi dạy trẻ chánh niệm?
- Dạy chúng hoặc thực hành cùng với chúng, nhưng luôn để
mắt xem chúng đã phát triển đến đâu, để giúp đỡ hoặc phối hợp huấn luyện theo
trình tự tập trung – chánh niệm – đạo đức.
Đôi khi việc dạy chánh niệm chỉ tự phát, không theo trình tự, sẽ ảnh hưởng đến
mức độ phát triển của trẻ. Trình tự đúng sẽ giúp trẻ tìm hiểu thêm những ứng
dụng mới của chánh niệm và giúp chúng biết về những sai lầm của bản thân.
Thiền định thay thế thuốc men cho trẻ?
- Có thể thiền định thay cho thuốc men đối
với một số trẻ, nhưng tôi không chắc. Tuy nhiên, tôi không biết chúng ta có
cùng một định nghĩa về thiền định hay không. Chúng tôi rất hiểu điều gì thiết
lập nên chánh niệm ở các trẻ bốn tuổi, nhưng đó không phải là thiền định. Đó là
lý do vì sao ta cần phải định nghĩa từ “thiền định”, nhất là việc thiền định
đối vời trẻ em.
Khi thực
hành chánh niệm với trẻ và phụ huynh, hoặc với những giáo viên mới bước
vào con đường thiền định, tôi theo cách hướng dẫn tuyệt vời này của Pháp
sư Minguyr: “Ngắn hạn, nhiều lần”. Có nghĩa là, nếu
bạn đang ngồi làm bài tập về nhà ở bàn ăn cơm vào một sáng thứ bảy, thì thời
hạn 30 giây lắng nghe tiếng giọt mưa rơi nhẹ lên cửa sổ có thể là một bài thực
hành rất có ý nghĩa: Nhất là nếu bạn lặp đi lặp lại bài thực hành đó nhiều lần
suốt buổi sáng hôm ấy.
Thủy Ngọc dịch (Theo tricycle.com )
http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/10/14/5F664B/