Những mảnh vở lịch sử vùng Đông Nam Á


Bùi Phương Hải (lược dịch)
03/09/2010 21:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 5588
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Châu Á là cái nôi ổn định của sự đồng nhất, nơi gặp gỡ, giao lưu, kết hợp, hoà trộn của những nền văn minh lớn, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Nó giống như một mạng lưới được hình thành từ nhiều thành tố và màu sắc khác nhau, nhưng kết hợp hoà trộn để tạo thành một tấm vải liên tục, tiếp nối. Gió mùa, Mandala, Champa, I Tsing, Trịnh Hoà, Mã Tổ, Francis Xavier, Deshima, tất cả đều ngẫu nhiên tạo nên sự đa dang, phong phú, mối quan hệ nội tại của tiến trình lịch sử và sự giao thoa giữa các nền văn hoá ở Đông Nam Á bắt đầu từ thế kỷ thứ Nhất đến thời thuộc địa.

Gió mùa

Nằm ở vị trí chiến lược, ngay tại ngã tư của các tuyến đường mậu dịch thế giới, khu vực Đông Nam Á đón nhận rất nhiều nguồn ảnh hưởng từ bên ngoài: Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Châu Âu và cả phần còn lại của thế giới. Tất cả những ảnh hưởng này được hấp thụ và kế thừa trong nền văn hoá bản địa, rồi lại được thể hiện ra qua nền văn hoá, ngôn ngữ, kiến trúc… độc đáo nhưng lại có những mối quan hệ mật thiết với những nền văn hoá mà nó chịu ảnh hưởng.

Hành trình của những tàu buôn từ phương Bắc (Trung Quốc, Nhật Bản, Ryukyu) lợi dụng gió mùa từ tháng Một đến tháng Hai để đến Đông Nam Á, rồi lại lợi dụng gió mùa thổi hướng Nam để trở về vào tháng Sáu, tháng Tám. Các tàu buôn Ấn Độ và Ả Rập đi về phương Đông nhờ gió mùa thổi hướng Tây Nam từ tháng Tư đến tháng Tám, và quay trở về nhờ gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 12. Trong khoảng thời gian giữa mùa gió xoáy hay gió đổi mùa, những thương nhân này ở lại các cảng Đông Nam Á để đợi những bạn hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Hầu hết các hoạt động buôn bán, trao đổi đều diễn ra bên trong hoặc xung quanh biển Nam Trung Hoa, biển Java và eo biển Malaka – nơi được coi là Địa Trung Hải của Châu Á - nằm giữa hai bán đảo lớn (Trung Quốc - Ấn Độ), và hai đại dương (Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương). Do đó, ngay từ thế kỷ thứ nhất, những vùng biển và vùng nội địa của những vùng biển này trở thành những nền tảng trù phú cho sự phát triển rực rỡ của những nền văn minh mới, những xu thế mới của đô thị hoá và kiến trúc.

Mandala – trật tự của vũ trụ

Con người sinh sống ở vùng giữa hai cực của vũ trụ: thánh thần và quỷ dữ, thượng và hạ, núi và biển, Nam và Bắc; giữa phương mặt trời mọc và mặt trời lặn, hay giữa phương Đông và phương Tây. Ba cách phân chia vũ trụ hay hệ thống trật tự của vũ trụ như vậy cũng chính là phép ẩn dụ về cơ thể con người: đầu, thân, chân, và đây cũng chính là hình ảnh ẩn dụ của vũ trụ: bầu trời, mặt đất và phần đất ở bên dưới.

Nơi trú ngụ truyền thống ở khắp Đông Nam Á cũng được gắn bó mật thiết với quy luật của vũ trụ này, điều đó được thể hiện ở chỗ làng bao giờ cũng được lập ở khu vực giữa núi và sông hoặc biển. Những công trình xây dựng quan trọng nhất (đền thờ tổ, nhà của trưởng tộc, mồ mả của tổ tiên) bao giờ cũng được đặt ở vị trí cao nhất trong làng hoặc hướng về phía núi. Những hoạt động liên quan đến sự không trong sạch (sự thải rác…) được đặt ở phía dưới gần bờ sông. Trong nhiều trường hợp, những kho gạo – có chức năng rất quan trọng trong những cộng đồng trồng lúa lại được đặt ở rìa làng phía Đông, đối diện với phương mặt trời mọc.

