Văn hóa và "phản" văn hóa


Tác giả: Kim Dung
08/11/2010 22:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 4849
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Làm sao một nền văn hóa mấy nghìn năm các bậc tiền nhân để lại, đến hôm nay, không tìm thấy sự tri kỷ ở những kẻ hậu thế chúng ta? Hay bởi thời buổi kim tiền, mà chữ tâm cũng chỉ có... hơi đồng?

Tri kỷ- tiền nhân và hậu thế

Tôi bỗng thấy mình đứng ở Quảng trường của Tòa thánh Vatican (Quốc gia Vatican)- như một giấc mơ. Cái địa danh Tòa thánh vừa quyền uy vừa bí ẩn và hấp dẫn, nằm ngay ở chính thủ đô Roma của nước Italia, thuở nhỏ vừa thấy sợ, vừa thích thú khi bất ngờ được đọc và chiêm ngưỡng những bức ảnh về một kiến trúc trứ danh, với những bức tranh tường của danh họa Mikenlangielo gắn bó chìm nổi như sự vinh danh tột đỉnh tài năng một con người, lại như một định mệnh...

Vậy mà giờ đây quần thể kiến trúc ấy hiện ra sừng sững, uy nghiêm trong nắng hanh vàng của mùa thu châu Âu, khi những cành lá phong còn xanh xao phơ phất bởi gió thu về.

Đúng là "mọi ngả đường đều dẫn đến Roma".

Rất thích thú, cũng đúng ngày chúng tôi đang ở Roma, Thư viện Tòa thánh Vatican mở cửa trở lại, sau 3 năm trùng tu. Đây được coi là một trong những thư viện cổ nhất thế giới- một kho tàng văn hoá- văn minh vô giá của nhân loại, nơi lưu trữ hơn 75 nghìn bộ kinh thánh chép tay, những bộ sách sưu tầm quan trọng về lịch sử, khoa học, văn hóa. Dĩ nhiên, không phải ai cũng đủ trình độ để được làm độc giả ở thư viện này.

Nhưng tôi chỉ muốn nói về cái ấn tượng mạnh, khi được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc của Tòa thánh Vatican, cũng như Đấu trường Coliseum, Điện Pathenon, Đài phun nước Trêvi... đến mức bị ám ảnh, thậm chí như bị "sốc". Đó là nếu lãng mạn viển vông, bạn sẽ dễ bị thất vọng, sẽ không có cảm giác bị chinh phục bởi sự "lộng lẫy tưởng tượng" về các thánh đường, các đền đài ở đây.

Một quần thể các kiến trúc mang dấu ấn Italia diễm lệ, thanh cao về đường nét đến mức độ cầu kỳ và tỉ mỉ, tinh tế và tinh xảo vô cùng, quy mô cũng hoành tráng vô cùng, thế nhưng tất cả đều mang màu xam xám của thời gian, của cổ tích. Hóa ra, đó là cách quảng bá văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đất nước Italia, của Vatican kiêu hãnh uy nghi.

Một sự cũ kỹ "cố tình"- một sự bảo tồn kiến trúc cổ cực kỳ tinh tế, hàm chứa một trình độ thẩm thấu cao.

Khu Trung tâm Tòa thánh Vatican. Ảnh: Kim Dung

Bậc tiền nhân của đế chế La Mã sáng tạo đạt tới đỉnh cao, và kẻ hậu thế bảo tồn sự sáng tạo cũng đồng cảm đến tuyệt đối, cho dù "họ" chẳng hề biết nhau. Cho dù họ xa cách nhau về thời gian hàng thế kỷ, họ vẫn gặp nhau trong sự "tri kỷ" về nghệ thuật. Để cuối cùng, mang đến cho người đương thời sự thưởng lãm cái đẹp vô song- một sự tri âm về văn hóa một quốc gia, thông qua các di sản kiến trúc và nghệ thuật vô giá.

