17/01/2012 17:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 121660
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tết, chỉ một tiếng ngắn gọn, nhưng gợi lên trong tâm tư mỗi người Việt chúng ta bao hình ảnh thiêng liêng,  vô số mẩu chuyện vui buồn.


Tết năm nay, trời Paris chợt mưa chợt gió. Cơn gió mùa đông khơi động trong ký ức tôi quá nhiều kỷ niệm những năm xa xưa ở Sài Gòn.

Tết năm ấy, tôi vừa tròn 18 tuổi. Trái với các năm trước chỉ trông chờ Tết để được nghỉ học và nhận tiền lì xì, năm ấy tôi nhìn mẹ tôi chuẩn bị  cho gia đình đón Xuân với cặp mắt mới . Như thông lệ hàng năm, hai tuần trước Tết mẹ tôi thoăn thoắt lo trang hoàng nhà cửa, nào pháo tép, nào pháo đùng, nào hoa cúc, nào hoa thược dược, nào hoa vạn thọ, và không quên cắt tỉa cây  hoa mai tứ quý ở vườn nhà để hoa kịp nở ngày đầu xuân, cũng như đi chợ mua bánh chưng, dưa hấu, mứt trái cây, hột dưa, hồng khô…

Một tuần trước Tết,  mẹ tôi lo đưa ông Táo về trời. Sau khi lau chùi và xếp các lễ vật trên bàn thờ Phật, bàn thờ thiên, bàn thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ ông Táo, mẹ tôi khấn vái trước các bàn thờ. Làm sao tôi quên được cảnh tượng mẹ tôi trang nghiêm trong bộ áo tràng xám, thành tâm gửi qua nén hương thơm lời cầu nguyện. Nhìn mẹ tôi với bộ áo tràng xám vẫn thường mặc khi đi chùa hay khi cầu nguyện, tôi phát giác mẹ tôi chỉ có bộ áo này từ bao nhiêu năm nay, trong khi mỗi khi Tết đến, mẹ tôi thúc đêm thức hôm để hoàn thành cho kịp áo mới cho mỗi chị em tôi.

Một ngày trước Giao Thừa, ba tôi dặn các con nên kiểm điểm trong năm qua, mình đã làm điều gì phải trái, để hạ quyết tâm sửa sai, rút kinh nghiệm cho năm mới. Tôi vẫn không quên mộng ước của ba tôi,  một người chịu nhiều ảnh hưởng của Nho Giáo, là được làm thầy giáo làng xưa, mặc áo the thâm, mang guốc mộc, dạy điều hay lẽ phải cho các học trò nghiêm túc nghe. Không thực hiện được ước mơ này, nên ba tôi xem các con như học trò.

Tôi còn nhớ ba tôi cho mỗi chị em chúng tôi  một quyển tập ghi ngoài bìa « những điều cần biết trước khi lập gia đình » rồi ba tôi đọc cho chúng tôi viết về Tam Tòng Tứ đức, Tam Cang Ngũ Thường, Công Dung Ngôn Hạnh. Ba tôi  tỉ mỉ nhắc chị em chúng tôi chỉ nên mỉm cười hay cười chúm chím thôi, và phải tập đi với quyển tự điển trên đầu, để đạt được dáng đi đứng khoan thai quí phái.

Nghe lời ba tôi, tối hôm ấy, tôi  suy nghĩ xem nguyên năm qua, đã làm gì, ngoài việc học và nghịch phá chị em ? A, tôi nhớ là lần đầu tiên, năm ấy tôi đi làm, lần đầu nhận tiền thù lao do việc đi dạy tư kèm trẻ tại tư gia, tôi không được tự nhiên lắm. Sau khi lí nhí cảm ơn bà mẹ học trò, tôi đạp xe thật nhanh về nhà. Kiếm một phong bì  sạch, tôi nắn nót viết giòng : Kính biếu Ba Me. Xong, tôi kiểm lại số tờ giấy bạc, thì hỡi ôi, sao thiếu một tờ ! Rươm rướm nước mắt, chưa kịp than thân trách phận, thì có tiếng người gọi ngoài cổng : hóa ra là bà mẹ học trò đến đưa tờ giấy bạc mà tôi làm rơi, lúc vội vã chạy về nhà.  Các bạn có biết tôi hãnh diện biết bao khi cung kính trao phong bì cho mẹ tôi. Mẹ tôi đang làm bếp, ngạc nhiên nhìn phong bì và nhìn tôi, chậm rãi mở phong bì. Tôi hổi hộp, tự nghĩ mình đưa quá ít, không đủ cho me đi chợ vài  ngày. Mà có muốn đưa thêm, cũng không có mà đưa, tôi chưa kịp nói ‘Của ít  lòng nhiều, me nhận cho con vui’, me tôi đã ôm chầm lấy tôi, cho nên tôi không kịp thấy hai giòng lệ của mẹ tôi. Riêng tôi, chưa bao giờ  tôi thấy sung sướng tràn trề như chiều hôm ấy, được mẹ tôi hiểu và đón nhận lòng hiếu thảo thương yêu cha mẹ của tôi.

