Lời
mắng nhiếc dù ngoa ngoắt nhưng ý nghĩa lắm. Bởi những người bán hàng
rong này, tôi luôn luôn tìm thấy ở họ những lời mời chào rất nhã nhặn,
không chút đon đả kiểu cách, những nụ cười thân thiện và những lời cảm
ơn rất hiền hòa mỗi khi bán được hàng và nhận tiền. Chỉ có cuộc đời
khắc nghiệt và tàn khốc này, mà nguyên nhân từ những con người không
biết điều mới khiến họ nổi nóng như vậy.
Bà cụ líu ríu nói lời cảm ơn, cô hàng nước vẫn giữ vẻ bực tức, cặp mắt
mở to vẻ thách thức nhìn tên kia. Mặt hắn đỏ gay, hai bàn tay nắm run
lên tạo thành tiếng bởi đôi chiếc lắc đá đắt tiền va chạm nhau sinh ra
thứ âm thanh lẻng kẻng, vẻ luống cuống, thở hồng hộc cố nén cơn giận
dữ. Cô vợ hắn trong bộ váy rất sang trọng và những phụ kiện quý tộc mặt
đơ ra tái ngắt. Giá mà cô ta kịp nói một lời xin lỗi với bà cụ, vì lẽ
trông cô ta rất nhã nhặn, trí thức. Nhưng hình như tôi đã lầm.
Đứa
con gái nhỏ mập phì của hắn nhìn hai người phụ nữ, một già, một trẻ,
chỉ có điểm chung là bộ đồ nhếch nhác, với vài ba đụn mảnh vá ở vai và
đầu gối trên mảnh người gầy gộc, xác xơ, đen sạm vì nắng gió bụi sương
bằng ánh mắt lạ lẫm kinh ngạc như lần đầu trông thấy một loài sinh vật
lạ.
|
Đâu đó trên những góc đường vẫn có những mảng màu sáng tối. Ảnh: tuvanonline.com |
Cô
bé nghiến răng hậm hực (trách móc sao dám mắng ba mình, sao bà cụ kia
dám đến gần cha mẹ mình), bĩu môi ôm lấy đôi chân mẹ, ánh mắt chuyển
hướng nhìn người cha vẻ dò hỏi, rồi ánh nhìn lại sang hai con người
khốn khổ với vẻ hằn học, giận dỗi và khinh miệt.
Dường
như cô bé chưa được những người lớn hơn mình thương yêu bảo ban và dạy
dỗ rằng với những người-không-giống- mình, họ vẫn cần được đối xử bình
đẳng, với những người bất hạnh cùng cực hơn mình, họ cần được sự sẻ
chia và cảm thông mang tình nhân loại. Cô bé đã không được học, và kể
sau sự việc hôm nay của cha mình đã dạy rằng với bất cứ kẻ nào không
giống mình, đều cần phải tránh xa, né tránh như né một vũng nước bẩn
đen trên đường vậy.
Và khi không
được dạy, cô bé buộc phải tự học theo lối mà ba mẹ mình luôn hành xử,
nên sẽ không biết được thế nào là tình người. Cô bé chỉ học được sự
phân biệt, kỳ thị mà những con người có đủ tư cách - là cha mẹ và những
người giàu tiền. Chỉ đến khi nào cô bé sống trong hoàn cảnh nghèo khó
mới có thể biết chảy những giọt nước mắt ngậm ngùi, cảm thông, ánh nhìn
thương yêu, rộng lượng, những cử chỉ của người với người.
Cả ba
con người đó vội vã dắt nhau lên chiếc SH màu đen bóng lộn, rồ ga thật
mạnh và phóng đi rất nhanh. Bóng họ khuất xa, những tia nắng leo lắt
cuối ngày bỗng trở màu ảm đạm lạ...
Chị hàng nước thu dọn đồ đạc rồi dong xe đạp về một hướng, bà cụ lê từng bước chân mệt mỏi đến
ghế đá mà đôi vợ chồng còn để lại mấy mẩu bánh mì Tous Les Jours và lon
coca con bé mập đang uống dở. Bà nhặt lấy xé từng mẩu nhỏ cho vô miệng,
chút nước ngọt không mong làm hồi sức bà sau một ngày như mọi ngày cuốc
bộ để bán vé số. Bà nuốt từng ngụm như nuốt muôn vàn tủi hờn đắng cay.
