Đạo đức trong thế giới ngày nay


Nguyễn Thế Đăng Văn hóa Phật giáo
23/03/2011 11:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 2578
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. Đạo đức là sức mạnh tạo nên sự ổn định và phát triển của một quốc gia
Chúng ta ít khi thấy được rằng đạo đức là một phần lớn của “số vốn xã hội” để cho một xã hội lành mạnh, bền vững và phát triển. Lịch sử đã cho thấy những đế chế, những triều đại quân chủ và những chính phủ ngày nay bị sụp đổ đều vì mất đi “số vốn xã hội” là đạo đức.

Chỉ lấy hai thí dụ ở lịch sử Việt Nam. Nhà Trần làm vua được 175 năm , nhưng vào cuối đời Trần, vua Dụ Tông và Nghệ Tông kém đạo đức, xã hội suy vi, nhà Trần mất. Đời Lê cũng thế, chưa được 100 năm thì suy tàn bởi những vua kém đạo đức như Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông.

Hai đời Lý Trần thịnh vượng và huy hoàng như thế có phải vì cảm hứng đạo đức của vua và dân thời ấy lên cao nhất trong suốt lịch sử Việt Nam?

Đạo đức là điều không thể thiếu đối với một cường quốc hiện đại. Một cường quốc, ngoài kinh tế và chính trị vững mạnh, còn phải có một nền đạo đức vững chắc, dù đó là đạo đức theo đường lối nào. Đạo đức là một phần của văn hoá, để có thể nói rằng: đạo đức là sống có văn hoá. Một con người không có đạo đức là một con người yếu đuối, phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Một quốc gia không có đạo đức là một quốc gia yếu đuối, phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Ngày nay trên mặt công khai, mọi chính phủ, dầu tốt dầu xấu, đều phải nói đến một nền kinh tế có đạo lý, nghĩa là vì con người.

Chúng ta có thể nhìn vào hai cường quốc kinh tế số một và số hai, một của Tây phương một của Đông phương, là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Những nhà tư bản đầu tiên xây dựng nên nước Mỹ ngày nay đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo Tây phương, như Rockefeller (vua dầu hoả), Ford (vua xe hơi), Carnegie (vua luyện thép)…Họ tiết kiệm, sống có phần khắc khổ và để tiền làm việc từ thiện phát triển xã hội. Thậm chí cuối đời, một số người đã hiến phần lớn tài sản để thành lập các đại học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu khoa học…Quỹ Rockefeller và Ford đã cùng với Chính phủ Philippines lập ra Viện Nghiên Cứu Lúa giống Quốc Tế IRRI vào năm 1960 khiến châu Á có thể thành tựu cuộc “cách mạnh xanh”, giải quyết nạn đói cho cả thế giới. Ngày nay, các tỷ phú Mỹ giàu nhất thế giới như Bill Gates và Warren Buffet đều hiến cả gia tài để làm từ thiện cho cả thế giới. Họ đều là những người có đạo đức.

Ở bên này, nước Nhật cũng thế. Sau Đại chiến thế giới thứ hai, Nhật đã vươn lên mạnh mẽ nhờ những ông chủ Mitsibishi, Toyota, Honda, Sony..Họ cũng có nền đạo đức Phật giáo Đại thừa kết hợp với bản lĩnh “võ sĩ đạo” của họ. Các con rồng, con hổ châu Á phát triển rất nhanh cũng nhờ vào truyền thống đạo đức từ mấy ngàn năm của mình. Chỉ có một nước rất nhỏ như Singapore, với chiến lược Đông thể Tây dụng của châu Á vốn có từ trước cả trăm năm, đã làm cho thế giới phải nghiên cứu tham khảo (có thể xem thêm: Đối thoại với Lý Quang Diệu, cách thức xây dựng một quốc gia, Tom Plate, 2010, Nguyễn Hằng dịch, NXB Trẻ, 2010).

