18/01/2012 18:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 65291
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tháng 1 năm 2009 tôi mắc kẹt trong một vụ tắc đường trầm trọng nhất tôi từng biết. Lúc đó là 6g30 sáng, bạn gái tôi (bây giờ là bà xã) và tôi ở trong một đám đông khổng lồ những người đang vội vã về quê để đón tết với những người thân vào những ngày cuối cùng của năm cũ.


Dường như cả thành phố đều có cùng một suy nghĩ. Ngồi trên một chiếc xe máy suốt năm tiếng đồng hồ cho một hành trình thường chỉ mất hai giờ, tôi tự hỏi liệu như vậy có đáng không.Thật may mắn là cảm giác bực bội của tôi mau chóng được giải tỏa khi tôi được trải qua những ngày tết cùng với một gia đình Việt Nam.

Điều đầu tiên tôi muốn nói là “Chúc mừng Năm mới - Hạnh phúc Phát tài”, một câu chúc mà bây giờ tôi đã nói rất thành thạo với tất cả mọi người, dù đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nghĩa của vế thứ hai.

Ở Anh chúng tôi thường nói “Giáng sinh vui vẻ” và “Chúc mừng năm mới” - những câu nói này thường khiến mọi người cùng có chung một niềm vui. Tuy nhiên, những câu chúc này được nói phần nhiều vì phép lịch sự và thói quen hơn là được chú trọng về nội dung. Điều này rất khác với trải nghiệm của tôi ở Việt Nam.

Những lời chúc ở Việt Nam thường được nhận với sự trân trọng và một nụ cười rất tươi. Tôi đã rất xúc động khi chúc tết ba mẹ vợ của mình và những người họ hàng. Ở đây, những lời chúc khiến các thành viên trong gia đình gần gũi với nhau hơn và khiến cho mọi người đều hứng khởi, kể cả những người bi quan nhất.

Tiền lì xì là điều thứ hai tôi học được khi quan sát phong tục đêm Giao thừa. Việc xếp hàng để được đến lượt chào và chúc tết cha mẹ, ông bà, đồng thời trao tặng những phong bì đỏ thật là thú vị. Thật là lạ.

Tôi cảm nhận được không khí nghiêm túc, trang trọng khi xếp hàng cùng với Hạnh (vợ tôi) và em vợ; nhưng cũng có cảm giác đôi chút khôi hài. Khi tôi tiến đến nói lời chúc bằng tiếng Việt, gương mặt mọi người đều rạng rỡ lên.

Tuy nhiên, tôi chỉ làm đúng một nửa công việc và nhận được một cú huých vào bụng vì không trao tặng bao lì xì bằng cả hai tay, một điều mà tôi chưa được học.

Đây là một thời khắc không có chút gì giống ở Anh. Là một người chưa quen với văn hóa Việt Nam, tôi đã gặp đôi chút khó khăn để hiểu được các phong tục.

Tất nhiên, sau lần chúc tết đầu tiên, tôi đã hiểu ra những điều có ý nghĩa với gia đình vợ tôi và hiểu được cách cư xử khi sống trong những gia đình thuộc các nền văn hóa khác biệt.

Kể từ lúc đó tôi hiểu rằng nếu bạn nhận được tiền lì xì, bạn sẽ gặp may mắn trong suốt 12 tháng của năm mới. Bạn cũng sẽ bị xem là không biết cư xử nếu không chuẩn bị sẵn những phong bì màu đỏ dành cho khách đến nhà.

Thật may mắn, Hạnh cho tôi rất nhiều phong bì trống để tôi đem may mắn đến cho những thành viên nhỏ hơn trong gia đình. Khi lì xì cho trẻ nhỏ, tôi nhận thấy niềm vui trẻ thơ và sự biết ơn trên gương mặt chúng. Niềm vui này cũng giống như niềm vui của những đứa trẻ phương Tây nhận được quà Giáng sinh.

Với lũ trẻ, những món quà này là chuyện hiển nhiên chứ không phải vì bất cứ sự ưu ái nào và chúng sẽ thất vọng nếu không được tặng quà.

Bài học sau cùng tôi rút ra được là việc ăn mặc trong ngày đầu tiên của năm mới. Lúc đầu, tôi quyết định mặc quần áo cũ. Không chỉ thế, tôi còn chọn quần tây đen mặc với chiếc áo sơmi đẹp nhất của mình, tình cờ nó cũng màu đen. Hạnh nhìn tôi đi xuống cầu thang với con mắt kinh hoàng.

Vợ tôi giải thích cho tôi rằng nên mặc quần áo mới để không còn dính dáng gì đến những điều đã qua trong năm cũ và không nên mặc màu đen, vì đây là màu của sự tang tóc và không phù hợp để mặc trong ngày mùng Một Tết.Tôi bảo mình không chuẩn bị quần áo mới, nhưng vợ tôi luôn nghĩ trước. Cô ấy đã chuẩn bị sẵn quần jeans và áo sơmi mới cho tôi.

Quần áo mới và nhà cửa sạch sẽ cũng đồng nghĩa với một khởi đầu tích cực cho năm mới. Ở Anh, tôi luôn nghĩ năm mới là cả một viễn cảnh đầy lo toan và những nghi lễ cho năm mới có vẻ không thực tế, thế nhưng ở đây, khi xung quanh cái gì cũng mới và bạn cố gắng làm một chú rể tốt thì kết quả dường như tươi sáng hơn.

Ba năm đã trôi qua nhưng niềm vui mà tết đem lại vẫn chưa hề giảm sút trong tôi. Tôi rất mong tết đến, không phải chỉ vì được nghỉ làm. Ngày tết, tôi đi cắt tóc và mua quần áo mới, hai việc mà tôi thấy rất thú vị.

Tôi cũng đã có những phong bao màu đỏ và học những lời chúc mới về sức khỏe, sự phát tài và hạnh phúc. Chắc chắn là tôi sẽ không phạm phải những sai lầm như trong quá khứ và hy vọng sẽ thấm nhuần hơn về ý nghĩa nguồn cội văn hóa trong dịp tết.

Tôi cũng mong chờ niềm hạnh phúc được tận hưởng những niềm vui, tình cảm và sự khích lệ của các thành viên trong gia đình nhân dịp
xuân về


(LÊ TÂM dịch)


Theo DNSG


Âm lịch

Ảnh đẹp