01/01/2011 12:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 1764
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là do tưởng đo là nghi tâm.
(Bùi Giáng)

Cũng may, những vấn đề con người phải đối mặt kỳ cùng trên thế gian này có lẽ không nhiều. Nhưng không may đó lại là những đối diện lạnh lùng và hoang vu có thể làm đóng băng mọi tâm hồn nồng nhiệt nhất, mọi đầu óc được cho là thông minh nhất của nhân loại. Như đỉnh núi tuyết ngàn năm chìm trong sương mù và băng giá, dù trong lòng nó có thể ẩn dấu đâu đó một hoả diệm sơn.

Từ khi con người biết ngẩn ngơ trước vẻ đẹp rực rỡ đến độ bàng hoàng của bình minh khi mặt trời dần ló dạng lạ lùng ở một nơi nào đó, mà ngày nay người ta gọi là phương đông, và vẻ đẹp kiêu kỳ như phong kín của nó lúc sắp tàn, ở phương tây, người ta càng ngẩn ngơ hơn trước hàng loạt vấn đề chợt nảy ra trước mắt: Cái đẹp, sự khai sinh, sự tồn tại, sự tàn diệt, và đằng sau tất cả, là bóng dáng lồ lộ của thời gian. Đó là cái gì? Câu hỏi đơn giản nhất của rất nhiều đứa trẻ mà ‘người lớn’ đôi khi chẳng bận tâm trả lời. Nhưng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, câu hỏi này đôi khi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, dù đã có rất nhiều giải đáp của những nhà hiền triết, thánh nhân. Có lẽ trước mọi câu hỏi rốt ráo, mỗi người phải có lời đáp riêng cho mình; không thể có một câu trả lời chung cho hết thảy. Chính đức Phật chừng như đã xác định điều này qua ví dụ về nắm lá rừng trong tay ngài so với lá trong rừng, trước các đệ tử đang khắc khoải tìm cầu chân lý. Con người bối rối. Con người hiện đại càng bối rối hơn. Càng ‘tiến bộ’ người ta càng thấy mình bất lực trước những vấn đề căn bản và cốt lõi nhất của nhân sinh. Thời gian là gì? L’être et le temps. Hiện hữu và thời gian. Être hay being, hay bhava, svabhava, hay hữu, rồi hữu thể, tính thể, tồn thể, tự thể v.v., đơn giản nhất là ‘là’, to be, rồi be-coming, come to be… tất cả đều ẩn hiện dấu vết thời gian. Một thực tế trước mắt, trong mọi khoảnh khắc, có thể cảm nhận được trong từng hơi thở, mà không ai nắm bắt được. Bởi vì hiểu được nó, nắm được bản chất của nó, có lẽ ta nắm được trong tay cả thế giới sum la vạn tượng này.

Cách đây 100 năm, ở thành phố Berne, Thụy sỹ, một viên thư ký Phòng cấp bằng sáng chế đã trải qua những giấc mơ lạ kỳ về bản chất của thời gian. Đó là Albert Einstein. Những giấc mơ đã hình thành trong ông khái niệm về thời gian tương đối, dẫn đến lý thuyết độc đáo về tính tương đối (relativity), làm sững sờ các nhà bác học Tây phương. Vật lý học hiện đại Tây phương tiến dần đến bờ mép những khu rừng thâm u huyền bí của Đông phương, nơi cách đây hàng nghìn năm các Phật giáo đồ đã không hề xa lạ với lý Duyên khởi, tánh không của vạn hữu. Vì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt. Nghĩa là hết thảy đều tương quan tương duyên mà sinh khởi, tồn tại, và cả hoại diệt; không có bất cứ gì có thể tự nó hiện hữu một mình, không nhân duyên - tức điều kiện (condition), nghĩa là có tính tương đối (relativeness), cũng tức là tính không của vạn hữu. Thời gian từ khái niệm về một đường thẳng với ba thời điểm phân minh bỗng trở nên méo mó, lệch lạc. Mũi tên thời gian được bắn đi biến thành vòng tròn không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Chưa có thể nắm bắt được nó như thật, người ta phải gợi nên bao giả định về nó. Đó là thời gian vật lý hay thời gian tâm lý, thời gian ý niệm hay thời gian tri giác, có thể quan sát được, hay thời gian trực nghiệm, nằm ngoài tất cả những cái trên. Đơn vị tận cùng của nó, nghĩa là thời gian tồn tại đích thực của một hiện hữu, là gì? Trước một sự hữu, ai cũng biết điều đơn giản: trước lúc khởi hiện nó không có, sau khi đã hiện nó không còn. Vậy cái thực sự hiện hữu là cái nằm giữa hai thời điểm đó. Nó kéo dài bao lâu? Bản chất nó là gì? Theo quan điểm Phật giáo về lý thuyết sát-na diệt, nếu sự hiện hữu của một vật là đồng với thời gian hiện diện chính xác của nó, thế gian này gần như là hư vô, vì hiện tại là một thời điểm hầu như không có thời lượng, không thể nắm bắt. Hoá ra thực tại trước mắt đã đùa giỡn với con nguời một chút. Họ tưởng mình đã hiểu biết nhiều điều, nhưng chỉ là hiểu lầm. Bây giờ ít nhất họ biết rằng mình đã hiểu cũng nhiều như mọi người có thể hiểu với tất cả kinh nghiệm hữu hạn vốn là thân phận con người.

