còn đang phát triển thì… vô sinh từ từ!
Trong khi người Âu – Mỹ đi tìm con nuôi dáo dác thì người Mễ, người
Uganda… vẫn đẻ ào ào. Tại một quốc gia giàu có… thì người giàu đẻ khó
hơn người nghèo. Nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ, cao lương mỹ vị thì
vô sinh nhiều còn nhà ổ chuột, thiếu ăn thiếu mặc thì đẻ nuôi không
xuể! Trong một cuộc điều tra “Xã hội học – sức khỏe” tại một xã nghèo ở
ngoại thành có tỷ lệ phát triển dân số rất cao, một thanh niên cho chúng
tôi biết sở dĩ người ta đẻ nhiều là vì không có niềm vui nào khác! Mười
năm sau trở lại chốn này đã thấy đô thị hóa, dịch vụ giải trí thừa mứa,
người ta bận rộn nhiều việc, có nhiều niềm vui khác nên người ta không
buồn đẻ nữa! Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng dễ dàng và
tiện lợi, giá cả phải chăng và tại Anh, người ta còn cho miễn phí nhằm
thúc đẩy phát triển dân số, “trẻ hóa” dân số đang già cỗi của họ nên
chuyện thụ tinh nhân tạo sẽ ngày càng phổ biến. Cách đây khá lâu, một
tạp chí Pháp đăng một bức tranh biếm, vẽ một đám cưới cô dâu chú rể đang
âu yếm dắt tay nhau đi chào mọi người thì một đoàn các labo cầm ống
nghiệm rồng rắn chạy theo để tiếp thị.
Tại sao bỗng dưng con người lại bí… đẻ
một các toàn cầu hóa như thế? Có phải vì nhà cao cửa rộng, người ta ít
còn có dịp thân mật gần gũi như xưa? Có phải vì ngày nay người ta
quá đỗi bận rộn không còn có thì giờ? Có phải vì người ta bây giờ đa
đoan vất vả, căng thẳng thần kinh, rã rời thân xác đến nỗi phải mượn đến
Viagra hỗ trợ mà Viagra thì lại hoàn toàn không có tác dụng gì cho
chuyện sinh tinh, giúp dễ thụ thai. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tinh
trùng ở đàn ông ngày càng yếu đi, cả chất lượng lẫn số lượng, đến nỗi
thụ tinh nhân tạo phải chắt lọc, tìm kiếm cho được một chú tinh trùng
còn khỏe mạnh rồi giúp “bắn” thẳng chú vào cái trứng đang mong đợi kia,
nếu không làm vậy, chú cũng chẳng buồn ngo ngoe! Khác với ngày xưa, cả
một bày hàng tỷ con hùng hục chạy marathon tìm đến trứng, rồi chỉ một
“người hùng” xâm nhập được vào trong trứng… để thụ tinh. Ôi, thời oanh
liệt nay còn đâu!
Có một
giả thuyết hoàn toàn sinh học để giải thích hiện tượng vô sinh toàn cầu
hóa này: Đó là tại cái… quần Jean! Số là tinh trùng được sinh sôi nảy
nở ở hai tinh hoàn, vốn là một phòng thí nghiệm tối tân, luôn luôn được
giữ lạnh ở mức tối ưu mà thiên nhiên đã xếp đặt sẵn trong hai “bìu dái”
nằm bên ngoài cơ thể, để nhiệt độ lúc nào cũng mát mẻ hơn so với nhiệt
độ cơ thể, thế rồi con người bày ra các loại đồ lót kín bưng, kín mít,
rồi còn tròng thêm một lớp quần jean dày cứng, ngột ngạt… sẵn sàng bóp
nghẹt mọi mầm mống phát triển, khiến cho việc sinh tinh bị hạn chế, cả
về số lượng lẫn chất lượng! Không phải sao? Thử nhớ lại các cụ ta ngày
xưa! Họ không hề mặc đồ lót dày cứng mà chỉ mặc… xà lỏn thùng thình,
phất phới tung bay; quần áo ngoài thì chỉ là một bộ bà ba lụa lèo rộng
rãi, phong phanh, mát mẻ; ăn uống thì lành mạnh, không lo thừa đạm, dư
cholesterol; ngủ thì chật chội, xoay qua đụng, xoay lại đụng… do vậy mà
cừ đẻ sòn sòn, đầu năm con trai, cuối năm con gái!
Nhưng mà, bài này có cái tựa là : ”Bò,
tại sao điên?” kia mà! Chuyện như vầy. Một ông bạn tôi hỏi sao lúc này
bò điên nhiều thế, hết ở Anh lại đến Pháp rồi Hà Lan, Canada…? Tôi giải
thích là do một loại Prion gần giống như virus làm cho não bộ của bò bị
xốp đi… Ông bạn cười: Ông chả biết cái gì cả! Bò điên là tại vì trên thế
giới hiện nay người ta nhân giống bò không theo kiểu cổ điển, lâu ngày
bò chẳng làm ăn gì được nên mới hóa điên đó thôi!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc