21/08/2011 16:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 126517
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cõi âm, thế giới bên kia là quan niệm phổ biến trong hầu hết các dân tộc. Nó tồn tại trong tư cách đối lập với cõi dương - cõi người.

 Ở xứ ta, cõi âm nơi các vịDiêm Vương xét công định tội công minh vong hồn người chết đã được đề cập đến trong các truyện kể ở các sách Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XIV), Công dư tiệp ký (thế kỷ XVIII) và các truyện thơ Hứa sử truyện, Phạm Công - Cúc Hoa, Dương Từ -Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu, cuối thế kỷ XIX) và hàng loạt các sự tích dân gian... Ở các sáng tác đó, hình ảnh địa ngục với các công việc hoạt động dướiđó không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh Phật mà trước hết là kinh Vu Lan Bồn và kinh Địa Tạng. Nói cách khác, các quan niệm dân gian về cõi người chết, càng lúc càng được tích hợp với quan niệm địa ngục có tính hệ thống của đạo Phật.

Địa ngục, tiếng Phạn là Naraka/ Niraya được Hán dịch là Địa ngục, Bất lạc, KhảYểm, Khổ Cụ, Khổ Khí... đều có nghĩa là nơi thọ khổ sau khi chết của những ai khi sanh tiền đã tạo nên nghiệp ác. Địa ngục là nơi khổ nhất, thuộc âm gian theo quan niệm thế gian 3 tầng (thiên gian, nhân gian và âm gian). Theo quan niệm nhà Phật, đó là nơi ác nhất trong thập giới gồm 4 vị trí Tứ thánh: Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn; và 6 vị trí Lục phàm/ Lục đạo: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Khác các hạng thuộc tứ thánh, các hạng trong lục đạo còn vướng trong luân hồi nhiều kiếp; riêng ba hạng cuối - gọi là “tam ác đạo”, thì địa ngục là ác đạo cùng cực.

Địa ngục, còn gọi là cõi Diêm la, do Diêm La vương thống quản. Diêm La vương nguyên là thần Chết Yama của thời Vệ đà (Ấn Độ cổ đại). Yama là con của thần Mặt Trời Vivaswat và Saranyu (có tài chạy nhanh) và Yama là anh song sinh của em gái mình là Yamuna/ Yami (Hán: Diêm My) nên được gọi là Song Vương. Hai vịthần này được coi là cặp đôi đầu tiên và là tổ của loài người; có một đoạn tụng ca Vệ đà, dưới dạng đối thoại, ở đó, người nữ đã biện luận về việc sống chung cốt để đảm bảo sự truyền lưu vĩnh cửu muôn loài. Một tụng khác kể rằng: “Yama là con người đầu tiên bị chết và cũng là người chết đầu tiên lên thiên giới”.Do đó, Yama là thần của các vong hồn và xét xử người chết. Một vong hồn khi rời thi thể của mình thì xuống cõi dưới, ở đó có Chitra - đọc tất thảy công tội từcuốn sổ lớn gọi là Agrs-sandhani và theo đó mà xử tội: vong hồn người chết hoặcđược thăng lên cõi Pitris (Manes) hoặc bị đọa xuống một trong 21 địa ngục, tùy theo tội lỗi, được tái sinh lên mặt đất trong hình dạng khác. Yama thống quản phần hướng Nam và do đó, được gọi là Dakshinasa-pati. Về hình tướng, Yama có màu xanh lục, y phục màu đỏ, cỡi trên lưng trâu, tay cầm quyền trượng to lớn và dây thòng lọng. Yama có rất nhiều vợ, thần cư trú ở cõi âm trong kinh thành Yama-pura. Ở đó có cung điện Kalichi. Hàng ngày, Yama ngồi trên ngai Vichara-bhu để xử án. Bên cạnh có Phán quan Chitra-Gupta và có hai chủ tướng chầu hầu: một là Tổng quản binh Chanda (hay Maha Chanda) và một là Tổng giám sát Kala-pursusha. Sứ giả của thần là Yama-duta có trách nhiệm bắt linh hồn người chết và dinh thự của thần được Vaidhyata - người gác cửa mẫn cán, canh chừng suốt ngày đêm...