Sau đây là một trong những giấc mơ của Einstein, qua ngòi bút của nhà vật lý hiện đại Alan Lightman, lần đầu tiên viết dưới dạng văn học. Ông quen thuộc hơn với nhiều biên khảo rất có thẩm quyền trong ngành, là giáo sư của Viện kỹ thuật Massachusetts (MIT), và điều hành chương trình nghiên cứu và biên khảo về nhân văn của MIT. Những mơ mộng khẽ khàng dọ dẫm vào bản chất của thời gian, mà tôi xin trích dịch (phần in nghiêng) hầu bạn đọc một cái nhìn mới của Tây phương về vấn đề muôn thuở của mọi người, và của mỗi người.

14 tháng 4, 1905. Đêm…

Nếu thời gian là vòng tròn, quay xung quanh chính nó. Thế giới tự lặp lại, một cách chính xác, vô tận.

Với tuyệt đại quần chúng, người ta không biết là họ sẽ sống cuộc đời họ đã sống. Những nhà buôn không biết là họ sẽ lại mặc cả y như trước và mãi mãi. Những nhà chính trị không biết là họ sẽ lại hô hào cùng một loại diễn văn không biết bao nhiêu lần trong những chu kỳ thời gian. Những người cha người mẹ yêu quý tiềng cười đầu đời của đứa con như thể họ sẽ không bao giờ được nghe nữa. Những người tình yêu nhau lần đầu tiên cởi bỏ y phục mà bẻn lẽn, ngạc nhiên sao bắp đùi thon mềm, da thịt mong manh. Làm sao họ biết được mỗi cái lén nhìn, mỗi lần xúc chạm kia, sẽ được lặp lại mãi hoài như bao lần trước đó?

Trên phố Martgasse cũng vậy. Làm sao người bán hàng biết được mỗi cái áo đan tay, mỗi chiếc khăn thêu, mỗi cái kẹo, mỗi cái la bàn, mỗi cái đồng hồ phức tạp đó rồi sẽ lại trở về nằm trên quày hàng của họ? Khi chiều xuống, những người bán hàng trở về nhà với gia đình hay đi uống cốc bia cùng bạn hữu ở những con đường ngầm, nâng niu từng khoảnh khắc như viên lục ngọc được ký gởi tạm thời. Làm sao họ biết rằng không có gì là tạm thời, rằng tất cả chỉ là tái diễn? Không khác gì con kiến nhỏ bò quanh cái đèn chùm đâu biết rồi nó sẽ đến nơi đã bắt đầu ra đi.

Trong bệnh viện ở Gerberngasse, một thiếu phụ từ biệt chồng. Ông nằm trên giường, mệt mỏi nhìn bà với cái nhìn xa vắng. Trong hai tháng qua, căn bệnh ung thư cuống họng đã lan xuống gan, lá lách, rồi vào não ông. Hai đứa nhỏ con ông ngồi chung trên một chiếc ghế đặt ở góc phòng đang sợ hãi nhìn cha của chúng, với đôi gò má hóp sâu và làn da khô héo. Người vợ đến bên giường bệnh nhẹ nhàng hôn lên trán chồng, khẽ nói lời chào ông, rồi nhanh chóng ra về với lũ trẻ. Bà tin chắc đó là nụ hôn cuối cùng. Bà đâu biết rằng thời gian sẽ bắt đầu trở lại, rằng bà sẽ tái sinh, sẽ lại đến phòng tập thể dục thẩm mỹ, sẽ triển lãm tranh của bà ở một phòng tranh tại Zurich, sẽ gặp chồng trong một thư viện nhỏ ở Fribourg, sẽ chèo thuyền với ông trên hồ Thunlake vào một ngày đẹp trời tháng bảy, sẽ lại sinh con, và chồng sẽ làm việc tám năm trong một viện bào chế và một chiều trở về nhà với một cái bướu trong cổ họng, sẽ lại nôn mửa và phát bệnh và kết thúc cuộc đời trong cái bệnh viện này, trong căn phòng này, trên chiếc giường này và vào giây phút này… làm sao bà có thể biết được?