Chắc chắn sự tranh đua lành mạnh về xã hội và kinh tế giữa Châu Á và châu Mỹ, châu Âu trong thế kỷ 21 này (Thế kỷ châu Á- Thái Bình Dương) tuỳ thuộc phần lớn vào văn hoá và đạo đức khi các khu vực đã gần cân bằng về mặt kỹ thuât. Văn hoá và đạo đức sẽ tạo ra sự khác biệt. Nếu phát triển được văn hoá và đạo đức của mình, châu Á sẽ định hình phong cách sống của thế kỷ 21.

2. Phật giáo trước sự suy thoái đạo đức xã hội

Ai cũng thấy rằng đạo đức trong xã hội chúng ta đang suy thoái. Trong sự suy thoái này, phần trách nhiệm của Phật giáo với tư cách là cái tạo nên bản sắc dân tộc không phải là ít.

Từ đầu thế kỷ 20, trước sự đổi mới theo Tây học cùng với nhu cầu giải phóng dân tộc, Tam giáo đồng nguyên, nhưng thật ra, Phật giáo bao trùm cả hai giáo kia, tất cả những điểm đặc sắc của Khổng giáo và Lão giáo đều có trong Phật giáo. Nhưng khi chế độ quân chủ suy tàn, Khổng giáo bị công kích, bị dẹp bỏ, thì Phật giáo cũng vì thế mà bị vạ lây. Tiếp theo đó là chiến tranh; trên khắp đất nước, truyền thống Tam giáo đồng nguyên càng bị suy yếu hơn.

Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta đã quá chậm chạp trong việc định vị bản sắc dân tộc, trong việc định hướng dân tộc đi cùng thời đại và tiến theo toàn cầu hoá. Xã hội phát triển nhanh về mặt kinh tế so với thời chiến tranh, trong khi đó văn hoá- trong đó có đạo đức là cách ứng xử đúng, tốt và đẹp với người khác, với thiên nhiên và với hínhm ình- sau một thế kỷ lận đạn, chưa kịp định hình thành nền tảng trong xã hội. Thế nên, xã hội suy thoái về đạo đức, dễ đưa đến tình trạng phát triển không bền vững, chông chênh, làm mười điều tốt thì phá hư bằng bảy, tám điều xấu.

Vậy thì đâu là sức mạnh của đạo đức Phật giáo để đóng góp vào sự phát triển ổn định, không hao hụt lãng phí của xã hội?

Trong những tôn giáo độc thân của Tây phương, đạo đức là tuân thủ, làm theo những điều luật do một vị Thần hay Thượng đế (God, Dieu) đặt ra. Sự thưởng phạt cũng do vị Thần hay Thượng đế ấy trực tiếp đảm nhận. Trong Phật giáo, định luật nhân quả của thế giới vật chất và thế giới tâm thức quyết định kết quả của hành động con người. Làm nhân tốt thì được quả tốt, tạo nhân xấu thì lãnh quả xấu. Đức Phật là người đã thoát ra khỏi guồng máy nhân quả này, và Ngài chỉ rõ cho con người thấy mà tránh nhân xấu, tạo nhân tốt, chứ Ngài không chế tạo ra định luật nhân quả. Chỉ với định luật nhân quả này, con người đã hoàn toàn bình đẳng và có được công bằng ở trong thế giới hiện tượng của sanh tử luân hồi.

Có một điểm khác biệt nữa, Đạo đức là đạt đến sự toàn thiện toàn hảo. Trong khi đạo đức của những tôn giáo độc thần nhắm đến và đeo đuổi một cái siêu toàn thiện toàn hảo ở ngoài con người và ngoài thế giới mà họ gọi là Thần hay Thượng đế, và do đó bị các nhà triết học Tây phương như Nietzsche, Marx, Freud…và các nhà hậu hiện đại tấn công và giải kiến tạo (déconstruire) một cách khó bào chữa, thì đạo đức Phật giáo nhắm đến và theo đuổi một cái siêu việt toàn thiện toàn hảo nội tại ở nơi con người và thế giới (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh) cho nên rất bình đẳng, thực tế và không viển vông.

