08/03/2011 07:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 2770
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự chán nản, đau khổ cũng như ngán ngẩm nhân tình thế thái càng khiến người phụ nữ tìm đến đạo như tìm sự an lạc, giải thoát cho tâm hồn ngày càng đông.

Người phụ nữ VN bước về nẻo Phật như thế nào vẫn là một thắc mắc lớn của tôi. Câu hỏi nảy sinh khi tôi đến viếng các tu viện, thiền đường hay tham dự các buổi Pháp Thoại ở nhiều nơi mà điều đầu tiên tôi nhận ra là số phụ nữ hiện diện rất đông, vượt trội nam giới. Họ còn dẫn con cái theo cùng để học đạo. Trọng tâm của đạo Phật là giúp con người thấy bản chất chân thật của cuộc đời cùng những phương cách tu thân dưỡng tính để chứng nghiệm sự giải thoát toàn diện khổ não(universal human sufferings) và mưu cầu hạnh  phúc an lạc cho chính mình và mọi người. Không lẽ phụ nữ là một sinh vật có nhiều bất ổn tâm linh, chịu nhiều áp bức, đớn đau, thống khổ nhất trong các sinh vật nên họ có duyên với Phật? 

Hay là chúng ta thử tìm hiểu xem người phụ nữ VN đến gần tòa sen trong các trường hợp nào?

Theo truyền thống gia đình

Tuy Việt Nam ảnh hưởng “ Tam Giáo Đồng Nguyên” nhưng tinh thần và văn hóa Phật Giáo đã ăn sâu vào lối sống suy tư và đã trở khuôn mẫu đạo đức của người Việt chúng ta trước khi các chủ thuyết hay bất cứ một đạo giáo nào du nhập. Đối với những gia đình lấy đạo đức Phật giáo làm gốc thì người phụ nữ tiếp xúc với đạo Phật qua nền tảng truyền thống của gia đình. Khi tôi phỏng vấn một số nữ Phật Tử đã dự các buổi Pháp Thoại, phần lớn những câu trả lời nhận được nằm trong trường hợp này. Họ nói, họ đi chùa, học đạo vì gia đình theo đạo, cha mẹ dẫn họ đi từ nhỏ hoặc lớn lên theo chồng, cha mẹ chồng hoặc người thân hay bạn bè rủ rê mà tìm đến đạo.

Người nữ đến với đạo Phật, học đạo, tụng kinh, tuân thủ những giới luật căn bản của đạo Phật (như ngũ giới nếu đã quy y) như một thói quen nề nếp. Nếu có tinh thần mộ đạo cao, người này có thể chuyển từ giai đoạn Phật Tử tại gia qua xuất gia, đến tu ở chùa cho được thanh tịnh.

Đạo như một nhu cầu tâm linh: tầm đạo, hiểu đạo, mộ đạo

Có những người lúc nào cũng băn khoăn, thao thức, trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống. Họ là những người cầu đạo, tìm đạo, tìm chân lý cho cuộc sống, trong số đó cũng có những người đã từng là tín đồ các tôn giáo khác ngay cả các vị nữ tu. Phật Đạo giúp họ chuyển hướng qua một đời sống tỉnh thức đầy sáng tạo và cuối đường là sự giải thoát, giác ngộ.

Một nữ Phật Tử khi hỏi nhân duyên nào đưa chị tới với đạo Phật, chị trả lời:

Từ nhỏ tôi đã có một câu hỏi trong đầu “Con người khi chết sẽ đi về đâu?”. Và khi lớn, để tìm câu trả lời tôi đã đọc rất nhiều sách, từ các sách về thế giới siêu hình cho tới các sách về tôn giáo. Một hôm, tình cờ tôi được đọc “Đường xưa mây trắng” của thầy Nhất Hạnh”. Tôi bắt gặp nhiều điều trong đó trả lời được thắc mắc của tôi. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và sau đó tôi bắt đầu tìm đến đạo Phật dù tôi là người theo đạo Tin Lành.