Cũng hạnh phúc biết bao mỗi buổi trưa, khi chuông sân trường trung học vang lên, bọn học trò chúng tôi xếp hàng hai để tiến ra cổng đi về . Khi cánh cửa sắt mở rộng to, tôi vui mừng nhìn thấy mẹ tôi núp dưới cây dù mà, cho tới bây giờ đã hơn 40 năm, tôi vẫn còn nhớ như in, đó là cây dù nền màu trắng có những hình vẽ màu xám xung quanh những hoa hồng màu tím. Trong lúc bọn bạn tôi thì thào : « ê, tụi bây, mẹ nhỏ này đẹp quá », giữa cái nắng gay gắt của khung trời Sài gòn, một cảm giác mát rượi xâm chiếm toàn thân của tôi, khi mẹ tôi nhoẻn miệng cười với tôi. Cuối năm trung học  đó, tôi lên đại học, và mẹ tôi không còn đón tôi nữa. Nhưng nụ cười hiền hòa trên khuôn mặt khả ái của mẹ vẫn theo tôi mãi mãi.

Nguyên cả ngày trước Giao Thừa, mẹ tôi lăng xăng dọn dẹp làm bếp, vì mẹ tôi quan niệm là không nên lao-động trong 5 ngày Tết, vì như vậy là mình sẽ phải làm việc quanh năm. Mẹ tôi giữ những quan niệm ông bà xưa để lại, nghĩ lại đôi lúc thấy đúng là mê tín dị đoan, đôi lúc thấy quá dể thương ! Ví dụ như, tuy là rất tin yêu chị em gái chúng tôi, nhưng lúc nào vinh hạnh xông đất nhà đầu năm cũng dành cho ba tôi, hay là cho anh tôi hoặc là cậu em út của nhà.  Chắc là mẹ tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mỗi lần đi thi là không bao giờ mẹ tôi cho ăn trứng, vì như vậy sẽ tránh cho các con đi thi bị điểm xấu nhất là ăn trứng vịt, cũng như không cho ăn canh bí, vì có thể lú lẫn quên bài.

Khi gần đến Giao Thừa, ba me tôi chuẩn bị quần áo chỉnh tề chở cả nhà đi chùa : chùa đông nghẹt người, trong khói hương nghi ngút, người lễ Phật, người hái lộc.. Nhìn ba mẹ cung kính thắp nhang, chị em chúng tôi cũng xúm xít làm theo. Tôi nhớ là có xin Phật phù hộ cho thi đậu Tú Tài, mà đòi đậu cao để có học bổng xin du học !

Về nhà đúng 12 g khuya, ba tôi xông đất, me tôi lạy bàn thờ, sau là anh tôi châm ngòi đốt giây pháo : tiếng pháo đì đùng, khi là pháo lớn, hay nổ lách tách khi là giây pháo nhỏ, âm thanh kỳ diệu làm sao, và mùi khen khét của khói pháo sao mà đáng ghi nhớ thế ! Cùng lúc, cả thành phố vang lên tiếng pháo, từ hang cùng ngõ hẻm, đến dinh thự nguy nga.. Ôi, sao giây phút thiêng liêng quá, nguyên cả nước Việt Nam, triệu người đập cùng một nhịp tim.  Nhớ lại giây phút cả nhà chờ giây pháo dứt nổ, trẻ thì bịt tai, người lớn thì trang nghiêm nghĩ đến năm mới, tôi thì miên man nghĩ đến tương lai nhiều mộng mơ của tuổi 18… Nay, tôi vẫn ray rứt, thèm nghe tiếng pháo, ước ao ngửi mùi pháo…

Tiếng pháo vừa dứt, ba tôi vào thay áo dài gấm xanh mang khăn đóng, mẹ tôi mãn nguyện nhìn chị em chúng tôi sung sướng trong bộ áo mới. Các con đứng trước cha mẹ, hân hoan mừng tuổi cha mẹ. Cầm phong bì đỏ lì xì trong tay, ba me chúc Tết các con, tôi còn nhớ ba tôi chúc cho tôi thi đậu đại học, ba sẽ cho may thưởng áo dài kim tuyến.  Về sau, ba tôi có cho tôi aó dài kim tuyến thật,  tôi vẫn nhớ áo này màu hồng sen.

Thường, mẹ tôi  dành cho ba chúc các con, me ngồi cạnh ba, im lặng, nhưng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người mẹ hiền lúc đó đủ diễn tả hạnh phúc tràn ngập lòng mẹ tôi trong giây phút thiêng liêng ấm cúng đầu năm, có cả gia đình đoàn tụ, các con quây quần bên ba me.

Nhắm mắt lại, tôi hồi tưởng quãng đời đã qua, bao nhiêu biến cố, bao nhiêu thăng trầm, nhớ lại lứa tuổi 18, tôi mỉm cười với quá khứ và tin tưởng vào tương lai, vì lúc nào ba me tôi cũng ở bên cạnh để chia xẻ,  đùm bọc và yêu thương con như thuở nào.

 

Ngọc Anh
08/01/2012

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3857&SubID=2&ID=2


Âm lịch

Ảnh đẹp