Khoa học và Tôn giáo


Hòa thượng K. Dhammananda - Hoà thượng Thích Trí Chơn chuyển ngữ
13/04/2011 12:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 2583
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo không phải là những giáo điều cố định. Phật giáo chỉ là một tôn giáo thế giới (world religion) bao hàm một tinh thần khoa học. Nền văn hóa tương lai nhất định phải được xây dựng trên tinh thần tôn giáo bao hàm tính chất khoa học.

Người ta thường có nhận xét tổng quát rằng khoa học luôn gây ảnh hưởng tai hại đối với tôn giáo. Nhưng nếu người ta không nhận định rằng tôn giáo đã góp phần vào sự tiến bộ và tự do xã hội của con người thì chắc người ta đã không chấp nhận ý kiến khoa học làm hại cho tôn giáo. Với thời đại tân tiến ngày nay con người không khó nhận biết rằng những lý thuyết của các tôn giáo về vũ trụ và sự sống vạn vật trong đó, chỉ là những mẩu tư tưởng (thought-patterns) của từng thời đại. Cái thói quen phủ nhận những kết qủa của sự khám phá khoa học bởi lý do vì chúng không phù hợp với những định ước (convention) là một điều trở ngại cho sự tiến bộ của nhân loại.

Trên phương diện khoa học, nhiều tôn giáo đã được xem như có hại và số người không tin tưởng tôn giáo ngày càng nhiều thêm là do ở những lý thuyết sai lầm và nhược điểm của các tôn giáo. Chúng ta không thể không công nhận sự thật đã được khoa học chứng minh bằng cách khư khư cố chấp vào đức tin mù quáng. Chúng ta phải công nhận lẻ thật. Ngày nay đức tin thuần túy đã hết chỗ đứng. Lòng tin mù quáng không phải là một hành động tự chủ. Uy quyền chính trị và áp lực kinh tế (tài chánh) cũng không thể che lấp được sự thật. Và chân lý bao hàm trong những ý tưởng Phật giáo đã chỉ dạy ngày càng được sáng rõ hơn khi người ta trình bày các lý thuyết đó với mọi phát minh của khoa học.

Cho nên, quan niệm chối bỏ mọi kiến thức khoa học về vũ trụ và nhân sinh là phản lại giáo lý của đức Phật. Có thể nói rằng lập thuyết của Phật giáo ngày càng vững chắc, nhờ ở những định luật mới mẽ được phát minh bởi các khoa học gia ngày nay. Mặc dù khoa học đã tiến những bước khổng lồ trong thời hiện đại, những vẫn còn nhiều vấn đề mà các nhà khoa học chưa có thể tìm ra. Và Albert Einstein, nhà vật lý học danh tiếng Đức đã nói "Nếu tương lai có một tôn giáo nào mà được các khoa học gia tân tiến công nhận thì đó là Phật giáo".

Khoa học có mục đích khám phá những nguyên nhân các hiện tượng sự vật. Phât giáo cũng vậy và còn tiến xa hơn, là chỉ bày những phương pháp làm cách nào cải thiện các nguyên nhân đó để có thể đem lại những kết qủa tốt. Và khi thuyết minh Tâm là nguồn gốc của vạn pháp. Phật giáo đã chống lại thuyết duy vật (materialism), tuy nhiên quan niệm về thế giới vật chất của Phật giáo vẫn phù hợp với mọi thuyết lý khoa học hiện đại. Thêm nữa, trí tuệ của Phật giáo còn được xây dựng trên nền tảng từ bi, đã góp phần quan trọng trong sự hướng dẫn nền khoa học hiện đại.

Phật giáo không phải là những giáo điều cố định. Phật giáo chỉ là một tôn giáo thế giới (world religion) bao hàm một tinh thần khoa học. Nền văn hóa tương lai nhất định phải được xây dựng trên tinh thần tôn giáo bao hàm tính chất khoa học. Vì tôn giáo mà thiếu khoa học là mù quáng, và khoa học mà không tôn giáo là tàn hại. Khoa học hiện đại đã trở thành nô lệ cho chính những phát minh của nó và đang phải đương đầu với một sự chỉ trích trầm trọng. Phật giáo tương lai phải giữ vai trò dẫn đạo cho sự tiến bộ của khoa học và phải giúp nó phục vụ ích lợi hơn cho nhân loại.

Trong lịch sử Phật giáo không bao giờ có sự tranh luận giữa đức tin tôn giáo với kiến thức khoa học và không có một nhà khoa học nào bị Phật giáo ngược đãi lên án hay sát hại. Trái lại, giáo lý đức Phật còn cao siêu hơn những tư tưởng của các triết gia danh tiếng khi xét nó với các học thuyết hiện đại. So sánh Phật giáo với những hệ thống triết lý phát sinh cùng thời, chúng ta có thể nói rằng nó còn tiến bộ hơn bất cứ triết thuyết nào ra đời trước kia cũng như hiện nay. Qua những sự kiện vừa kể, chúng ta thấy rằng trong lúc khoa học đang tiến bộ, Phật giáo ngày càng trở nên một tôn giáo được thế giới trí thức chấp nhận.

Hơn nữa, khoa học mà thiếu đạo đức là phá hoại. Khoa học là một con ác vật mà con người đào tạo ra và đã trở nên thô bạo hơn cả con người. Con người không có cách gì có thể khắc phục được nó, trừ khi con người biết tự kiềm chế bằng phương pháp thực hành những giáo lý đức Phật. Riêng mình khoa học sẽ hũy diệt thế giới, nhưng khoa học chung sức với Phật giáo có thể cứu thoát thế giới và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Một triết gia danh tiếng đã nói rằng nếu đa số mọi người trên thế giới được giáo huấn theo một tôn giáo duy nhất là Phật giáo thì hy vọng nhân loại sẽ tồn tại trên qủa đất này.

Với sự hoài nghi, các khoa học gia thường hăm hở tiếp nhận, các nhà chính trị thì căm ghét, còn các tôn giáo thần quyền lại mong tiêu diệt nó. Nhưng nghi ngờ cũng có thể là điều tốt mở đường cho sự sáng suốt trong tôn giáo và nó là yếu tố cần thiết để tạo nên những trí phát minh khoa học. Những thế kỷ trước đây, nhiều nhà lãnh đạo của vài tôn giáo đã nỗ lực dùng uy quyền của mình để dập tắt mọi ánh sáng, kiến thức và khoa học tiến bộ. Các nhà tìm ra chân lý vạn vật, những bậc giải thoát khỏi mê lầm và vô minh trong nhân loại đã không ngừng bị bắt bớ và ngược đãi. Khi loại thuốc mê đầu tiên được sử dụng, nhiều nhà thần học (Theologians) đã lên tiếng phản đối sự đem dùng nó trong việc sinh sản vì họ cho đó là hành động can thiệp vào nổi đau đớn mà Thượng Đế đã dành cho hàng nữ giới.

* Trích dịch tập " What Buddhists Believe" (Người Phật tử tin tưởng gì?), phát hành tại Kuala Lumpur, Malaysia.


Âm lịch

Ảnh đẹp