Trong thế giới mà thời gian là vòng tròn, mọi cái bắt tay, mọi nụ hôn, mọi sự ra đi, mọi từ ngữ sẽ được lặp lại y như trước. Và chính vì mọi sự sẽ được lặp lại trong tương lai, mọi sự hiện đang diễn ra đã diễn ra hàng triệu lần trước đó. Chỉ có vài người nơi mỗi thành phố, trong những giấc mơ của họ, mơ hồ nhận thấy mọi việc quả đã xảy ra trong quá khứ. Đó là những người với cuộc sống không hạnh phúc, và họ cảm nhận được những phán đoán lạc nẻo, những hành vi sai lầm và sự rủi may của họ hết thảy đều đã diễn ra… Khi đêm tàn, những công dân đáng nguyền rủa này vật mình trong lớp chăn chiếu của họ, không thể chợp mắt nghỉ ngơi, vật vã với ý thức rằng họ khó thể thay đổi dù chỉ một hành vi, một điệu bộ. Họ sẽ phạm những sai lầm trong đời này cũng y như trong đời trước. Và chính những bất hạnh nhân đôi này là dấu hiệu duy nhất cho biết thời gian là vòng tròn. Bởi vì trong mỗi thành phố, lúc tàn canh, những con đường và những hành lang trống vắng còn vang vọng lời thở than của họ.


Những giấc mơ của Einstein

19 tháng 4, 1905

Một buổi sáng se lạnh tháng November, những bông tuyết đầu tiên đã xuất hiện. Một người đàn ông trong lớp áo ken dày đứng trên bao lơn tầng lầu bốn nhà ông, đang ngắm dãy núi Zahringer và con đường trắng xoá bên dưới. Về hướng Đông, ông có thể nhìn thấy cái tháp chuông mảnh mai của nhà thờ thánh Vincent; phía Tây, là mái ngói cong cong của tòa nhà Zytgloggeturn. Nhưng người đàn ông không nhìn sang Đông hay sang Tây. Ông đang chăm chú nhìn một cái nón nhỏ màu đỏ thắm nằm trên tuyết trắng, và đang nghĩ ngợi. Có nên đến nhà người thiếu phụ ở Fribourg không? Hai tay ông nắm chặt vào chắn song trên bao lơn; hãy đi đi, mà tay lại nắm chặt. Có nên đến thăm nàng? Có nên đến thăm nàng?

Ông quyết định không gặp lại nàng. Nàng quá lôi cuốn và sắc sảo, nàng có thể làm đời ông khốn đốn. Có lẽ nàng sẽ không mảy may quan tâm đến ông. Cho nên ông quyết định không gặp lại nàng nữa. Thay vào đó, ông kết bạn với bọn đàn ông. Ông cần mẫn làm việc ở viện bào chế, nơi ông ít khi chú ý đến người nữ trợ lý quản trị. Buổi chiều, ông đi uống bia với đám bạn ở Kochergasse, học cách làm món nước sốt. Cứ vậy trong ba năm, cho đến khi ông gặp một thiếu phụ khác trong một hiệu bán quần áo ở Neuchâtel. Nàng rất dễ thương. Suốt mấy tháng liền nàng đến với ông, và họ yêu nhau một cách khoan thai, thong thả. Sau một năm, nàng dọn đến sống với ông, ở Berne. Họ sống bình lặng, cùng đi dạo trên phố Aare, cùng bầu bạn sớm hôm, già đi và bằng lòng.