Đạo đức Phật giáo nhằm đưa con người đến chỗ đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Khi sự đúng, tốt, đẹp đến chỗ tột điểm thì trở thành một con người toàn thiện và toàn diện, mà chúng ta gọi là Phật. Chỗ tột điểm đúng, tốt, đẹp ấy ở trong mỗi chúng ta, chẳng đợi ai ban cho chúng ta. Vì thế, đạo đức Phật giáo là sự tự khai phá, tự nhận thức, tự khai triển chứ không phải xin xỏ ở bên ngoài. Vì đạo đức Phật giáo bao la và cao tột như vậy, nên nó không chỉ bao hàm những giới luật (Giới), mà còn cả Định, Huệ. Đạo đức Phật giáo là toàn bộ con đường Phật giáo, mà theo các kinh,là “ con đường tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, và tốt đẹp ở chặng cuối cùng”. Điều kì diệu nhất là con đường ấy ở trong chúng ta, con đường ấy chính là thân tâm của chúng ta. Đó là con đường của tự do, hoan hỷ và an vui.

Hãy lấy một thí dụ về Định. Ngồi thiền là một hành vi đạo đức, bởi vì nó chuyển hoá bớt năng lượng tình dục bản năng mù quáng ở cấp thấp thành năng lượng bình an và sáng suốt ở cấp cao. Cho nên muốn thi hành giới thứ ba (không tà dâm) có hiệu quả, cần phải thực hành thiền định, và cả trí huệ nữa. Cũng như nói chớ nên tham lam, sân giận thì có giữ được cũng chỉ là đè nén. Phải có cả sự chuyển hoá năng lượng tham sân (định) và sự sáng suốt của tâm trí (huệ) thì mới có hiệu quả.

Đạo đức Phật giáo không chỉ là nhứng ý niệm, nó là sự thực hành, thậm chí ở những chiều sâu thẳm nhất của tâm thức con người (thiền định, thiền quán…), do đó, nó là sự chuyển hoá toàn bộ con người theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Nhưng đạo đức Phật giáo không phải là sự hoàn thiện mình một cách đơn độc. Sự tự hoàn thiện được thiện hiện trong, bằng, và qua xã hội. Xã hội vừa là môi trường, vừa là nơi thể nghiệm thử thách và là thước đo của sự tiến bộ. Thế nên trong khi tự hoàn thiện, cá nhân làm cho xã hội cũng cùng tự hoàn thiện, tự chuyển hoá.

Nhìn rộng ra trên thế giới hiện nay, không có vấn đề nào không nằm trong đạo đức Phật giáo: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền; hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn giữa người với người và giữa quốc gia với quốc gia; khí hậu trái đất; tàn sát khủng bố; giá trị của tình yêu và tình dục… Cũng cần nhắc lại rằng sự chữa trị của đạo đức Phật giáo là tận căn để, không hời hợt bên ngoài, không chỉ “xức thuốc ngoài da” như những biện pháp thông thường của xã hội.

Đạo đức Phật giáo là sự chuyển hoá toàn bộ và triệt để con người theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Thế nên nó bao gồm toàn bộ những hoạt động con người: Văn (nghe, tìm hiểu, không chỉ nghe rồi nói ngoài miệng), ( tư duy xem có đúng hay không, cái gì cần làm, cái gì không nên làm) và Tu( thực hành bằng toàn bộ thân tâm của mình).

Một điều cốt lõi của Phật giáo so với những con đường tự hoàn thiện khác là: đạo đức Phật giáo không phải là phương thiện khó nhọc hôm nay để đạt đến cứu cánh hạnh phúc mai kia, mà cứu cánh vốn ở ngay nơi phương tiện. Nghĩa là đạo đức Phật giáo là sự hưởng thụ ngay bây giờ và ở nơi đây. Nghe hiểu lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy, tư duy lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy, và thực hành lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy.

Đạo đức Phật giáo là sống trực tiếp một đời sống tự do, hoan hỷ và an vui, không chỉ cho cá nhân mà cả xã hội

Nguồn:  Văn hóa Phật giáo


Âm lịch

Ảnh đẹp