Bạn ấy cho biết là đã mất niềm tin vì thấy đạo Phật ngày càng chú trọng
vào hình thức, các chùa đua nhau cất mới để phô trương, xin xăm, bói quẻ, xem
ngày giờ, phong thủy v.v… Bạn còn cho biết khi vào đạo khác đã tìm thấy sự
bình dị, tĩnh tâm hơn.
Điều đặc
biệt là bạn ấy còn dụ tôi nên thử xem cho biết. Tôi có khuyên bạn nên giữ trọn niềm
tin vào giáo pháp của Đức Phật, các chùa được phục hồi, tôn tạo để thờ Phật tôn nghiêm hơn, ta phải nên mừng. Còn nếu bạn thấy những nơi
nào không tốt thì sẽ không lui tới. Tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng có người tốt,
kẻ xấu. Ta chỉ nên học những cái tốt, không theo cái xấu.
Tôi nghĩ
như vậy có đúng không? Có cách nào để ngăn ngừa
tình trạng cải đạo như thế không?
(THÀNH
TÂM, thanhtam121261@gmail.com)
Hàng đệ tử Phật cần ý thức sâu
sắc rằng, bốn chúng (Tăng, Ni, nam, nữ cư sĩ)
tuy bốn mà một, cần nương tựa lẫn
nhau để tồn tại, chung sức hoằng pháp và hộ pháp
ĐÁP:
Bạn Thành Tâm
thân mến!
Hiện nay, Phật
tử (người đã quy y Tam bảo) và người có cảm tình với Phật giáo (đi chùa mà chưa
quy y) chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng dân số Việt Nam. Họ là mảnh đất phì
nhiêu, là những đối tượng quan trọng mà các tôn giáo (nhất là các tôn giáo có
nguồn gốc phương Tây) nhắm đến để tiến hành cải đạo.
Dĩ nhiên, tự
cải đạo hay bị cải đạo hoặc bỏ đạo thành vô thần, không tôn giáo là chuyện thường
xảy ra đối với tín đồ các tôn giáo trên khắp thế giới. Vấn đề là, Phật giáo vốn
không có chủ trương cải đạo hay ‘mở mang nước Phật’, chỉ tùy duyên đón nhận người
đến quy y mà thôi. Trong khi các tôn giáo khác rất chú trọng đến việc chiêu dụ,
cải đạo, thâu nạp, phát triển thêm tín đồ. Họ có chủ trương, chiến lược, phương
pháp cải đạo cụ thể, đồng thời chăm sóc ‘người mới theo’ rất chu đáo v.v…, khiến
cho tín đồ của họ (theo các số liệu thống kê) ngày một tăng lên. Điều này đồng
nghĩa với việc có không ít Phật tử bị cải đạo.
Thực tế cho
thấy một số tôn giáo đã lợi dụng hôn nhân để cải đạo Phật tử. Để tiến đến hôn
nhân, họ tìm mọi cách để bắt buộc Phật tử và người khác niềm tin phải theo đạo của họ, dù điều
này thật phi lý và hồ đồ. Nếu gặp người biết tự trọng, những Phật tử
tin hiểu đạo mình kiên quyết tiến tới hôn nhân mà không bỏ đạo Phật thì họ lại
tìm mọi cách bắt thế hệ thứ hai, tức các cháu phải theo đạo của họ.
Kế đến, tùy
theo từng đối tượng Phật tử mà họ tìm cách phê phán Phật giáo theo một cách
riêng để lung lạc niềm tin. Đơn cử, nếu gặp người trí thức họ tập trung phê
phán Phật giáo nặng tín ngưỡng cúng bái, xăm quẻ, tướng số, ngày giờ, phong thủy…
nói chung là mê tín dị đoan, chỉ dành cho hàng dân trí thấp. Ngược lại, gặp người
bình dân lao động họ nói Phật giáo rất cao siêu, khó hiểu, thậm chí rất huyền
bí nên không thích hợp với số đông. Đối với người có tư tưởng nhập thế, phụng sự
xã hội họ nói Phật giáo chủ trương xuất thế, lánh đời, không có ích cho xã hội.
Ngược lại với người có tư tưởng xuất thế thì họ nói Đức Phật chỉ là con người (người
Giác ngộ cũng là người), Niết-bàn của
Phật là hư vô, chỉ có trời và vua nước trời của họ mới đáng để hướng về.
Còn vô số điều khác nữa.
