Nước gạo lức, thần dược.


(Tác giả Ngọc Bảo -Bài do bạn KimAnhTruong giới thiệu)
29/05/2011 20:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 4485
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi vốn là người rất "kỵ" thuốc, thuốc Tây, thuốc Nam hay thuốc Bắc gì cũng vậy. Có lẽ cũng vì ấn tượng hồi nhỏ để lại, mỗi lần tôi bị cảm mẹ tôi thường hay nghiền những viên aspirin vừa đắng, vừa chua pha vào nước đường đưa cho tôi uống, vì tôi không biết uống thuốc viên. Mỗi lần như vậy tôi phải nhăn mặt nhíu mày, lấy hết can đảm mới nuốt hết được thứ nước vừa đắng, vừa chua, lại vừa ngọt đó. Cũng may là một năm mưa nắng hai mùa tôi ít khi bị cảm gió,

cảm nắng gì nhiều. Đến khi lớn lên, cũng không biết từ lúc nào tôi bắt đầu tập uống thuốc viên, cũng phải "trầy da tróc vẩy" lắm, mỗi lần để viên thuốc vào cổ là mỗi lần hồi hộp, chỉ sợ nó không chịu trôi đi theo ngụm nước lọc mà cứ nằm ăn vạ, đình công ở đó để cái lưỡi phải nếm đủ vị cay đắng mùi đời cho thêm tê tái. "Tốt nghiệp" được màn uống thuốc viên thì một ngày đẹp trời trong khi đang du học ở Nhật, tôi khám phá ra một chứng bệnh đau bụng, không biết là thật hay là giả, nhưng nghe chị bạn cùng cư xá dọa non dọa già về chứng đau gan, tôi sợ quá đành đánh liều đi nhà thương xin khám cho chắc ăn. Thế là một màn thử test được diễn ra, tôi phải nhịn một số thức ăn trong một tuần để bụng dạ được sạch sẽ trước khi thử nghiệm. Vừa mới qua Nhật không được bao lâu, tài nấu ăn rất là giới hạn nên tôi làm luôn một tuần mì gói và trứng gà. Kết quả là "lợn lành chữa thành lợn què", thử nghiệm không thấy đau gan đâu, mà sau một tuần ăn mì gói trứng gà tôi đã "kết" được một chứng bệnh rất khó chịu nhưng cũng có cái tên rất thơ mộng là "gẩy đàn" mỗi khi cơn bệnh nổi lên. Tưởng đã giã từ được nhà thương với bác sĩ, nay tôi lại phải đều đều đến phòng mạch của bác sĩ gần nhà lấy thuốc mỗi tuần. Bác sĩ này cũng nhất định bác bỏ cái thuyết "đau gan" của tôi, mà chỉ nói một cách mơ hồ là bệnh allergy này không có nguyên nhân rõ ràng, hoặc có lẽ do một nguyên nhân rất khó hiểu là stress, có thể vì một "nỗi buồn xa xứ" nào chăng. Nhưng dù nguyên do gì đi nữa, kinh hoàng nhất vẫn là đám thuốc bột mà vị bác sĩ đó đã âu yếm kê toa cho tôi. Thứ thuốc bột mà ngửi mùi cũng đã thấy hơi hơi muốn xây xẩm rồi, mỗi lần uống lại phải gói ghém vào một loại giấy bóng gói kẹo, mà với tài gói ghém của tôi thì có lẽ cái bọc thuốc đó cũng không nhỏ hơn cổ họng của tôi bao nhiêu, và khi đưa vào trong miệng là tất cả mọi thứ đã có vẻ muốn rã rời ra hết rồi. Nhưng rồi, "trăm hay không bằng tay quen", rốt cuộc tôi cũng đã uống được gói thuốc bột đó một cách thành thạo, sau những ngày "training" rất là gay go.  

