02/01/2011 21:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 1569
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, từ bộ tộc, rồi sau này trở thành quốc gia, chủ trương “sức mạnh ở trên lưỡi gươm”, “cá lớn nuốt cá bé”, “mạnh hiếp yếu” là tối thắng.


Một số các nước nhỏ sở dĩ còn tồn tại tới ngày nay là nhờ dũng cảm chiến đấu, song cũng có thể vì yếu tố địa lý - xa xôi cách trở chẳng hạn. Nhưng phần lớn là nhờ sự tranh chấp giữa các nước lớn khiến nước nhỏ trở thành “vùng trái độn” hoặc “ vùng quyền lợi sinh tử” không ai dám thôn tính, hoặc bất ổn bên trong các để chế khiến tham vọng thôn tính các nước nhỏ bị ngưng lại.

Thế nhưng thời kỳ tự do chinh phạt, lấn chiếm đất đai, bắt nạt người ta qua rồi.

Khi cuộc Chiến Tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991 và khi nhân loại bước vào Thế Kỷ 21 với Toàn Cầu Hóa, cộng thêm với cuộc cách mạng về tin học và truyền thông, thì thế giới thu nhỏ lại và mọi quốc gia, dù chỉ là hòn đảo nhỏ bé cũng có tiếng nói.

Liên Hiệp Quốc, dù không phải là toàn năng nhưng là một diễn đàn, một áp lực có tính cách quốc tế để có thể ngăn chặn những tham vọng cuồng điên. Đây chính là thời kỳ “vàng son “mà các nước nhỏ, xưa gọi là “tiểu nhược quốc” thoát khỏi thân phận hèn kém để vươn lên.

Nhưng các nước nhỏ, nạn nhân của thời kỳ Thực Dân Đế Quốc cũng nên quên đi quá khứ, từ bỏ quan điểm thù hận và kiêu căng phách lối là mình đã đánh đuổi họ, để nhìn về tương lai: Đó là tương lai của một nước nhỏ có bản sắc, phát triển và ổn định và được thế giới yêu mến, kính phục. Chuyện này có thể làm được không?

Nhìn vào các quốc gia như Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ chúng ta thấy gì? Họ chỉ là các nước nhỏ so với các quốc gia khác ở Âu Châu. Na Uy chỉ có 5 triệu dân, Thụy Điển 9 triệu dân, Thụy Sĩ khoảng 8 triệu.

Thụy Sĩ có ranh giới chiến lược với 4 nước mạnh là Ý, Pháp, Đức, Áo mà duy trì được thể chế trung lập cho tới ngày nay. Thành Phố Genève (Geneva) là nơi tổ chức những hội nghị quyết định vận mệnh của thế giới, nhưng Thụy Sĩ lại là quốc gia duy nhất không gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tránh liên lụy tới các quyết định của LHQ nhiều khi rất bất công do các siêu cường áp áp đặt.

Còn Na Uy và Thụy Điển hiển nhiên không phải là các nước lớn và mạnh, dĩ nhiên trình độ phát triển cao nhưng không phải là dẫn đầu thế giới nhưng tại sao họ lại được toàn thế giới kính nể? Họ có ranh giới với một nước khổng lồ là Liên Xô, nay là Liên Bang Nga, nhưng liệu trong đầu người Nga có ai dám nghĩ đến chuyện xâm chiếm hai nước nhỏ này không?

Sự kính nể của thế giới dành cho hai nước Na Uy và Thụy Điển nằm ở chỗ: đất nước thanh bình, người dân hiền hòa, giàu lòng nhân ái, đóng góp tích cực vào nền hòa bình, khoa học và văn hóa cho nhân loại.

Điều quan trọng đáng nói ở đây là đời sống của người dân trong nước không đua chen, hưởng thụ, tranh nhau làm giàu như Tây Âu, Nhật Bản, Trung Hoa và Hoa Kỳ.

Tôi có kỷ niệm gặp gỡ một vị nữ bác sĩ người Thụy Điển tại trại tiếp cư Bataan Phi Luật Tân năm 1985 như sau: Trong thời gian này tôi phục vụ tại Chùa Vạn Hạnh là ngôi chùa do đồng bào Phật tử đến trước, tự thiết lập tại đây.

