07/10/2010 21:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 4854
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nguyễn Minh Sơn: Thưa các bác. Tuần này ta đón chào sự kiện văn hóa lớn: Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, vì thế em đề nghị bàn tròn  này với đề tài: Nghĩ về Hà Nội. Các bác đồng ý không?


Hồ Gươm. Ảnh: TL internet


Hồ Trung Tú: OK thôi. Nhưng tui cũng xin nói thật, viết đến như Vũ Bằng còn chưa cho là đủ huống là tôi chỉ có ba năm nhăng nhít ở trường viết văn Nguyễn Du. Thực sự thì tui không biết gì về Hà Nội.

Nguyễn Minh Sơn: Vâng, ta biết cái gì, biết đến bao nhiêu thì ta nói đến chừng đó thôi các bác ạ. Câu hỏi đầu tiên hơi sến một chút nhưng mà vui: Trong  ức tuổi thơ của mình, Hà Nội của các bác là thế nào?

Nguyễn Trọng Tín: Kí ức tuổi thơ tôi không có Hà Nội. Chỉ nghe hát “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” và “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”. Đọc Vũ Bằng, Thạch Lam, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm thì thấy thương bốn ông này thôi, vẫn chưa thấy thương Hà Nội.

Đỗ Trung Quân: Mẹ tôi người Hà Nội nhưng tôi sinh ở Sài Gòn, chả có kí ức gì về Hà Nội. Với tôi, Hà Nội là mẹ tôi. Hồi nhỏ đi học đều bị gọi là thằng "Bắc kỳ con”, chả ai gọi là thằng Hà Nội con” cả. Tôi yêu và nhớ Hà Nội chỉ vì mẹ tôi yêu và nhớ Hà Nội chứ thực tình tôi không hề hình dung Hà Nội là gì, Hà Nội như thế nào.

Nguyễn Quang Lập: Tôi thì khác, hồi bé tôi khi nào cũng nghĩ về Hà Nội, nhớ thì không nhưng luôn nghĩ về nó. Tôi ở quê nghèo, vì thế với tôi Hà Nội là nơi có những gì mình mơ ước. Có kem, có phim, có xiếc, có ô tô, có tàu điện, có vườn thú, có vân vân… Tóm lại Hà Nội đối với tôi vô cùng tuyệt vời.

Nguyễn Minh Sơn: Tôi sinh ra ở miền Nam, ký ức tuổi thơ không có Hà Nội. Những bài thơ, bài văn nghèo nàn trong sách giáo khoa không phác thảo được trong tâm hồn tôi mảnh đất kinh kỳ xa xôi. Khi đã trưởng thành rồi tôi mới biết Hà Nội nhờ các nghệ Phan Vũ, Đoàn Chuẩn, Bùi Xuân Phái và cả ông tướng nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. Tôi nghĩ về Hà Nội rất đẹp và cảm thấy yêu mến Hà Nội cũng nhờ những nghệ này.

Đấy, Hà Nội trong chúng ta là vậy, hơi nghèo một chút nhưng nó thực, không hoa hòe hoa sói là tốt rồi. Cảm ơn các bác, cho em chuyển sang câu hỏi thứ hai: Nét đẹp nhất, ấn tượng nhất, thú vị nhất về Hà Nội dưới cái nhìn của các bác?

Hồ Trung Tú: Con gái Hà Nội nói chuyện là dễ thương nhất. Còn lại thì cũng vậy thôi, ở đâu quen đó, người Tokyo thì yêu Tokyo, người New York thì yêu New York, người Mạc Tư Khoa thì yêu Mạc Tư Khoa, em Tư Cà Mau ra Hà Nội một tháng chắc bỏ chạy về. Mà nè, Hà Nội đúng là có nhiều cái hay,cái thú vị thật, thế nhưng yêu đến độ quyết bám trụ quanh Hồ Gươm bán kính 10km thì thành bệnh rồi. Tuikhông muốn tham gia làm bệnh nặng thêm đâu!

Nguyễn Quang Lập: Tôi cũng không lâm bệnh bán kính 10 km quanh Hồ Gươm. Hồi mới ra trường, người ta phân tôi về Tổng cục Bưu điện, tôi cứ khóc đứng khóc ngồi xin về quê cho bằng được. Nhưng tôi yêu Hà Nội vì tuổi trẻ của tôi gắn bó với Hà Nội, tôi lớn khôn được chút gì là nhờ Hà Nội. Tôi ghét sự khôn lỏi, láu cá nhưng tôi thích nhất sự tinh tế của người Hà Nội, đặc biệt là con gái Hà Thành. Tôi nghĩ bác Quân có được những gì hôm nay cũng vì bác có mẹ là người Hà Nội. Tôi nói rất thật lòng. Kiếp sau thế nào tôi cũng cưới vợ người Hà Nội, hi hi.

Nguyễn Trọng Tín: Với tôi Hà Nội hồ đẹp. Mùa đẹp. Và, gái đẹp. Sau này có thêm cái quán Vọng Ba Lâu với món cá chép om dưa cùng nhóm bạn thân tình: anh Đỉnh, Ấu Phương, Tiến, Cường… và bọ Lập.

