15/12/2010 20:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 4226
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Chạy theo đồng tiền, bất chấp hậu quả, miễn sao có nhà đất, xe đời mới, đồ dùng hàng hiệu, vui chơi tiệc tùng... thay cho các giá trị đạo đức “chân – thiện – mỹ”.

 Bạn đọc Cảnh Thái nhận xét về những thói hư tật xấu của người Việt Nam trong bài viết gửi đến báo SGTT.

Tác giả cho rằng người Việt có nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng cũng vạch ra bảy thói hư tật xấu “cơ bản” của người Việt. Thế nhưng, thường mọi người có tâm lý “tốt khoe, xấu che”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”; hay tâm lý bao che, “đóng cửa bảo nhau”, không muốn mọi người thấy thói hư tật xấu của người thân hay bản thân mình!

Trước thực tế này, tác giả Cảnh Thái đề nghị “chúng ta cần một trao đổi thẳng thắn, không e ngại” dù sự thật mất lòng về những thói hư và tật xấu của người Việt Nam! Vì con người vốn dĩ đã hoàn thiện đâu? Có ai hoàn thiện, hoàn mỹ đâu?

Chúng tôi xin phép chia bài của bạn Cảnh Thái làm hai phần. Dưới đây SGTT đăng trước phần 1:

1. Khả năng làm việc theo nhóm kém, tinh thần đồng đội chưa cao, tính cách sống vì cộng đồng chưa trưởng thành:

Hiếu kỳ, bề bộn cũng là một trong những tính xấu. Ảnh: Vĩnh Kim

Người Việt thường hoàn thành tốt các công việc của cá nhân, nhưng khả năng gánh vác công việc cộng đồng, công việc chung kém, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng kém.

Các học sinh Việt Nam thường chịu khó làm bài tập của mình rất siêng năng và làm tốt các bài tập được giao cho cá nhân. Thế nhưng bài tập chung của nhóm thường bị đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm, khả năng ngồi lại với nhau để thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến cho một thành quả chung tích cực hơn thường bị xem nhẹ.

Tại các doanh nghiệp, các công nhân và nhân viên người Việt cũng “nổi tiếng” khó phối hợp đồng đội (teamwork) tốt, khó có hiệu quả hợp tác cao trong các công việc được cấp trên giao.

Tại mỗi khu phố, khu dân cư, nếp sống vệ sinh chung thường rất kém. Người ta chú ý quét dọn sạch sẽ nơi khuôn viên của gia đình mình, trong khi các diện tích chung, công cộng thường chịu việc xả rác, vứt bỏ các thứ linh tinh làm ô nhiễm môi trường chung.

Trên đường phố Việt Nam, chúng ta không khó bắt gặp các hình ảnh xả rác, chen lấn tranh giành nhau khi tham gia giao thông hoặc tại các cơ quan công quyền mà người dân phải xếp hàng lộn xộn, chờ chực trong một mớ hỗn độn, rất thiếu khoa học. Thậm chí ngay tại công sở tại TP.HCM, nếu bạn có việc phải xin giấy phép, đổi giấy phép hay giấy tờ liên quan, việc chen lấn chờ đợi vô trật tự (phần do cách làm việc không khoa học và diện tích khuôn viên chật chội trong khi khối lượng công việc nhiều với hàng trăm, hàng ngàn con người có nhu cầu đến liên hệ công tác tại đây hàng ngày). Điều này thể hiện một tư duy bon chen, chụp giật, không có kế hoạch, tổ chức và tầm nhìn dài hạn.

Tại các nhà ga, bến xe, hàng không, hàng quán, nhà hát, công viên công cộng, .v.v. chúng ta càng thấy rõ ý thức vì cộng đồng của người Việt thực sự chưa trưởng thành. Trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về các cá nhân lãnh đạo tại các đơn vị này, sau đó là ý thức chấp hành của mỗi người dân trong cộng đồng và khả năng tổ chức phối hợp làm việc theo nhóm vì tinh thần cộng đồng, vì công việc chung còn nhiều điều chưa tốt.

2.Tư duy tiểu nông gắn chặt với quá khứ một dân tộc làm nông nghiệp lâu đời:

Làm sai, còn chống người thi hành công vụ.