Nói dông nói dài, chắc quý bạn cũng không hiểu tại sao tôi lại kể lể những chuyện chẳng ăn nhập gì đến tựa đề của bài này như vậy. Số là, tuy rất là không có cảm tình với thuốc tây như vậy, nhưng tôi lại thích tìm hiểu về dinh dưỡng và những loại thực phẩm có dược tính chữa bệnh. Tôi dùng thử nào là gạo lức, dấm táo, mật ong, yeast, wheat germs, thạch đen hà thủ ô, nước xay đủ loại, canh dưỡng sinh vv... nhưng tất cả đều "bạo phát bạo tàn", bệnh lười vẫn thắng thế, nhất là thứ nào phải mất công đun nấu lích kích thì chỉ sau một vài lần đã đi vào dĩ vãng. Một ngày kia bỗng tôi vớ được một bài đăng trên e-mail của nhóm Đà lạt, tựa đề "Thanh lọc gan bằng nước gạo lức", thật là "gãi đúng chỗ ngứa" vì tôi vẫn tin tưởng rằng mình có một cái "duyên" nào đó với bệnh gan. Quả nhiên đọc xong bài này tôi cảm thấy thích thú, "hồ hởi phấn khởi" hẳn lên. Nội dung bài đại khái như sau:

 

 

 Một nhóm thiền sinh họp nhau mỗi tháng trao đổi kinh nghiệm tu tập và sức khỏe dưỡng sinh, một hôm có mấy người đưa ra kết quả phân tích máu sau khi đã thử uống nước gạo lức được mấy tháng. Tất cả mọi người đều lấy làm lạ vì thấy máu họ so sánh với người khác rất sạch tốt, không có độc tố và ký sinh trùng, huyết cầu rất tròn không bị méo mó và huyết thanh rất trong. Đó là vì một người trong nhóm đã theo gương một bạn đạo khác trong vùng Oregon, bác này bị sạn ở túi mật quá nhiều đã tràn sang gan, mặc dù đã mổ nhưng không lấy hết ra được, và gan đã bị chai. Túi mật đã bị mổ lấy ra, bệnh gan cũng không có thuốc chữa nên bác càng ngày càng sa sút, da và mắt vàng như nghệ, tình trạng thật là tuyệt vọng. May sao có người ở Việt Nam mách cho phương thuốc dân gian gia truyền là uống nước gạo lức rang để giải trừ độc tố và thanh lọc gan. Thôi thì đến lúc cùng đường, ai chỉ gì cũng thử, bác uống liền tù tì trong ba năm dùng nước gạo lức thay cho các thứ nước khác như trà, cà phê, nước ngọt v.v... Như một phép lạ! Da và mắt của bác không còn vàng nữa, trong người không còn mệt mỏi và bực bội, nước da càng ngày càng tươi sáng hơn bao giờ! Đi khám bác sĩ lại, tất cả từ bác sĩ cho đến y tá đều ngạc nhiên. Con người của bác như đã được tái sinh! Thế là nhóm thiền đó bèn thực tập ngay phương thuốc tuyệt diệu này, và sau 6 tháng dùng thử so sánh kết quả đã thấy rất nhiều phấn khởi như sau:

- Sức khỏe tăng gia, làm việc nhiều không thấy mệt.

- Bớt mập, bớt cholesterol, tiểu đường.  

- Chữa táo bón, bớt bị đau bụng, bệnh hôi miệng.  

- Chữa bệnh phong thấp, bệnh ra mồ hôi, đau lưng nhức mỏi. 

- Da dẻ tươi sáng, không cần dùng kem dưỡng da.

Thấy có vẻ lý thú quá, tôi bèn thực tập ngay, đi mua mấy ký gạo lức về rang và đun nước uống để bình thủy, "sáng vác ô đi tối vác về" đem vào sở uống thay nước lọc. Kết quả: không có gì cụ thể, vì tôi chẳng mấy khi đi bác sĩ nên cũng không có cơ hội thử máu xem "trước và sau" (before and after) như thế nào, nhưng thấy có vẻ như có nhiều năng lực, energy để làm việc hơn, và mọi người khen là trông da dẻ "tươi sáng" hơn trước. Một ngày nọ, một chị bạn đồng sở bỗng nhiên khám phá ra ung thư ruột già, phải vào bệnh viện mổ, chị phải ăn uống rất hạn chế, phải uống nhiều nước trong ngày. Tôi không biết giúp gì cho chị, bèn đem gạo lức rang đến chỉ cho chị cách nấu uống mỗi ngày. Như một phép lạ! Chị có đủ sức để chịu đựng hai lần mổ, nhiều lần hóa trị liệu chemotherapy mà không bị kiệt sức và không bị mất hồng huyết cầu nhiều tuy ăn rất ít, hầu như không đủ chất bổ dưỡng. Thấy hay, chị chỉ lại cho những người quen, nhất là những người bị yếu và đau gan, kể cả những người bị sơ gan hết thuốc chữa. Tất cả đều báo cáo kết quả rất tốt, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng của họ đã cải thiện hẳn. Sau này, tôi cũng chỉ cho những người khác ở trong trường hợp tương tự, ngay cả cho "xếp" tôi trong sở, người thì bị tiểu đường, người thì bị chứng phong thấp và đau nhức v.v.. Kết quả đều khả quan, và trông ai nấy đều có vẻ tươi tắn, khỏe khoắn hẳn ra.  