Một chị khác tâm sự:

Bản chất tôi là người đa nghi. Vì thế nên tôi không dễ tin, nhất là các tín điều. Tôi là người Công Giáo (chị vừa nói vừa kéo mặt thánh giá đeo trước ngực dấu ra sau lưng như một hành động phạm tội) nhưng vì không tin nên tôi cất công đi tìm hiểu các tôn giáo khác. Tôi cầu đạo và đến với đạo Phật 12 năm nay và tìm được giáo lý Phật giáo giúp ích cho đời sống tinh thần của tôi vì đạo Phật là một triết lý sống rất thực tiễn, một khoa tâm lý học nghiên cứu sâu sắc về bản ngã con người, giúp con người khắc phục được chính mình để mưu cầu hạnh phúc, an lạc.

Một cô kể lại:

Em theo Tin Lành, từ trước tới giờ em không tin những gì gọi là mê tín dị đoan. Nhưng bỗng dưng từ hôm mẹ em mất, em thấy mẹ hoá thân thành một con bướm và em biết đó là mẹ em nên em bắt đầu tìm đến đạo Phật cho một giải đáp của luân hồi hay một thế giới thứ ba.
  
Có ước muốn trở thành một phật tử.

Trong trường hợp này người nữ thực sự thực hành những pháp môn. Trong đạo Phật có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn. Có những người thực hành các pháp môn khác nhau tùy căn cơ, trình độ, giai cấp mà họ tự chọn lấy hay những vị thầy của họ chọn cho họ. Tuy nhiên khi chưa thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì chưa phải là người Phật Tử chân chính vì theo định nghĩa của nhà Phật một người thọ Tam Quy, Ngũ Giới mới thực sự theo chân Phật và trở thành một Phật tử chân chính. 

Giòng Tiếp Hiện

Đây là một hình thức tu học mới trong đó những cư sĩ tại gia vừa tìm thấy được pháp môn tu học thích hợp vừa có cơ hội đem tài năng và chí nguyện của mình để phụng sự cho lý tưởng từ bi mà không cần xuống tóc trở thành một tu sĩ. Giòng Tiếp Hiện do Thiền Sư Nhất Hạnh sáng lập năm 1965 tại Việt Nam được Hoà Thượng Thích Tâm Châu của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất chấp nhận. Hiện nay, ở hải ngoại, Giòng Tiếp Hiện vì đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, nhất là các thanh niên trí thức có cả các sinh viên ngoại quốc, nên đã phát triển đông đảo với hàng ngàn cư sĩ tại gia thuộc đủ mọi sắc tộc. Phụ nữ hải ngoại thọ giới Tiếp Hiện rất nhiều vì có những phụ nữ bận việc gia đình, nhà lại xa, không thể lái xe, không đến chùa tu tập được nên giòng này rất thích hợp với họ. Tiếp là tiếp xúc và tiếp nối. Hiện là thể hiện ra trong hiện tại. Tiếp xúc với thực tại, với ngoại cảnh và thể hiện, chuyển hoá  sự an vui, hiểu biết, thương yêu thành sự sống cụ thể. Người thọ giới này ngoài ngũ giới phải thọ thêm Bồ Tát Giới, cộng chung là 14 giới.

Xuất gia

Giai đoạn này người nữ thực sự bước hẳn vào đạo, xuống tóc, xuất gia để trở thành một tỳ kheo ni hay một nữ tu. Ước nguyện xuất gia có khi là một ấp ủ từ lâu mãi đến khi gặp cơ hội mới thực hiện được như một ni sư khi phỏng vấn cô nói: Sau ngày giải phóng, chồng mất tôi phải một mình nuôi bảy đứa con, khổ quá, nhờ có đạo Phật giúp tôi thoát khổ và tôi nguyện lúc các con khôn lớn nên người tôi sẽ xuất gia. Giờ các con đã thành nhân, cũng là lúc  tôi về với Phật. 