Học thuyết về trật tự vũ trụ vốn vẫn được dùng sau này được phát triển tinh vi hơn bởi thuyết trật tự vũ trụ của Ấn Độ, còn được gọi là nguyên tắc Mandala. Mandala là một từ tiếng Phạn có nghĩa là một trật tự vũ trụ theo các đường tròn đồng tâm. Về mặt hình học, nguyên tắc này có thể mô tả lại bằng hình vẽ của một khối vuông được chia thành chín khối vuông nhỏ. Nó có thể được coi là hệ thống trật tự của không gian (thượng-trung-hạ) tính từ phía Bắc sang phía Đông (hai phương hướng cơ bản). Không gian ở giữa là trung lập, cái rốn, bụng, hay trung tâm. Góc phải phiá trên cao là đầu não, nội phòng hay là nơi tôn nghiêm nhất. Góc bên trái ở dưới thấp là chân, chỗ thấp nhất, bẩn nhất, là ngưỡng cửa bước ra một thế giới không trong sạch. Một thành phố, một ngôi nhà hay một căn phòng cũng được tổ chức theo trật tự về giá trị và ý nghĩa như thế này.

Chúng ta cũng có thể thấy rất rõ quy luật phân bố không gian theo lối đối xứng ở cách bố trí làng mạc, xây dựng đền đài, cung điện và nhà cửa. Nơi ở và các công trình kiến trúc trong làng của người Bali, Miến Điện và Thái Lan, đền đài, lăng tẩm của người Campuchia, thậm chí những ngôi nhà truyền thống của Java và phòng trà của Nhật Bản là những ví dụ minh hoạ điển hình nhất. Những truyền thống văn hoá bản địa ở Đông Nam Á gắn bó mật thiết với Nguyên tắc về trật tự vũ trụ của Ấn Độ-Mandala. Do đó, Mandala là nhân tố hợp nhất của các phương Nam, Đông, và Đông Nam Á, đồng thời cũng là những nguyên tắc cho kiến trúc và quá trình đô thị hoá của Đông Nam Á.

Vương quốc Champa

Từ đồng bằng sông Mekong màu mỡ và trù phú, là nơi khởi nguồn của nền văn minh trồng lúa của cả khu vực Đông Nam Á, kinh đô đầu tiên của Phù Nam được hình thành quanh đồng bằng sông Mekong từ năm 100-600, tiếp đến là sự ra đời của vương quốc Chenla (600-790), Pagan (849-1287), và Khmer (790-1431). Ayuthaya-kinh đô của Thái Lan cũng là một vương quốc Phật giáo khác được hình thành ở lòng chảo Chao Phraya năm 1350-1767. Xa một chút về phương Bắc, vương quốc Champa được hình thành và phát triển hưng thịnh ở giai đoạn 192 – 1471 ở dải đất trũng thuộc miền trung Đông Dương quanh Đà Nẵng ngày nay. Champa là một vương quốc của đạo Hindu dựa trên cơ sở của nền văn hoá lúa nước.

Hoa đại

Thành phố Sài Gòn được xây dựng thành thương cảng và cảng cá của Kh'mer. Tên của thành phố này có “Soai-gon” hay “gỗ cây bông gạo”. Từ này được phát âm thành “Sengon”, một loại cây cùng họ được trồng ở Java.

Cây hoa đại là tên một loại cây thường được trồng trong nghĩa trang ở Đông Nam Á để lấy bóng mát. Ở Ấn Độ loài cây này thường được trồng ở chùa, ở Bali loài hoa này được sử dụng trong các nghi lễ vì cây và hoa tượng trưng cho mối liên hệ giữa trời và đất.