Trong thế giới thứ hai, người đàn ông trong lớp áo ken dày quyết định gặp người phụ nữ ở Fribourg. Ông biết rất ít về nàng, nàng có vẻ lôi cuốn, và những cử chỉ của nàng ngụ ý không ổn định, nhưng cái cách gương mặt nàng dịu đi khi mỉm cười, cái tiếng cười đó, cái cách nói năng khéo léo đó… Phải, ông phải gặp lại nàng. Ông đến thăm nàng ở Fribourg, cùng ngồi với nàng trên chiếc trường kỷ, có những lúc thấy con tim bấn loạn, thấy tay chân bủn rủn khi nhìn cánh tay trắng ngần của nàng. Họ yêu nhau cuồng nhiệt và nồng nàn. Nàng thuyết phục ông dọn đến Fribourg. Ông bỏ việc ở Berne để xin vào làm ở nhà bưu điện Fribourg. Vì tình yêu nàng ông đốt cháy tất cả. Ngày nào ông cũng về nhà buổi trưa. Họ ăn cơm với nhau, ngủ với nhau, cãi nhau; nàng than phiền thiếu thốn tiền, ông van xin nàng, nàng ném lọ hoa vào ông, rồi lại làm tình, và ông lại làm việc ở bưu điện. Nàng dọa sẽ bỏ ông, nhưng nàng không bỏ. Ông sống vì nàng, và ông hạnh phúc với sự khổ ải của mình.

Trong thế giới thứ ba, ông cũng quyết định gặp lại người phụ nữ. Ông biết rất ít về nàng, nàng có vẻ lôi cuốn, và những cử chỉ của nàng ngụ ý không ổn định, nhưng cái nụ cười đó, tiếng cười đó, cách ăn nói dịu dàng đó… Phải, ông phải gặp lại nàng. Ông đến nhà nàng ở Fribourg, gặp nàng nơi cửa, uống trà với nàng trong phòng ăn. Họ nói về công việc của nàng ở thư viện, về công việc của ông ở viện bào chế. Một tiếng sau, nàng nói vì phải đến phụ giúp một người bạn, nàng chào ông. Họ bắt tay tạm biệt. Ông quay về Berne với đoạn đường dài ba mươi cây số, cảm thấy trống vắng trên chuyến xe trở về nhà, đi lên bốn tầng lầu nơi căn hộ của ông trên đường Kramgasse, ra đứng ngoài ban-công và chăm chú nhìn cái nón nhỏ màu đỏ thắm nằm trên tuyết.

Ba chuỗi sự kiện này đều đã, cùng một lúc, đồng thời diễn ra. Bởi vì trong thế giới này, thời gian có ba chiều, cũng như không gian. Chính vì một vật có thể chuyển dịch trong ba trực tuyến ngang, thẳng hay dọc, thì một vật cũng có thể can dự trong ba tương lai trực tuyến. Mỗi tương lai chuyển dịch trong một hướng thời gian khác nhau. Tương lai nào cũng hiện thực. Ở mọi thời điểm quyết định làm một việc gì, dù đi thăm một phụ nữ ở Fribourg hay đi mua một cái áo mới, cuộc đời lập tức nhân ra làm ba, mà mỗi cái đời đến với những con người như nhau nhưng với những số phận khác nhau cho họ. Cuối cùng, ta có vô tận thế giới.

Một số người hiểu rõ những quyết định, đi đến kết luận mọi quyết định khả hữu đều sẽ xảy ra. Trong một thế giới như vậy, làm sao người ta có thể chịu trách nhiệm về những hành vi của mình? Một số khác tin rằng mỗi quyết định đều phải được cân nhắc và có ràng buộc, rằng không có ràng buộc nhau thì hỗn loạn. Những người như thế bằng lòng sống trong những thế giới mâu thuẫn nhau, bao lâu họ còn biết được duyên do đưa đến từng quyết định đó.

24 tháng 4, 1905

Trong thế giới này có hai loại thời gian. Thời gian cơ học và thời gian sinh học. Loại đầu thì cứng nhắc, trơ trơ như quả lắc thép khổng lồ không ngừng đong đưa, qua lại, qua lại. Loại thứ hai luồn lách quanh co như con cá lượn trong vũng nước. Loại đầu đã được tiên định, bất biến. Loại sau diễn ra tới đâu thành hình tới đó.