Sau cú "sốc" là sự... bái phục

Người viết bài này đã phải ngước nhìn rất lâu, ngắm mãi những cột đá trắng trong số 284 cột đá trắng hình trụ chạy vòng cung, trên các cột, khắc 140 vị thánh, tạo thành một quảng trường rộng lớn. Mỗi cột đá được ốp bằng những phiến đá lớn, có những vân đá xám như những dải mây hờ hững, hoành tráng đấy, mà thanh cao, nhẹ nhàng đấy... không hiểu bằng một kỹ thuật như thế nào, nếu như biết rằng, Thánh đường này đã tồn tại 343 năm (1667).

Chả thế, có người đã nói vui: Người Việt nói giỏi, làm dở và chưa biết...đi. Chợt nhớ câu thơ tự trào của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: "Dân 25 triệu ai người lớn. Nước 4000 năm vẫn trẻ con". Có lẽ, giờ là lúc cả xã hội chúng ta cần...tập đi.

Mà không chỉ tập đi, chúng ta cần tập có tư duy văn hóa thay cho tư duy "phản" văn hóa đang diễn ra tràn lan trong xã hội, ở bất cứ lĩnh vực nào, từ cái nhỏ nhất là...đi lại, đến cái lớn nhất là cách bảo tồn di sản. Bởi trên đất nước ta còn có biết bao nhiêu di tích, di sản kiến trúc. Riêng Hà Nội, con số này là 5000, trong đó, có gần 1000 di tích được công nhận cấp quốc gia. Và bởi cái biệt danh đất nước "vạn còi" không thể là biệt danh kiêu hãnh.

Cũng không chỉ có Tòa thánh, bất cứ quần thể kiến trúc nào, như Đấu trường Coliseum chẳng hạn, tồn tại như... nó phải thế. Công trình kiến trúc vĩ đại, có hình êlíp với chu vi 527m, chiều cao 48m, sức chứa 87.000 người, được xây dựng vào năm 80 sau Công nguyên dưới triều vua Tytuxi. Giờ, trông như "đổ nát tương tàn", bởi chính sức mạnh gầm thét của hổ, báo, sư tử...bị bỏ đói, sổng chuồng vồ những kẻ tù nhân thảm thương, làm trò vui tàn khốc cho giới quân vương, quý tộc thời La Mã cổ đại- tiêu khiển...

Và cũng không chỉ có Đấu trường Coliseum. Bất cứ kiến trúc cổ nào ở khắp thủ đô Roma cũng đều ở trạng thái "già nua, cũ kỹ", nhưng mang trong nó một thông điệp sâu sắc, cả nội lực, cả sự chói lọi huy hoàng của một đế chế La Mã hùng cường, tựa trên một nền nghệ thuật kiến trúc kiêu hãnh, đỉnh cao nhân loại mà không một quốc gia nào có thể sánh.

Chợt hiểu vì sao, hàng triệu lượt khách du lịch khắp thế giới thường xuyên đổ về Roma nói riêng và Italia nói chung, chiêm ngưỡng các di sản văn hóa cổ kính mà lừng lẫy, để rồi... "kính cẩn nghiêng mình".

Chữ tâm cũng có hơi...đồng?

Trở về Hà Nội, người viết bài này lại bị "sốc". Nhưng là "cú sốc" của sự thất vọng, và tin chắc là của những ai ai vốn yêu quý, trân trọng kiến trúc Việt cổ.

Đó là thông tin, Thành Tuyên đã biến thành...lò gạch. Có tuổi đời 418 năm- Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) là một di tích "cổ thụ", nói lời nói của ngàn xưa với hôm nay bằng chính vẻ phế tích, bằng từng viên gạch rêu phong mang hồn lịch sử. Vậy mà với một dự án chục tỷ đồng, Thành nhà Mạc biến thành lò gạch nhẵn nhụi, vô cảm.

Chỉ trong thời gian ngắn, Thành nhà Mạc đã "thất thủ" trước cách "bảo tồn di tích kiểu Việt Nam", có "tư duy dự án" làm đòn bẩy. Nhưng đó không phải là di sản kiến trúc duy nhất "đầu hàng" ngành văn hóa. Trước đó, Cổng thành Sơn Tây cũng đã quy hàng bởi cách làm văn hóa rất "phản văn hóa" này, đã khiến xã hội đau day dứt.Thành nhà Mạc chưa kịp cũ, Cổng thành Sơn Tây còn trơ gan cùng tuế nguyệt thì mới đây, Ô Quan Chưởng, cửa ô còn lại duy nhất của Hà Nội, được xây vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến nay, là 261 năm, cũng được "thẩm mỹ viện". Không ít người dân, nhà ở quanh đó, một sớm mai bừng tỉnh, thấy gương mặt Cửa Ô yêu dấu của mình như được "đeo mặt nạ".