Champa, Saigon, Sengon, hoa Đại, tất cả những cái tên này thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa Java và Đông Dương. Những nét tương đồng về văn hoá vật thể như kiến trúc đền thờ đạo Hindu ở Đông Dương và Java là những minh chứng xác thực hơn về mối quan hệ này. Những thành tố văn hoá Ấn Độ được hoà trộn trong những nền văn hoá bản địa ở nhiều nơi khác nhau thuộc Đông Nam Á, tạo ra những nét vừa riêng biệt vừa tương đồng trong ngôn ngữ và vật thể văn hoá.

I Tsing

Những mẫu thuẫn nội tại xảy ra liên miên giữa các vương quốc ở Đông Dương, nên quyền lực và sự cai quản của họ đối với vùng Đông Nam Á trở nên yếu kém. Đây cũng chính là một trong cơ hội để Srivijaya phát triển nổi bật để trở thành một thế lực đường biển mới nổi ở miền Nam Sumatra vào thế kỷ thứ 7.

Srivijaya nhanh chóng phát triển thành một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá chính của Đông Nam Á. Trường đại học Phật giáo cổ xưa nhất trong khu vực này (được thành lập sau Nalanda ở Ấn Độ , trường đại học cổ xua nhất thế giới), chính là Srivijaya.

Một hoà thượng nổi tiếng người Trung Quốc, I Tsing (634-713) đã dừng chân lại Srivijaya năm 671 trên đường tới Ấn Độ thỉnh kinh. Ông đã dừng lại đây 6 tháng để học tiếng Phạn. Trên đường trở về từ Ấn Độ, ông lại ở lại Srivijaya trong vòng 10 năm cho đến năm 695 để dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc. Do vậy Srivijaya đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá Phật Giáo với Trung Quốc là một trung tâm trao đổi học thuật.

Thủ đô của Srivijaya đã được di chuyển một vài lần. Giữa thế kỷ thứ 7-11 thủ đô của Srivijaya được đặt ở Palembang ngày nay, và cho đến giữa thế kỷ 14 khi một thế lực đường biển mới xuất hiện ở Malaka, thủ đô lại dời về Jambi. Sau đó Srivijaya dần dần không còn là một khu mậu dịch quan trọng của Đông Nam Á.

Trịnh Hoà

Hồi giáo du nhập vào Đông Nam Á thông qua hai tuyến đường chính: tuyến phía Bắc và tuyến phía Nam. Con đường từ phía Bắc là thông qua tuyến đường tơ lụa nối Châu Âu, Ả Rập, Ba Tư, Trung Á và Trung Quốc. Tuyến đường từ phía Nam bắt đầu từ Ả Rập qua Ấn Độ, rồi đến Aceh điểm địa đầu Sumatra.

Những cộng đồng Hồi giáo của người Trung Quốc tập trung sinh sống ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Vân Nam (Yunnan). Hầu hết đều mang họ Mã, có nghĩa là ‘ngựa’ và có mối liên quan chặt chẽ với Muhammad.

Trịnh Hoà (hay còn gọi là Mã Hoà) là con trai thứ hai của một gia theo đạo Hồi ở Kunyang, thuộc miền trung Vân Nam. Cha và ông nội của ông đều có tên là Haji, và đều mang họ Mã. Năm 1381, cha của ông bị giết bởi quân đội viễn chinh của triều đình nhà Minh; bản thân ông cũng bị bắt và trở thành thái giám của Nam Kinh. Ông trở thành cận thần của hoàng tử Chu Khải, người sau này trở thành hoàng đế lấy hiệu là Vĩnh Lạc (1403-1424) hay còn gọi là Minh Thành Tổ. Mã Hoà được phong làm Đại Tổng Quản và được mang họ Trịnh (Zheng).

Vĩnh Lạc hoàng đế phong cho Trịnh Hoà chức đô đốc hải quân, chịu trách nhiệm lãnh đạo một hạm đội nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị và quan hệ mậu dịch với các nước ở Ấn Độ Dương. Chính bản thân Trịnh Hoà cũng có ý định hành hương tới Ả Rập. Thông qua những chuyến viễn thám của Trịnh Hoà trong giai đoạn 1405-1443, ông đã đặt được nền tảng cho những cơ sở mậu dịch mới, đồng thời cũng củng cố được những cơ sở mậu dịch của Trung Quốc ở nước ngoài dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Minh.