Nhiều người cả quyết không hề có loại thời gian cơ học. Họ không nhìn thấy nó khi đi ngang qua cái đồng hồ khổng lồ trên đường Kramgasse; họ cũng không nghe được tiếng chuông của nó khi đang gởi đồ ở bưu điện hay lang thang giữa những khóm hoa trong vườn hồng Rosengarten. Họ có đeo đồng hồ trên tay nhưng đó chỉ là một thứ trang sức, hay một thái độ lịch sự đối với những người thích coi đồng hồ như một loại tặng phẩm. Trong nhà họ không treo đồng hồ. Thay vào đó, họ lắng nghe tiếng đập của con tim. Họ cảm nhận được những tiết nhịp của tâm trạng và dục vọng của họ. Những người như vậy khi đói thì ăn, thức dậy lúc nào thì làm việc ngay lúc đó, yêu đương bất cứ lúc nào họ thích. Những người như vậy phì cười về cái ý tưởng thời gian cơ học. Họ biết thời gian chuyển vận thất thường. Họ biết thời gian miệt mài hướng tới trước với gánh nặng còng lưng khi họ đang vội vã đưa một đứa bé bị thương vào bệnh viện hay đang chịu đựng cái nhìn xoi mói của gã hàng xóm xấu nết. Và họ cũng biết thời gian ấy lao qua trường nhãn quan khi họ đang ăn uống với bạn bè hay đang cầu nguyện hay đang nằm trong vòng tay của người tình bí mật.

Rồi đến những người nghĩ rằng thân xác họ không có thực. Họ sống bằng thời gian cơ học. Họ thức dậy lúc bảy giờ sáng, ăn trưa đúng ngọ và ăn chiều lúc sáu giờ. Họ hẹn đúng giờ, đến đúng giờ nhờ cái đồng hồ. Họ yêu nhau trong khoảng từ 8 đến 10 giờ đêm. Họ làm việc 40 tiếng mỗi tuần. Chủ nhật thì đọc báo cuối tuần. Tối thứ ba thì chơi cờ. Khi bụng đói cồn cào, họ liếc nhìn đồng hồ xem đã đến giờ ăn chưa. Khi bắt đầu bị cuốn hút vào một buổi hòa nhạc, họ liếc nhìn đồng hồ xem sắp đến giờ phải về chưa. Họ biết thân xác không phải là vật gì thuần nhiên kỳ diệu, mà chỉ là một tập hợp các chất hóa hữu cơ và những xung lực thần kinh. Tư tưởng không là gì ngoài những bước sóng điện trong não bộ. Hưng phấn tình dục không là gì ngoài sự chuyển vận hóa học qua lại giữa một số tế bào thần kinh nào đó. Sự buồn phiền chẳng qua là một nhóm acid xâm nhập vào tiểu não. Nói tóm lại, cơ thể là một bộ máy, đối tượng của cùng những định luật cơ điện tử như một phân tử hay một cái đồng hồ. Vì vậy, cơ thể phải được đối thoại bằng ngôn ngữ vật lý, và nếu nó có lên tiếng, đó chỉ là tiếng nói của vô số đòn bẩy và lực. Cơ thể là cái để ta ra lệnh chứ không phải để phục tùng.

Khi hưởng làn gió nhẹ của trời đêm dọc sông Aare, người ta nhìn thấy dấu hiệu của hai thế giới trong một. Người thuyền chài đo lường vị trí của anh trong đêm tối bằng cách đếm khoảng thời gian trôi giạt giữa hai con nước chảy. ‘Một, ba mét. Hai, sáu mét. Ba, chín mét.’ Tiếng đếm của anh xuyên thủng màn đêm bằng thứ âm thanh rõ ràng, chắc nịch. Dưới cây cột đèn trên cầu Nydegg, hai anh em cả năm không gặp nhau đang cùng uống rượu và cười vang. Chuông nhà thờ thánh Vincent điểm mười tiếng. Trong phút chốc, những ô ánh sáng trong chung cư Schifflaube nhấp nháy như một lời đáp cơ khí hóa hoàn hảo, giống hệt sự diễn dịch hình học Euclid. Một đôi tình nhân nằm trên bờ sông uể oải ngước nhìn lên. Bị tiếng chuông xa xa của giáo đường thức dậy từ giấc ngủ mê say, họ ngạc nhiên thấy đêm đã về.

Ở đâu hai thời gian gặp nhau, tuyệt vọng. Ở đâu hai thời gian đi riêng đường lẻ lối, đẹp lòng. Bởi vì, lạ thay, một viên luật sư, một cô y tá, một bác thợ nướng bánh đều có thể thiết lập thế giới trong hai thời gian nào cũng được, nhưng không thể trong cả hai cùng lúc. Thời gian nào cũng có thực, song sự thực không giống nhau.


Viết bởi Hạnh Viên 
Nguồn Tập San Pháp Luân 22


Âm lịch

Ảnh đẹp