Sư cô trụ trì có một người em trai bị bệnh thần kinh và dĩ nhiên được Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn cử người tới chăm sóc. Ngày nọ, một vị nữ bác sĩ tới thăm. Phải nói, tôi đã nhìn thấy khá nhiều phụ nữ Tây Phương, ngoài đời cũng như qua phim ảnh nhưng chưa thấy một người đàn bà nào đẹp và giản dị như thế. Đây không phải là vẻ đẹp thường tình -  mà là vẻ đẹp mảnh mai, trí thức và quý phái.

Khi tôi cho biết cậu em của sư cô còn đang ngủ, bà ra dấu cho tôi chớ đánh thức cậu ấy dậy, và đứng đó chờ như một người mẹ hiền nhìn con.

Trong thời gian chờ đợi tôi hỏi bà đến từ quốc gia nào và có mở phòng mạch tư không? Bà cho biết bà là người Thụy Điển và không hề có ý nghĩ mở phòng mạch tư vì lương chính phủ trả đủ sống, bà không hề có ý nghĩ làm giàu mà dành thì còn lại giúp người tỵ nạn.

Cảm giác của tôi lúc bấy giờ thật vô cùng ngạc nhiên và kính trọng. Kính trọng bà và kính trọng đất nước Thụy Điển đã thực hiện được một thứ “Chủ Nghĩa Xã Hội Bắc Âu” có một không hai trên hành tinh này. Nơi mà mọi công dân hạnh phúc với một số lương vừa đủ, không toan tính làm giàu, không chạy đua theo nhu cầu phù phiếm của vật chất mà dành thời giờ dư thừa của mình để giúp đỡ người khác.

Vậy thì một nước nhỏ có phải là một nước nhược tiểu yếu hèn không?

Trở lại trường hợp của Á Châu. Có một quốc gia, đó là Thái Lan. Với dân số 68 triệu dân (thống kê 2010), Thái Lan phải kể là một trong những nước nhỏ, thụ hưởng một nền hòa bình lâu lài, với chính sách ngoại giao khôn khéo, kinh tế phát triển, đất nước đoàn kết vì sự thuần nhất về văn hóa do ảnh hưởng sâu xa của Phật Giáo, tại sao sau hơn nửa thế kỷ, lại không thể tiến lên như là một quốc gia được kính nể như các quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu?

Có hai nguyên do: Thứ nhất đất nước này luôn luôn bị trì trệ bởi nạn  tham nhũng và sự lũng đoạn của nhóm quân phiệt khiến gây bất ổn chính trị triền miên. Nền dân chủ chính thức được thiết lập năm 2001 với cuộc bầu cử trong sạch đưa Ô. Thaksin – thành vị thủ tướng dân sự lần đầu tiên. Thế nhưng nền dân chủ non trẻ này chết yểu năm 2006 bởi cuộc đảo chính của nhóm quân phiệt, cáo giác Ô. Thaksin tham nhũng và bất minh trong việc quản trị đất nước.

Thái Lan có đầy đủ điều kiện để tiến tới một nước nhỏ được yêu mến và kính nể như hai nước Na Uy và Thụy Điển, Thụy Sĩ …cơ hội đó sẽ không bao giờ có nữa nếu Thái Lan không biết kiềm chế các nhóm quân phiệt và điều chỉnh lại đường lối phát triển và lối sống của đất nước. Thật là đáng buồn cho Á Châu.

Tuy nhiên trong sự chán chường đó chúng ta chợt nhận ra một tia hy vọng - đó là đất nước Tích Lan. Tích Lan (Sri Lanka), 20 triệu dân (thống kê 2010) cũng bị đủ các loại thực dân như Bồ Đào Nha, Hòa Lan và  Anh dày xéo, cải đạo, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tích Lan giành được độc lập năm 1948 nhưng cuộc nội chiến khốc liệt giữa hai sắc dân Sinhalee (đa số) và Tamil (thiểu số) bùng nổ vào năm1983. Vào năm 2009 tổng thống Sri Lanka chính thức tuyên bố cuộc nổi loạn của Mãnh Hổ Tamil bị dẹp tan. Sri Lanka là thành viên của Liên Hiệp Quốc,  Khối Thịnh Vượng Chung (của Anh), G77 và Phong Trào Phi Liên Kết (Non-aligned Movement).

