02/11/2013 18:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 2906
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đó là hiện tượng bùng phát các đạo tràng hộ niệm tự phát. Qua văn bản mới đây của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, chúng ta có thể thấy vấn đề không hề nhỏ. Trong thực tế, đạo tràng hộ niệm tự phát đang phát triển mạnh trên phạm vi toàn quốc, chứ không riêng trên địa bàn tỉnh nào.




Chúng tôi không bàn đến việc tổ chức các đạo tràng này, và cũng nhìn nhận vấn đề trên tinh thần hoan hỷ đối với tất cả những hoạt động, những pháp tu trong nhà Phật. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không tránh khỏi băn khoăn khi nhìn vấn đề từ điểm nhìn chấn hưng Phật giáo.

Đạo tràng niệm Phật sẽ cũng là chuyện phát triển bình thường hợp lý, nếu nó không thành một vấn đề, tạo nhiều ý kiến khác biệt trong nội bộ Phật giáo. Do vậy, việc bàn luận nhắm đến vấn đề của hiện tượng, tức là cái từ hiện tượng đó phát sinh ra, không nhằm vào chính bản thân hiện tượng.

Tiến trình chấn hưng Phật giáo đã đưa Phật giáo Việt Nam từ một tôn giáo mê tín, hủ tục, nặng về lễ bái, chỉ có những cuộc cầu siêu, ma chay, đàn tràng, tất nhiên rơi vào tình trạng suy thoái đầu thế kỷ XX, trở thành một Phật giáo Việt Nam chánh tín, tiến hóa, một tôn giáo khởi sắc về học thuật, tư tưởng, với Đại học Vạn Hạnh và nhiều cơ quan truyền thông vào nửa cuối thế kỷ XX. Chọn chấn hưng Phật giáo làm điểm nhìn là do ở chỗ này.

Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là, liệu sự bùng phát của hiện tượng đạo tràng niệm Phật tự phát vào đầu thế kỷ XXI này có làm ảnh hưởng tiêu cực đến những thành quả đã đạt được trong công cuộc chấn hưng Phật giáo?

Cụ thể hơn, liệu sự bùng phát của đạo tràng hộ niệm tự phát hôm nay có đưa Phật giáo Việt Nam quay lại với thời kỳ “ứng phú đạo tràng” nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX, thời kỳ tổ chức tang lễ, cầu siêu, hộ niệm là hoạt động chính của tu sĩ tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Đó là thời kỳ mà Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng “đạo của người chết”. Người tăng sĩ trở thành những ông thầy cúng, chủ yếu chỉ là cúng đám ma. Đây là biểu hiện của một đạo Phật suy thoái, đồng thời lại là một trong những nguyên nhân chính đưa Phật giáo đến suy thoái.

Phật giáo Việt Nam rơi vào cái vòng lẩn quẩn: nhà chùa tồn tại nhờ vào cầu siêu, làm đám, hộ niệm. Điều đó trùm lên đạo Phật màu sắc âm khí, khiến Phật giáo thời kỳ tiền chấn hưng, rơi vào vòng xoáy suy thoái, lạc hậu, mê tín… Rồi từ suy thoái, lạc hậu, Phật giáo lúc ấy trở nên thiên lệch với hoạt động chủ yếu là cầu siêu, độ tử, tang lễ, hộ niệm. Cầu siêu, tổ chức tang lễ trở thành hoạt động chủ yếu của tăng ni Phật tử. Và cũng do thiên lệch về độ tử, hộ niệm, cầu siêu, cúng bái, tăng ni Phật tử lúc đó ngày càng xa rời chánh tín, chánh kiến, ít còn cơ hội được tiếp xúc với sự thâm sâu của chính pháp.

Chấn hưng Phật giáo đã bước đầu giải quyết vấn đề “đạo của người chết” của Phật giáo, hồi phục sinh khí trong sinh hoạt Phật giáo, từng bước giảm tỷ trọng các hoạt động mang tính chất âm khí, đưa vào Phật giáo hoạt động nghiên cứu, tư tưởng, sinh hoạt đoàn thể xã hội, truyền thông… Kết quả là chúng ta đã có một Phật giáo Việt Nam khởi sắc hơn, sống động hơn từ những năm 1930, tiến đến một Phật giáo Việt Nam bước đầu có những chỉ dấu hưng thịnh vào những năm sau đó.

Tất nhiên, hộ niệm, cầu siêu, tang lễ, cúng bái, đàn tràng vẫn còn, nhưng với một tỷ trọng phù hợp, cân đối với những hoạt động khác như hoằng pháp, diễn giảng, các khóa tu tập (trước đây là các khóa tu một ngày bát quan trai giới), các sinh hoạt học thuật, giáo dục, thanh niên. Đó là kết quả được ghi nhận trong tác phẩm lịch sử “Năm mươi năm chấn hưng Phật giáo”.