Chuyến viễn thám đầu tiên của ông (1405-1407) là một cuộc hành trình từ Nam Kinh (Nanjing) tới Calicut, ông cũng ghé thăm Champa, Java, Svirijaya và nhiều địa điểm khác ở Sumatra và Ceylon. Chuyến thứ hai (1407-1409) là đi tới Ấn Độ và lập hoàng đế mới cho Calicut. Chuyến viễn thám thứ ba (1409 -1411) đi tới Champa, Temasek, Malaka, Sumatra (Samudera và Tamiang), và Ceylon. Chuyến viễn thám thứ tư (1413-1415) là hành trình tới Champa, Java, Sumatera, Malaya, Maldives, Ceylon, Ấn Độ và Hormuz. Chuyến thứ năm (1417-1419) tới Champa, Java, Palembang, Aden, Mogadishu, Brawa, và Malindi trên bờ tây Châu Phi. Chuyến thứ sáu (1421-1422) tới Châu Phi. Cuối cùng, chuyến thứ bảy (1431-1433) tới miền Nam Việt Nam, Surabaya, Palembang, Malaka, Samudera, Ceylon, Calicut, Châu Phi và Jeddah (Arab Seudi). Chính Trịnh Hoà cũng chưa đến được thánh địa Mecca. Ông qua đời trên tàu và được an táng ở Ấn Độ Dương.

Ngày nay ở Đông Nam Á vẫn còn một số công trình văn hoá hay những địa danh để tưởng nhớ Trịnh Hoà. Trong một ngôi làng nhỏ tên là Sempalung gần Singkawang thuộc miền Tây Kalimantan, có một giếng nước trong bên cạnh một ngôi đền thờ Trịnh Hoà. Trên đỉnh đồi đằng sau đền có một phiến đá mang dấu chân của vị đô dốc này.

Semarang thuộc miền trung Java và cũng được xem là được xây dựng bởi một trong những tướng lĩnh hải quân dưới quyền chỉ huy của Trịnh Hoà, nơi ông được những người bản xứ coi là một Kyai Dampu Awang. Một đền thờ vị đô đốc này được xây dựng gần một bến tàu ở Semerang. Sự hợp nhất giữa những thành tố văn hoá đạo Hồi và văn hoá Trung Quốc thể hiện rõ ở văn hoá vật thể, chức năng và thậm chí ở ngay các lớp nghi thức tôn giáo được thực hiện ở đền. Từ “Semarang” và “Sempalung” phát âm gần giống nhau, và từ Trung Quốc có nghĩa như vậy là Sanbaolong hay Sanbalong. Trước khi Trịnh Hoà rời Trung Quốc để thực hiện chuyến viễn thám thứ năm, đội quân của ông đã dừng lại Tuyền Châu (Quanzhou) hay Zaitun để thu nạp quân mới từ Baqi, một làng nhỏ theo đạo Hồi, nằm trên một bán đảo thuộc phía Bắc của thành phố này. Theo truyền thuyết được lưu truyền trong làng, khi tàu của Trịnh Hoà bị mắc cạn trong vùng nước nông ngoài khơi Java (cũng có thể là Semarang), người Baqi đã phải dùng cọc để chống giúp tàu thoát khỏi vùng nước nông này. Sau khi tàu đã ra khỏi vùng nước nông, một chiếc cọc còn mắc lại đó và trở thành cọc dấu.

Mã Tổ (Mazu)

Một người con gái tên là Lâm Mạc nương (960-987) sinh sống ở một làng chài nhỏ trên đảo Mai châu, gần Bồ Điền (Putian) và Tuyền Châu (Quanzhou), tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc. Có rất nhiều những câu chuyện thần thoại xung quanh sự ra đời, cuộc sống và cuộc sống sau khi qua đời của người con gái này. Câu chuyện thường nghe nhất về người con gái này kể về việc cứu sống cha và những người anh của cô khỏi nạn tàu đắm trong một cơn bão, sau này được tôn làm thuỷ thần, người bảo vệ cho các thuỷ thủ và các ngư dân, bảo vệ họ khỏi cướp biển và các thiên tai khác. Bà thường được gọi là Mã Tổ.

