Càng giầu, càng phải thiện tâm


Tác giả: Khánh Linh (thực hiện)
27/05/2011 10:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 1925
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong mỗi người có chân tâm Phật tánh đang bị đám mây mù che phủ, thành ra u mê không thấy được sự thông thoáng. Khi mây bay qua rồi thì mặt trời sẽ lộ ra và tỏa sáng...

LTS: Ông Bùi Kiến Thành - một chuyên gia tài chính độc lập, nổi tiếng là người đã bỏ lại toàn bộ tài sản ở nước ngoài để về Việt Nam góp sức xây dựng đất nước, vừa chia sẻ với Tuần Việt Nam chúng tôi về vai trò của người giàu.

Người giàu thì... càng khổ

- Ông có thể định nghĩa thế nào là người giàu? Có phải người có nhiều tiền là giàu không?

- Người giàu phải có nhiều tiền, nhưng nhiều tiền không vẫn chưa đủ, mà phải có nhiều tài sản nữa. Ngược lại, có nhiều tài sản mà không có tiền thì sẽ khó khăn, vì không phải lúc nào tài sản cũng quy đổi ra thành tiền được ngay. Với chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay, có tình cảnh nhiều người có tài sản lớn mà không có tiền tươi nên phải chạy khắp nơi vay mượn để mỗi tháng có tiền thanh toán nợ của ngân hàng.

Nên ở một góc độ khác, người giàu dù có nhiều tài sản, nhưng lại thường đi theo với nợ nhiều, tài sản ròng phải tính bằng giá trị tài sản trừ ra số nợ ngân hàng. Tất nhiên người giàu mới được các tổ chức tín dụng ngân hàng cho vay dưới nhiều hình thức, số tiền rất lớn, còn người không giàu thì có muốn cũng không vay được như vậy.

- Xem ra làm người giàu cũng rất căng thẳng?

- Đúng vậy. Người giàu không bao giờ bỏ tiền trong ngân hàng, mà họ sẽ đầu tư, thường sẽ có nhiều doanh nghiệp.

Quản lý số tài sản như vậy thì phải quản lý rủi ro, để dòng tiền vào - ra khớp nhau. Nếu vào mà không kịp cho dòng ra thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán, dẫn đến phá sản. Rồi lo cổ phiếu lên- xuống, không thể để cả sự nghiệp doanh nghiệp của mình lâm vào bế tắc vì sẽ ảnh hưởng đến bao người khác, chứ không chỉ là lo cho túi tiền riêng.

Người chủ doanh nghiệp lớn sẽ có trách nhiệm phải lo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động, rồi còn phải lo an sinh xã hội, nào nhà ở, con cháu được đi học... Rồi còn trách nhiệm với cổ đông nữa. Tóm lại là trách nhiệm xã hội rất lớn.

Có thể ví người chủ doanh nghiệp lớn như người cai quản nguyên một giang sơn, mà phải làm sao để giang sơn của mình vững mạnh.

Từ trải nghiệm của bản thân mình, tôi nhận thấy rằng vai trò của người giàu không chỉ đóng khung trong đóng góp về tiền bạc, mà cả đóng góp kinh nghiệm, đóng góp quan hệ, kiên trung trong ý kiến, tư vấn, lập luận... Người giàu phải hiểu được trách nhiệm của mình, và có tâm với dân tộc, với đất nước.

Hãy thử xem một ngày của tỷ phú Mỹ như thế nào? Sáng sớm 5h dậy rèn luyện thể chất, ăn sáng rất sớm khoảng 6h30. 7h lên xe đi làm việc là lập tức mở email ra xử lý công việc, rồi cập nhật bao nhiêu thông tin mới nhất từ cả thế giới. Đến công ty là họp ngay với cán bộ chủ chốt trên khắp thế giới, bao nhiêu những công ty con, giải quyết bao nhiêu vấn đề chỉ trong khoảng nửa giờ. Rồi lại lo ngay vấn đề của ban điều hành tại chỗ, họp với một phần của lãnh đạo HĐQT và BGĐ, cũng khoảng nửa giờ nữa.

Từ đó là chương trình hoạt động trong ngày, liên tục những cuộc gặp gỡ công việc, tính lịch sát đến từng 30 phút.

Buổi trưa cũng phải tính xem ăn trưa nói chuyện với ai (business lunch), thường với những người được ưu ái nhất, quan trọng nhất, kiểu với Thị trưởng New York, rồi Thống đốc bang Texas. Trở về 1h30, 2h lại tiếp tục những cuộc hẹn, cuộc họp.