Riêng với tôi, nước gạo lức là một thứ nước uống rất ngon, và tuy không thấy công hiệu rõ ràng trước mắt như những người có bệnh và phải đi thử nghiệm định kỳ, nhưng mỗi lần phải làm những việc nặng nhọc tưởng chừng như không làm được, tôi vẫn có thể "pass" được như thường. Và như anh bạn tác giả bài viết đó đã nói, càng uống càng thấy thích, nên tuy phải đun nấu, nhưng món này đã không đi vào dĩ vãng mà vẫn tồn tại một cách bền bỉ và chưa có hứa hẹn gì là sẽ bị bỏ rơi trong một tương lai gần đối với tôi. 

Thiết tưởng cũng nên phổ biến phương thuốc thần diệu này rộng rãi, biết đâu sẽ giúp được nhiều người và có thêm được một vài "phép lạ" nào nữa. 

Cách nấu: Một muỗng canh gạo lức rang cho một lít nước.  

Mua gạo lức hột tròn hay dài (brown rice) tại các siêu thị, hay trong những chợ health food. Không nên rửa gạo trước khi rang, vì làm như vậy có thể làm cho người bị nóng hơn bình thường. Dùng chảo rang gạo trên lò, độ nóng medium low. Khi rang nhớ dùng đũa khuấy đều, vì nếu để yên một chỗ khá lâu hạt gạo sẽ bị cháy, hoặc nở bung ra. Rang cho đến khi có mùi thơm và gạo có mầu nâu đậm hay nhạt tùy ý thích. Nên rang mỗi lần vài pounds rồi để vào trong một cái keo dùng dần. [ bạn Kim Anh Truong để nghị thêm vài lát gừng vào gạo khi rang cho thơm]  

Nấu theo tỷ lệ một muỗng canh với một lít nước trong nồi Slow Cooker, độ nóng low, từ 8 đến 10 tiếng. Có thể nấu vào buổi tối trước khi đi ngủ, như vậy đến sáng trước khi đi làm có thể cho vào bình thủy mang theo, hoặc nấu buổi sáng và đến chiều tối thì xong.  

Nên uống nước gạo lức rang với độ nóng thích hợp cho mình từ 2 đến 3 lít mỗi ngày. Nước gạo lức rang không nên để lâu trong nồi quá một ngày, vì sẽ làm nước bị đục và có thể bị thiu. Nếu dùng không hết, nên sớt ra, để nguội cho vào tủ lạnh. Trước khi uống chỉ việc hâm nóng là được.  

Xác gạo lức khi nấu xong không nên bỏ, vì có thể ăn như cháo và làm nhẹ bụng. Người mới bệnh dậy, hoặc đầy bụng, hoặc chán không biết ăn gì (vì quá thừa thãi), cứ ăn vài ngày để giúp bao tử làm việc nhẹ nhàng, sẽ thấy thèm và thích ăn.  

Tốt nhất là nấu bằng Slow cooker, đừng nấu trên bếp lò vì nước gạo sẽ không được trong.  

Được biết, trong gạo lức có nhiều chất sơ (fiber) có thể làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu, đồng thời cũng có thêm những khoáng chất (mineral) như magnesium, manganese, zinc. Uống nước gạo lức phối hợp với thể dục và dưỡng sinh, điều hòa hơi thở bồi dưỡng thể chất cũng như tâm linh sẽ đem lại một đời sống khỏe mạnh, an vui cho chúng ta.  

