13/08/2017 18:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 1880
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chúng ta đang sống trong thời đại internet, thông tin được trao đổi vô cùng nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Trong những công cụ đáp ứng nhu cầu của nhân loại hiện nay có các mạng xã hội,

 


facabook

mà Facebook là một mạng xã hội chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê năm 2015, hơn 1/3 dân số sở hữu tài khoản Facebook. 

Vậy Facebook có công năng gì mà tạo sức mạnh lôi cuốn nhiều người như vậy và riêng đối với Tăng Ni trẻ, Facebook mang đến những lợi ích gì đến mức độ phải nghiện Facebook hay không. 

Sử dụng Facebook để giao lưu, kết bạn, hoặc chơi những trò giải trí thế tục, hay xem quảng cáo, xem những hình ảnh đồi trụy, hoặc bày tỏ tình cảm, cuộc sống tu hành của mình và tham gia bình luận việc thế tục của thiên hạ... Rõ ràng đó không phải là nhu cầu cần thiết của người xuất gia, chẳng những vô bổ mà còn tác hại cho phạm hạnh thanh tịnh của Tăng Ni. 

Thật vậy, Tăng Ni đã phát tâm từ bỏ đời sống thế tục, Đức Phật dạy rằng thức ăn nuôi dưỡng tinh thần người tu là Thiền thực và Pháp hỷ thực mà mỗi ngày trước khi ăn, đại chúng luôn nhắc nhở nhau rằng "Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn." Vì vậy, bằng mọi cách, phải làm cho thiền và pháp trở thành món ăn tình thần thức sự của chúng ta. Người tu mà không thích ăn cơm thiền, uống nước pháp không thể sống trong nhà Phật lâu dài. 

Nếu nhiễm chất độc của thực phẩm thì bị chết thân mạng, nhưng bị nhiễm độc tinh thần thì sẽ chết giới thân huệ mạng, dù còn trong đạo, nhưng không dùng được. Trên thực tế, các tu viện sinh hoạt tốt đẹp nhờ thiền chủ và các vị lãnh đạo cùng đại chúng đều sống phạm hạnh thanh tịnh, theo đó đạo đức và trí tuệ mới thăng hoa được.

Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực được coi là ba món ăn tinh thần của người tu. Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày của chúng ta với cuộc đời. Nếu sống trong tu viện, mỗi ngày đọc kinh, được gần gũi các bậc tu hành kiểu mẫu, trông thấy đức hạnh của họ, chúng ta sẽ tốt theo. Tôi được như ngày nay nhờ may mắn trong thời còn là học tăng, bên cạnh có hai bậc thầy, Hòa thượng Thiện Hoa và Thiện Hòa là hai biểu tượng mà tôi tôn thờ. Tôi sống chung với các ngài, nghe lời khuyên bảo và thấy việc làm tốt đẹp của các ngài, nên học được đức hạnh của các ngài.

blankNếu hàng ngày, Tăng Ni lên Facebook để tiếp xúc với người thế tục và việc thế tục thì sẽ bắt đầu suy nghĩ theo đường thế tục, dẫn đến hư hỏng đường tu là tất yếu. Tôi có kinh nghiệm về việc này. Thời còn đi học ở Nhật, vì học luật, nên tôi phải học thuộc lòng những điều luật, điều ước. Khi đem những điều này vào tiềm thức rồi, đưa nó ra khó vô cùng. Hễ thiền, nhắm mắt lại là chúng xuất hiện. Vì thế, chư vị Tổ sư nhận rõ tầm quan trọng của Xúc thực, mới dạy rằng "Bất dữ chư trần tác đối", nghĩa là không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần, để không bị nhiễm ô và không lưu giữ phiền não. Tuy nhiên, cần cân nhắc ý của Tổ dạy để không trở thành người vô dụng, gọi là củi mục than nguội mà Tổ thường quở trách. Cần biết chọn lựa những gì nên tiếp xúc và những gì phải ngăn cấm.

Theo tôi, không tu thì thôi, tu thì phải cho ra hồn. Dứt khoát như vậy. Riêng tôi, đọc sách, đọc kinh, nhận ra ý nào hay thì thích giữ lại trong tâm để vào thiền quán chiếu lời Phật dạy. Càng thiền, trí tuệ càng phát sinh, hôm sau đọc lại thấy pháp sáng hơn. Vì vậy, đọc kinh, tham thiền thấy thú vị mới thích thiền, thích đọc kinh, không thích tiếp xúc với thế tục.

Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh trước kia mỗi ngày đến 2 giờ trưa, ngài không tiếp khách để sống với kinh. Riêng tôi, ở tuổi trung niên hành đạo, 6 giờ chiều là "bế quan" để dùng pháp Phật rửa sạch nhiễm ô do làm việc trong ngày. Tất cả sự việc mà người đời đem đến cho chúng ta, dùng pháp tẩy sạch, làm cho tâm sáng, mới giữ được bản chất của người tu. Nếu không, tiếp nhận bao nhiêu việc thế gian phiền toái mà họ trút cho ta, một lúc ta cũng trở nên sân hận, buồn phiền, đau khổ như người đời. Tôi làm nhiều việc liên tục được là nhờ sử dụng được Thiền thực và Pháp thực trên bước đường hành đạo. Giảng được nhiều năm liền, vì tiềm thức của tôi đã chứa sẵn pháp Phật. 

Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày giữa ta và cuộc đời, nếu chứa đầy pháp Phật, tất cả nhiễm ô thế gian sẽ được pháp Phật tiêu hóa, chuyển đổi thành hiểu biết, trí giác giúp cho thân tâm mình luôn được giải thoát, an lạc và cũng giúp cho người hữu duyên giải quyết việc một cách nhẹ nhàng. 

Ngoài Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày qua sáu giác quan của chúng ta với Phật, pháp, Bồ-tát, còn có món ăn tinh thần là Tư niệm thực, tức thiền. Chúng ta đưa hình ảnh Phật, pháp, Bồ-tát, vào an trụ trong tâm ta, mới có huệ. Vạn Hạnh Thiền sư an trụ thiền mà cố vấn cho vua Lý Thái Tổ dựng nước, an dân, và rất nhiều tấm gương sáng chói của các Thiền sư còn lưu danh thơm muôn thuở trong sử sách.

Nhờ Xúc thực, đọc kinh mở rộng tri thức theo Phật và Tư niệm thực, suy nghĩ áo nghĩa Phật dạy trong thiền định, hai thức ăn tinh thần này cho chúng ta hiểu biết là Thức thực. Ngài Huyền Trang gọi đó là Đại viên cảnh trí, một sự thông minh tuyệt đỉnh, một sự hiểu biết xác thực hoàn toàn mọi việc như ảnh hiện trong gương và việc qua rồi, tâm người tu hoàn toàn thanh thản, tự tại, giống như gương sáng chẳng lưu lại hình ảnh của vật nào cả. 

Nhận thức được tác động lợi lạc vô cùng của Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực đối với nếu sông người tu, đặc biệt đối với Tăng Ni trẻ, điều tối quan trọng là cần dốc toàn tâm toàn trí lực vào việc học hiểu kinh điển, giới luật và miên mật hành trì cho đạt kết quả tốt đẹp thật sự, để không hổ thẹn là sứ giả của Như Lai.

Chúng ta đều biết khi đã "phát túc siêu phương" theo cuộc sống xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia thì đó là con đường lội ngược dòng thác sinh tử và quả là không đơn giản, cho nên hàng xuất gia phải hết lòng hết dạ thực hiện mục tiêu lý tưởng này.

Và điều quan trọng trước tiên của người xuất gia mà Phật, Tổ đã luôn luôn nhắc nhở rằng phải cắt bỏ duyên trần mà tôi gọi là "Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết", tạo thành nhịp cầu nối vững chắc giúp chúng ta dễ dàng chuyên tâm tu học giáo pháp, an trụ trong yếu lý của Phật dạy và từ đó, mới tiến xa hơn trên con đường phát huy tuệ giác, đức hạnh. Nếu không sống đời tu như vậy, mà cứ buông lung, lao vào những việc thế tục như ghiền Facebook thì chắc chắn dẫn đến vô số hệ lụy tiêu cực tác hại cho cuộc đời tu, thậm chí có thể ra khỏi nhà Phật. Hậu quả tệ hại như vậy rất dễ xảy ra cho các Tăng Ni trẻ nông nổi mải mê Facebook, vì đạo tâm, đạo lực và trí giác của người sơ cơ phải nói là còn rất non kém, nên dễ bị dao động, dễ bị những tác động xấu xâm hại. Nhất là Facebook chứa vô số thông tin rác, thông tin độc hại thường là quan điểm của nhiều cá nhân không được kiểm chứng đúng sai. Đó chính là con dao hai lưỡi của Facebook, đòi hỏi người sử dụng phải biết đánh giác và sàng lọc. Việc dành nhiều thời gian và công sức gây tổn hại cho sức khỏe và thời khóa tu hành để chọn cái hay trong kho rác thế tục Facebook quả là vô lý, chẳng có chút gì cần thiết cho người xuất gia, đặc biệt là Tăng Ni trẻ.

