Vui mừng thứ nhất là nơi đây từ bãi rác đã biến đổi thành ngôi tịnh xá trang nghiêm và điều này cũng mang ý nghĩa quan trọng là thể hiện được công đức tu hành. Thật vậy, Đức Phật đã ví thế giới này là Nhà lửa, nhưng chúng ta đã biến nó trở thành hoa sen, đó là yếu lý quan trọng nhất của người tu mang tính cách chuyển hóa. Nói cách khác, trên quá trình tu hành, từ con người được coi như thùng phân biết đi mà chúng ta chuyển đổi thành Hiền Thánh, Phật. Cụ thể, việc quan trọng của chúng ta tu là phải chuyển thân tứ đại ngũ uẩn ô uế này trở thành ngũ phần Pháp thân, tức tịnh hóa thân tâm chúng ta.
Điển hình là Đức Phật khởi đầu từ người lãnh đạo sống trên nhung lụa với đầy đủ lạc thú thế gian, nhưng Ngài đã từ bỏ cuộc sống giàu sang và tự chuyển hóa mình trở thành Sa-môn có đời sống tinh khiết, thể hiện hình ảnh cao đẹp của người tu. Ngài đã tịnh hóa hoàn toàn ba nghiệp thân khẩu ý. Vì vậy, Phật nổi tiếng là Sa-môn tịch mặc.
Hình bóng Tăng đoàn Khất sĩ thời Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
được tái hiện giữa Sài Gòn - Ảnh: Vũ Giang
Trong khi các Sa-môn, Bà-la-môn thời đó thường tranh cãi hơn thua phải trái, nhưng Sa-môn Cù Đàm có đời sống trầm mặc, sống nội tâm, tức sửa đổi tâm bên trong trở thành thanh tịnh. Vì vậy, từ kinh nghiệm này, Phật dạy chúng ta rằng nếu phá được một phần vô minh, phiền não thì một phần Pháp thân hiện ra.
Và quả đúng như vậy, các Sa-môn theo lời Phật dạy đúng pháp tu hành thì tướng đi, ngôn ngữ và tâm họ được giải thoát, đó là quá trình chuyển hóa đưa đến thành quả tốt đẹp.
Còn mặc áo Sa-môn, nhưng thân tâm không giải thoát là trái với con đường Phật đã đi và Tổ sư đã chọn. Nhận thức yếu lý này, các vị trụ trì và các vị chuẩn bị trụ trì cần suy nghĩ, cân nhắc ý này. Phật và Tổ sư đã làm như vậy, đương nhiên chúng ta cũng phải đi con đường đó để làm Phật, làm Tổ trong tương lai.
Cần ý thức rằng người tu phải chuyển hóa xấu thành tốt, không thể tu từ tốt trở thành xấu. Người từ xấu trở thành tốt, nhưng xuất thân từ thành phần thấp kém như Trưởng lão Bàn Đặc thời Phật tại thế và gần chúng ta ngày nay là Trưởng lão Tịnh Không. Ngài tâm sự với tôi rằng ngài có thân thể yếu ớt, bệnh hoạn, không thông minh, học chậm, nhưng nhờ đủ duyên gặp thầy hiền bạn tốt, nên ngài được xuất gia làm Sa-môn. Và quan trọng là ngài xuất gia đúng pháp Phật và tu hành miên mật, nên cuộc đời tu hành của ngài bắt đầu chuyển hóa tốt đẹp, từ người bệnh hoạn trở thành người khỏe mạnh. Các vị trụ trì và sẽ trụ trì nên nhớ ý này.
Tại sao chúng ta bệnh, phải tìm ra nguyên nhân để chuyển hóa. Bệnh từ trần lao, nghiệp chướng của chúng ta mà sanh ra. Tôi có kinh nghiệm về lý này. Trần lao, nghiệp chướng sanh ra phiền não, mà phiền não là cái gốc làm thân chúng ta bại hoại, mệt mỏi, bệnh hoạn.
Nói thật với quý vị, tôi năm nay 80 tuổi, lớn hơn Hòa thượng Giác Giới một tuổi, nhưng tôi còn sức khỏe, thuyết pháp được là nhờ biết chuyển hóa thân tâm. Lúc trẻ tuổi, tôi không khỏe, ốm bệnh liên miên, nhưng phát hiện ra nghiệp của mình và chuyển hóa nghiệp, lần lần khỏe mạnh, cho đến lúc 60 tuổi, tôi khỏe thực sự là khỏe về tinh thần, tức hết phiền não. Còn trước đó, ở tuổi 20 là tuổi thanh niên đáng lẽ phải khỏe, nhưng không khỏe, vì buồn phiền, bực tức quá nhiều, nên thân bệnh.