Một Phật giáo sinh khí, phát triển, chánh tín cũng là thành quả của sự nghiệp thống nhất Phật giáo đầu thập niên 1980.

Tăng ni Việt Nam về cơ bản, đã trút bỏ được tấm áo thầy cúng, trở lại vị trí và vai trò tăng bảo đúng nghĩa. Từ những năm 1950 trở về sau, như một kết quả của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, địa vị xã hội của người tu sĩ Phật giáo ngày càng cải thiện. Xã hội không còn nhìn người tăng sĩ Phật giáo với con mắt nhìn thầy cúng, thầy đám. Người tu sĩ còn đảm nhiệm nhiều vai trò mới, như giáo sư đại học, trung học, những tác giả, nhà báo, người làm hoạt động xuất bản…

Vì vậy, sẽ là một vấn đề, nếu 100 năm sau chấn hưng Phật giáo, vấn đề một Phật giáo Việt Nam hộ niệm, cầu siêu, tang lễ lại phát sinh.

Như đã xác định, tự thân hoạt động hộ niệm, cầu siêu, tang lễ, cúng bái trong đạo Phật chưa hẳn là một vấn đề. Nó chỉ trở thành vấn đề một khi có sự thiên lệch đến mức nào đó trong tỷ trọng hoạt động, ảnh hưởng. Đạo Phật nói riêng và tôn giáo nói chung không bao giờ loại trừ những hoạt động đó. Những hoạt động đó chỉ phát sinh vấn đề khi có tạo nên một tình trạng lệch lạc, sa đà, như đối với Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ trước.

Hiện tượng các ban hộ niệm tự phát hình thành và hoạt động mạnh trong thời gian gần đây đã đến mức là vấn đề chưa, có tạo nên một sự lệch lạc nào đó không? Theo chúng tôi, để trả lời cần tìm hiểu thêm nhưng sự việc lại được cấp có thẩm quyền ở trung ương giáo hội đề cập đã là một chỉ dấu. Nếu chưa là vấn đề, thì sao lại có thể có một sự lưu tâm đến vậy. Sự ra đời của những văn bản liên hệ cho thấy rằng tình hình đã diễn tiến đến mức độ nào đó, thì mới có thể được phản ánh qua những văn bản hành chính.

Tình hình có thể phát triển đến mức làm ảnh hưởng đến những thành quả của công cuộc chấn hưng Phật giáo hay không, có thể chưa có dự báo chính xác. Nhưng, từ điểm nhìn của việc gìn giữ và phát huy những thành quả của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, thì thiết tưởng, đã có thể xem đây như là một kịch bản của nguy cơ. Vấn đề càng đáng quan ngại, nếu đây là một hiện tượng diễn ra ngoài nhà chùa, theo cách dùng cụm từ “đạo tràng… tự phát”. Tức là bây giờ không chỉ có những “thầy cúng” ở chùa, mà sẽ lại là những “thầy cúng tại gia”. Phải chăng, “ứng phú đạo tràng” đã phát sinh một dạng hoạt động mới, trong hoàn cảnh mới?

Nếu đã là vấn đề, tất yếu cần tìm hiểu, nghiên cứu ngay từ bấy giờ.

Hiện nay, chấn hưng Phật giáo nên được quan niệm trước hết là kế thừa, giữ gìn và phát huy những thành quả của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Trên tinh thần như thế và từ điểm nhìn chấn hưng Phật giáo, thì nên nhìn những vấn đề có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp chấn hưng Phật giáo trong sự thận trọng tuyệt đối.

Như thế, ở đây, không chỉ là việc tổ chức các “đạo tràng… tự phát” như thế nào, hay quản lý ra sao, mà còn là một tỷ trọng nào đó thích hợp với sự phát triển chung của Phật giáo hiện đại.

Tôi không quan niệm đạt đến sự hài hòa, cân bằng, hợp lý bằng sự hạn chế. Điều cần có là sự cân bằng, nhưng để đạt được mục tiêu đó, thì sau bước tìm hiểu, phát hiện, dự báo những nguy cơ, thì cần chú trọng thúc đẩy những hoạt động có tác dụng duy trì tình trạng cân bằng. Nếu thế, ở đây là những hoạt động tăng cường một Phật giáo sinh khí như hoằng pháp, truyền thông, thanh niên…

MT

 


Âm lịch

Ảnh đẹp