Đến 5, 6h tối lại đi tiệc cocktail để giao lưu. Nhiều khi một ngày có rất nhiều nơi mời dự tiệc cocktail, lại phải tính toán xem nên lựa chọn cái nào, rồi thư ký phải cập nhật thông tin đến đó sẽ gặp những ai. Chẳng hạn có thể trò chuyện với Bộ trưởng Tài chính Pháp, tranh thủ thảo luận về vấn đề A, B, C.

Đến tối nhiều khi cũng đi ăn tối - làm việc (business dinner) đến 9h30, 10h mới được về nhà. Lại tiếp tục làm việc đến khuya, xem có những email gì phải giải quyết, rồi tranh thủ hỏi thăm vợ con một lúc.

Cuộc sống của một đại gia đẳng cấp quốc tế là như vậy đó.

Có thể đại gia Việt Nam chưa "khổ" đến mức đó, nhưng cũng phải có trách nhiệm với khối tài sản lớn, với những cổ đông, với người lao động, rồi với khách hàng...

Ông Bùi Kiến Thành - Ảnh: C.V.K. - Tuổi trẻ

Người giàu phải có trách nhiệm

- Còn trách nhiệm với xã hội theo nghĩa rộng thì sao, thưa ông? Bản thân ông đã là người rất giàu khi còn ở miền Nam Việt Nam, là người giàu khi sống ở nước ngoài, trước khi bỏ lại toàn bộ tài sản cho vợ con để trở về sống trong nước. Ông có thể chia sẻ về sự đóng góp cho xã hội từ góc độ một người giàu?

- Trách nhiệm đầu tiên của người giàu với xã hội là phải đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đóng góp bằng tiền thuế, bằng những sản phẩm phục vụ xã hội. Là người kinh doanh lớn, có nhiều kinh nghiệm thương trường, nhiều mối quan hệ rộng trong mọi thành phần xã hội, cũng phải đóng góp ý kiến với các lãnh đạo nhà nước trong nhiều việc quốc gia đại sự nữa.

Thời gian tôi sống ở nước ngoài, từ những năm 79, 80, tôi đã nhiều lần gặp gỡ các lãnh đạo của Việt Nam tại Pháp, thời đó ông Phạm Hùng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (có lúc kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ) từ trong nước sang, để đóng góp ý kiến về việc phải đổi mới kinh tế.

Phải làm sao để người dân giàu, vì trong lịch sử của nhân loại xưa nay không một nước mạnh nào xây dựng trên dân tộc nghèo. Phải để người dân Việt Nam làm giàu, cho kinh tế dân doanh phát triển, đất nước mới mạnh được. Sau đó tôi thấy khái niệm "dân giàu nước mạnh" đã được chấp nhận.

Trong sự đổi mới của Việt Nam từ những năm 1980, 1990, tôi rất hạnh phúc vì có đóng góp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ của cả nền kinh tế, từ ngăn sông cấm chợ qua nền kinh tế thị trường. Từ chế độ chuyên chính vô sản qua nhà nước pháp quyền, không phải là đóng góp về tiền bạc, mà là đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm và cả những quan hệ sẵn có với những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn của Mỹ, của Pháp. Cả phương thức giải quyết những vấn đề ngoại giao, an ninh quốc phòng rất nhạy cảm, đưa ra những vấn đề trọng đại theo cách có thể chấp nhận được, đồng có lợi cho các bên.

Từ trải nghiệm của bản thân mình, tôi nhận thấy rằng vai trò của người giàu không chỉ đóng khung trong đóng góp về tiền bạc, mà cả đóng góp kinh nghiệm, đóng góp quan hệ, kiên trung trong ý kiến, tư vấn, lập luận... Người giàu phải hiểu được trách nhiệm của mình, và có tâm với dân tộc, với đất nước.

- Ở Việt Nam bây giờ có nhiều người giàu theo cách ông vừa nói không?

- Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, cũng như trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, có rất nhiều người có tâm trạng như tôi vừa kể, muốn được đóng góp cho xã hội theo nhiều cách. Nhưng nhiều người trong số họ chưa có cơ hội đóng góp.

Quan trọng là Nhà nước phải tạo cơ hội cho người dân trở nên giàu có và cho người giàu đóng góp. Khi ở nước ngoài, tôi làm được những việc đó vì người của Chính phủ Việt Nam qua gặp tôi, và ông Phạm Hùng là người chỉ đạo quan hệ làm việc với tôi rất sáng tạo và cởi mở.

