17/10/2013 16:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 1372
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân dịp Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra mắt Ban Thông tin Truyền thông vào ngày 15/10/2013, chúng tôi xin giới thiệu một thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong hoạt động giáo dục truyền thông trước đây.




Viện Đại học Vạn Hạnh, đại học do Phật giáo miền Nam thành lập và điều hành là một trong những cơ sở đào tạo về truyền thông đầu tiên ở Việt Nam.

Viện Đại học Vạn Hạnh đã thành lập ban báo chí trong hoạt động đào tạo đại học ở Sài Gòn, điều mà đến khoảng 20 năm sau mới được tiếp tục ở Tp.HCM với cấp đào tạo đại học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Một trong những thành quả mà Ban Báo chí Viện Đại học Vạn Hạnh lưu lại là giáo trình “Truyền thông đại chúng nhập môn”, tác giả Giáo sư Huỳnh Văn Tòng, tiến sĩ Báo chí. Giáo trình được ấn hành năm 1975 cho nên số bản in lưu hành còn lại rất hạn chế nên ít có người biết đến thành tựu này. Giáo trình có ghi “Tài liệu phổ biến hạn chế. Chỉ dành cho sinh viên Ban Báo chí Viện Đại học Vạn Hạnh…”

Giáo trình “Truyền thông đại chúng nhập môn” dày 222 trang, là một công trình được biên soạn từ tài liệu giáo khoa và tham khảo của Pháp (các thuật ngữ được xây dựng từ tiếng Pháp và được chú thích cũng đều bằng tiếng Pháp), cũng như nhiều ví dụ được lấy từ hoạt động truyền thông Pháp.

Giáo trình “Truyền thông đại chúng nhập môn” cung cấp cho sinh viên báo chí và bạn đọc một cái nhìn tổng quát về truyền thông đại chúng, như giới thiệu khái niệm, các định nghĩa liên hệ đến vấn đề, lý do nghiên cứu, tiến trình phát triển, các quan niệm về truyền thông trên thế giới…

Giáo trình “Truyền thông đại chúng nhập môn” đi sâu nghiên cứu các thể loại truyền thông phổ biến vào thập niên 1970 là báo viết, phát thanh (thuật ngữ trong giáo trình gọi là “truyền thanh”), truyền hình, điện ảnh. Đặc biệt, giáo trình còn nghiên cứu hoạt động quảng cáo và quan hệ công chúng (thuật ngữ dùng trong giáo trình là “giao tế nhân sự”).
 Ảnh minh họa

Là một giáo trình nhập môn chưa đi vào cấp độ thực hành, nhưng có nhiều vấn đề truyền thông đại chúng được tác giả phân tích khá chi tiết và sâu sắc, với bút pháp lưu loát, sáng rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp cho việc học tập ở bậc đại học.

Viết một giáo trình nhập môn, giáo sư Huỳnh Văn Tòng đã rất chú trọng đến phần lý luận, và qua đó cũng phần nào cho thấy đẳng cấp học thuật của Viện Đại học Vạn Hạnh trên lãnh vực này. Giáo trình miêu tả chi tiết cơ bản, hoạt động của các loại hình truyền thông đại chúng, nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng với kinh tế, chính trị và văn hóa… Khâu phát hành, quản trị, kinh doanh được lưu ý. Vấn đề truyền thông đại chúng với tuyên truyền, dư luận được mổ xẻ với nhiều lý thuyết, tương quan giữa truyền thông đại chúng và văn hóa đại chúng được phân tích khá sâu.

Giáo trình “Truyền thông đại chúng nhập môn” có một chương riêng về công chúng, định nghĩa công chúng là gì, tìm hiểu hoạt động tiếp nhận truyền thông (thuật ngữ trong giáo trình là tiêu thụ) ở các khía cạnh, đối tượng thể loại, ảnh hưởng…

Chức năng và hiệu quả của những phương tiện truyền thông đại chúng cũng là đối tượng nghiên cứu (giáo trình dùng thuật ngữ “chức vụ”). Các lý thuyết về ảnh hưởng được xem xét cùng với những tài liệu điều tra.

Giáo trình còn được nâng tầm với chương khảo sát truyền thông đại chúng và phát triển quốc gia, nghiên cứu vấn đề không chỉ ở nền tảng lý luận mà còn tìm hiểu ở cấp độ vĩ mô.

Chất lượng giáo trình đã phần nào cho thấy chất lượng đào tạo sinh viên báo chí của Viện Đại học Vạn Hạnh, thể hiện sự đóng góp của viện trong hoạt động học thuật đối với ngành truyền thông đại chúng mới mẻ. Trong bối cảnh sách về truyền thông đại chúng và về báo chí rất ít ỏi ở miền Nam vào thập niên 1970, giáo trình là đóng góp không nhỏ cho sự quảng bá những kiến thức mới mẻ và thiết thực về truyền thông.

Ghi nhận thành tựu này như một đóng góp của Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây, chúng ta có quyền hy vọng về tương lai phát triển của hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam.

Minh Thạnh


Âm lịch

Ảnh đẹp