Tại sao buồn phiền. Vì nhìn xã hội, nhìn cuộc sống, nhìn bạn đồng sự thấy bực bội vô cùng, nói thật lòng là tôi không bằng lòng người nào cả, nên ăn ngủ không được, khiến tôi sanh bệnh suy tim. Thực sự đây là kinh nghiệm của tôi như vậy.
Lúc đầu, thấy bạn đồng tu, rồi bạn trong hệ phái, mình cũng không bằng lòng. Cho đến nhìn ra bên ngoài, thấy người của hệ phái khác và xa hơn nữa là tà giáo, ngoại đạo, hay nói cách khác, thấy xung quanh mình toàn là người xấu nên mình không muốn gần, không thích tiếp xúc với ai. Chỉ muốn lên núi tu, đó là tâm trạng của tôi 50 năm trước.
Như vậy trong lòng mình toàn phiền não. Phải biết do nghiệp chướng mà mình sanh phiền não, vì chính nghiệp chướng đã dẫn mình sanh vào thế giới này, dù không bằng lòng chút nào, nhưng mình vẫn phải gánh cái nghiệp này.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, những gì mình muốn thì không tới, những gì mình sợ, mình tránh thì nó đeo bám mình. Nghiệp được Phật dạy rằng giống như cái đuôi của con trâu dính với thân trâu, chạy đi đâu thì nghiệp theo mình đến đó.
Nhận thức sâu sắc lý này, tôi khởi ý niệm hơi táo bạo là không muốn bất cứ cái gì nữa, thì có gì bất như ý xảy đến cho mình được. Có thể khẳng định rằng người tu buông bỏ ham muốn, dục vọng, bỏ một phần ham muốn thì được giải thoát một phần, bỏ hoàn toàn ham muốn thì giải thoát hoàn toàn.
Tôi biết muốn cũng không được, nên không muốn; biết tránh cũng không khỏi, nên phải giáp mặt với cuộc đời, cuộc đời thế nào thì mình phải thấy như thế và tùy theo đó ứng xử.
Ta muốn có bạn đồng tu tốt, muốn có đồng tử lương thiện xuất gia, muốn có Phật tử hết lòng…, nhưng những người này không tới với chúng ta, mà trái lại, người không tốt tới với ta, người đi tu cũng không tốt.
Riêng tôi, trước kia không bằng lòng người bán thế xuất gia, nhưng về sau tôi có suy nghĩ khác là Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng bán thế xuất gia mà thành Phật, nên tôi bỏ cái chấp này và đối với người bán thế xuất gia có tâm tốt, hạnh tốt thì chúng ta gần gũi được.
Hòa thượng Trí Quang dạy rằng muốn chạm tượng Phật, phải tìm gỗ trầm hương, đừng tìm gỗ mục. Với ngài, người tu không ra hồn là củi mục, vì bên ngoài thấy giống Phật, nhưng bên trong không có cốt lõi. Chúng ta nên cân nhắc để thấy sự thật.
Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng trầm hương không dễ kiếm, ngọc không có, mà tìm những thứ này thì suốt đời cũng không có. Tôi bắt đầu suy nghĩ lời dạy này của ngài. Thực tế trên cuộc đời này, người thông minh, khỏe mạnh, tốt, đương nhiên xã hội dùng rồi, họ sẽ làm bí thư, chủ tịch, giám đốc…; họ không làm thầy tu. Tuy nhiên, những người còn tu có mặt sáng sủa một chút, thì một thời gian sau, họ đã hoàn tục. Vì vậy, điều này được người xưa có kinh nghiệm nói rằng quan tha thì ma bắt.
Hòa thượng Trí Tịnh có quan niệm cởi mở hơn, ngài nói rằng ai có duyên với ngài, ngài sẵn lòng độ. Các vị trụ trì nên nhớ ý này, người không có duyên thì đã không tới, nhưng người có duyên tới, mình tạo điều kiện cho họ tu, đừng để họ độ mình.
Phật dạy Bàn Đặc quét dọn rác rưởi bên ngoài và cũng dọn sạch phân nhơ trong tâm, nên cũng thành La-hán. Vì vậy, các thầy trụ trì nên lưu ý điều Phật dạy. Họ là cùng tử dơ bẩn, bắt đầu phải tắm rửa sạch sẽ thân thể và phải trang nghiêm bằng công đức. Nếu không dạy họ làm được như vậy, họ trở thành người ăn hại thì nguy hiểm cho họ và hại đạo.
Trên bước đường tu của chúng ta, những người như vừa nói là người không có phước, đầy nghiệp chướng, nhưng họ có chút xíu duyên với ta, với đạo, các thầy giao cho họ cây chổi để quét dọn rác rưởi trong chùa và trong tâm họ.
Riêng tôi, ở chùa Huê Nghiêm có những người già, bệnh đến. Tôi giao cho họ quét dọn chùa để họ có chút công đức để thân bệnh của họ được trang nghiêm bằng công đức thì nghiệp của họ sẽ tiêu. Đó là kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ.