Các thửa ruộng nhỏ lẻ, được các đời cha ông tiếp nối và chia tách ra làm nhiều miếng nhỏ dần cho các đời sau. Làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu và bảo thủ theo kiểu tư duy xưa vẫn còn “con trâu đi trước cái cày theo sau”, thiếu liên doanh liên kết, thiếu sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, lòng đố kỵ, ích kỷ, ganh ghét, không muốn người khác hơn mình, dấu nghề, không mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, thậm chí anh em, người thân trong nhà cũng không san sẻ, giúp đỡ, “cho tiền cho bạc, không ai chỉ đàng làm ăn”!

Xong việc của mình là xem như xong, không quan tâm người khác hay bà con láng giềng làm ăn ra sao. Tư duy “hợp tác xã” một thời, nửa đêm không ai muốn thức dậy xả nước cho thửa ruộng chung, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động “cha chung không ai khóc”, tị nạnh nhau các công việc của chung cộng đồng. Thậm chí, xuất hiện lối suy nghĩ “sống hôm nay, biết hôm nay”, bất chấp ngày mai ra sao!

Điều này dễ dẫn tới việc biển thủ, ăn cắp của công cả “tài sản vật chất và thời gian” trong các doanh nghiệp nhà nước bất chấp hậu quả là doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành “con bò sữa của chung” mà mạnh ai nấy vắt sữa, khai thác đến mức kiệt quệ.

Tư duy “ăn xổi ở thì” dễ nổi lên lấn át, tư duy ngắn hạn, nghĩ đến quyền lợi cục bộ, mưu cầu tư lợi ngắn hạn hơn là phát triển dài hạn, phát triển bền vững cho cả cá nhân và cộng đồng.

3. Dễ dàng thỏa mãn với những thành công nhỏ:

Học hỏi từ cha mẹ là một điều cực kỳ quan trong đối với con trẻ...

Tư duy truyền đời kiểu “học thành tài” ăn sâu vào suy nghĩ thay thế cho tư duy tiến bộ hơn “học tập và làm việc phấn đấu, cống hiến suốt đời”. Các cá nhân học giỏi, xuất sắc không thiếu nhưng các thành quả khoa học, các phát minh thành tựu lớn trong hầu hết các lĩnh vực hầu như chưa sánh bằng các quốc gia khác, phần vì thiếu môi trường cho người tài, phần vì các cá nhân xuất sắc trong cộng đồng đã thỏa mãn với thành công nhỏ ban đầu so với mọi người trong “làng xóm nhỏ” xung quanh nên không chịu phấn đấu học tập liên tục và không có cơ hội phát triển lên tầm cao mới hay đạt tới trình độ và đẳng cấp thế giới.

Điều này xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng và sáng tạo, phát minh và sáng chế, văn hóa và thể thao... khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ các thành tựu lớn của thế giới vì số lượng các thành tích ở tầm cỡ thế giới còn quá ít so với các quốc gia khác.

Một số người du học nước ngoài cho hay, khi học phổ thông hay đại học, các sinh viên bạn thường không giỏi các môn học cơ bản; nhưng khi vào nghiên cứu ứng dụng, họ rất xuất sắc và sinh viên ta thường không theo kịp. Có lẽ tư duy học “thành tài” đã sớm làm chậm hay thiêu chột sức sống và khả năng học hỏi, phát triển liên tục của sinh viên ta (?).

Trong thương trường, các doanh nhân Việt Nam cũng có nhiều hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp; thường chạy theo các hợp đồng mua bán có tính thời vụ, dựa vào ưu thế “quen biết”, mối quan hệ thân hữu để giành lấy công việc trước mắt, ít có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dài hạn, có tầm nhìn xa, chú ý phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu vươn lên tầm cỡ thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường qui mô nhỏ và rất nhỏ, làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu hợp tác phối hợp. Khi lớn lên một chút thì đã phân chia ra thành các doanh nghiệp nhỏ hơn do bất đồng quan điểm hợp tác hoặc muốn làm riêng thu lợi một mình, hoặc đã sớm thỏa mãn với thành công nhỏ đạt được. Các doanh nghiệp lớn chủ yếu chỉ là doanh nghiệp nhà nước khai thác dầu khí, khai khoáng mỏ, độc quyền về kinh doanh ngành nghề như điện lực, viễn thông, ngân hàng...

