gần đó, hồng
chung chùa sư nữ Vạn Thạnh ngân vang, xa xa vẳng tiếng chuông Hải Đức
dội về. Tất cả những thanh âm thiền vị, sâu lắng và đẹp đẽ nhất đã nuôi
dưỡng tâm hồn nhạy cảm của tôi từ lúc bé thơ. Tôi
lớn lên từ chiếc nôi đó. Chiếc nôi đặt giữa thành phố Nha Trang bé nhỏ,
hiền hòa. Trở mình, chợp mắt, có thể nhìn thấy dáng mẹ trang nghiêm
trong chiếc áo tràng lam, một mình trì tụng kinh Pháp Hoa cùng lúc với
thời công phu khuya của các chùa lớn nhỏ chung quanh. Những hình ảnh và
âm thanh ấy có lẽ được ghi lại rõ rệt vào tuổi lên năm, lên bảy; và đi
ngược thời gian xa hơn nữa, tôi đoán chừng có cậu bé chưa thôi nôi, nằm
im, mở mắt thao láo, dõng tai lắng nghe tiếng chuông mõ và giọng tụng
kinh trầm ấm của mẹ hiền mỗi khuya.
Thế
rồi lớn khôn lên một chút, tôi đã biết đi chùa sư nữ để tụng kinh Pháp
Hoa vào mỗi tối. Tụng đọc lại những lời kinh mà mẹ tụng hàng ngày trước
đó. Mỗi tối, mỗi tối, và mỗi tối tụng đọc, lời kinh lan thấm trong máu
huyết tôi, để rồi một ngày nọ, tôi xin đi tu. Chuyện đi tu không đơn
giản. Nhà đông người, người ý này, người ý nọ. Nhưng ba mẹ cũng đã chiều
theo ý tôi. Nha Trang nhiều chùa, nhiều thầy, mẹ phân tích và so sánh
cho con từng nơi, cho phép con chọn lựa. Con đã chọn vị thầy khó nhất,
và ngôi chùa ở trên đồi cao nhất: chùa Hải Đức! Tập luyện và học kinh từ
chùa sư nữ gần nhà, rồi xuất gia nơi ngôi chùa có tiếng chuông linh
thiêng điểm vào tâm con mỗi sớm. Con trở thành chú tiểu từ đó.
Lần
đầu về thăm nhà, bỡ ngỡ như một người khách. Đi tu khó không, khổ nhọc
không? Ánh mắt ba nhìn tôi như trào ra những câu hỏi ấy. Không, ba ơi,
con vui lắm, con không thấy khổ. Ở chùa, thức dậy lúc ba giờ rưỡi sáng
ngồi nghe chuông, niệm Phật, đọc các kệ chú, rồi bốn giờ tụng thời công
phu khuya, giống như thuở bé con thức giấc nghe me tụng đọc kinh Pháp
Hoa, không khó đâu. Ba không bật ra câu hỏi, tôi cũng không buông ra câu
trả lời. Cha con nhìn nhau, thương yêu, đầm ấm.
Một lần khác thăm nhà, chỉ có ba mẹ ngồi bên con, chú tiểu ngơ ngác. Ba ôm vai con, nói:
“Chị
con du học bên Mỹ đã lấy bằng tiến sĩ văn chương, dạy đại học bên đó,
ba mẹ rất vui, rất hãnh diện. Nhưng ba có thể nói rằng có một đứa con
xuất gia, ba me cảm thấy phước báo vô cùng, không niềm vui nào to lớn
hơn.”
Mẹ gật gù tán đồng, đôi mắt tràn thương yêu nhìn chú tiểu:
“Đúng vậy, đúng vậy đó con.”
Ba
mẹ đâu nói chi nhiều. Chỉ ngần ấy thôi. Tiễn con về với chùa, theo thầy
bạn. Một năm, hai năm, ba năm… Con mỗi lúc một xa, không thường về thăm
nhà. Sinh nhật chú tiểu, mẹ lên chùa thăm con, âm thầm tặng một bài
thơ, gói theo hộp bánh dẻo.
