Có một người lỡ đường trong đêm tối tìm đến gõ cửa một nhà nọ để xin ngủ nhờ qua đêm. Người chủ nhà không chấp thuận cho người khách lạ tá túc. Hết sức nhẫn nại, người khách cố gắng thuyết phục chủ nhà:
- Ông có thể trả lời tôi ba câu hỏi không? Tôi tin chắc là sau khi trả lời ba câu hỏi này, ông sẽ vui lòng giúp tôi.
Người chủ nhà tỏ ra tò mò và có hứng thú trước thái độ của người khách lạ:
- Ông muốn hỏi điều gì?
Người khách nói:
- Xin ông cho hỏi, trước đây ai ở căn nhà này?
Chủ nhà đáp:
- Bố mẹ của tôi.
Người khách hỏi tiếp:
- Xin cho hỏi, trước bố mẹ ông thì ai ở?
- Ông bà của tôi.
Người khách lại hỏi:
- Vậy sau ông thì ai sẽ ở đây?
Chủ nhà tỏ ra bực bội:
- Sau tôi là con cháu của tôi ở chứ ai!
Lúc bấy giờ vị khách mới nói:
- Thưa ông, vậy thì ông cũng là người ở nhờ như mọi người, nhưng ông là
người ở nhờ lâu hơn tôi vậy thôi. Sao ông nỡ lòng nào không giúp tôi ở
nhờ một đêm chứ?
Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, người chủ nhà như chợt nhận ra điều gì,
ông tỏ ra cởi mở, niềm nở mời người khách vào nhà. Suốt đêm hai người
còn vui vẻ trò chuyện với nhau rất tâm đắc. (Theo Thế giới trong ta)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Đức Phật thường dạy các đệ tử rằng, tài sản của cải là của chung năm
nhà: vua quan sung công hoặc chiếm đoạt, nạn nước trôi, lửa cháy, trộm
cướp, vợ con phá tán. Tài sản của cải không là của riêng ai, nay trong
tay người này, mai về tay kẻ khác. Đức Phật cũng dạy vạn pháp vô ngã, vô
thường. Thân con người còn không thật có (vô ngã, do duyên sinh), huống
chi là tài sản của cải là vật ngoài thân.
Người khách lỡ đường trong câu chuyện trên rất chí lý khi thấy rằng
không có ngôi nhà nào là tài sản vĩnh viễn của một người, mà trải qua
nhiều thời kỳ nó thuộc sở hữu của nhiều người. Như vậy không ai là ông
chủ thật sự cả, tất cả chỉ là những khách trọ mà thôi. Người thì trọ
trong thời gian ngắn, người thì trọ trong thời gian dài.
Cho nên ông Bàng Uẩn sau khi ngộ đạo đã đem tất cả của cải đổ xuống
sông, có lẽ ông muốn khai thị rằng mọi thứ ở đời chỉ là giả huyễn. Phật
hoàng Trần Nhân Tông đã xem ngai vàng như đôi dép bỏ, xả ly hết thảy một
cách nhẹ nhàng. Trong khi ai cũng khư khư bám giữ những gì thuộc về
mình, không ai chấp nhận sự vô thường dù sự thật đổi thay luôn hiển
hiện. Cũng chính vì thế mà người ta luôn đau khổ.
Không có ta (ngã), không có cái của ta (ngã sở), nhưng ai cũng thấy có
ta, có cái của ta nên mới chịu nhiều đau khổ. Nếu thấy được vạn vật đều
là duyên sinh vô ngã, không cố chấp bám víu, thuận theo lẽ vô thường,
biết chấp nhận sự đổi thay, thịnh suy, được mất thì lòng thanh thản,
không khổ não lo buồn. Muốn được tâm bình thản như thế thật không dễ,
nhưng nếu nỗ lực tu tập thì sẽ thành tựu.
Thực tập thiền quán về vô thường, vô ngã để có thể buông bỏ xả ly, thì
dẫu phải đối mặt với nhiều biến động trong đời lòng cũng bớt giận dỗi,
muộn phiền và tâm không chao đảo. Sống với từ bi, vô ngã, vị tha thì tấm
lòng rộng mở, tự tại thong dong và lợi đạo ích đời.
Phan Minh Đức (GNO)