Cảnh thái

“Dù muốn hay không thì các thói hư, tật xấu cũng đã và đang diễn ra, có khi lâu ngày trở thành bản tính xấu khó mà sửa chữa, hoặc tệ hơn sẽ trở thành tính cách không hay của dân tộc. Vì vậy can đảm nói ra có khi là một lời góp ý, trao đổi chân tình, nhìn thẳng vào sự thật, lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn!”

Bạn nghĩ sao về những nhận xét của tác giả Cảnh Thái? Ý kiến của bạn về những mặt tốt cũng như thói hư tật xấu của người Việt?

Bài viết, ý kiến của bạn đọc, xin gửi vào ô Ý KIẾN bên dưới hoặc gửi mail về cho chúng tôi ở địa chỉ online@sgtt.com.vn.

Đánh giá bài viết:  

(52 điểm,11 lần)

Các ý kiến (7)
minh chau
Tôi rất tán thành với ý kiến của tác giả bài viết này. Sự thật là càng ngày con người ta càng trở nên xấu đi. Người ta cũng đưa ra nhiều lý do để thanh minh, nào là phải lo kiếm sống nuôi gia đình, để chứng minh năng lực bản thân, hay còn nhiều những lý do khác nữa. Nhưng thật sự đó là những lời ngụy biện. Người dân bây giờ được học hành tốt hơn thời chiến tranh nhiều, có được nhiều cơ hội đi du học, tiếp thu những tinh hoa của thế giới. Họ hiểu biết rất sâu, rất rộng, nhưng tình người trong họ cũng ngày một cạn kiệt dần. Trong chiến tranh, có mấy ai được đi học đàng hoàng, nhưng họ rất hiểu cái đạo, cái lý trong cuộc sống. Còn thời nay, anh giàu thì tôi phải làm mọi cách để giàu hơn anh, kế cả chơi xấu anh. Cái tình cái lý dường như không còn đất sống. Thậm chí trong môi trường sư phạm cũng đã không còn "sạch". Muốn điểm cao, điểm tốt, thì các em phải đi học thêm cô giáo dạy trong lớp. Lễ, Tết mà không có quà cho thầy cô là sẽ bị nhìn với ánh mắt không thiện cảm. Vậy nhà trường đang dạy các em cái gì? Có phải là đang dạy các em cách đối phó, cách đạt được mục đích mà bất chấp mọi thứ hay không? Từ nhỏ đã có suy nghĩ như vậy, khi lớn lên các em có lối sống ích kỷ, chà đạp nhau cũng không phải là chuyện khó hiểu. Đường phố ngày càng chật chội, một phần vì lượng người nhập cư quá đông, một phần vì ý thức người dân quá kém nên đã làm cho diện mạo giao thông ở TPHCM ngày càng ngột ngạt.
LUU PHONG THANH
Do năng lực quản lý đô thị Việt Nam rất kém. Thiếu đất đai, thiếu tiền cho cơ sở hạ tầng, thiếu điện, vệ sinh chung,thiếu vận tải hành khách công cộng mà xe cá nhân tăng; TP chật hẹp, chen lấn đụng chạm gây lộn, thanh toán nhau. Kinh tế thì chụp giựt, đầu cơ làm giá, gian lận, thao túng chứng khoán, lừa đảo... Tất cả liên quan đến tiền bạc; người có chức vụ thường rất giàu. Mạnh ai nấy trục lợi để có đời sống vật chất khá hơn?
Nguyen Van Huy An
Tôi là người có một số "tật xấu" như trong bài viết phản ảnh: Không làm việc nhóm được, thỏa mãn với thành công nhỏ. Và tôi cũng biết rõ lý do tại sao như thế: Vì tôi không thích tranh cãi, nên tôi âm thầm làm theo ý mình. Nhưng bù lại, tôi biết mình làm gì, làm ra sao và có thể làm được đến mức nào. Tôi hài lòng với thành công hiện tại của tôi: Một công ty nhỏ chỉ có mình tôi, không có nhân viên. Bù lại, tôi có được sự tự do, không bị "đám nhân viên" yêu sách lương bổng, giờ giấc làm việc, không tốn chi phí tuyển dụng. Tôi có thể đi du lịch các nước, mà không phải lo nhân viên mình ở nhà có làm việc không, ai sẽ trả lương cho chúng. Là một công ty lớn có thể bạn sẽ bị cơ quan thuế, cơ quan an ninh "dằn vặt" vì những sai phạm nào đó (mà đã hoạt động chắc chắn có sai phạm: giống như chạy nhanh thì sẽ bị té vậy). Trong khi là công ty nhỏ, bạn sẽ tồn tại dài dài, mà không ai đả động gì (bạn bè tôi rất nhiều người suy nghĩ thế). Làm việc cá nhân sẽ không mang lại kết quả lớn lao. Nhưng kết quả đó sẽ có ý nghĩa gì nếu bạn không biết là mình sẽ làm gì hôm nay, kế hoạch của mình ra sao, mình có làm được những gì mà mình yêu thích, đánh rơi ước mơ cá nhân của mình, hay chỉ là phụ thuộc vào và thực hiện ý tưởng của người khác.
VAN TEO

