15/01/2012 13:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 79803
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mỗi năm một lần, có những ngày đầu năm ở thành phố ồn ào kia trở nên lặng lẽ, những con đường chật chội bỗng vắng hẳn, rộng hơn thì hiểu ngay rằng, những con chim đang bay về với mẹ. Và, phải chăng, thật hạnh phúc cho ai vẫn còn mẹ để trở về những ngày tết?


Bà mẹ lật cuốn lịch nhẩm tính ngày chuẩn bị tết. Tết năm nay đến nhanh quá, vừa mới qua Noel, đã thấy tết đến, chưa kịp làm gì đã thấy hết năm. Năm ngoái đứa con còn đi học, nghỉ tết về nhà gần trọn tháng, năm nay đứa con ra trường đã có việc làm, thời gian nghỉ tết rút xuống chỉ còn lại một tuần; về đến nhà, quăng cái balô đó, rồi ngủ, rồi cà phê với bạn bè, chưa kịp ăn cho hết món ngon mẹ nấu, ngồi lại hàn huyên với mẹ lâu hơn đã phải lục tục mua vé ra đi. Năm nay, vợ chồng thằng lớn kéo về. Bà mẹ biết rất rõ, con cái dù đi Đông, đi Tây, ăn trăm thứ món ngon vật lạ cũng không bằng những món đơn giản, quê mùa mẹ nấu. Chén mắm mẹ làm cũng ngon, có nhà hàng nào nấu được tô canh khoai từ ngon như mẹ?

"Tết về nhớ đến quê nhà / Thịt thưng bánh tráng mặn mà khó quên!". Rõ ràng bánh tráng không thể thiếu dành cho các món cuốn. Gì cũng cuốn được, giải quyết cái dạ dày réo sôi khi đi chơi về, không cần ai phải dọn lên mâm bát. Đây là cách ăn vừa đầm ấm, vui vẻ, có thể chuyện trò được lâu quanh bàn ăn. Văn hóa cuốn còn thể hiện được sự nhàn tản, ung dung, tém vén, khéo léo trong cách ăn uống mà mẹ đã dạy từ ngày còn rất nhỏ. Chịu khó làm hũ dưa món cho con. Mua thì mắc mà lại không tin tưởng được khoản vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nghĩ đến nét mặt sung sướng của con khi ăn bánh chưng chấm với nước mắm dưa món bà mẹ lại cất công ra chợ mua đu đủ, củ cải, cà rốt... Không có gì phải vội, buổi sáng chịu khó dậy sớm một chút, cắt, tỉa hoa các thứ, chờ nắng lên, đem phơi một, hai nắng là vừa. Sau giấc ngủ trưa nấu nước mắm đường chờ nguội rồi cho các thứ vào hũ. Biết con trai lớn thích ăn nem chua, bà mẹ chịu khó đi chợ thật sớm chọn mua thịt nạc còn nóng hổi, dính tay về nhà xắt nhỏ, trộn chung với bì, ướp tỏi, riềng... Phải gói bằng lá sung mới "chín" thịt. Rồi con phải giã thính. Đứa con trai cho rằng, nó ăn nem chua khắp các miền nhưng không đâu có món nem chua ngon như của mẹ.

Ảnh: TDQuy

Bà mẹ còn chuẩn bị ít bánh chưng, tết mà không có bánh chưng thì còn gì là tết? Cái món bánh chưng công nhiều chứ nguyên vật liệu không tốn bao nhiêu. Mua thì mắc, chịu khó một chút, lại có quà cho con mang đi. Bà mẹ gói bánh chưng nhanh lắm, chẳng cần phải có khuôn. Cái bánh mẹ gói khác cái bánh thợ ở chỗ... méo mó. Quan trọng là nhân bên trong, thịt ngon, đậu xanh chín mềm, nêm nếm gia vị vừa miệng... Bà mẹ lại chịu khó ra chợ chọn lựa kỹ từng miếng măng khô. Chỉ một nồi măng nhỏ biết bao tình thương yêu của mẹ gởi vào đấy.

Nhiêu đó là đã thấy tết. Con cái đem về thêm các thứ nữa là thấy xuân hạnh phúc, đủ đầy.

Đêm Ba mươi, cả nhà quây quần trong phòng khách nhỏ. Chai rượu, mấy cái ly được bày sẵn. Bày thêm bộ bài, bộ lô tô cho đám cháu lau nhau. Bà mẹ nhìn các con mình, có đứa thành đạt, có đứa còn lông bông, có đứa vẫn chưa tốt nghiệp, có đứa mới đi làm, ngồi chưa nóng chỗ đã thấy chán việc. Bà coi đứa thành đạt cũng như đứa lông bông, đứa nào cũng nhiều lỗi lầm, dễ vấp ngã, mà đường đời thì lắm chông gai, hầm hố... Vòng tay của bà bây giờ không ôm nổi ước mơ của con cái, ánh mắt của bà giờ cũng không thể dõi theo hết con đường chúng đi, thôi thì, bà chỉ còn biết cầu nguyện. Trong mùi hương trầm ấm áp đêm cuối năm bà cầu xin trên đường dài, con cái đầy đủ nghị lực vượt qua thử thách, cám dỗ, gian nan không sờn lòng... Có đứa con trai chợt nhìn thấy gương mặt mẹ đang trầm tư, bước đến ôm vai mẹ. Bao nhiêu năm khó nhọc nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người, giây phút ngắn ngủi này, bà mẹ thấy mình thật hạnh phúc!

Lục tục rồi cũng qua mấy ngày tết. Mỗi ngày xé tờ lịch bà mẹ lại thấy lòng buồn man mác. Chúng về, rồi chúng lại đi. Những con chim vội vã quay về cái tổ nhỏ bé ngày xưa, ăn bữa cơm mẹ nấu, ngồi với mẹ trong gian bếp nhỏ... Hình như bà vẫn chưa kịp nhắn nhủ thêm với các con điều gì...

Vài cái bánh chưng gói cho con mang về thành phố gọi là chút quà quê của mẹ. Dù biết chúng không thiếu, và có thể, về thành phố, lao vào cái vòng cơm áo chúng sẽ bỏ quên cái bánh chưng đến mốc, nhưng bà vẫn nài ép. Con mang đi cho mẹ vui lòng.

Mỗi năm một lần, có những ngày đầu năm ở thành phố ồn ào kia trở nên lặng lẽ, những con đường chật chội bỗng vắng hẳn, rộng hơn thì hiểu ngay rằng, những con chim đang bay về với mẹ. Và, phải chăng, thật hạnh phúc cho ai vẫn còn mẹ để trở về những ngày tết?

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần


Âm lịch

Ảnh đẹp