Các
hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của con người rất nhiều. Chúng có thể
đến từ nơi xa xôi nào đó trong vũ trụ rộng lớn, từ Mặt Trời, từ hoạt
động liên tục của vật chất trong lòng Trái Đất, thậm chí nó có thể đến
từ chính bản thân con người qua các hoạt động chiến tranh hoặc sự ngu
dốt.
Hàng loạt và thường xuyên
Các
hiểm họa, khi đã xảy ra, sẽ dẫn đến sự tiêu diệt gần như tức thời và
hàng loạt của các loài sinh vật. Vậy khoa học đã có bằng chứng nào về
điều này chưa?
Năm
2001, hai nhà vật lí ở Đại học Bekerley là R.A.Rohde và R.A.Muller đã
công bố trên Tạp chí Nature những bằng chứng tin cậy về sự tuyệt chủng
hàng loạt đã xảy ra thường xuyên và có quy luật với chu kì 62 - 65 triệu
năm một lần.
Lần
gần đây nhất là vụ tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu
năm. Chúng ta đang hoặc sắp đến gần thời hạn tới cho lần tuyệt chủng
tiếp theo trên Trái đất. Sự tuyệt chủng này có liên hệ đến ngày tận thế
chăng?
Hiểm họa đến từ Trái Đất..
.
Một
ví dụ về hiểm họa đến từ Trái Đất, với quy mô lớn hơn có thể gây tuyệt
chủng hàng loạt là đợt sóng thần đã cướp đi 230.000 ngàn sinh mạng vào
năm 2004 do động đất ở Ấn Độ Dương. Đó là một trong những hiểm họa thiên
nhiên đến từ Trái Đất gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Tuy
nhiên, nó sẽ không là gì nếu so sánh với siêu núi lửa Yellowstone, nằm
phần lớn ở Bang Wyoming, Hoa Kỳ, nếu nó hoạt động, đây là núi lửa nguy
hiểm nhất thế giới.
Nếu
nó phát nổ thì toàn bộ khí quyển trên Trái Đất sẽ bị bao phủ bởi axit
sulfuric, khói, bụi và đưa hành tinh của chúng ra vào mùa đông lạnh giá
làm cho nền văn minh của con người quay trở lại điểm xuất phát. Các
nghiên cứu cho thấy, núi lửa này đã phun trào ít nhất 100 lần, trong đó 3
lần dữ dội có thể gây thảm hoạ cho một nửa Trái đất (chu kỳ phun trào
từ 600 - 700 ngàn năm). Lần phun trào gần đây nhất vào 640 ngàn năm
trước. Theo chu kỳ đó thì chúng ta đang đợi chờ một trận bùng nổ tiếp
theo.
Một
nghiên cứu gần đây của Nasa phát hiện một điểm nóng - ổ dung nham có
kích thước to bằng TP Tokyo nằm dưới núi lửa này đang chực bùng nổ. Các
tín hiệu cho thấy, nó sắp bùng nổ là: ổ dung nham tăng khoảng 0,75m kể
từ 1992, đây là một con số cực lớn trong thước đo thời gian địa chất chỉ
khoảng mm/thế kỷ; Nó nằm cách mặt đất 20km, chỉ bằng 1/10 so với độ sâu
của các ổ dung nham khác, nếu thế thì một nhóm khủng bố đặt quả bom hạt
nhân ở núi lửa này có thể kích hoạt sự phun trào; Sự hoạt động của ổ
dung nham mạnh đến mức làm chao đảo cả hồ Yellowstone ở trên nó về phía
nam khiến cho nước trong hồ trào ra ngoài làm ngập cây cối ở vùng xung
quanh.
... và từ đảo cực từ trường
Từ
nhỏ chúng ta được dạy các kiến thức cơ bản về Trái Đất hình cầu và có
lực hấp dẫn để con người có thể đi lại trên nó, bầu khí quyển có oxy để
con người hô hấp, tầng khí quyển có ozon để tránh tia cực tím... Tuy
nhiên, một kiến thức rất quan trọng đó là Trái Đất có từ quyển, một cái
khiên che chở cho các loài sinh vật bên dưới khỏi sự bắn phá không ngừng
của các tia vũ trụ thì hầu như không được dạy. Dù bạn có biết hay không
thì cái khiên từ trường sinh ra bởi lõi kim loại từ tính nóng chảy
trong nhân Trái Đất vẫn kiên trì gạt các hạt proton và điện tử đến từ
Mặt Trời thành những vành đai vô hại để bảo vệ chúng ta.
Vấn
đề ở chỗ là đường sức của từ trường Trái Đất hiện đang theo hướng Bắc -
Nam sẽ đổi chiều ngược lại tức là theo hướng Nam - Bắc. Trong quá khứ,
từ trường Trái Đất đã nhiều lần bị đảo. Nghiên cứu về mẫu lõi đá và trầm
tích chỉ ra rằng, lần đảo từ cuối cùng xảy ra cách đây 780 ngàn năm.
Thời gian đảo cực từ kéo dài hàng trăm năm.
Người
ta phát hiện sự suy yếu của từ trường Trái Đất thời gian gần đây có
thể là dấu hiệu của sự đảo từ trường. Trong quá trình đảo chiều Bắc -
Nam thành Nam - Bắc thì sẽ có thời điểm Trái Đất có vô số cực từ như
vậy la bàn sẽ chỉ mọi hướng, các loài sinh vật di chuyển dựa vào từ
trường Trái Đất sẽ mất phương hướng không thể di chuyển đến nơi có thức
ăn, cường độ các cơn bão, lốc xoáy tăng lên và đặc biệt là các sinh vật ở
Trái Đất có thể bị ảnh hưởng bởi các tia vũ trụ. Đây là một hiểm họa
gây tuyệt chủng hàng loạt.
PGs.Ts Nguyễn Hoàng Hải (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguồn: bee.net.vn