Tục thờ Mã Tổ trở nên thịnh hành ngay từ thời Tống (960-1279), và kể từ đó có rất nhiều đền thờ bà được lập ra ở khắp các thành phố cảng ở miền Nam Trung Quốc (Dandong, Yantai, Qinhangdao, Tianjin, Thượng Hải, Ninh Ba (Ningpo), Hàng Châu (Hangzhou), Phúc Châu (Fuzhou), Hạ Môn (Xiamen) , Tuyền Châu (Guangzhou), Ma Cao (Macao), v.v.). sau này việc tổ chức các nghi lễ cầu cúng trước khi nhổ neo của các con tàu biển trở thành tục lệ. Trên tất cả các con tàu có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc thường có bàn thờ Mã Tổ với quan niệm rằng bà sẽ chở che, bảo vệ cho tay lái của con tàu, cho các thuỷ thủ và hành khách trên tàu.

Thậm chí cả Trịnh Hoà, một tín đồ Hồi giáo cũng tuân thủ rất nghiêm ngặt phong tục của địa phương này. Năm 1409, trước chuyến đi thứ ba, ông đã ghé lại đền mã Tổ ở đảo Mai Châu góp công đức. Bởi bà đã bảo hộ cho cả bảy chuyến đi của Trịnh Hoà thành công, vua Minh đã phong Mã Tổ thành Thiên Hậu.

Phong tục thờ cúng Mã Tổ đươc truyền bá ra ngoài Trung Quốc theo các chuyến đi của Trịnh Hoà và với những dòng người di cư (đặc biệt là người Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Châu, Hải Nam) tới Đông Nam Á thế vào kỷ 15. Đền thờ bà trở thành một công trình đầu tiên và lâu đời nhất của các thành phố cảng trong khu vực này, hướng mặt về phía bến tàu và chợ cá. Thông thường ngay phía trước của đền thờ Mã Tổ thường được đặt một đôi sào chống thuyền, vì vậy công trình kiến trúc này trông giống như một hình tượng của con thuyền. Nhiều khi Thiên Hậu thường bị nhầm với Quan Âm.

Một số thí dụ về những công trình kiến trúc như thế là công trình kiến trúc đặt tại số 10 Ulu Palembang (thuộc miền Nam Sumatra), Pattani (miền nam Thái lan), Malaka và Penang (Malaysia). Khi lần đầu tiên người Bồ Đào Nha đặt chân đến Aomen ở đồng bằng sông Lê, họ đã thấy một ngôi đền thờ Mã Tổ (“Ma-kok-miu”) và sau đó nơi đây được gọi là Ama-gao (“Vịnh Amah hay mẹ”), hay còn gọi là Macao. Hầu hết các thành phố biển ở Đông Nam Á đều có một hay nhiều đền thờ Mã Tổ, và coi đó là nhân tố đầu tiên và cổ xưa nhất của thành phố, nơi có thể tìm hiểu về quá trình phát triển về mặt hình thái học và xã hội học của thành phố. Do vậy, sự tồn tại của các đền thờ Mã Tổ ở khắp Đông Nam Á hình thành nên một tổ chức tôn giáo đặc thù ở các thành phố cảng trải dài khắp từ miền Nam Trung Quốc đến Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Francis Xavier

Những người Châu Âu đã bắt đầu bành trướng tham vọng làm bá chủ Châu Á của họ từ cuối thế kỷ 15, khởi đầu là người Bồ Đào Nha (tới Ấn Độ, Malaka, miền Đông Indonesia, Đài Loan, Java, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản), tiếp theo là gười Hà Lan (đến Ấn Độ, Malaka, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản), theo sau họ là người Anh (tới Ấn Độ, bán đảo Malaya, Bengkulu, Java. Trung Quốc), người Tây Ban Nha thì tới Philippines, người Pháp tới Đông Dương, Trung Quốc và người Đức cũng tìm đường tới Trung Quốc.

