12/01/2011 21:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 3447
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mỗi ngày, ở một đất nước hơn 80 triệu dân này có biết bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ diễn ra, nhưng trong hai ngày đầu năm 2011 này có hai sự kiện khiến chúng ta cần lưu tâm.

Ngay ngày đầu tiên (1.1) của năm 2011, lãnh đạo TP.HCM ngồi lại lắng nghe nguyện vọng của 80 em thiếu nhi đại diện cho hơn 1,2 triệu trẻ em của thành phố. Những điều các em mong muốn thật giản dị, hồn nhiên, trong sáng làm sao.

Đó là làm sao có nhà vệ sinh sạch trong trường học, có công viên dành riêng cho con trẻ, có nhà mở cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, không còn lôcốt để khỏi đi học muộn, không còn bạo lực trong trường học để có môi trường sư phạm lành mạnh, không còn đua xe gây tai nạn...Những điều mong mỏi này đâu phải là của riêng các em mà là của các bậc sinh thành, của toàn thể xã hội, bởi đó chính là những đòi hỏi của chất lượng sống đô thị.

Cũng trong những ngày đầu năm mới (4.1) này, đồng loạt các phương tiện thông tin đại chúng phát đi thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nói về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến 2020. Trong thông điệp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về mối quan hệ giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá - xã hội, đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng phải chú ý đúng mức đến "chất lượng tăng trưởng".

Không chỉ là cái khoát tay

Có thể khẳng định đây là một bước tiến mới và mạnh mẽ trong tư duy phát triển mang tính chiến lược, một sự lựa chọn dứt khoát cho đường hướng phát triển. Liên kết hai sự kiện này chúng ta thấy một điều cực kỳ hệ trọng và cũng rất giản dị (chân lý bao giờ cũng giản dị) là muốn thực hiện những điều mong ước bình thường của trẻ em thì không phải đơn giản chỉ là một cái khoát tay hay gật đầu, mà cần phải có cả những chiến lược dài hạn rất khoa học và sự thay đổi mạnh mẽ mang tính cách mạng trong tư duy.

Những điều các em mong muốn thật giản dị, hồn nhiên, trong sáng, cũng chính là những đòi hỏi của chất lượng sống đô thị. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Đã gọi là định hướng chiến lược thì phải có giá trị trong thời gian rất dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm không sai sót và không lạc hậu, các thế hệ lãnh đạo thay nhau theo nhiệm kỳ nhưng những giá trị và đường hướng chính của nó thì phải được tôn trọng và tuân thủ. Singapore được thành lập vào năm 1965, sau khi tách ra khỏi Malaysia, chỉ hai năm sau, 1967 ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân hành động của ông đã xây dựng nên một chiến lược mang tầm xuyên thế kỷ, cho đến nay chúng còn nguyên giá trị, một trong số những chiến lược đáng nể nhất là chiến lược đô thị hoá và quy hoạch Singapore trở thành một thành phố dịch vụ và thương mại.

TP.HCM là một trong hai thành phố lớn nhất nước cả về dân số và diện tích, để làm cho chất lượng sống người dân tăng lên trong khuynh hướng bền vững thì cần phải có tư duy chiến lược dài hạn thay thế cho tư duy nhiệm kỳ, các hoạt động ngắn hạn của ngày hôm nay phải nằm trong một chuỗi các hành động theo định hướng chiến lược cho tương lai. Chỉ cần một vài hoạt động sai lầm, không đặt chúng trong chiến lược dài hạn thì hậu quả thật tai hại làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và làm bức tranh phát triển của thành phố còn nhiều khoảng tối.

Những điều đáng tiếc

Còn nhớ năm 1997, khu công nghiệp Tân Bình ra đời, nhưng chỉ sau ba năm đã cho thấy một tính toán sai lầm nghiêm trọng, chính nó là nguyên nhân gây khủng hoảng giao thông triền miên ở cửa ngõ phía tây bắc thành phố nhưng chuyển nó đi đâu thì còn là một câu hỏi. Năm 2005, hàng trăm cơ sở sản xuất ô nhiễm ở trong nội thành được di chuyển ra khu công nghiệp Tân Phú Trung, nhưng hôm nay, chính Tân Phú Trung được quy hoạch là khu trung tâm của đô thị mới Tây Bắc của thành phố với gần 100.000 dân và các doanh nghiệp này chưa biết phải di chuyển đi đâu nữa.

Cách nay chừng mười năm (2001), lẽ ra thành phố kiên quyết làm cầu vượt ở ngã tư Hàng Xanh thì hôm nay tình hình giao thông ở phía đông bắc thành phố đã khá hơn và không phải đến nỗi mười năm sau phương án đó được mang ra để lại làm lại từ đầu. TP.HCM có hàng trăm kilômét chiều dài kênh rạch, trong số đó có những tuyến hoàn toàn có thể trở thành giao thông đường thuỷ lý tưởng như ở Bangkok, nhưng tiếc thay (lại tiếc) là tất cả các cây cầu đều làm sát mặt nước, độ tĩnh không bằng không khi nước triều lên, không còn khoảng hở nào cho thuyền bè qua lại, vậy là lãng phí một tài nguyên trời cho. Những chuyện đại loại như vậy rất nhiều ở thành phố chúng ta.

Từ thông điệp của Thủ tướng cho thấy, một tinh thần mới và một nhận thức mới rằng để thay đổi một trạng thái xã hội thì cần phải bắt đầu từ ngay não trạng, rằng để thay đổi những chuyện dân sinh thường ngày thì không thể tính chuyện độ nhật mà phải tính nó trong tư duy chiến lược dài hơi. Nhận thức này cần phải được thấm sâu và trở thành hành động từ trong tất cả các cấp lãnh đạo, từ Trung ương đến các tỉnh, thành.

Theo Sài gòn Tiếp thị


Âm lịch

Ảnh đẹp