Ngoài việc tu thân các sư cô còn phải trì giới tức là tuân giữ các giới luật dành riêng cho ni giới. Có những phụ nữ ấp ủ trong tâm một lý tưởng đi tu để cứu giúp người khác, mục đích này còn gọi là độ tha. Tôi được dịp nói chuyện với một vài vị tỳ kheo ni trẻ và biết được ý hướng giúp đời, giúp người rất cao đẹp của họ. Họ đến từ thành phần có học, có địa vị cao trong xã hội như Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư ... v..v.. đã từ bỏ đời sống vật chất sung túc, chức vị trọng vọng để vào tu viện trước là tu thân(tự độ) sau là giúp người(độ tha). 

Hiện nay trong nước vì vấn đề khác biệt chánh kiến và ý thức hệ nên Phật giáo không thể phát triển đồng thời tự do tôn giáo bị cấm đoán do đó tôi không thể tìm được tài liệu hay thống kê nào rõ rệt về con số nữ phật tử tại gia, xuất gia hay có ý xuất gia.

Ở ngoài nước, riêng ở Hoa Kỳ, theo tôi biết so với thời điểm những năm 
đầu tỵ nạn, số phụ nữ mộ đạo và theo đạo và xuất gia tăng lên rất nhiều tỷ lệ thuận với số tu viện, chùa chiền gia tăng. Bạn có thể mở mục lục của cuốn điện thoại niên giám địa phương, sẽ nhanh chóng tìm ra điều này. Trên hai trăm tu viện có mặt ở Mỹ, số tu viện có người trụ trì là phái nữ chiếm 38 vị. Riêng Âu châu và các nơi trên thế giới không kể Việt Nam có khoảng một trăm ngôi chùa thì 30 chùa có vị trụ trì là Tỳ kheo ni. Tỷ như: trụ trì Ni sư Thích Nữ Như Ngọc-Chùa A Di Đà (Nam Cali), Ni sư Thích Nữ Nguyên Thanh-Chùa An Lạc(Bắc Cali), Ni sư Thích Nữ Diệu Từ- Chùa Diệu Quang (Bắc Cali), Ni Sư Thích Nữ Chân Như-ChùaChân Như (Colorado), Ni Sư Thích Nữ Minh Phước-Chùa Phật Bửu(Nam Cali), Ni Sư Như Phương- Chùa Phổ Minh(Bắc Cali), Ni sư Thích Nữ Như Trí-Chùa Phổ Quang(Nam Cali), Ni Sư Thích Nữ Chân Phước-Chùa Quan Âm (Nam Cali).. vvv...vvv...

Tới với đạo vì cần một chỗ tựa

Người phụ nữ sinh ra trời phú cho một bản chất nhiều ưu điểm như nhu mì, dịu dàng, hiền thục, sức chịu đựng dẻo dai, chuộng hòa khí. Bên cạnh những ưu điểm họ cũng có nhiều khuyết điểm như nhạy cảm, dễ xúc động, dễ động lòng thương hay mau hờn giận, phẫn nộ, đố kỵ, ghen ghét...v..v...Những ưu và khuyết điểm này ngẫu nhiên cấu thành một thể chất đầy cảm tính mà người ta thường gọi là yếu đuối. Phái nữ không những bị xem là yếu đuối phần tinh thần mà phần cấu trúc vật lý cũng vậy. Hệ thần kinh yếu và mong manh nên dễ mất bình tĩnh và thiếu sự xử sự sáng suốt nếu gặp trường hợp quẫn bách, khó khăn, cùng khổ, người phụ nữ không đủ sức đối đầu và đảm đương.