Tích Lan tham gia vào lực lương gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và đã gửi quân tới Haiti năm 2009. Hiện nay, với tình hình chính trị ổn định, đất nước với dân số 70% là Phật tử, thuần nhất về văn hóa, vốn là một dân tộc hiền hòa, Sri Lanka đang có những nỗ lực đáng kể hoằng dương Đạo Phật trên thế giới như là một Tôn Giáo Phục Vụ Hòa Bình và được rất nhiều các quốc gia Tây Phương cũng như Á Châu kính nể. Tích Lan được coi như quê hương thứ hai của Phật Giáo.

Nhìn vào những trường hợp điển hình như Na Uy, Thụy Điển và Tích Lan chúng ta thử hỏi: Đâu là những điều kiện thiết yếu để một nước nhỏ tạo được sự kính nể và bảo vệ của thế giới?

Sau đây là một số nhận xét:

Hầu như tại các quốc gia trên đều có những điểm tương đồng như sau:

1) Không gây chiến, lấn chiếm đất đai của các nước láng giềng.

Nếu chúng ta chủ trương gây chiến, lấn đất, bá quyền, bắt nạt các nước láng giềng thì chúng ta lộ rõ bộ mặt hiếu chiến. Khi đó cả thế giới sẽ xúm lại giương cao ngọn cờ “Thế Thiên Hành Đạo” để tiêu diệt chúng ta.

Nếu Saddam Hussein không xâm lăng Kuwait vào năm 1990, không bị nghi ngờ cất giấu vũ khí giết người hằng loạt thì năm 2003, đã không bị liên quân Mỹ-Anh tấn công và tiêu diệt.

Ngoài ra họ lại có chính sách ngoại giao cực kỳ bén nhậy. Không hấp tấp dính líu vào những tranh chấp trên thế giới, ngoại trừ tranh chấp đó liên hệ đến sự tồn vong của đất nước.

2) Tăng cường quốc phòng nhưng không chạy đua vũ trang khiến các nước trong vùng phải lo sợ.

Hiện nay các nước Ả Rập rất lo ngại sức mạnh quân sự và sự de dọa của Iran. Các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc Châu đang lo ngại sức mạnh quân sự của Trung Hoa trên biển và những tuyên bố rất hung hăng, vô lý về chủ quyền của các Quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh hải và thềm lục địa. 

Ngày hôm nay, người hùng của thế giới không phải là những kẻ hung bạo đi xâm chiếm đất đai của các nước khác, hoặc chiến thắng lẫy lừng của các ông tướng như Hitler, Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại Đế năm xưa, kể cả ông tướng Brent Scowcroft chỉ huy cuộc hành quân Bão Tố Sa Mạc lật đổ Saddam Hussein v.v.. mà là sự tuân thủ hợp lý các quy tắc quốc tế, sống hòa bình với các nước lân cận và giữ gìn hòa bình cho thế giới.

Do đó các quốc gia có biên giới là bờ biển phải đạt cho được những thỏa hiệp phối hợp quân sự, dân sự, tuần tra trên biển với các quốc gia trong vùng để bảo đảm an ninh và công bình trong việc khai thác dầu khí, ngư nghiệp và hàng hải thương thuyền.

3) Phi hạt nhân, ký kết các thỏa ước phi nguyên tử với Liên Hiệp Quốc hoặc các quốc gia trong vùng.

Lấy một ví dụ nhỏ. Chẳng hạn bây giờ Miến Điện có bom nguyên tử thì Phi Luật Tân, Mã Lai, Việt Nam, Nam Dương, Thái Lan nghĩ sao?

Đừng tưởng có bom nguyên tử là mình sẽ trở thành cường quốc. Bắc Hàn có bom nguyên tử đó, nhưng Bắc Hàn có phải là cường quốc không? Nếu cuộc chiến nổ ra, chắc chắn đối phương phải dùng bom nguyên tử đánh phủ đầu để tiêu diệt Bắc Hàn. Khi đó Bán Đảo Triều Tiên sẽ ra sao?

4) Tuân thủ Hiến Chương LHQ.

Tại sao nước nhỏ lại phải dựa vào “chiến lược” tuân thủ Hiến Chương LHQ? Dù muốn dù không, Liên Hiệp Quốc vẫn là một diễn đàn quốc tế để giải quyết những mâu thuẫn của thế giới.

Một quốc gia bị Liên Hiệp Quốc lên án, sớm muộn thế nào cũng bị cấm vận, cô lập. Chủ Nghĩa Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi (Apartheid) bị xụp đổ vì sự lên án của thế giới.