Thật không may khi hoàng đế nhà Minh đã hoàn toàn chấm dứt các cuộc viễn chinh bằng đường biển tới Ấn Độ Dương ngay sau khi đô đốc Trịnh Hoà qua đời. Năm 1498, Vasco de Gama đã tìm ra mũi Hảo Vọng, còn đường ngắn nhất để đến được Ấn Độ Dương. Ở Châu Phi, những chuyến thám hiểm của Trịnh Hoà và Vasco da Gama cách nhau chỉ trong vòng 80 năm đã thay đổi toàn bộ cục diện lịch sử của nền chủ nghĩa thực dân ở Châu Á.

Người Bồ Đào Nha đã tạo lập được những cơ sở vững chắc cho mình ở Goa (Ấn Độ), sau đó họ đã chinh phục được Malaka, nhanh chóng tiến đến Banten, miền Đông Indonesia, Philippines, Đài Loan (Formasa, ‘hoa đảo’) và Kyushu (miền nam Nhật Bản). Những thương nhân Bồ Đào Nha đến Nhật Bản lần đầu tiên năm 1543 tiếp theo St. Francis Xavier, nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã đến Kagoshima, miền Nam đất nước này năm 1549.

Francis Xavier đến Goa trước vào năm 1542, sau đó tới Malaka năm 1545, Maluku năm 1546,… rồi lại trở lại Goa và cuối cùng qua đời ở đảo Sancian gần Trung Quốc vì bị bệnh nặng trong quá trình truyền đạo Cơ Đốc giáo vào Trung Quốc. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng ông cũng đã truyền bá được Cơ Đốc giáo trên một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ đến tận Nhật Bản.

Những tư liệu quý báu về linh mục St. Francis Xavier, những công trình tưởng nhớ đến ông vẫn còn có thể tìm thấy ở Kyushu, thuộc miền Nam Nhật Bản (ngọn đồi nới ông thường cầu nguyện), ở Malaka (lăng mộ tượng trưng của ông đặt ngay bên dưới bàn thờ Đức mẹ của nhà thờ Hill trên đỉnh một ngọn đồi), và ở Goa (nơi an nghỉ cuối cùng của ông khi thi thể của ông được chuyển về từ Malaka).

Những di sản của người Bồ Đào Nha, tôn giáo , tín ngưỡng (Thiên Chúa Giáo), ngôn ngữ (như: igereja, biola, boneca, lentera, escola, tinta, sisa, ...), âm nhạc, đồ tạo tác (nhà thờ, kiến trúc đô thị, trang trí ) và thậm chí cả di truyền học đều được tổng hợp từ sự hoà trộn giữa đặc trưng văn hoá và con người bản địa với những nét tương đồng về văn hoá và con người từ Ấn Độ tới Malaysia, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Nhật Bản.

Deshima

Người Hà Lan rượt đuổi theo người Bồ Đào Nha trong cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm thuộc địa hoá Đông Nam Á. Họ đã thiết lập được những căn cứ ở Ghana, Mauritius, Nam Phi (Kaapstad), Ấn Độ (Cochin, Pondichery, và nhiều nơi khác nữa), Sri Lanka (Colombo, Negombo, v.v.), Malaysia (Malaka), Indonesia (toàn bộ quần đảo), thậm chí tới cả Nam Mỹ (Guyana, Brazil, Suriname). Những căn cứ thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Malaka đã bị công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đánh bại năm 1641, và trong vòng 156 năm tiếp sau đó Malaka bị đặt dưới ách thống trị của Hà Lan cho đến khi họ bị Anh đánh bại năm 1797. Người Hà Lan đã đổ bộ lên Jayakarta năm 1610 và lập ra một thế lực mới này ở Batavia năm 1619, và kể từ đó họ dần dần bành trướng quyền lực của mình khắp Indonesia.