- Nghĩa là phải có môi trường để họ đóng góp ý kiến? Quan trọng là có tìm ra họ không? có hỏi họ không, hỏi xong thì đối xử thế nào?

- Tất nhiên người nói phải kiên nhẫn, bởi không phải tất cả những chuyện mình nói đều đúng, hoặc được áp dụng ngay. Nhưng người nghe cũng phải rất cởi mở, không phải cứ nói trái ý mình thì mình đóng tai lại, không nghe nữa. Cả hai bên đều phải cởi mở và sẵn sàng đối thoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiện tâm sẽ... bật dậy

- Phải chăng trong xã hội bây giờ, nhiều người giàu nhanh nhưng lại theo những cách... không trong sáng lắm, và khi giàu rồi thì họ cũng khó đóng góp cho xã hội hơn?

- Phải thừa nhận xã hội bây giờ buộc nhiều người phải đi qua những con đường không được trong sáng để đi tới sự giàu có. Nhưng tôi vẫn tin, trong mỗi con người đều có cái thiện - cái ác, và chính cái thiện đó sẽ giữ cho chúng ta làm những điều đúng.

Dù có làm giàu theo cách không đúng lắm, nhưng khi giàu đến mức nào rồi thì thiện tâm mỗi người sẽ bật dậy. Những người có tiền tới mức nào đó, khi đồng tiền không "phá nhân nghĩa" nữa, không khống chế mình nữa, thì họ sẽ nghĩ phải dùng tiền như thế nào, và họ sẽ muốn "trả lại" bằng những điều tốt cho xã hội.

Cũng có những người giàu vẫn chỉ bo bo cho mình, nhưng nhiều người rất có thành tâm thành ý. Người ta biết tay nhúng chàm, đến độ nào đó thì người ta sẽ muốn rửa tay... Con người có thể đổi thay theo tình thế.

- Ông thật sự lạc quan...?

- Chúng ta đang nỗ lực tổ chức Nhà nước theo hướng minh bạch hơn,

Tôi lạc quan về một xã hội hướng thiện, tuy hiện nay "cái ác" có đang lấn át một chút, nhưng xã hội còn vững mạnh đến ngày nay nghĩa là vẫn đang quá trình tự điều chỉnh.

Nói thế nào nhỉ, trong mỗi người có chân tâm Phật tánh đang bị đám mây mù che phủ, thành ra u mê không thấy được sự thông thoáng. Khi mây bay qua rồi thì mặt trời sẽ lộ ra và tỏa sáng...

- Nhưng ở ta chưa nhiều người giàu dùng tài sản riêng của mình để làm từ thiện? Nói như nhiều người là ta chưa có văn hóa làm từ thiện?

- Người giàu ở Việt Nam chưa nhiều người có thật tâm muốn dùng tài sản riêng của mình để ủng hộ đồng bào nghèo. Mới có vài ví dụ riêng lẻ, rất giới hạn, nhiều khi "ẩn chứa" vấn đề đánh đổi gì đó, như điều kiện để được ưu tiên cấp giấy phép chẳng hạn.

Tôi sẽ nói thế này, khi có 1 triệu đô la thì chưa hướng thiện bao nhiêu, nhưng 100 triệu đô la thì thoải mái hơn, và sẽ có tinh thần xã hội hơn. Đến 1 tỷ đô la thì sẽ khác nữa. Con người thay đổi theo hoàn cảnh của mình, khi nghèo, ít tiền thì phải đi tranh đấu, giành giật, khi có tiền thì sẽ nhìn xã hội bao dung hơn.

Ta chưa có văn hóa từ thiện vì nước ta chưa phát triển đến mức đó, nhưng ta sẽ dần học. Ý chí của những tỷ phú lập ra quỹ từ thiện là để tài sản lớn của mình có thể giúp ích cho xã hội, cũng là để giúp con cháu không bị hư vì ỷ lại.

Nhà nước cũng phải tạo cơ chế khuyến khích người giàu không chỉ làm từ thiện mà lập ra những quỹ từ thiện, đóng góp vào những quỹ từ thiện có tác động xã hội. Ở nước ngoài, như ở bên Mỹ chẳng hạn, tiền đóng vào các quỹ từ thiện được miển thuế, đấy cũng là một cách thức khuyến khích những người giàu hướng thiện.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp