, hạnh phúc cho con người. Bởi vì,
suy cho cùng thì giá trị của lễ Tự tứ là sự thể hiện việc quyết định nỗ
lực hoàn thiện nhân cách, thăng chứng tâm linh và khai mở trí tuệ đối
với mỗi cá nhân con người trong cuộc sống vốn biến động không ngừng.
|
Chư Tăng Nam Tông đối thú,Ảnh Liễu Quán-Huế |
Thực tế minh chứng ngay từ thời Đức Phật tại thế, các đệ tử của Phật,
sau ba tháng an cư, vào ngày cuối cùng của mùa Hạ thì chư Tăng làm lễ
Tự tứ. Khởi nguyên của ngày này là chúng Tăng an cư tự thân nghĩ rằng:
“Tuy mình đã gắng tu như thế, nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên
khi tròn ba tháng (rằm tháng Bảy) cùng nhau tập trung lại, cầu mong
những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi cho. Nếu mình tự thấy
mắc phải lỗi lầm, thì phải phát lồ sám hối”. Đây chính là cốt lõi của
ngày lễ Tự tứ. Mục đích của lễ này là để mỗi vị hành giả an cư tự nêu
lên các tội mình đã phạm trong ba việc thấy, nghe, nghi đối trước các vị
đồng phạm hạnh khác mà sám hối. Nhờ sự sám hối này mà thân tâm thanh
tịnh, tự sinh vui mừng, nên gọi là Tự tứ.
Tự tứ là dịch nghĩa chữ Phạn Phavàranà, dịch âm là
Bát-lợi-bà-thích-noa, Bát-hòa-la, có khi còn dịch là Mãn túc, Hỷ duyệt,
Tùy ý sự. Vì thế, ngày này được mệnh danh là Tăng Tự tứ nhật - ngày chư
Tăng Tự tứ; cũng từ giờ phút này chư Tăng thụ giới an cư được công nhận
thêm một tuổi đạo nên còn gọi là ngày Tăng thụ tuế nhật.
Theo thiên Tự tứ tông yếu trong Tứ phần Luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, quyển
thượng, phần 4 ghi: Phật chế hạ an cư 90 ngày, khiến Tăng chúng nhóm
họp một chỗ hạ thủ công phu, hành trì giới hạnh, làm cho đạo hạnh trong
sáng. Tuy nhiên, do phần lớn không nhận thức được việc làm của mình,
không tự thấy lỗi lầm của mình đã phạm, nên phải nhờ đại chúng từ bi chỉ
bảo. Do đó, vào ngày Tự tứ, mọi người phải hết lòng bày tỏ tội lỗi của
mình, cầu thỉnh đại chúng dạy răn, bấy giờ mới hiển bày được những lỗi
bên trong, sai lầm bên ngoài. Nhờ sự phát lồ sám hối này mà thanh tịnh.
Điểm đáng nói là Phật không cho phép Tăng chúng thực hành phi pháp biệt
Tự tứ, phi pháp hòa hợp Tự tứ, hữu pháp biệt Tự tứ, chỉ cho phép thực
hành hữu pháp hòa hợp Tự tứ đúng như tinh thần của Kiền độ Tự tứ trong
luật Thập tụng đã ghi.
Rõ ràng, theo Luật Phật thì mục đích của lễ Tự tứ là xây dựng đời
sống Tăng già hòa hợp thanh tịnh, trên cơ sở tự thân tu tập phạm hạnh
tinh khiết. Quan điểm của Phật giáo thường được ghi trong các bản kinh
là có hai hạng người đáng quý nhất ở đời. Đó là hạng người suốt đời
không bao giờ tạo ra tội lỗi, một hạng người có tạo ra tội lỗi mà thành
tâm sám hối, từ bỏ. Do đó, bất cứ người đệ tử Phật nào cũng phải quán
triệt tinh thần này. Nhất là các vị xuất gia, sống đời sống phạm hạnh,
không gia đình, hướng tâm đến mục đích giải thoát tối hậu. Hẳn nhiên, ba
tháng an cư không phải chỉ là thời gian để hành giả thành tựu phạm
hạnh, sự giải thoát, nó còn đòi hỏi hành giả phải trải nghiệm, hạ thủ
công phu cả quá trình qua một thời gian nhất định với một không gian,
môi trường tu tập thích ứng. Nhưng công bằng mà nói, khoảng thời gian ba
tháng an cư hàng năm là thời gian mang tính chất quyết định, mang dấu
ấn lớn trong việc dốc lòng, nhiệt tâm tinh cần, chứng đạt giác ngộ của
một hành giả. Tại đây, mọi tâm lý mang tính chất “cái này là của tôi,
là tôi, tự ngã của tôi” có thể tự rơi rụng, thay vào đó là thái độ sống
vô ngã, sẵn sàng lắng nghe các đối tượng và tiếp nhận - sàng lọc các các
thông tin để hành xử đúng với mọi người, mọi điều với sự soi rọi của
chánh kiến.
Nguyên tắc của Tự tứ là phải thanh tịnh hòa hợp, do đó mọi hành giả
trong buổi lễ này đều khởi lòng tự tín với chính mình và các vị đồng
phạm hạnh khác. Lòng tin vào tự thân có giá trị quyết định cho sự hoàn
thiện nhân cách, thăng chứng tâm linh, thành tựu giới đức, tâm đức, tuệ
đức sau ba tháng nỗ lực tinh tấn tu hành. Và ngay giờ phút thiêng liêng
của lễ Tự tứ, hành giả tin mình đã chuyển hóa nội tâm, đã thành tựu, đã
chứng đạt. Điều quan trọng hơn nữa, do tự mình phát tâm muốn sám hối
những điều sai phạm mà chính bản thân không thấy, không biết, không nghe
nên khởi tâm tin các vị đồng phạm hạnh khác một cách tuyệt đối trong
tinh thần tôn trọng, hòa hợp, vị tha, bao dung độ lượng, công tâm và
bình đẳng.
Cho nên, hành giả an cư khởi niềm tin vào người đứng ra cử tội có đủ năm phẩm tính đúng như Luật định: 1. Hỏi
đúng lúc, đúng thời. 2. Thành thật, không có sự dối trá, thêm bớt nào.
3. Vì lợi ích, chứ không vì sự tổn hại. 4. Vì từ tâm, chứ không có sự ác
ý. 5. Ngôn ngữ từ ái, không thô lỗ. Trong khi đó người nhận Tự tứ,
người mà mình cầu thỉnh nhờ họ chỉ giáo cũng phải hội đủ năm phẩm tính: 1. Không được thiên vị bất cứ ai. 2. Không khởi tâm sân hận. 3. Không được si mê. 4. Không được khiếp sợ. 5.
Biết ai Tự tứ rồi, ai chưa Tự tứ. Và như thế, tính chất bình đẳng hòa
hợp thanh tịnh trong lễ Tự tứ được xem như điều kiện cần và đủ để buổi
lễ được thành tựu viên mãn.
Do đó, Luật cũng đề cập đến trường hợp một người khi muốn cử tội
người khác hay ngăn cản người khác Tự tứ thì trước hết ba nghiệp thân
khẩu ý của người đó phải thanh tịnh hoàn toàn. Nếu một trong ba nghiệp
thân - khẩu - ý không thanh tịnh thì lời cử tội ấy không có giá trị.
Trong tiến trình cử tội người khác về việc thấy, nghe, nghi phải giải
trình một cách rõ ràng, có chứng cứ xác thực; ngược lại trong khi trình
bày thiếu sự hợp lý, bị chất vấn mà giải đáp không thỏa đáng thì bấy giờ
luật sư có quyền phủ quyết và kết tội trở lại với vị đó với một tội
danh thấp hơn một bậc đối với một tội mà đã tố cáo người khác. Thí dụ có
một vị tố cáo một người nào đó phạm tội Tăng tàn thì sẽ bị luật sư kết
tội vị tố cáo phạm Thâu lan giá…
Ngoài ra, trong tiến trình Tự tứ, có vị Tỳ kheo nào từng phạm tội mà
đại chúng không biết, không có ai cử tội, xem như đã thông qua. Tuy
vậy, sau khi Tự tứ, nếu ai cố tình cử tội lại thì phạm luật. Rõ ràng
nội dung lễ Tự tứ mà chư Tăng thực hiện là nhằm giáo dục, giáo hóa hơn
là sự chỉ trích hay trừng phạt. Vấn đề tự ý thức, tự giác hành trì và
sống đúng luật nghi không chỉ tự tôn trọng phẩm hạnh của cá nhân mà đảm
bảo tính hòa hợp thanh tịnh của đoàn thể Tăng già nữa.