Tuy nhiên, nên nhớ rằng gạo lức chỉ giúp chúng ta điều chỉnh những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe con người, chứ không phải là "thuốc tiên" có thể đi ngược lại vòng xoay của tạo hóa mà "cải tử hoàn sinh" hay "cải lão hoàn đồng" được. Con người sanh ra trong sự biến dịch của vũ trụ, trong quy luật tuần hoàn sanh lão bệnh tử của kiếp nhân sinh. Điều quan trọng là sống trong trí tuệ hiểu biết, sẵn sàng chấp nhận những gì đến và đi và buông bỏ không luyến tiếc những gì không thể giữ được nữa, kể cả xác thân vật chất này, như vậy ta sẽ có sự bình an dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ghi chú-  Nhân bàn vê gạo lức, chúng tôi mời qúi bạn đọc thêm các bài dưới đây nói về cách nấu gạo lức và phương pháp thực dưỡng bằng gạo lức muối mè 

1- Phương pháp thực dưỡng bằng gạo lức muối mè (phương pháp Oshawa)

Phương pháp điều trị bệnh tật bằng cách ăn "gạo lức, muối mè" được gọi là "phương pháp thực dưỡng" (Macrobiotics), ra đời bởi giáo sư người Nhật có tên Sakurazawa Nyoichi - mà bây giờ, người ta vẫn quen gọi là phương pháp Oshawa. Phương pháp này nở rộ trên đất nước Nhật Bản sau ngày Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, và rất nhiều người sống dở chết dở vì nhiễm phóng xạ. Đặc biệt hơn, năm 1982, khi một số tờ báo có uy tín trên thế giới như tờ Paris Match ở Pháp, tờ Life ở Mỹ, tờ Atarashiki Sekaia ở Nhật đồng loạt đăng tải về trường hợp bác sĩ Anthony Sattilaro, Giám đốc Bệnh viện Methodist, bang Philadelphia, Mỹ đã chữa lành bệnh ung thư xương bằng cách ăn gạo lức, muối mè, thì phương pháp Oshawa trở nên phổ biến, rồi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng bệnh và chữabệnh.
Theo Tiến sĩ y sinh học Đào Đại Cường, thuộc Trường đại học Y Dược VN, thì thành phần của gạo lức gồm có chất bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6 và các axit như axit pantôtênic, axit paraaminôbenzôic, axit pôlic, axit phityn, chất canxi, chất sắt, chất ma-nhê, chất xêlen, glutathiôn, ka-li và na-tri. Còn trong dầu mè có vitamin H, vitamin E, vitamin K, tiền vitamin A cùng các chất như phốt pho, chất béo chưa bão hòa Chất xe-len chẳng hạn,  đã được y học chứng minh là có khả năng ngăn ngừa ung thư, chất glutathiôn thì phòng nhiễm bụi phóng xạ, axit pantôtênic giúp tăng cường chức nắng của vỏ não, chống viêm da, u bướu ác tính nên việc duy trì một chế độ ăn gồm toàn gạo lứt, muối mè để phòng ngừa và chữa bệnh ung thư làcócơsở.

Nguyên tắc ăn cơm gạo lức muối mè: Yếu tố căn bản của phương pháp ăn cơm gạo lức muối mè là nhai nhuyễn như cháo từ 70 đến 80 lần rồi mới nuốt và ăn miếng khác. Cứ một chén cơm gạo lức một muỗng canh muối mè nhai thật kỹ cho nước bọt ứa ra từ từ quyện lẫn với thực phẩm, ăn xong bữa cơm mất 1 tiếng đồng hồ. Nước bọt là một chất nước vô cùng quý giá kết hợp với một phần tinh túy của ngũ cốc không những kích thích cho cơm tiêu hóa tốt mà còn giúp cơ thể con người thanh lọc được những chất độc hại trong cơ thể. Điều cần lưu ý là chỉ nhai cơm gạo lức với muối mè, hạn chế ăn chung với các thực phẩm có phụ gia bảo quản hoặc lọai rau có phun thuốc trừ sâu để không làm mất tác dụng các chất dinh dưỡng có trong gạo lức (Nếu muốn dùng thêm các món ăn phụ thì nên dùng riêng.) Sau ăn cơm khoảng 15 phút mới uống nước, không uống nước quá nóng hoặc lạnh, chỉ nên uống nước ấm, nên ngậm nước một lúc mới nuốt. Không uống quá nhiều nước, chỉ khi khát mới uống.


Tuy nhiên không phải bất cứ trường họp ung thư, hoặc bệnh tật nào mà ăn gạo lức, muối mè cũng đều lành. Hơn nữa, cơ thể con người - nhất là những người trẻ tuổi thì gạo lứt, muối mè không có khả năng cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhằm giúp cho sự phát triển, mà cần phải có chất đạm, chất béo, các vitamin trong thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây...