Nguyễn Minh Sơn: Vì bác Võ Đắc Danh đi công cán nước ngoài, em xin thế chỗ bác Danh. Em ấn tượng nhất những hàng chè chén dưới gốc cây cổ thụ bên hè phố. Vỉa hè Hà Nội có lẽ là nơi “Hà Nội nhất” khi mà mọi thứ đang thay đổi hàng ngày. Nhưng thú vị nhất ở Hà Nội vẫn là mùa thu. Buổi chiều, rủ dăm ba người bạn vào trong những quán rượu nhỏ nhìn những cô gái quàng khăn len đi vội qua đường, những người đàn bà chở sen đi bán trên phố đẹp lạ lùng. Quán rượu bà già đầu phố Phan Huy Ích, quán rượu Cỏngày xưa chỗ phố Thợ Nhuộm, quán vỉa hè trong ngõ Tạm Thương… chỉ đủ năm bảy chỗ ngồi. Đó là nơi những người già hồi tưởng về một thời Hà Nội.

Đỗ Trung Quân: Lần đầu tiên ra Hà Nội 1994, tôi như điên lên vì sau hơn 30 năm chiến tranh, những gì đọc trong Thạch Lam, Vũ Bằng... hiện ra trước mắt, ngay dưới chân mình trên những vỉa hè Hà Nội. Tôi đưa mẹ tôi về bằng chút tro tàn rải xuống Hồ Gươm. Bây giờ ra vào nhiều lần hết "điên lên" rồi.

Hồ Trung Tú: Tui nói không biết có lạc đề không. Hà Nội nó chỉ là Hà Nội nếu nó chứa được trong lòng  cái bề dày văn hóa kinh  ngàn năm. Còn không thì nó chả có gì hơn Đà Nẵng tui đâu nhá. Các bác đừng mắng tui cực đoan.

Nguyễn Minh Sơn: Câu nói của bác Tú gợi cho em có câu hỏi này: Hà Nội đương thời có gì chưa Hà Nội, không Hà Nội?

Nguyễn Trọng Tín: Tôi không biết Hà Nội thật Hà Nội thì như thế nào. Thỉnh thoảng Sài Gòn trời trở bấc, tôi lại nhớ rét Hà Nội, nhớ đường vắng về khuya, cây bàng trụi lá đầu ngõ Thông Phong và tiếng rao xôi khúc.

Ấn tượng “lạ” Hà Nội thì: Vì sao đi đường người ta bóp kèn xe inh ỏi. Vì sao cô gái đẹp ơi là đẹp lại có thể chửi rất tục. Vì sao người có tuổi hay nói chuyện cao siêu. Nhiều món ăn Hà Nội rất ngon, nhưng chuyện vệ sinh của quán thì rất sợ…

Nguyễn Quang Lập: Thì bác Tú đã nói rồi đó: Hà Nội nó chỉ là Hà Nội nếu nó chứa được trong lòng nó cái bề dày văn hóa kinh kì ngàn năm. Điều đó có nghĩa là làm mất hay làm biến dạng văn hóa kinh  thì Hà Nội sẽ không còn Hà Nội. Ngoài ra Hà Nội đặc sắc nhờ có ao hồ, có cây xanh, có vỉa hè. Đánh mất ba thứ đó thì nói như bác Tú: Hà Nội còn kém thua Đà Nẵng.

Đỗ Trung Quân: Hà Nội đang mất dần thanh lịch, đang nhiều dần cái... nguy kịch trong ứng xử cộng đồng. Muốn có Hà Nội thứ thiệt, người ta phải dẹp đám chửi bậy, nói tục, vô lễ, vô cảm… và quét sạch bọn người đạo đức giả đi. Có lẽ khi đó Hà Nội mới là Hà Nội.

Nguyễn Minh Sơn: Hà Nội bây giờ là một thành phố và cả nông thôn sau khi nhập với Hà Tây. Hà Nội bây giờ là cái rốn của dân nhập cư đủ nghề nghiệp, đất chật người đông, nhà cửa lố nhố lô nhô. Thủ đô đang trở thành một trung tâm kinh tế kiêm trung tâm chính trị. Kiến trúc kinh kỳ không còn giữ, nét đẹp của người Tràng An mất đi thì hai chữ Hà Nội chỉ còn trong thơ văn, nhạc và tranh.

Hồ Trung Tú: Cái quan trọng trong những thứ quan trọng nhất cần phải gỡ trước hết là cần phải tách Hà Nội cũ và Hà Nội mới ra thành hai khái niệm độc lập. Cái ta cần bảo vệ và phục hồi là Hà Nội cũ, Hà Nội của 36 phố phường. Còn Hà Nội mới thì đẩy ra xa và cho nó phát triển mạnh như Đà Nẵng đi. Nhập nhằng chuyện này làm gì cũng không được! Làm sao để dân số Hà Nội cũ còn lại như hồi 1945, có thế ta mới biết được cái gì thực của Hà Nội và cái gì không.

Nguyễn Minh Sơn: Vâng, em nghĩ chúng ta còn phải nghĩ nhiều về Hà Nội, câu chuyện hôm nay mới là sự khởi đầu, một sự khởi đầu hơi buồn tẻ nhưng thật lòng. Cảm ơn các bác, cho em xin kết thúc bàn tròn tại đây.

Nguon: http://sgtt.vn/Doi-the-ma-vui/130453/Ban-tron-Nghi-ve-Ha-Noi.html


Âm lịch

Ảnh đẹp