Từ nội dung ý nghĩa của việc thực thi lễ Tự tứ nói trên, giá trị xã
hội của lễ này có tác động lớn vào việc thiết lập đời sống đạo đức hạnh
phúc của con người. Thời gian an cư là thời gian chư Tăng tập trung tu
học, thành tựu phạm hạnh, thăng chứng đạo quả. Cũng chính thời gian này
mà giới tại gia được nương tựa chư Tăng tu hành trong một môi trường tu
tập lý tưởng nhất, có thiện duyên để hành trì nếp sống đạo đức, tu dưỡng
bản thân, bình an nội tại. Lễ Tự tứ cũng nhằm giáo hóa thái độ sống tự ý
thức hoàn thiện nhân cách của chính mình.
Theo dòng tâm lý đời thường, con người luôn tìm cách che giấu sợ
người khác biết thì xấu hổ, hay né tránh lỗi lầm của mình khi bị người
khác nêu ra; hoặc trong trường hợp bị truy hỏi, không thể chối bỏ được
mới thừa nhận; ngay cả khi tự mình nhìn ra lỗi lầm, tự phát tâm sám hối
cũng âm thầm khấn nguyện trước Tam bảo. Phật dạy đây là một thái độ sống
thường tình của con người, do bị thói quen thích nhìn lỗi người khác,
chứ không biết tự nhìn lỗi của mình. Từ một quan điểm sống như vậy, nó
sẽ dẫn đến sự cố chấp, bảo thủ, chủ quan, không bao dung và độ lượng
trong lúc hành xử với các mối quan hệ giữa người và người. Có khi, cách
sống này còn dẫn đến sự tha hóa đạo đức trong việc xây dựng cái “tự ngã”
vốn không thật có trong cuộc đời này. Nhà Phật cho đó là chướng duyên
lớn trong tiến trình tu tập, thực nghiệm tâm linh mà mỗi cá nhân, gia
đình cần phải từ bỏ để có thể sẻ chia, tự nhìn lại mình trong việc kết
nối yêu thương một cách trọn vẹn.
Trái với thái độ sống trên, Phật giáo thông qua lễ Tự tứ nhằm kết nối
các giá trị đạo đức con người chung sống trong một môi trường, một cộng
đồng lý tưởng. Sự thật con người tự nhìn nhận về lỗi lầm của chính mình
là rất khó, ngay cả trước người thân như cha mẹ anh em, bà con quyến
thuộc. Thế nhưng đối với người học Phật thì cái tâm lý tự giáp mặt cái
tôi của chính mình sẽ tự phải tháo bỏ, thay vào đó là thái độ mong cầu
được sửa chữa sai lầm, được trở nên hoàn thiện, thăng hoa. Bằng chứng
các vị xuất gia, hành giả an cư là những vị thầy của quý Phật tử đã thực
thi. Từ điểm nhìn này, bất cứ ai cũng tự thành thật, tự hoàn thiện nhân
cách, sẽ góp phần đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi người. Cho nên
kinh Tăng Chi dạy “Nơi nào có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì trú
xứ đó được thanh tịnh, hội chúng Phật tử nương theo đó mà tu tập, nhất
định được an lạc, thanh tịnh”.
Tự tứ cũng là ngày chư Tăng được tăng thêm tuổi hạ, ngày đánh dấu sự
thành tựu trong việc tu tập, cũng là ngày mọi người hướng tâm báo hiếu
cha mẹ, người còn kẻ mất, ngày xá tội vong nhân, tha thứ cho những lỗi
lầm, chúc mừng vì những niềm vui đạt được; vì vậy ngày này chư Phật mười
phương ba đời đều hoan hỷ. Thế nên, ngày Tự tứ còn gọi là ngày Phật
hoan hỷ. Vậy là không có lý do gì mà trong mỗi chúng ta lại không hân
hoan, không hoan hỷ để sống, để tu, để đóng góp cho đời khi tự mình biết
rằng “Chúng sanh là một vị Phật sẽ thành”.
Thích Phước Đạt (GNO)