Còn họ vốn bệnh hoạn, ngu dốt mà cho xuất gia, khoác áo Sa-môn, coi chừng tạo tội cho họ. Thật vậy, khoác áo Sa-môn thì chư Thiên và Bát bộ chúng thấy áo Sa-môn phải kính lễ, làm họ mất phước thêm, nghĩa là không bệnh tu hành thành bệnh, không ác mà tu thành ác, trở thành nghiệp ác Tăng phải hoàn tục.
Còn như Phật giao cây chổi quét dọn phân nhơ để lo tu bồi cội công đức, mới cho xuất gia, thọ giới, xứng đáng cho thiên nhân cúng dường. Vì vậy, chúng ta không cần người xuất gia đông, nhưng cần người tu đúng pháp. Hòa thượng Trí Quang hơn 90 tuổi, nhưng ngài không độ người xuất gia. Tôi có học trò đông, nhưng hạn chế người xuất gia, vì tôi không có thì giờ dạy dỗ, mà không dạy, họ hư thì mình có lỗi.
Cho mặc áo Sa-môn, nhưng không phải là Sa-môn là phá pháp, nguy hiểm. Vì chùa có Sa-môn như thế làm ngoại đạo chê cười, Phật tử buồn phiền, trụ trì cũng khốn khổ theo.
Vì vậy, Giáo hội chủ trương phải có quá trình tu, thử thách xem họ có thực lòng tu hay không. Quyết lòng tu thì họ chấp nhận nếp sống cực khổ và trưởng thành được.
Theo kinh nghiệm của tôi, thời gian ở Phật học đường Nam Việt, tôi đã từng quét dọn nhà vệ sinh. Nhớ trường hợp của Bàn Đặc, tôi hết lòng phục vụ Phật, Pháp, Tăng và đã gặt hái được kết quả tốt đẹp trong cuộc đời tu của mình, chư Tăng thương tôi vì tôi phục vụ đại chúng. Tôi quét dọn, bưng cơm nên có công đức. Sau ba tháng an cư, một hôm Hòa thượng Thiện Hoa đi vệ sinh, thấy tôi dọn dẹp sạch sẽ, ngài bảo tôi đừng làm việc đó nữa, lên làm thị giả cho ngài, vì thị giả của ngài đã hoàn tục.
Tôi nghĩ vì mình quyết tâm tu, nên được công đức là được thân cận bậc thầy trí tuệ như ngài. Gần gũi Hòa thượng, tôi thường suy nghĩ, áp dụng lời dạy của ngài trong cuộc sống giúp tôi trưởng thành. Và may mắn hơn nữa, sau đó Hòa thượng bảo tôi còn trẻ, nên sang Nhật xem Phật giáo của họ tổ chức và quản lý tín đồ thế nào để trở về làm cho Phật giáo chúng ta hưng thạnh.
Và sang Nhật học, tôi suy nghĩ dù thế nào cũng về Việt Nam, vì đó là mong muốn của thầy, Tổ. Trong khi các bạn đều can ngăn, khuyên tôi đừng về, vì lúc đó người trong nước còn muốn đi ra nước ngoài sống.
Đối với tôi, tu là chỗ khó, khổ, thích dấn thân, thích làm, mới được Phật hộ niệm, Hộ pháp Long thiên giữ gìn, nhờ vậy, mới vượt qua dễ dàng những việc khó khăn, nguy hiểm.
Phải nói trong suốt 26 năm hoằng pháp là thời gian làm đạo khó nhất, tôi dấn thân sống chết cho đạo và may mắn có Hòa thượng Giác Toàn cùng chia sẻ, chịu cực khổ chung.
Thiết nghĩ làm sao chúng ta tìm người dấn thân, hy sinh cho đạo, được một người như vậy cũng quý, còn hơn có nhiều người mà không làm được lợi ích cho đạo.
Các vị trụ trì cơ sở Phật giáo cần cân nhắc lựa người có ý chí xuất gia, cầu giải thoát và hóa độ chúng sanh, chúng ta mới cho xuất gia là trao sứ mệnh này cho họ. Còn người bệ rạc, bệnh hoạn, tâm dơ bẩn mà bắt họ mặc áo tu, nhưng lòng họ đầy phiền não trần lao thì có hại hơn là lợi.
Hôm nay có duyên gặp quý vị, xin chia sẻ một số kinh nghiệm tôi đã trải qua, để quý vị trở về cơ sở dù ít nhiều phải là bậc xuất gia tu hành chân chánh. Làm được như vậy, Phật tử mới phát tâm, Hộ pháp Long thiên mới che chở và chư Phật hoan hỷ, hộ niệm.
Cầu Phật, Tổ gia hộ quý vị an lành trong mùa an cư sắp tới.
HT.Thích Trí Quảng