Nói chung, bên cạnh khái niệm atman - brahman làm nền tảng cho vũ trụ quan củađạo Hindu, thì luận thuyết karma - samsara (nghiệp báo - luân hồi) là nền tảng của nhân sinh quan của đạo Hindu và một số tôn giáo khác như đạo Phật và đạo KỳNa (Jainaism). Luận thuyết Karma - Samsara đã áp dụng tư tưởng về sự chuyển hóa vật chất trong vũ trụ cũng như tính tuần hoàn của các hiện tượng tự nhiên sang lĩnh vực đời sống xã hội. Chính từ cơ sở đó đã sản sinh ra các biện sự về sựthăng đọa của tín lý tái sinh, về sự việc xét công định tội ở địa ngục/ Diêm phủ.

Tín lý về cõi Diêm la, công năng thưởng công - phạt tội của Diêm La vương thời Vệ đà, về sau, được tích hợp vào Phật giáo, rồi được truyền qua cõi Đông Độ. ỞTrung Quốc, tín lý này kết hợp với các biện sự của đạo giáo, sản sinh ra thuyết Diêm La Thập điện. Theo đó, ở âm phủ có 10 điện, đứng đầu mỗi điện là một vịMinh vương đảm nhận việc xét công định tội theo từng tội danh và thưởng phạt theo trách vụ được xác định có phần cụ thể và rành mạch. Đây là cơ sở của việc thờ tự Thập điện Minh vương cũng như sự có mặt của loại tranh vẽ hay các công trình điêu khắc thể hiện cụ thể cảnh tượng xét xử, trị tội ở địa ngục - gọi chung là “Địa ngục đồ” ở các chùa chiền tự viện ở xứ ta.

Nhất điện: Tần Quảng Vương

Tần Quảng Vương Tướng chuyênđiều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian và quản lý việc u minh, cát hung. Người thiện sau khi thọ mệnh được tiếp dẫn siêu sinh. Người nửa công nửa tội được đưa đến điện thứ mười xét xử, sau đó được đầu thai làm người trên thế gian: nam thì chuyển thành nữ, nữ thì chuyển thành nam. Người làm điều thiện ít, điều ác nhiều thì được áp giải đến đài cao, phía bên trái điện, gọi là đài gương “nghiệt cảnh đài”, để nhìn vào đó liền thấy rõ mọi việc tốt xấu hồi còn tại thế, sau đó giải đến điện thứ hai để vào ngục chịu khổ.

Nhị điện: Sở Giang Vương

Sở Giang Vương trông coi địa ngục Hoạt Đại (có 16 tiểu địa ngục với các hình phạt như: mây đè, phân thối, bị đâm, bỏ đói, bỏ khát, nấu máu, nấu một chảo đồng, nấu nhiều chảo đồng, bỏ vô cối xay sắt, đong lường, gà mổ, ao tro, chặt khúc, gươm lá đâm, chó sói ăn thịt, bỏ vào ao lạnh giá...). Những ai lúc còn sống trên thế gian làm điều tổn thương đến thân thể người khác, gian dâm, sát sinh đều được đưa vào ngục này và các tiểu ngục để chịu khổ. Khi hết kỳ hạn liền được đưa đến ngục thứ ba để địnhđoạt tiếp hình phạt.

Tam điện: Tống Đế Vương

Tống Đế Vương Dư quản Hắc Thằng Đại Địa (có 16 tiểu ngục với các hình phạt: nước mặn, bị gông xiềng, đục sườn, nạo mặt, nạo mỡ, móc gan tim, móc mắt, lột da, căng da, cưa cẳng, rút móng, hút huyết, treo ngược, sả vai, ăn giòi, đập đầu gối, mổ tim). Ai khi sống trên trần gian mà ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa,... phải vào ngục này và các tiểu ngục chịu khổ, hết kỳ hạn đưa đến điện thứ tư.

Tứ điện: Ngũ Quan Vương

Ngũ Quan Vương quản địa ngục Hợp Đại (và 16 tiểu ngục với hình phạt: xiên thịt, xối nước sôi, vả sưng mặt, chặt gân xương, khứa vai lột da, khoan da thịt, chim trĩ mổ, mặc áo sắt, cây,đá dằn, khoét mắt, tro lấp miệng, đổ thuốc độc, trượt nhớt té, xâm miệng, chôn trong đá vụn...). Những ai trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận đều bị đưa vào ngục này và các ngục nhỏ chịu khổ, hết kỳ hạn được đưa qua điện thứnăm.

Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử

Diêm La Thiên Tử vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống quản đại địa ngục Khiếu Hoán (tội phạm ở đây lâm vào cảnh buồn chán, đau khổ không gì bằng) và 16 chu tâm tiểu ngục. Những ai đến điện này đều được dẫn đến đài Vọng Hương để nghe và thấy tất cả những điều, những tai ương mà họ đã gây ra trên trần gian, sau đó được đưa vào địa ngục rồi vào chu tâm tiểu ngục, mổ bụng moi tim, ruột ném cho chó ăn. Hết kỳ hạn lại đượcđưa xuống điện thứ sáu.

Lục điện: Biện Thành Vương

Biện Thành Vương quản Khiếu Hoánđại địa ngục và thành Uổng Tử và 16 tiểu địa ngục với hình phạt: quỳ chông, nhốt trong hầm phân, thiến dái, quết thịt, trâu báng, ngựa đạp, bửa sọ... Những ai khi sống trên thế gian oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơtích trữ... đưa vào ngục này và tiểu ngục để chịu khổ hơn nữa. Hết kỳ hạn đượcđưa đến điện thứ bảy.

Thất điện: Thái Sơn Vương

Thái Sơn Vương quản địa ngục Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm được quẳng vào vạc đồng để nấu). Ai khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích, đưa vào ngục này và các tiểu ngục. Hết kỳ hạn giải đến điện thứtám.

Bát điện: Đô Thị Vương

Đô Thị Vương quản đại địa ngụcĐại Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm bị thiêu, bị nấu cực hình hơn). Những ai sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức khi chết sẽ bị ném vào ngục này và các tiểu ngục. Kẻ bất hiếu chịu hết mọi hình thức đau khổ, giải đến điện thứ mười, thay đổi hình dạng vĩnh viễn làm loài súc sinh.

Cửu điện: Bình Đẳng Vương

Bình Đẳng Vương quản Thiết Võng A Tỳ và 16 tiểu ngục ở Thành Phong Đô. Ai sinh sống trên thế gian mà giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường đều giải đến điện này, bắt ôm cột đồng trống rỗng và trói chân tay lại, đốt lửa ống đồng cho tim gan thiêu trụi và chịu nhiều cực hình khác, sau đó lần lượt đầu thai vào những nơi kẻ đó đã làm hại, giải đến điện thứ mười.

Thập điện: Chuyển Luân Vương

Chuyển Luân Vương chuyên nắm các điện mà giải đến nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai. Nam hay nữ, sống lâu hay chết yểu, giàu sang phú quý hay nghèo hèn, lần lượt được ghi vào danh sách. Những con quỷ mà có nghiệp ác, cái thai bị lạnh đi, khiến cho nó sáng sinh ra chiều đã chết. Hết kỳ hạn trở lại làm người, đầu thai vào nơi sống rất man rợ, bẩn thỉu.

Các tội nhân sau khi chịu đủ các hình thức xử phạt ở các điện, được giải đếnđiện Thập điện cho đầu thai. Những ai được đầu thai đều được giao cho Thần Mạnh Bà đến Thù Vong Đài cho ăn cháo lú, để quên hết những chuyện của kiếp trước. Nếu ai không chịu uống thì giá đao sẽ hiện lên dưới chân, quấn chặt lấy chân, bên trên dùng ống đồng đút vào trong cổ họng bắt uống một cách đau đớn khổ sở.

Những biện sự về địa ngục, Diêm Vương, Thập điện Diêm La có phần nào mô phỏng hình ảnh quan nha trên thế gian. Các tranh vẽ, chạm khắc trên gỗ đá... miêu tảcảnh phạt tội ở địa ngục: địa ngục tăm tối, máu chảy, đầu rơi, các hình phạt kinh hồn... cốt không ngoài mục đích khuyến thiện răn ác, nhằm làm cho ngườiđời thấy đó mà kiêng dè, thấy đó mà hướng thiện, nhắc nhở người đời phương châmđạo lý “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Ở góc độ hoằng pháp, các biện sự này là phương tiện của phương cách “Dĩ huyễn độ chơn”.

____________________________________

Tài liệu tham khảo - Jonh Dowson, M.R.A.S: Clasical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography, History and Literature - Runco, New Deli, 2004. - Kinh Địa Tạng: Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh. - Hồi dương nhơn quả - Ngọc lịch Minh kinh. Không đề nơi XB. PL.2513.

HUỲNH THANH BÌNH (nguồn giacngo.com)


Âm lịch

Ảnh đẹp