Người phụ nữ VN từ ngàn xưa chịu ảnh hưởng nền văn hóa Khổng, Mạnh đã thừa hưởng đức tính phục tòng(tam tòng, tứ đức) ăn sâu vào đầu óc nên trở thành thụ động. Khi gặp tai biến thiếu khả năng chống đỡ, họ phản ứng lại bằng cách tựa vào một sức mạnh nào đó hoặc cần một trợ lực tinh thần trong cơn phong ba bão táp. Khi bị phụ bạc, ruồng rẫy, thất tình, khủng hoảng tinh thần người phụ nữ thường tìm đến nương nhờ cửa Phật. Đạo Phật đến với người phụ nữ như một cứu tinh, một giải thoát nhiệm màu. 

Do đó hễ thấy bất cứ một sư cô nào thấp thoáng ở thiền môn người ta lại thầm nghĩ “chắc thất tình đi tu hoặc “chắc chán đời nên đi tu”. Sự phỏng đoán này ngẫu nhiên biến thành lý do chính trong việc “đi “tu” của người phụ nữ VN hoặc đây là lý do chiếm đa số trong các lý do khiến người phụ nữ bước về nẻo đạo. Nếp nghĩ truyền thống này làm sai lạc hoặc mất đi ý nghĩa cao đẹp của những phụ nữ tìm đến đạo Phật bằng trí thông tuệ của sự hiểu đạo, cảm đạo và mến đạo. Tôi đã từng ghé thăm tu viện Lộc Uyển của thiền sư Nhất Hạnh, (một chi nhánh của Làng Mai bên Pháp) và thấy được rất nhiều sư cô cũng như nhiều thiếu nữ VN cũng như ngoại quốc trẻ đến tu học và thọ giới. Có điều tôi biết chắc là họ tìm đến đạo vì ham học đạo, thán phục phương pháp thiền định và mến mộ Đức Phật người chỉ lối cho họ vào con đường hạnh phúc, an lạc, chứ không phải vì thất tình đi tu. Tuy nhiên, người đến với đạo vì bất cứ mục đích nào đi trốn hay đi tìm, tiêu cực hay tích cực, cửa chùa lúc nào cũng rộng mở bất kể nam, nữ, nghèo, giàu, màu da, tôn giáo.

Đi sâu vào văn hóa dân gian, ta thấy truyện tình “Lan và Điệp” là một thí dụ điển hình cho sự phỏng đoán trên. Sau khi nghe tin Điệp lấy vợ, nhân vật nữ tên Lan đau đớn vì bị phụ tình, bỏ vào chùa tu. Khi hay tin này, Điệp tìm vào thăm. Sư cô Lan đã can đảm cắt đứt dây chuông như cắt đứt quá khứ, cắt đứt chữ si, hay đoạn tuyệt mối tình để yên tâm mà rảnh dạ tu hành.

Trong kho tàng văn học nước ta, một Thúy Kiều thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần minh chứng người nữ bước vào đạo như một giải thoát những khổ lụy vì tình. Chúng ta hầu như ai cũng đã đọc Truyện Kiều, không ai không biết đến“cái ghen Hoạn Thư”. Cái ghen mà Nguyễn Du mô tả khéo léo trong thơ ông, ghen hay đến nỗi tình địch là Thúy Kiều có miệng mà nói không nên lời, chết không được, sống cũng không xong và cuối cùng nàng chỉ còn một con đường giải thoát cuối cùng là trốn ra Quan Âm Các để “nhồi tâm hương” là xin Hoạn Thư cho nàng đi tu. Nguyễn Du đã để Hoạn Thư mở cho Thúy Kiều một lối thoát của khổ hạnh. 

Tam quy, ngũ giới cho nàng xuất gia”

Thúy Kiều lo việc chuông mõ, chép kinh, nhồi tâm hương tức là tô bồi năm phấn hương của pháp thân.