VOC đã đuổi người Bồ Đào Nha tới tận Đài Loan và xây dựng pháo đài Zeelandia ở đó. Sau đó họ tới Nagasaki (Nhật Bản)mở rộng những mối quan hệ mậu dịch trực tiếp với các Shogun. Họ được phép xây dựng các căn cứ cho mình trên một hòn đảo nhân tạo gọi là Deshima ở Nagashaki. Từ 1640 đến 1859, Nagasaki là địa điểm duy nhất mà người nước ngoài (chỉ người Hà Lan và Trung Quốc) được phép đi lại và buôn bán.

Ở đảo Banda (Maluku), có một bức tranh được lưu giữ tại một bảo tàng địa phương vẽ về cảnh một số Samurai người Nhật tàn sàn dân làng. Thực sự VOC có tuyển mộ một số Ronin (Samurai chưa có đẳng cấp) từ thương cảng Deshima để giúp họ chinh phục Maluku “quốc đảo gia vị” hồi thế kỷ 17.

Có một ngôi làng nhỏ gần Nagasaki tên gọi là Arita, nơi nổi tiếng vì những sản phẩm gốm sứ Ko-Imari được sản xuất theo kỹ thuật gốm sứ học được từ Hàn Quốc. Sứ Arita thuần nhất Nhật Bản nhưng lại có sự kết hợp giữa những phong cách trang trí gốm sứ của Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tư du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường tơ lụa. Từ đầu thế kỷ XVII, VOC đã liên tục đặt những đơn hàng lớn cho sứ Arita thông qua thương cảng Deshima. Gốm sứ được vận chuyển qua "Con đường gốm sứ trên biển" qua Batavia tới châu Âu và được các dòng họ hoàng tộc ở châu Âu ưa chuộng và sử dụng.  

Có những ý kiến cho rằng loại sứ thanh hoa Arita rẻ tiền hơn đã gây ảnh hưởng tới sự sản xuất hàng loạt của của gốm Delft Hà Lan. Sau này, người Hà Lan sử dụng gốm được sản xuất ở Delft để sử dụng tại những thuộc địa của mình ở khắp thế giới. Một số lâu đài, cung điện hay nhà thờ Hồi giáo ở Java (Cirebon, Kudus) đã sử dụng gốm Hà Lan và Trung Quốc để trang trí nội và ngoại thất. Đông đi tới Tây và Tây lại trở lại Đông, tất cả đều được hoà trộn và kết hợp thành những nét đặc trưng mới, giàu có và phong phú trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Tính đồng nhất và sự tiếp nối.

Châu Á là cái nôi ổn định của sự đồng nhất, nơi gặp gỡ, giao lưu, kết hợp, hoà trộn của những nền văn minh lớn, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Nó giống như một mạng lưới được hình thành từ nhiều thành tố và màu sắc khác nhau, nhưng kết hợp hoà trộn để tạo thành một tấm vải liên tục, tiếp nối. Gió mùa, Mandala, Champa, I Tsing, Trịnh Hoà, Mã Tổ, Francis Xavier, Deshima, tất cả đều ngẫu nhiên tạo nên sự đa dang, phong phú, mối quan hệ nội tại của tiến trình lịch sử và sự giao thoa giữa các nền văn hoá ở Đông Nam Á bắt đầu từ thế kỷ thứ Nhất đến thời thuộc địa.

Văn hoá Đông Nam Á thực sự giàu có, đa dạng, phức tạp còn lịch sử là một quá trình tiếp nối chứ không chỉ là những lát cắt, những mảnh vỡ. Hi vọng những câu chuyện nhỏ khá giản đơn kiểu lát cắt như được chọn để giới thiệu trên đây góp phần mở ra một hướng nhìn mới về lịch sử, gợi một sự tò mò và ham mê tìm hiểu thêm về lịch sử vùng Đông Nam Á trong quá khứ và đương đại.

Nguồn: www.geocities.com

Source : http://www.vanhoahoc.edu.vn/content/view/898/85/


Âm lịch

Ảnh đẹp