Chắc
hẳn bà không biết mình đang ăn bánh mì Pháp, vì ánh mắt bà đang hiện
lên những đồng lúa ngút ngàn ở một miền quê Phú Yên còn nhiều gian khó,
le lói đôi chút hy vọng về một tương lai không phải khổ cực đi bán vé
số dạo, không phải hạ giọng nép mình mời mọc từng tờ vé số, không phải
cất giấu đi lòng tự trọng để nhặt lấy từng mẩu bánh thừa nhưng còn sạch
phủ lấp cơn đói...dành cho những đứa cháu đang được đi học nơi quê nhà.
Tôi thấy miệng bà ngậm một nụ cười, một nụ cười chua xót.
Café Window
ở góc đường Alexandre De Rodes lại lên đèn, nhạc lại xập xình nổi lên,
những chiếc xe hơi bóng loáng tấp đến, những con-người khoác lên mình
đủ thứ hàng hiệu, đủ mùi phấn son thành thị, phần nhiều diêm dúa phô
trương bước vào quán. Đằng sau những xa hoa lộng lẫy kia chắc là những
múa may điên cuồng, đằng sau những lập lòe xanh đỏ, những rập rình sóng
nhạc kia chắc là những con đề bạc tỉ, những canh bạc thâu đêm sặc mùi
dao kiếm, những cơn vui thác loạn ...
Tôi
lơ ngơ ngó quanh, đâu đó vẫn dập dìu những con người còi cọc, đen đúa,
quay quắt lê lết nơi góc đường chìa nón đầy thương tâm, chập chờn hiện
lên những chiếc xe lăn chở những con người không vẹn nguyên thân vóc,
những ánh mắt buồn hiu hắt nài nỉ những tờ vé số mong manh như chính
thân phận họ.
Bất chợt tôi nhớ đến
lời cầu nguyện của mẹ tôi - người phụ nữ thánh thiện và vĩ đại nhất
nhân thế mà tôi biết trong kiếp sống nhỏ bé này - vẫn cầu mong cho
những chú gà trước khi chết hóa kiếp sau được làm người. Mỗi lần như
thế tôi lại sặc cười "Mẹ cầu mong cho chúng làm chi, trời đất tự có sắp
xếp hết, có những kiếp người còn khổ cực gấp trăm bề kiếp thú ấy chứ"
nhưng mẹ vẫn cứ cầu mong như thế.
Vì
mẹ tin làm kiếp người vẫn hơn, vì con người biết yêu thương, bày tỏ cảm
xúc, e thẹn kiềm nén những thỏa thuê nhục dục, biết tự thân vươn lên để
không khuất phục trước những khó khắn thử thách. Mẹ luôn sống với những
triết lý rất giản dị, từ bi "Xởi lởi trời gởi cho, ở so ro trời co
lại", "Gieo nhân tốt sẽ hái được quả phước", "Ở hiền gặp lành".
Lòng
tôi lại vô tình quặn lên một câu hỏi ngờ vực "Liệu những con người kia,
trong quá khứ xa mờ nào đó, họ đã gây nên tội lỗi nào mà để kiếp này
phải chịu nhiều đày đọa đớn đau đến vậy?".
Tôi tin nhân loại
vẫn yêu từ Tha Thứ , và những con người trót lầm lỡ, họ đáng thương hơn
đáng trách. Tha Thứ sẽ như một liều thuốc, chuyển hóa những sai trái,
cải biến những linh hồn sa ngã giúp quay về yêu thương thuần khiết, tha
thứ và khoan dung sẽ làm nên những phép màu !(?)
Thành
phố lên đèn, một làn gió mạnh tạt qua thổi tung những chiếc lá vàng
xơ xác, bầu trời đã đen nghịt, đen như chính quãng đường phía trước
mà đôi chân gầy guộc xỏ trong đôi dép lê rách nát đang rã rệu từng bước.
Tôi
ngồi đó, ngẩng mặt lên trời, cố tìm kiếm một ngôi sao nào đấy, rồi chầm
chậm ngậm lấy một làn gió thoảng qua, ngậm cả một nụ cười rất buồn.
Ngày mai trời có nắng... (?)- Lòng ngậm một câu hỏi vẫn thường hay tự hỏi.
Mời các bạn cùng chia sẻ xúc cảm qua những câu chuyện cuộc sống theo chủ đề "Lời tự sự cuối năm" qua địa chỉ tuanvietnam@vietnamnet.vn