Xã hội thay đổi hay môi trường sống tạo nên tính cách như vậy? Đó là một vấn đề cần suy ngẫm.

Tại sao như vậy? Tôi chẳng nghĩ sâu xa gì cũng thấy ngay là phần lớn do môi trường tạo nên, vì quy luật tồn tại là phải thích nghi với môi trường, nếu không sẽ bị môi trường đào thải ngay; phải thích nghi với cái xấu để tồn tại. Thật chua xót thay, anh thắng thắn, trung thực không được gì mà còn mệt vào thân. Hãy tạo ra môi trường công bằng, an toàn cho mọi người...

giahuy
Bề ngoài thì nói (trong cơ quan) cứ phát biểu thẳng thắn nhưng thử nói công khai xem. Cứ nhìn ở các cơ quan, mấy kẻ nịnh hót vẫn thường làm ít hưởng nhiều, đôi khi còn thăng chức. Có được bao nhiêu ông sếp công tâm. Khi nghĩ đến đề bạt, khen thưởng thì cũng nhìn những "cận thần" của mình trước thôi. Có ông nào dám "trảm" mấy tay chân thân tín của mình?
Nguyen
Ai cũng có thói hư , tật xấu . Tuy nhiên , trước đây rất ít thành phần biểu hiệu những đặc tính xấu như tác giả nêu lên.
Lê Trí
Tôi đồng ý với nội dung của bạn Cảnh Thái, vì tôi trước kia cũng là người tốt, thẳng thắng dám đấu tranh cho những cái sai trái với đạo đức. Thế nhưng những việc tôi làm tôi chẳng nhận được một sự động viên khích lệ nào. Ngược lại tôi nhận được sự trù dập làm cho tôi phải bị điêu đứng trong một thời gian dài. Từ đó, tôi nghỉ rằng minh đấu tranh để làm gì? bênh vực quyền lợi cho ai để cuối cùng mình phải lãnh đủ. "Tấm gương" của tôi đã không ích ảnh hưởng nhiều đến đồng nghiệp và những người xung quanh và vì thế từ một người sống dám đấu tranh cho lẻ phải tôi co rúm lại, sự ích kỷ chỉ nghỉ đến mình, mặc ai sống chết hình thành trong tôi. Từ tôi mà có bao nhiêu người xem đó là một bài học để rút kinh nghiệm vì thế nó được nhân rộng ra không biết bao nhiêu những con người có suy nghỉ như tôi. Thử hỏi mỗi hành vi xấu của một người về một việc nào nó lại đem cho người đó sự bình yên, suông sẻ thì dại gì mà người ta không học và làm theo.Dần dần những con người như thế được nhân rộng ra và ngày một nhiều hơn. Và những con người Việt Nam cứ thế ngày một nhiều thì làm sao mà không bộc lộ ra những thói hư tật xấu.
ý kiến bạn đọc

Nguon: http://sgtt.vn/Thoi-su/134495/Nguoi-Viet-xau-xi-o-diem-nao.html


Âm lịch

Ảnh đẹp