14/08/2011 20:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 94187
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài viết này không có chủ ý hay mong muốn “từ chối” bông hồng vàng trong lễ “ Bông hồng cài áo”, mà chỉ nêu vài cảm nghĩ cá nhân khi tham dự lễ, cũng như lắng nghe một số ý kiến của quý Thầy chung quanh

Bạn có thể vào Google tìm sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc lễ “ Bông hồng cài áo”. Ở đây xin lược vài điểm chính:

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo diễn ra đầu tiên do đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện vào dịp Lễ Vu Lan năm 1962 tại chùa Xá Lợi, khởi nguồn cảm hứng từ đoản văn “Bông hồng cái áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kể từ đó nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa VN hằng năm để "tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu". Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng (roses), màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.
“Nếu bạn còn mẹ, bạn sẽ được cài một bông hồng màu đỏ trên áo, và bạn sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu bạn mất mẹ, bạn sẽ được cài trên áo một bông hồng màu trắng.”

Trong đoản văn “Bông hồng cài áo” Thầy Nhất Hạnh viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”

Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người.
Như vậy hình ảnh hoa hồng màu vàng tuyệt nhiên không thấy nói đến trong lễ "Bông hồng cài áo". mà chỉ có 2 loại hoa màu hồng, và trắng là đã đầy đủ ý nghĩa. Hoa hồng trắng mang “tín hiệu” là Mẹ mất, hoa hồng đỏ thắm mang “ tín hiệu” Mẹ vẫn bên ta.

     Không rõ hoa hồng vàng “phát sinh” tự bao giờ trong lễ "Bông hồng cài áo" mà tôi thấy có nhiều chùa chỉ cài hoa hống trắng và đỏ, có nghĩa là quý Tăng Ni vẫn cài hoa hồng trắng hoặc đỏ. Và có chùa thì lại cài đồng loạt hoa hồng màu vàng cho riêng toàn thể Tăng Ni

Tôi đã tham dự lễ cài hoa hồng nhiều nơi và có nhiều cảm xúc khác nhau, bởi nghi thức cài hoa cũng có khác nhau:

     Những Chùa làm lễ lễ "Bông hồng cài áo"  theo cách thức ban đầu tức chỉ cài hoa hông trắng và đỏ thường có cảm xúc rất mạnh và ấm áp, vì nhân trong dịp này tôi biết được quý Thầy quý sư cô ai còn Mẹ, ai mất mẹ, và chính quý Thầy, quý sư cô cũng …xót xa khi cúi nhìn đóa hoa trắng được cài trên ngực áo, hay hạnh phúc ngắm nhìn cánh hoa đỏ thắm vì có mẹ bên đời.

     Cảm xúc ít hơn khi dự lễ "Bông hồng cài áo"  theo cách…thêm mới sau này, tức có thêm hoa hồng vàng cài cho toàn thể Tăng Ni. Lý do là tôi cũng như quý phật tử họ không thể nhận ra vị nào còn Mẹ, vị nào mất mẹ, bởi Chư Tăng Ni ai cũng mang một bông hồng vàng tiệp màu với chiếc áo  hậu vàng. Chính quý Thầy cũng giảm đi cảm xúc buồn vui khi nhìn màu hoa vàng…lạc điệu.

     Tôi thử hỏi quý Thầy về cảm xúc khi được cài hoa hồng vàng? Thì phần nhiều cho rằng chỉ nên cài 2 loại hoa hồng trắng,và đỏ, giản đơn mà đẹp, mang tính đại đồng, bởi đây là ngày tôn vinh người mẹ. Có người cho rằng hoa màu vàng tượng trưng màu giải thoát của chư Tăng, ý này nghe cũng hay, nhưng lại có phần hơi...“nhạt” khi đặt trong ngày lễ tôn vinh về Mẹ.


 


Cài hoa hồng vàng



Cài hoa hồng đỏ, hoặc trắng ( nếu Thầy mất mẹ)


niềm vui khi nhận hoa hồng đỏ





Trong bài thơ "Tình hoa trắng " của Tuệ Nguyên có đoạn:
“ Áo tôi vàng em cài lên hoa trắng,
Giữa mùa trăng hiếu hạnh nhớ về nguồn.
Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
Vì mùa trăng mùa mẹ bước lên ngôi”

     Đọan thơ thật tuyệt “ áo tôi vàng, em cài lên hoa trắng” …ôi..đẹp và cảm động quá.

* Nhuận Tuệ ,  ảnh minh họa sưu tầm trên  internet


Âm lịch

Ảnh đẹp