Phật tiền thảm lấp sầu vùi
Ngày phô thủ tự, đêm nhồi tâm hương
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên”

Số phận chìm nổi của Kiều lại đưa nàng về nẻo Phật lần thứ hai khi nàng xui Từ Hải về hàng và bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa gả cho Thổ Quan. Kiều đã dứt nghiệp khi trầm mình ở sông Tiền Đường và được Giác Duyên vớt lên để bắt đầu một nghiệp khác ở Chiêu Âm Am với sư Giác Duyên:

Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương”

Chú tiểu Lan, ni cô Trạc Tuyền hay bất cứ phụ nữ nào một khi đã quyết tâm    xuống tóc xuất gia đều phải dọn lòng để bước vào con đường tu tập đầy chông gai thử thách. Con đường tu đạo, tứ đại giai không, thắng được chính mình không phải là một con đường hoa bướm dễ đi, ai cũng có thể đến được bến bờ an lạc. Đối với những người có tâm tìm đạo, việc tuân giữ các giới luật đã khó khăn khôn xiết, người đến với Pháp bằng con đường tựa đạo mà đi, sự việc còn gian nan thập phần. Nếu là xuất gia, thì tùy theo trình độ tu học, xuất gia lâu năm hay mới xuất gia mà phân biệt. Có 10 giới, dành cho người mới xuất gia (Sa Di và Sa Di Ni). 250 giới dành cho các bậc Tỳ Kheo đã xuất gia lâu năm, tối thiểu trên 10 năm và có trình độ thọ giới đầy đủ.  348 giới dành cho các bậc Tỳ Kheo Ni, tức nữ tu sĩ, xuất gia lâu năm. Ngoài ra còn có 48 giới Khinh và 10 giới Trọng dành cho các bậc thọ Bồ Tát Giới, xuất gia hay tại gia. Ở Làng Mai hay Tu Viện Lộc Uyển của Thầy Nhất Hạnh còn có 14 giới dành cho các Phật tử đã quy y và đang chuẩn bị bước vào con đường xuất gia gọi là giới Tiếp Hiện.

Người phụ nữ VN ở hải ngoại ngày nay phải đương đầu với bao sự thay đổi  từ việc chuyển đổi ngôn ngữ, địa vị, văn hoá, nếp sống cho đến môi trường xã hội. Sự đáp ứng của người nữ nhanh, nhạy hơn người nam nhưng khi vấp phải đau thương người nữ ngã đau hơn người nam. Gần đây tỷ lệ ly hôn của nhiều gia đình VN tăng cao, người nữ sống độc thân ngày càng nhiều. 

Sự chán nản, đau khổ cũng như ngán ngẩm nhân tình thế thái càng khiến người phụ nữ tìm đến đạo như tìm sự an lạc, giải thoát cho tâm hồn ngày càng đông. Đạo đến với giới trẻ như một câu trả lời cho những ước ao tìm chân lý sống, những thao thức trong câu hỏi về đời sống tâm linh và ước nguyện lý tưởng giúp đời, cứu người. Người lớn tuổi trở về nẻo đạo mưu cầu sự thanh thản, hạnh phúc, thong dong, bình yên trong cuộc sống vật chất nhiều giả dối, xô bồ, xáo trộn và đầy áp lực. Hầu như tất cả các nguyên nhân gây ra khổ đau cho đời sống tâm linh con người đều là nguyên nhân đưa con người tìm về nẻo Phật. Người phụ nữ là hoa, khi hoa tìm về nẻo Phật là hoa đi tìm những giọt nước, giọt sương mai tưới tắm cho cánh mềm tươi thắm, cho đài bung nhụy ngát hương và trên dung nhan ngày lúc nào cũng rạng rỡ nở một đoá môi cười.

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo
- Phụ nữ trong đạo Phật- Ni sư Thích Nữ Như Thủy
- Giới luật- Thư Viện Hoa Sen
- Giới Tiếp Hiện chú giải của Nhất Hạnh

http://www.daophatngaynay.com


Âm lịch

Ảnh đẹp