Tuy nhiên, theo KTS Lê Thành Vinh, người chủ trì, cũng là chủ nhiệm Dự án trùng tu đình Chu Quyến đã đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương,hiện công việc "sơn quét" vẫn đang tiếp tục, do trong quá khứ, Ô Quan Chưởng đã từng bị trùng tu một cách thô bạo, và hiện các ông đang phải tìm giải pháp tháo chữa, sửa sai. Vậy, hãy cứ chờ xem...

Nhưng điều đáng buồn nhất, cung cách bảo tồn di sản kiến trúc ở ta, do quan niệm, do kém cỏi, dốt nát, hay là chuyện "tư duy trục lợi"? Câu hỏi này chỉ có sự vô cảm, sự nhẵn nhụi, bảnh bao...của các di tích sau trùng tu, bảo tồn mới trả lời nổi. Muốn có tiền tiêu, phải có dự án. Muốn có dự án, phải bóc cái cũ, làm lại cái mới...

Ô Quan Chưởng trước và sau khi trùng tu. Ảnh: VOV
Thậm chí nhiều khi không cần phải là di sản kiến trúc, danh lam thắng cảnh cao sang gì, mà chỉ đơn thuần là cái vỉa hè đường phố, cần có tiền thì...bóc lên lát lại.

Làm sao một nền văn hóa mấy nghìn năm các bậc tiền nhân để lại, đến hôm nay, không tìm thấy sự tri kỷ ở những kẻ hậu thế chúng ta? Hay bởi thời buổi kim tiền, mà chữ tâm cũng chỉ có... hơi đồng?

"Vạn tượng" và "vạn còi"

Trước những khủng hoảng văn hóa, suy vi của xã hội, người ta thường đổ lỗi tại ngành giáo dục. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ và thấu đáo. Bởi ngay sát cạnh chúng ta, có một đất nước, giáo dục đâu đã phát triển nhưng tại sao văn hóa lại "dễ thương" đến vậy?

Ai đã đến Thạt Luổng (Tháp Lớn) của đất nước Lào, hẳn đều phải sững sờ chiêm ngưỡng. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 14, Thạt Luổng là một quần thể kiến trúc quy mô rất lớn, và là ngôi tháp đẹp nhất của toàn vùng Đông Nam Á - công trình văn hóa đặc sắc của kiến trúc Phật giáo, xứ sở Triệu voi.

Lào không chỉ có các quần thể kiến trúc, chùa chiền đẹp tuyệt vời, pha vẻ hiện đại: Khải Hoàn Môn (chẳng kém gì Khải Hoàn Môn của Paris nước Pháp), chùa Wat Sisaket, ngôi chùa cổ nhất Viên chăn, được xây dựng từ 1565... mà nước Lào hiền hòa và an lành quyến rũ khách thập phương còn bởi chính nét văn hóa rất có "Đạo", thấm đẫm từ cách giao tiếp, ứng xử đến đi lại. Văn minh, văn hóa và tự tôn.

Tôi đã bị ám ảnh rất lâu về văn hóa "tổng thể" của quốc gia này, một quốc gia còn nghèo, đô thị chưa hiện đại. Nhưng cái chất văn minh lại toát ra từ bất cứ những giá trị vật thể, phi vật thể nào trong đời sống.

Có người lý giải Lào là đất nước của Đạo Phật. Đạo Phật thấm đẫm trong tư tưởng, phong thái, trong lối sống và ứng xử cộng đồng. Nhưng xã hội chúng ta, cũng có rất nhiều chùa chiền, và con nhang đệ tử lễ bái nhộn nhịp. Chúng ta còn tự hào, chúng ta có "đạo học". Có điều ta học nhiều nhưng thực hành chẳng được bao nhiêu. Thế nên, không chỉ các di sản kiến trúc, cái dễ thấy nhất còn là văn hóa ứng xử cộng đồng đã và đang trở thành một thứ "phản văn hóa" trong đời sống xã hội hôm nay, ai cũng biết nhưng không sao thay đổi được.