Chiều thu thăm con ở chùa
“Đồi mùa thu trải lá
Non tây hút mặt trời
Sương lành thâu nắng ngã
Chuông chùa ngân chơi vơi…
Dưới thấp bước lên cao
Me để thành phố lại
Bỏ sắc đời hư hao
Quên chuyện đời khôn dại…
Bằng hai bàn tay không
Me ôm đầy tâm niệm
Khuyên con luyện chí đồng
Me quỳ dâng mật nguyện…
Trở về cao xuống thấp
Sương mớm lá thu vàng
Trên đồi như nai nhỏ
Áo nhật-bình màu lam…” (*)
Mật nguyện của mẹ là gì, chưa bao giờ mẹ nói ra. Con cũng chưa bao giờ hỏi. Mẹ con lẳng lặng giao cảm tâm với tâm.
Mười
năm, mười lăm năm, con trôi giạt những phương trời. Ba mẹ âm thầm dõi
theo bóng con, học ở đâu, tu ở đâu, hành đạo ở đâu… Thoảng khi tương
ngộ, chỉ im lặng nhìn con, chú tiểu năm xưa đã trưởng thành. Bao năm học
đạo, phước duyên thọ giáo các bậc đạo hạnh chân tu, biết tâm chí hạnh
nguyện bây giờ đặt ở cảnh giới nào!
Mười
bảy năm, về thăm ba, thắp hương khóc tràn. Nhớ nụ cười ba hiền lành,
bao dung… Con đứng nơi bàn thờ, tụng cho ba bài Tâm Kinh Bát Nhã như ba
vẫn thường tụng mỗi ngày. Ba không thuộc nhiều kinh, ba chỉ biết tụng
duy nhất bài kinh ngắn Bát Nhã. Giọng ba tụng lí nhí, nho nhỏ, không
chuông không mõ. Giờ con cũng tụng cho ba, không mõ không chuông và
không cả lời.
Hai
mươi năm, giũ áo ca-sa, thôi không làm tiểu nữa. Mẹ vui con có bạn đời
tốt, nhưng mẹ cứ khóc. Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Dù thế nào, con vẫn còn
là chú tiểu năm xưa đây mà! Con biết và con tin như vậy.
Mẹ
thấy không? Hai mươi hai năm sau kể từ ngày xa mẹ, khi chân con hãy còn
chập chững trong dòng đời, bỗng một phút quay nhìn, thấy mình chưa hề
rời xa chốn ấy. Vẫn là cảnh giới cao đẹp, trong sáng, tĩnh lặng của năm
nào. Từ đó, con đã viết tặng các chú tiểu, mà cũng là tặng ba mẹ: Thiên Thần Quét Lá.
Tác phẩm ấy không nói gì cao siêu, chỉ nói cái chí nguyện ban đầu của
người học đạo. Chí nguyện ấy, một khi đã phát khởi, làm sao có thể mất
đi được? Dù không còn để chỏm, không còn mặc áo nâu, nhưng việc quét lá,
là trách nhiệm của con kia mà! Con biết chí nguyện của con không kiên
cường như mẹ mong đợi. Nhưng con đường, vâng, thưa mẹ, con đường ấy, con
đã thấy.
Bốn
mươi năm, nhìn lại. Tóc đã ngã hai màu trên đầu, mà lòng vẫn như con
trẻ, thiết tha nhớ giọng đọc Bát Nhã của ba; nhớ lời kinh Pháp Hoa mẹ
tụng; nhớ tiếng chuông chùa nuôi dưỡng tâm con từ ấu thời. Chính những
âm thanh, ngôn từ, cảm xúc, ý chí, tâm tư ấy, đẩy con xa khỏi vòng tay
yêu thương của ba mẹ đến mấy mươi năm. Và trên bước viễn hành, con đường
càng lúc càng mở rộng theo sự dìu dắt bởi các bậc thầy của con. Nhưng
con không bao giờ quên rằng, ba mẹ chính là những vị thầy dẫn đạo ban
đầu, đưa con vào lộ trình thênh thang của một thiên thần quét lá.
California, ngày 19 tháng 7 năm 2011.
Vĩnh Hảo