Riêng về việc sử dụng Facebook để chia sẻ Phật pháp, hay thông tin Phật sự nhanh chóng và rộng rãi cũng góp phần chuyển tải giáo pháo đến nhiều người.

Nhưng về công dụng này, thì thực sự Facebook làm tốt việc hỗ trợ đưa đường dẫn (link), hay lời giới thiệu ngắn, còn những bài giảng Phật pháp phải cần trang mạng Phật giáo chuyên biệt để đăng tải và lưu trữ sẽ giúp người muốn đọc lại, nghe lại tài liệu đã đưa lên mạng mộ cách dễ dàng và lâu dài hơn là ở trên Facebook.

Vì vậy, thực tế cho thấy những pháp thoại và bài viết của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Nhất Hạnh... đã dùng Facebook để hỗ trợ cho trang Phật giáo cố định, để bài pháp được Phật tử tiếp nhận nhanh nhất trên Facebook và sau đó, họ sẽ theo đường dẫn này mà về với trang chuyên Phật giáo. Nếu Tăng Ni trẻ dùng Facebook đúng cách và hợp lý để trao đổi tài liệu học tập, cập nhật thông tin trường lớp, Facebook cũng góp phần lợi ích.

Tóm lại, trên bước đường tu, con đường Thánh Hiền không mở ra, làm sao xây dựng được Hiền Thánh Tăng. Con đường tội lỗi không đóng lại, làm sao tránh khỏi những việc sai phạm, hư xấu.

Theo Phật, chúng ta luôn sử dụng trí tuệ để quan sát, dòng nước ví như sức sống của dòng đời rất có lợi, từ bỏ cuộc sống làm sao tu được, phải bảo vệ cuộc sống mình cho tốt. Nhưng dòng nước chảy xuôi thường gây ra lũ lụt, người ta phải ngăn nó lại bằng cách mở đập cho nước chảy vào để nó thành dòng điện mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Dòng đời cũng thế, phải biết đóng cửa thế gian, mổ ra con đường Nhân Thiên, con đường Bồ-tát hạnh để tích lũy phước đức, trí tuệ.

Suy nghĩ của con người không thể ngăn được, nhưng chúng ta nên cho đại chúng tiếp xúc với những gì tốt đẹp, cao quý, mà phải thích hợp với trình độ và nghiệp lực của chúng. Một khi chúng ta thể nghiệm đúng như pháp Phật, thì từng bước thoát khỏi sự chi phối của thân tứ đại là ăn uống, ngủ nghĩ và  cũng không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên, sống trong chánh niệm tỉnh giác. Được như vậy, Facebook đâu có gì hấp dẫn đến mức độ mê muội mà phải sa đà với nó. Thiết nghĩ lời Phật dạy từ hơn 2.500 năm trước càng có giá trị hơn trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, thông tin bị nhiễu loạn và không ít thông tin độc hại.

Trong đời sống tu hành, đặc biệt là mùa An cư, việc tất yếu của Tăng Ni cần trau dồi giới, định, tuệ để xứng đáng là nhà mô phạm sáng suốt, hướng dẫn người người sống thiện lạc, sống ích lợi, có như vậy Phật giáo mới hưng thạnh.

Nguyệt San Giác Ngộ số 256 - 07/2017 (PL 2561)

Bài đọc thêm:
Vấn đề sử dụng facebook của tăng ni hiện nay (Liên Trí)


Âm lịch

Ảnh đẹp