Mục
tiêu của việc giản lược này là để khảo sát chung quan hệ Phật giáo đối
với cả đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 vùng cao nguyên của Tổ quốc, là Tây
Bắc và Tây Nguyên, với những nét tương đồng cơ bản về sinh hoạt tôn
giáo.
Bài
viết này sẽ tìm hiểu những lần chậm trễ của Phật giáo Việt Nam đối với
việc hoằng pháp đến với đồng bào dân tộc ít người miền núi và cao
nguyên. Theo chúng tôi, quá trình chậm trễ đó của Phật giáo Việt Nam đã
diễn ra trong khoảng 120 năm, với những mốc đánh dấu chính, và hiện nay
vẫn đang trong tình trạng chậm trễ.
Quá
trình Phật giáo Việt Nam chậm trễ trong việc hoằng pháp đến với đồng
bào dân tộc ít người miền núi và cao nguyên gắn liền với tiến trình
thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XIX và XX, là một tác nhân
gây nên tình trạng thiểu số hóa tín đồ Phật giáo và cũng là một biểu
hiện của quá trình thiểu số hóa đó (vì đã loại trừ một bộ phận dân cư
sống trên lãnh thổ Việt Nam).
Những tài liệu chính mà chúng tôi căn cứ là:
- Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang
- Năm mươi năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tác giả Thích Thiện Hoa
- Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, tác giả Vân Thanh
VÀO
CUỐI THẾ KỶ XIX, ĐẦU THẾ KY XX, Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng
suy thoái (về mặt chủ quan) và bị nhà cầm quyền thực dân Pháp chèn ép,
gây những tác động tiêu cực (về mặt khách quan).
Vì
vậy, hoạt động hoằng pháp khi đó, ngay ở những vùng đô thị, đồng bằng,
cũng rất yếu kém. Hoạt động của Phật giáo Việt Nam lúc đó hầu như chỉ là
hoạt động cúng bái, ma chay. Số tu sĩ tín đồ am hiểu đạo Phật trong
người Kinh vẫn rất hạn chế.
Vì
thế, tất nhiên việc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người ở miền núi
và cao nguyên không được nghĩ đến. Phật giáo Việt Nam khi đó còn khó
khăn để giữ những gì còn lại, nên ắt không thể có một mục tiêu nào khác.
Ngay cả hoạt động hoằng pháp, phổ biến giáo lý còn không được chú
trọng, thì đương nhiên không có một hoạt động hoằng pháp định hướng vào
những vùng đặc biệt nào đó.
LẦN CHẬM TRỄ THỨ NHẤT, có thể nói, là xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đây
là giai đoạn đạo Ca tô La Mã truyền đạo lên Tây Nguyên và đã đạt được
những kết quả bước đầu. Nếu như ở các thế kỷ trước, đạo Ca tô La Mã tập
trung truyền đạo ở các vùng đất ven biển Việt Nam, kết quả là hình thành
được nhiều xứ đạo, trải dài từ Quảng Ninh đến các tỉnh Nam Bộ, thì sau
hòa ước 1885, xác định sự đô hộ của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ
Việt Nam, hoạt động truyền đạo Ca tô La Mã tiến sâu vào nội địa, mà các
vùng cao nguyên với những dân tộc ít người là một mũi truyền đạo chính.
Đạo Ca tô La Mã đến các vùng cao nguyên Việt Nam bằng 2 phương thức
chính.
Trước
tiên, là truyền đạo với mục tiêu rõ ràng là cải đạo người dân tộc thiểu
số từ tín ngưỡng bản địa sang đạo Ca tô La Mã. Thứ hai, là đạo Ca tô La
Mã có mặt cùng với sự hiện diện đông đảo của người Pháp theo đạo Ca tô
La Mã (như trường hợp Đà Lạt rồi lan rộng đến người dân tộc bản địa theo
hoạt động truyền giáo, vốn là bản chất hoạt động của tôn giáo này).
Đầu
thế kỷ XX các vùng núi và cao nguyên mênh mông ở miền Bắc và miền Trung
vẫn còn xa lạ với số đông người Việt Nam dân tộc Kinh. Do đó, với Phật
giáo Việt Nam cũng vậy. Trong giai đoạn chỉ mới có những chuyển động đầu
tiên dẫn đến sự khởi phát cuộc vận động chấn hưng Phật giáo, mục tiêu
của Phật giáo Việt Nam cũng chỉ có thể giới hạn ở việc đưa Phật giáo
vùng đồng bằng, thị tứ ra khỏi tình trạng suy thoái. Cho nên, những ngôi
nhà thờ được xây dựng trên cao nguyên xa xôi sẽ không có một tiếng vọng
nào đối với tăng ni Phật tử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Điều đó, cũng có
nghĩa là trong sinh hoạt tôn giáo ở vùng cao nguyên, Phật giáo Việt Nam
đã ở phía sau một bước.
