01/09/2010 23:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 5017
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niềm vui luôn xen lẫn suy tư giữa những ngày hội lớn của đất nước. Mọi người Việt Nam, nói chung và người trí thức nói riêng, trong “Điều còn mãi” năm nay lại chờ đợi “Điều còn mãi” năm sau, năm năm sau, mười năm sau nữa …

Một mùa Thu "mát trong" lại trở về với đất trời Hà nội. Một Tháng Tám lịch sử 65 năm trước lại tái hiện rực rỡ trong ký ức của cả dân tộc Việt Nam. Buổi hòa nhạc "Điều còn mãi..." một lần nữa trở về Nhà Hát Lớn, địa danh lịch sử và văn hóa giữa lòng Hà nội. Trong âm vang những ca khúc hùng tráng như nghe thấy bước đi của lớp lớp người con đất Việt, bắt đầu từ Mùa Thu năm ấy, trong cuộc hành trình 3/4 thế kỷ giành và giữ gìn nền độc lập, sự thống nhất toàn vẹn và xây dựng Tổ quốc Việt nam.

Đúng trong những ngày lịch sử này, một sự kiện tốt lành ngẫu nhiên xảy ra. Nhà khoa học trẻ tuổi Việt Nam - Ngô Bảo Châu được vinh danh trên diễn đàn toán học cao nhất thế giới, góp phần làm cho ngày Hội lớn 65 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội tưng bừng hơn.

Và cũng từ sự kiện đó, sự cống hiến của các thế hệ trí thức Việt nam cho Tổ Quốc được gợi nhớ, được tôn vinh. Đồng thời nghĩa vụ và sứ mệnh của họ trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay cũng được thôi thúc.

Sự dâng hiến cao cả

Lịch sử mãi mãi khắc ghi lớp trí thức thế hệ Hồ Chí Minh, tự nguyện từ bỏ cuộc sống phồn hoa, công danh phú quý ở xứ người, trở về trong lòng dân tộc, dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ 10 năm giành giữ nền độc lập, chấm dứt 100 năm ách thực dân và cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài ngót 30 năm giành thống nhất toàn vẹn non sông.

Dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong Điều còn mãi 2009

Điều còn mãi trong ký ức các thế hệ con cháu là những tấm gương sáng ngời, những tên tuổi như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kontum..., những Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng... . Những Thái Văn Lung, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo v.v. và v.v...

Mỗi người một phẩm chất, một cốt cách riêng, nhưng họ là thế hệ "vàng ròng", là những trí thức uyên bác và tâm hồn rộng lớn, để lại những dấu ấn của sự dâng hiến trên các lĩnh vực khác nhau: khoa học công nghệ, giáo dục, y tế ...Cả những tấm gương tận tuỵ và trong sáng trong trọng trách làm "người đầy tớ của nhân dân".

Cũng chính thế hệ đó đã có vai trò to lớn đào tạo và rèn giũa nên một lớp trí thức mới tiếp nối sứ mệnh nặng nề và phức tạp khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập.

Bao người vẫn còn nhớ thời kỳ hậu chiến và thống nhất, một lực lượng trí thức hùng hậu, sau bao năm đào tạo và trưởng thành ở miền bắc, những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế ...được chi viện từ bắc vào nam, phối hợp với những trí thức tại chỗ bám trụ lại với quê hương. Họ đã sát cánh bên nhau, duy trì và phát triển các viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện, xí nghiệp, trang trại..., từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh và chuẩn bị đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Trong suốt 35 năm qua kể từ Mùa Xuân 1975, trong cuộc đồng hành cùng dân tộc, tầng lớp trí thức Việt Nam đã cùng toàn dân vượt qua bao khó khăn gềnh thác đưa đất nước vượt qua một chặng đường dài xây dựng và phát triển.

Sứ mệnh lớn lao đắt trên vai

Nhưng càng đi lên, những trở lực mới càng lớn trên con đường đi tới. Ước vọng của dân tộc đuổi và vượt các nước trên thế giới, trước hết các nước trong vùng, càng trở nên xa tầm tay với.

Buổi họp báo Điều còn mãi 2010

Trong kỷ nguyên kinh tế trí thức này, sứ mệnh đặt trên vai tầng lớp trí thức nước ta càng nặng nề và thách thức đối với họ càng gay gắt. Nhưng giờ đây, nhìn ở đâu cũng có thể  thấy, bên cạnh những đốm sáng, những thành công là những mảng tối, những bất cập.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục vẫn tồn tại nhiều mặt yếu kém, yếu kém ngay trong đội ngũ quản lý, đội ngũ người thầy. Vấn nạn bằng giả, bằng dởm, từ bậc phổ thông đến cử nhân, tiến sĩ... vẫn còn nhức nhối. Chất lượng đào tạo từ phổ thông đến bậc đại học đều ở mức "đèn đỏ". Không có trường đại học nào của Việt Nam nằm trong TOP 200 trong bảng phân loại quốc tế.

Cũng vậy trong lĩnh vực y tế, bức xúc nhất là tình trạng quá tải của bệnh viện và y đức của những "thầy thuốc ... mẹ hiền". Lời hứa buông ra năm trước phấn đấu loại bỏ sớm tình trạng hai ba người bệnh nằm một giường nay "còn nhớ hay...đã quên". Hiện tượng phong bì "lót tay" thầy thuốc không biết bao giờ mới chấm dứt.

Và trong lĩnh vực khoa học công nghệ nữa. Khoảng cách giữa nước ta và các nước xung quanh, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, chưa tính đến Hàn quốc, Nhật bản, ... vẫn còn rất lớn. Điều đó phản ảnh rõ rệt qua những con số so sánh công trình nghiên cứu có chất lượng hay số bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Trong ánh vinh quang mà nhà khoa học Việt Nam Ngô Bảo Châu mang về, mọi người dân Việt có thể tự hào về chất trí tuệ, chỉ số thông minh của con Lạc cháu Hồng, và cũng nhận ra vai trò của một số "vườn ươm" đã, đang phát hiện và chăm bón hạt giống nhân tài. Và đồng thời cũng cảm nhận sâu sắc rằng, những hạt giống đó chỉ có thể đơm hoa kết quả trên những vườn ươm màu mỡ. Thiếu một tập thể khoa học kiệt xuất, một không khí tinh thần trong lành tuyệt vời để tự do học thuật, để trí tuệ thăng hoa, hẳn không thể có một Ngô Bảo Châu đạt đỉnh cao tài năng.

Chúng ta còn thiếu vắng những vườn ươm, những môi trường như thế, không chỉ cho Toán học mà cả cho các ngành khoa học công nghệ khác, ngành khoa học xã hội khác v.v... Trách nhiệm đó thuộc về ai? Dĩ nhiên là cả hai phía Nhà nước và bản thân giới khoa học. Khi nói về những mặt non yếu, sự "chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước" của nền khoa học nước ta hiện nay, xin nhấn mạnh cả về hai phía vế, cũng là để thấy bổn phận song hành của người trí thức và người lãnh đạo, quản lý đất nước.

Niềm vui luôn xen lẫn suy tư giữa những ngày hội lớn của đất nước. Mọi người Việt Nam, nói chung và người trí thức nói riêng, trong "Điều còn mãi" năm nay lại chờ đợi "Điều còn mãi" năm sau, năm năm sau, mười năm sau nữa ... với niềm hy vọng thiết tha những giai điệu và lời ca ca ngợi Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước thân yêu được dệt nên bởi những bông hoa trí tuệ sẽ mãi cất cao, thiết tha hơn và hùng tráng hơn.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/


Âm lịch

Ảnh đẹp