Không phải ngẫu nhiên, cách đây ít lâu, một số bài báo của nước ngoài, viết tập trung riêng về giao thông đô thị đăng trên báo chí Việt Nam. Đáng chú ý nhất là bài báo của một ký giả người Đức, đăng cả trên trang mạng Welt online Đức, tiêu đề "Giao thông Hà Nội - một sự điên rồ hoàn toàn bình thường", thu hút nhiều độc giả Đức bình luận:

"Bạn cảm thấy mình rất chịu chơi ư? Bạn thấy chưa việc gì có thể thoả mãn tính thích hung hiểm, hay bạn thấy sức khoẻ của mình tốt như kim cương không gì tàn phá được? Vậy mời bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt.

Bóp còi là nghĩa vụ công dân tại Việt Nam. Còi dùng để cướp đường, cũng có khi chỉ vì tay đang rảnh rỗi, cũng có khi do cả hai. Thậm chí, vì vô cớ, muốn chơi trội giữa trời đất. Tiếng còi khắp mọi nơi, đằng sau, đằng trước, trái, phải, đâu đâu cũng inh ỏi còi, 24 trên 24, bảy ngày trong tuần... Người Việt hay gọi Lào là nước "vạn tượng", nên tôi cũng xin được mạn phép gọi Việt Nam là đất nước "vạn còi"!

Tôi cho rằng, người Việt, ai cũng nghĩ mình phải có vài ba mạng sống, nếu không thì chẳng ai dại gì tham gia giao thông, bởi lúc nào cũng phải đem mạng mình ra cá cược. Trên luật là đi lề phải nhưng thường thì chỗ nào cũng phóng lên được, kể cả vỉa hè, ụ chắn, miễn là có chỗ... Nếu bạn bị tai nạn giao thông thì sao? Câu trả lời chỉ có một: Chết là cái chắc. Cấp cứu khẩn cấp ư? Ai điên mà lao đầu xuống đường đầy xe để cấp cứu bạn?"

Đọc mà buồn cười, mà đau cho đất nước ... "vạn còi" chúng ta.

Cổng vào của Thạt Luổng (Lào). Ảnh: Kim Dung

Cách đây 4 năm, GS Seymour Papert nổi tiếng (người Mỹ) bị thương nặng do tai nạn giao thông ở Hà Nội, đã là một nỗi hổ thẹn của những người Việt Nam không sao gột rửa được. Còn trong Chương trình chiếc nón kỳ diệu năm nào đó, trả lời câu hỏi: "Ở Hà Nội, cái gì lạ nhất?"- chồng của nữ nghệ sĩ múa Lê Vi, một họa sĩ người Pháp, đã trả lời: Lạ nhất là giao thông Hà Nội!

Vâng. Giao thông đô thị, đặc biệt ở Hà Nội là điều lạ nhất với người nước ngoài. Và lạ cả với khái niệm văn hóa.

Chả thế, có người đã nói vui: Người Việt nói giỏi, làm dở và chưa biết...đi. Chợt nhớ câu thơ tự trào của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: "Dân 25 triệu ai người lớn. Nước 4000 năm vẫn trẻ con". Có lẽ, giờ là lúc cả xã hội chúng ta cần...tập đi.

Mà không chỉ tập đi, chúng ta cần tập có tư duy văn hóa thay cho tư duy "phản" văn hóa đang diễn ra tràn lan trong xã hội, ở bất cứ lĩnh vực nào, từ cái nhỏ nhất là...đi lại, đến cái lớn nhất là cách bảo tồn di sản. Bởi trên đất nước ta còn có biết bao nhiêu di tích, di sản kiến trúc. Riêng Hà Nội, con số này là 5000, trong đó, có gần 1000 di tích được công nhận cấp quốc gia. Và bởi cái biệt danh đất nước "vạn còi" không thể là biệt danh kiêu hãnh.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-07-van-hoa-va-phan-van-hoa


Âm lịch

Ảnh đẹp