LẦN CHẬM TRỄ THỨ HAI
của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình hoằng pháp ở Tây Nguyên có thể
đánh dấu bằng việc đạo Tin Lành đến truyền đạo ở miền núi và cao nguyên
Việt Nam. Tin Lành chỉ mới có mặt ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ thể là
năm 1911, nhưng họ sớm vạch những đường hướng truyền giáo có tính chất
chiến lược, theo quan điểm nhìn xa trông rộng. Truyền vào Việt Nam Tin
Lành không có sự hậu thuẫn của chính quyền thực dân Pháp, mà trái lại
còn có ít nhiều nghi kỵ, vì là đạo của người Mỹ. Địa bàn phát triển
thuận lợi của Tin Lành đầu thế kỷ XX không thể là những vùng ven biển
trù phú, nơi họ có thể đụng đầu với Ca tô La Mã. Rứt người dân Việt ra
khỏi tôn giáo truyền thống là Phật giáo cũng không là việc dễ. Cao
Nguyên, miền núi, nơi xa xôi khuất nẻo với những niềm tin thô sơ là một
địa bàn lý tưởng.
Tin
Lành đến với miền núi Cao nguyên vào nửa đầu thế kỷ XX một cách âm thầm
và lặng lẽ (khoảng năm 1926), để lại phía sau sự thờ ơ của tôn giáo
truyền thống ở Việt Nam là Phật giáo. Miền núi và cao nguyên Việt Nam vô
cùng rộng lớn, vì vậy Tin Lành sớm tìm được những lãnh địa riêng, không
va chạm với đạo Ca tô La Mã.
Sinh
hoạt tôn giáo của Tin Lành cũng khá đơn giản, không cần đến một hàng
giáo phẩm cồng kềnh, nhiêu khê. Quy mô những nhà nguyện tiên khởi của
Tin Lành cũng không đòi hỏi như Ca tô La Mã. Chính sự âm thầm, kín đáo,
có thể tạm gọi là dấu mình đó của việc truyền đạo Tin Lành ở Tây Nguyên
làm nên thế mạnh của đạo này và điều đó sẽ dẫn đến kết quả to lớn vào
cuối thế kỷ, tạo nên một tình thế đã rồi và bất ngờ.
LẦN CHẬM TRỄ THỨ BA
của Phật giáo Việt Nam đối với việc hoằng pháp ở miền núi và cao nguyên
là không khai thác được sự hiện diện bắt đầu đông đảo dần của người
Việt theo đạo Phật ở cao nguyên, bắt đầu khoảng giữa thế kỷ XX.
Từ
nửa đầu thế kỷ XX, người Việt đồng bằng Bắc Bộ càng biết nhiều về vùng
Tây Bắc, và cũng thế đối với người Việt ở Trung bộ từ Quảng Trị trở vào
đối với Tây Nguyên. Việc nhà Nguyễn xác định Tây Nguyên, thời đó gọi là
cao nguyên trung phần, là “Hoàng triều cương thổ” cũng là một động lực.
Số người Việt di cư lập nghiệp ở miền núi và cao nguyên ngày càng nhiều,
mang theo tôn giáo truyền thống là Phật giáo.
Đến
lúc này, Phật giáo mới có mặt ở Tây Nguyên, nhưng chỉ theo con đường di
dân, không phải theo con đường truyền đạo, hoằng hóa. Việc xây dựng
chùa Sắc Tứ Khải Đoan ở Ban Mê Thuộc có thể coi là một sự kiện đánh dấu
cho tiến trình này. Chùa Khải Đoan là biểu tượng cho hướng nhìn lên cao
nguyên của hoàng gia nhà Nguyễn, cũng là biểu tượng của sự hiện diện
định cư ở Tây Nguyên của một số người Việt lên đến một mức nào đó, mà đã
phát sinh nhu cầu tôn giáo. Tuy nhiên, điều phải thấy ở đây là Phật
giáo Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy ở đây như một địa bàn hoằng pháp, nên
đã tự giới hạn sự phát triển của Phật giáo trong cộng đồng người Kinh
mới định cư.
Phía
Phật giáo không có chủ trương, quan điểm nào rõ ràng trong vấn đề này.
Tuy nhiên, qua tập 2 tác phẩm “Năm mươi năm chấn hưng Phật giáo Việt
Nam”, tác giả Hòa thượng Thích Thiện Hoa, chúng ta có thể thấy được phần
nào vấn đề. Ở các báo cáo từ giáo hội các tỉnh cao nguyên trung phần,
có thể thấy cái nhìn của tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đối với tôn giáo
vùng này là:
- “Đồng bào thượng” đã có tôn giáo riêng là “đa thần giáo”.