Khi gặp một số
Phật tử có chút hiểu biết giáo lý nhưng vướng mắc vài bất đồng về hình thức hoặc
nội dung tu học của chùa chiền, hay có bất mãn với Tăng Ni, đồng đạo thì họ sẽ tập
trung khai thác cơ hội quý giá này. Trong hoàn cảnh ấy, không ít các Phật tử
nông nổi đã bị cải đạo. Ngoài ra, có một bộ phận Phật tử và những người có cảm
tình với đạo Phật vì ít quan tâm tìm hiểu giáo lý, tin Phật mà không hiểu Pháp
nên cũng dễ dàng bị người cải đạo lạc dẫn, lôi kéo, thuyết phục.
Để ngăn ngừa
tình trạng cải đạo Phật tử, trước
hết Giáo hội, Tăng Ni phải thấy được trách nhiệm chăm sóc và
phát triển tín đồ của mình để tận lực hoằng dương Chánh pháp. Biểu hiện cụ thể
nhất là Tăng Ni phải thường giảng nói (đọc) kinh Phật cho Phật tử nghe hiểu
Chánh pháp. Hiện nay, có rất ít chùa tổ chức thuyết pháp (dù ngắn) trong các
khóa lễ. Khi Phật tử hiểu biết Chánh pháp, có chánh kiến và chánh tín thì đó
chính là kháng thể, giúp họ có khả năng đề kháng lại các quan điểm của ngoại đạo,
không bị lạc dẫn mà bỏ đạo Phật để theo đạo khác.
Kế đến, Tăng
Ni phải nêu cao đời sống đạo đức, phạm hạnh để xứng đáng là ‘đoàn thể thanh tịnh’
giúp mọi người tịnh tín mà quay về nương tựa. Hiện tượng ‘con sâu làm rầu nồi
canh’, một vài trường hợp cá biệt Tăng Ni thiếu phạm hạnh đã gây tổn thương
nghiêm trọng cho đạo pháp. Ngoại đạo luôn khai thác những điểm yếu này để lung
lạc niềm tin Phật tử và đã thành công không nhỏ. Hàng đệ tử Phật cần ý thức sâu
sắc rằng, bốn chúng (Tăng, Ni, nam, nữ cư sĩ) tuy bốn mà một, cần nương tựa lẫn
nhau để tồn tại, chung sức hoằng pháp và hộ pháp. Bất kỳ chúng nào hay bộ phận
nào của bốn chúng ấy bị suy yếu thì đạo pháp cũng bị tổn thương. Tại gia và xuất
gia vốn không tách rời nhau, nên cần tôn trọng, bảo bọc nhau trong tinh thần Lục
hòa và Duyên khởi thì đạo pháp mới trường tồn.
Nhằm đối phó
với tình trạng cải đạo Phật tử, thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần chủ
động đối thoại, gặp gỡ, giao lưu, tỷ giảo (so sánh khoa học, khách quan về tư
tưởng, triết lý, tu tập, sống đạo, phụng sự v.v…) với các tôn giáo bạn. Trong
khi một số tôn giáo bạn đã chủ động đối thoại liên tôn từ rất lâu, họ đã chủ động
tìm hiểu và nghiên cứu đạo Phật (vì lẽ: ‘Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng’)
thì Phật giáo chưa thực sự quan tâm đến việc này. Giới tinh hoa trong nước và
thế giới đang trân quý và có cảm tình tốt đẹp với các giá trị nhân văn, trí tuệ,
từ bi của đạo Phật, đây là một lợi thế rất lớn của Phật giáo trong đối thoại liên tôn mà chúng ta đang bỏ ngỏ.
Trở lại vấn đề,
Phật giáo Việt Nam hiện đang phát triển về ‘hình thức’ nhưng cần kiện toàn về
‘nội dung’; về ‘lượng’ của Phật giáo (chùa chiền, Tăng Ni, Phật tử) có vẻ khả
quan nhưng ‘chất’ mới là vấn đề. Cùng với nỗ lực cải đạo rất mạnh mẽ trên nhiều
phương diện của ngoại đạo nên thiết nghĩ những ai tự mãn, bằng lòng với sự
‘hưng thịnh’ của Phật giáo hiện nay thì cần phải xem lại để tận lực hoằng pháp.
Việc trọng đại này cần sự chung tay của bốn chúng; thực học, thực tu, thực sống
với trí tuệ và từ bi thì mới có thể bảo vệ, phát huy đạo pháp huy hoàng ở thế
gian.
Chúc bạn tinh
tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)