Bỏ thuốc lá không bao giờ
sợ đã quá trễ, còn bỏ làm gì nữa. Bỏ càng sớm lại càng lợi cho sức khỏe và phẩm
chất cuộc sống.
Chắc chắn rồi, bỏ thuốc lá
khiến chúng ta bớt bệnh tật và sống lâu hơn. Điều này đúng cả với trường hợp bạn
đã hút thuốc suốt bao năm tháng, và hút nhiều. Người bỏ thuốc ít bị bệnh tim,
tai biến mạch máu não, ung thư, bệnh phổi hơn người tiếp tục hút.
Nếu chúng ta đang bị một
bệnh gây do hút thuốc lá, khi chúng ta bỏ thuốc, trong tương lai, dự hậu của
bệnh cũng khá hơn. Thí dụ, người hút thuốc lá từng bị chết cơ tim cấp tính
(heart attack), nếu bỏ thuốc, sẽ ít chết cơ tim cấp tính lần nữa hoặc mất mạng
vì bệnh tim đến 25-50% so với người vẫn hút. Người hút thuốc rủi bị ung thư cũng
vậy, bỏ thuốc, ít bị ung thư trở lại, ít xảy ra một bệnh ung thư loại khác nữa,
và ít chết vì ung thư hơn.
Ngoài ra, bỏ thuốc, bạn
cũng sẽ thấy kết quả tốt liền trước mắt. Cơ thể của bạn nồng nhiệt cám ơn bạn
ngay phút bạn bỏ hút, và bắt tay vào việc sửa chữa các hư hoại do thuốc lá. Ngay
trong ngày bạn giã từ thuốc lá, nhịp tim và áp huyết của bạn khá hơn, và các
chất hóa học độc hại có trong khói thuốc bắt đầu rời cơ thể bạn. Rồi trong vòng
vài tuần, sự tuần hoàn của máu trong cơ thể bạn khả quan, bạn không còn ho và
khò khè nhiều như trước, đờm cũng thấy ít đi. So với người vẫn tì tì hút, người
bỏ thuốc ít bị cảm, cúm, viêm ống phổi (bronchitis), sưng phổi (pneumonia) hơn.
Nếu bạn hút 20 điếu một
ngày, và nay quyết chí bỏ hẳn, cơ chế sửa chữa trong cơ thể bạn sẽ xảy ra rất
ngoạn mục.
Sau 2 tiếng đồng hồ, chất
nicotine, tác nhân tai hại trong khói thuốc, bắt đầu rời cơ thể bạn.
Sau 12 tiếng, chất carbon
monoxide, từ khói thuốc thấm vào máu bạn, đã hoàn toàn rời khỏi cơ thể bạn, máu
bạn không còn bị chất carbon monoxide ức chế, sẽ mang dưỡng khí (oxygen) đến cho
các cơ quan hữu hiệu hơn.
Trong vòng 1 tuần, bạn nếm
thức ăn thấy ngon hơn, ngửi hương vị cuộc đời thấy nồng nàn hơn. Hơi thở, tóc,
ngón tay, răng bạn sạch sẽ hơn, bớt mùi hôi. Sự tuần hoàn trong cơ thể bạn tiếp
tục tiến triển theo chiều hướng tốt. Tất cả chất nicotine đã biến mất trong hệ
thống cơ thể bạn, những triệu chứng khó chịu nhất do việc bỏ hút cũng dịu dần.
Trong vòng 1 tháng, niêm
mạc lót lòng cơ quan hô hấp của bạn bắt đầu hồi phục và loại bỏ dần các đàm nhớt
gây do thuốc lá. Mới đầu bạn sẽ ho ra đàm nhầy; đàm này có nhiệm vụ làm sạch
phổi bạn, và giúp chống nhiễm trùng. Sau đó, bạn vui thấy mình ho ít đi. Nghẹt
mũi, mệt mỏi, khó thở cũng giảm dần.
Sau 1 năm, nguy cơ chết cơ
tim cấp tính và tai biến mạch máu não giảm và rồi giảm xuống thật nhanh trong
vòng 2 đến 4 năm sau khi bỏ hút. Nguy cơ bị ung thư phổi cũng giảm, nhưng chậm
hơn.
Sau 5 năm, nguy cơ tai biến
mạch máu não của bạn xuống bằng với người không bao giờ hút thuốc.
Sau 10 năm, nguy cơ ung thư
phổi của bạn chỉ còn bằng một nửa so người người vẫn hút thuốc.
Sau 15 năm, nguy cơ bị bệnh
hẹp tắc các động mạch nuôi tim (coronary artery disease) của bạn xuống ngang
bằng với người không hút thuốc lá.
Ngoài ra, vì lý do nào đó,
nếu cần được giải phẫu, một cơ thể không có khói thuốc lá sẽ lành nhanh hơn.
Tương tự, rủi có bị ung thư, không có khói thuốc lá trong người bạn, bác sĩ dễ
chữa bạn hơn, vì cơ thể bạn đáp ứng tốt với các cách chữa trị ung thư.
Sức khỏe tốt hơn là một
trong những lý do vững nhất các bác sĩ dùng để khuyên bạn bỏ thuốc lá. Thêm vào
đó, khi bạn nhất quyết ngưng hút, bạn cũng có thể thấy trước một cuộc sống nhiều
phẩm chất hơn và một lòng tự hào đã bỏ được thuốc lá. Bạn cũng sẽ đỡ tốn tiền
mua thuốc lá và tiền trả cho sự chữa trị các bệnh do thuốc lá gây ra.
Bỏ thuốc lá còn giúp môi
trường trong gia đình bạn thành trong sạch trở lại, vợ con bạn hết hiểm nguy
phải ngửi khói thuốc lá bạn thở ra, đồng thời, bạn làm gương tốt cho con cái, vì
các cháu khi lớn lên ít hút thuốc nếu bố mẹ các cháu không hút. Phụ nữ mang thai
đến tháng thứ 3 hay thứ 4, nếu nghỉ hút, vẫn còn kịp làm giảm nguy cơ cháu bé
trong bụng ra đời thiếu cân.
Nếu nghỉ hút, muôn mối lợi
sẽ đến với bạn. Vậy, xin hỏi, bạn còn chờ gì chưa quyết định bỏ thuốc lá?
Bài sau, chúng ta sẽ bàn
đến các cách bỏ thuốc lá.
(Chuyển dịch Việt ngữ bài
“Benefits of quitting” trên Website www.patientedu.org của trường Đại Học Y Khoa
Harvard.)