Trước con mắt của thế giới, chiến lược của một nước nhỏ, nhất là nước nhỏ nằm sát một nước lớn, luôn luôn là thái độ hiếu hòa, và cho cả thế giới thấy mình đang bị nước lớn bắt nạt, ăn hiếp. Đừng bao giờ bày tỏ thái độ hung hăng, hiếu chiến. Càng mềm dẻo càng tốt. Nhưng chắc chắn mềm dẻo không có nghĩa là yếu hèn.

5) Giao hảo với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nước nhỏ mà đóng cửa rút cầu, không chơi với ai là tự sát. Giao hảo với các quốc gia trên thế giới có nghĩa là làm ăn buôn bán với họ. Khi có giao thương như thế thì quyền lợi mới gắn bó. Khi quyền lợi vật chất gắn bó thì cam kết mới nảy sinh. Xin nhớ cho cả thế giới này “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Giả dụ Ả Rập không ngồi trên giếng dầu hỏa thì có lẽ Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ không phải bận tâm, lo lắng đến như thế.

6) Vận động để một phân bộ nào đó của LHQ có  trụ sở tại thủ đô để đất nước mình trở thành “tai mắt”của thế giới.

Khi có trụ sở Liên Hiệp Quốc đóng tại sứ sở mình điều đó có nghĩa là mọi hành vi của kẻ xấu muốn xâm phạm đất nước sẽ động ngay tới Liên Hiệp Quốc trước khi vấn đề được đưa ra Hội Đồng Bảo An.

Ngoài ra cũng cần mở rộng phạm vi hoạt động cho các hãng thông tấn quốc tế mà không sợ họ dòm ngó đất nước mình. Đối với phóng viên, báo chí nước khác thì tôi không rõ. Trong một cuộc điều trần tại quốc hội dưới thời TT. Bush (Con), Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) xác nhận rằng CIA không bao giờ xử dụng phóng viên báo chí, thông tin viên truyền hình v.v..làm mật báo viên.

Tôi tin tưởng vào điều này vì báo chí Hoa Kỳ là cơ quan độc lập, họ còn phanh phui hoặc tố giác cả những hoạt động của CIA và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ …đã tra tấn các tù binh bị giam giữ tại Guantanamo Bay (Cuba) mà họ nghi là các tay khủng bố Iraq và A Phú Hãn. Sự tố giác này làm rung chuyển nước Mỹ.

Nói về sức mạnh và hữu hiệu của truyền thông Hoa Kỳ, thật tức cười, trong Cuộc Hành Quân Bão Tố Sa Mạc (Operation Desert Storm) năm 1992 chính Tổng Thống Bush (Bố) phải theo dõi các đài truyền hình CNN và Fox News để biết chính xác diễn tiến của cuộc tiến quân mà chính ông ra lệnh, bởi vì báo cáo của Bộ Quốc Phòng không kịp thời và sống động bằng trực tiếp truyền hình từng giây, từng phút của các phóng viên chiến trường.

Khi các hãng thông tấn loan tin về một biến cố nào đó, có khi còn mạnh hơn lời kêu gọi của một vị nguyên thủ quốc gia.

7) Đóng góp nhân lực, tài lực cho các chiến dịch nhân đạo trên thế giới.

Thế giới luôn luôn trân trọng đối với sự đóng góp của mọi quốc gia khi có thiên tai như bão tố, lụt lội, động đất, sóng thần v.v.. Là nước nhỏ không khả năng đóng góp nhiều thì đóng góp ít. Cố gắng vận động LHQ để tham gia vào các toán cứu trợ nhân đạo hay lực lượng gìn giữ hòa bình để tạo uy tín quốc tế. 

8) Giáo dục dân chúng theo đuổi một cuộc sống “tri túc, thiểu dụng” không điên cuồng a dua và chạy đua theo xu hướng hưởng thụ.

Nhà nhà sống trong tinh thần trọng pháp, thân ái và đặt giá trị con người lên trên hết. Trong lĩnh vực này, vai trò của tôn giáo chủ trương một đời sống thạnh tịnh, các nhà đạo đức và trí thức rất quan trọng.

9) Ngày nay, thế giới thu hẹp và tương đối thái bình nên kỹ nghệ du lịch nở rộ. Khi du khách ngoại quốc tới đất nước mình là dịp để thu ngoại tệ và giới thiệu những nét hay đẹp về quê hương mình mà không cần quảng cáo.