-
Không phát hiện xu hướng theo Ca tô La Mã hay Tin Lành của người dân
bản địa như là một chuyển biến không có lợi cho Phật giáo.
Do
nhận thức như trên, nên cũng không thấy nói đến chủ trương hoằng pháp
cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi và cao nguyên.
Đây
thật sự là một hạn chế của phía Phật giáo, vì từ giữa thế kỷ XX, hoạt
động truyền đạo của Tin Lành ở cao nguyên trung phần được đẩy mạnh, nhất
là vào thời gian những năm sau 1954, khi hòa bình được lập lại tạm
thời, và sự hiện diện ngày càng nhiều của người Mỹ tại Việt Nam. Tin
Lành phát triển ở cao nguyên trung phần những năm 1950, 1960 là một biểu
hiện của ảnh hưởng Mỹ. Ấy vậy mà, theo chỗ những gì mà chúng tôi đọc
được, thì think tank của Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ là Viện Đại học
Vạn Hạnh cũng không đi xa hơn những ghi nhận của sách “Năm mươi năm Chấn
hưng Phật giáo Việt Nam”, một tài liệu có tính chất tổng kết của giáo
hội lúc bấy giờ ở miền Nam. Không phải là một chủ trương rõ ràng, mà là
một điều không được tính đến một cách đầy đủ, đồng bào các dân tộc thiểu
số ở cao nguyên trung phần đã không được kể đến như là một đối tượng
hoằng hóa. Việc quản lý hành chính Phật giáo ở các tỉnh cao nguyên cũng
rất lỏng lẻo, hòa thượng Thích Thiện Hoa, trong quyển sách, có than
phiền là không có được báo cáo của một số địa phương.
Đó
là nguyên nhân chủ quan sự chậm trễ của Phật giáo trong việc hoằng pháp
đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên giai đoạn giữa thế
kỷ XX đến 1975.
Tuy nhiên, những nguyên nhân khách quan cũng có vai trò rất quan trọng.
Giai
đoạn 1954 – 1963 là giai đoạn Ngô Đình Diệm cầm quyền với một chế độ
thân đạo Ca tô La Mã. Phật giáo miền Nam rơi trở lại vào tình trạng bị
chèn ép, nhiều nơi xảy ra bức hại. Do đó, việc hành đạo của Phật giáo
ngay tại các địa bàn truyền thống của mình, các đô thị lớn và làng quê
đồng bằng ven biển cũng gặp khó khăn, huống chi là tính đến việc mở rộng
địa bàn hoằng pháp lên cao nguyên.
Sau
Pháp nạn 1963, thời gian Phật giáo miền Nam phát triển thuận lợi chỉ
vỏn vẹn khoảng 1 năm, để rồi sau đó lại xảy ra va chạm với chính quyền,
rồi nội bộ phân hóa, mâu thuẫn. Các vấn đề nội bộ đã đè nặng lên Phật
giáo miền Nam những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 khiến
nội lực Phật giáo bị tiêu hao, việc phát triển rơi vào bế tắc. Xu thế
của Phật giáo Ấn Quang là ngày càng co lại, sau các cuộc phân hóa các
năm 1967, 1969, chỉ còn 3 tập đoàn. Xu thế co lại này khiến tổ chức Phật
giáo lớn nhất lúc bấy giờ vào thập niên 1970 chỉ giới hạn chỉ trong
Phật giáo người Kinh (ngay cả Phật giáo người gốc Hoa và người Khmer
cũng hoàn toàn tách biệt). Xu hướng đó không thể là động lực hoằng pháp
theo diện mở rộng đối tượng dân tộc.
Trong
quan điểm chủ quan như trên và xu hướng do hoàn cảnh khách quan đưa lại
như thế, tất nhiên, sẽ không thể có chuẩn bị gì cũng như xúc tiến gì
đối với việc hoằng pháp hướng vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở
Tây Nguyên.
Chiến
tranh cũng là một nguyên nhân khách quan đưa đến sự chậm trễ của Phật
giáo. Nhưng chiến tranh với sự hiện diện của quân đội Mỹ trên toàn lãnh
thổ Việt Nam, lại là một thuận lợi của Tin Lành trong việc truyền đạo ở
Tây Nguyên. Những người truyền đạo Tin Lành đương nhiên được sự hỗ trợ
và bảo vệ của quân đội Mỹ. Thế là, chiến tranh điều bất hạnh cho dân tộc
Việt Nam, đã trở thành thuận lợi cho đạo Tin Lành. Kết quả truyền giáo
vượt trội của Tin Lành so với đạo Ca tô La Mã một phần cũng do ở chỗ
này.
MT