Do đó cần giáo dục dân chúng đối xử công bằng, lịch sự với du khách ngoại quốc, không coi du khách là cơ hội để trấn lột. Nhưng điều phải nhớ là - phát triển kỹ nghệ du lịch không có nghĩa biến đất nước thành ổ mãi dâm và sòng bài.

Toàn dân phải ý thức rằng đối xử đúng mức và lịch sự đối với du khách là giữ gìn danh dự, phẩm giá của dân tộc.

10) Giữ cho bằng được giá trị của đồng bạc, tránh lạm phát để thế giới tin tưởng.

Một đất nước mà trị giá đồng bạc lên xuống bất thường sẽ tạo nghi ngại nơi thế giới và chắc chắn sẽ không được kính nể, chưa kể sợ thua lỗ họ sẽ rút những dự án đầu tư ra khỏi nước.

11) Bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các loài thú hiếm quý.

Biến đất nước thành một nơi du lịch lý tưởng về di tích lịch sử, về môi trường (rừng, núi, bãi biển, hồ, thắng cảnh) và cũng là nơi tìm thấy sự an tĩnh của tâm hồn, nét đẹp của thiên nhiên, con người…làm du khách nhớ mãi.

Xin nhớ cho Phi Châu đang được thế giới thích thú vì những loại thú hiếm quý như sư tử, cheetah, beo gấm, ngựa vằn, hươu cao cổ v.v.. Phải bảo vệ các khu đầm lầy là nơi sinh sống, ẩn náu an toàn (Sanctuary) của các loài chim v.v..Các đầm lầy là “báu vật” để cân bằng khí hậu.

12) Xây dựng một bản sắc và văn hóa dân tộc thuần nhất khiến thế giới phải kính nể và đất nước đoàn kết.

Một đất nước xung đột về tôn giáo, khác biệt văn hóa thì không có sự kính nể của thế giới, chưa kể đất nước sẽ tan nát. Muốn đất nước thuần nhất về văn hóa thì song song với tự do tín ngưỡng, phải có một dòng chính ”mainstream” tức là một tôn giáo làm trụ cột cho tâm linh và bản sắc dân tộc.

Phải bảo tồn và trùng tu tất cả những di tích lịch sử. Thế giới ngày hôm nay là thế giới đa văn hóa. Tây Phương không còn coi văn hóa của họ là “rốn của vũ trụ” nữa. Họ rất thích thú trong việc nghiên cứu các nền văn hóa khác.

Những nhận xét trên đây có thể là rất chủ quan. Tuy nhiên nó là đề tài mà các nước nhỏ muốn vươn lên cần phải suy nghĩ. Các nước nhỏ nên lựa chọn một con đường phát triển như thế nào? Chính sách ngoại giao như thế nào? Xây dựng một mẫu mực đạo đức, tâm linh và văn hóa dân tộc như thế nào?

Ngày nay, quan niệm “Nước xa không cứu được lửa gần” sai rồi. Một nước nhỏ vẫn có thể vững như bàn thạch nếu có chính sách ngoại giao khôn khéo và đi đúng nhịp thở của thế giới.

Câu nói “Nước xa không cứu được lửa gần” xuất phát từ thời Xuân Thu Chiến Quốc khi các nước Tấn,Yên, Tề, Sở, …chưa có hàng không mẫu hạm, chưa có bom nguyên tử, chưa có hỏa tiễn liên lục địa, chưa có các pháo đài bay tàng hình Stealth thì làm sao có thể cứu được các nước Trần, Vệ, Sái ở xa xôi?

Trong tình hình thế giới ngày hôm nay, với sự xuất hiện của siêu hàng không mẫu hạm như chiếc Washington thì dư “nước” để dập tắt “lửa gần”. Các nước nhỏ có thể tiêu vong trong các cuộc đụng chạm giữa các siêu cường.

Nhưng các nước nhỏ cũng có thể nhờ đó mà vươn lên khi các siêu cường cọ sát với nhau.

Tất cả tùy thuộc vào sự thông minh của một dân tộc. Suy nghĩ được như thế là đi vào chủ điểm: Nước nhỏ nhưng có phải là một nước nhược tiểu mãi mãi không?

California đầu năm 2011


Âm lịch

Ảnh đẹp