Ở Việt Nam, phương pháp thực dưỡng bằng gạo lức, muối mè bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1963, nhưng lúc ấy mới chỉ có một số ít người áp dụng, và hiệu quả thì không thấy nói đến nên nó không được phổ biến sâu rộng. Đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, số người ăn gạo lức, muối mè cũng không nhiều. Phần lớn người ăn gạo lức, muối mè là những người mắc bệnh nan y, hoặc mạn tính, nghe lời truyền khẩu nên bắt chước ăn theo với suy nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương".

Một bệnh nhân cho biết: "17 năm trước, tôi bị viêm xoang rất nặng, mũi thường xuyên tiết dịch nhầy, hôi hám, đôi khi chảy máu và nhức đầu triền miên. Đi bệnh viện khám lần nào bác sĩ cũng khuyên mổ. Nghe theo sự chỉ dẫn của người quen, tôi ăn gạo lức, muối mè liên tục trong một tháng thì các triệu chứng kể trên hoàn toàn biến mất. Đến nay, sau 17 năm, tôi vẫn ăn gạo lức, muối mè và hoàn toàn khỏe mạnh".

Một bệnh nhân khác  bị một khối u trong ổ bụng và đã qua ba lần mổ mà sức khỏe của chị ngày càng suy kiệt. Thật bất ngờ, từ khi ăn gạo lức, muối mè, tình trạng sức khỏe của chị được cải thiện trông thấy.

Một bà bệnh nhân khác bị bệnh tiểu đường hơn 30 năm nay kể: "Sau một tháng ăn toàn gạo lức muối mè, lượng đường trong máu tôi có giảm đi và 12 năm nay, nó gần như cứ giữ nguyên. Đặc biệt là trước kia, mỗi lần bị vết thương chảy máu thì nó rất lâu lành nhưng từ ngày ăn gạo lức, muối mè, lỡ có đạp miểng chai hay cắt dao vào tay thì chỉ ba bữa là khô miệng". Gặp vị bác sĩ đã nhiều năm theo dõi bệnh tật của bệnh nhân này, ông công nhận: "Đúng là sau rất nhiều lần xét nghiệm, lượng đường trong máu của bà chỉ cao hơn mức bình thường một chút nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra!!".

Như thế, việc áp dụng phương pháp "thực dưỡng bằng gạo lứt, muối mè" để đều trị một số bệnh tật xem ra có hiệu quả. Tuy nhiên, một số bác sĩ chuyên khoa Ung bướu thuộc Trung tâm Ung bướu VN thì thận trọng: "Để kết luận rằng gạo lức muối mè chữa được bệnh ung thư, cần có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ trên nhiều bệnh nhân ở nhiều dạng ung thư khác nhau, nhiều thời kỳ khác nhau, với những bệnh nhân đối chứng nhằm đánh giá khách quan chứ không thể chỉ dựa vào vài trường hợp để khẳng định rằng cứ hễ ung thư mà ăn gạo lức muối mè thì lành".
                                                                              (bài của Vũ Cao)                                                          

2- Cách nấu cơm gạo lức

Xem hình

 

Gạo lức (brown rice) là một loại gạo chỉ xay bỏ trấu tức vỏ lúa chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong.  Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho biết những thực phẩm có nhiều chất xơ, như gạo lức và các loại đậu khác có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư ruột không phải vì chất xơ mà chính là chất phytate chứa trong chất xơ.  Các nhà khoa học cũng tìm thấy ở trong chất cám gạo lức có một thứ dầu đặc biệt mang tên là tocotrienol factor TRF có khả năng chống cholesterol xấu LDL và khử trừ những chất hóa học gây ra hiện tượng đông máu.

Gạo lức là một loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng khi so sánh với gạo trắng.  Tuy nhiên, nó còn gia tăng nhiều dinh dưỡng hơn nữa khi được đem ngâm trong nước ấm, lâu khoảng 22 giờ.  Đây là một khám phá mới nhất của khoa học. Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy gạo lức ngâm lâu 22 tiếng đồng hồ chứa rất nhiều chất bổ dưỡng vì gạo lức ỡ trạng thái nẩy mầm.  "Các enzyme ngủ trong hạt gạo ở trạng thái này được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng."

Theo giáo sư Kayahara gạo lức nẩy mầm không những chỉ đem lại nhiều chất dinh dưỡng mà còn nấu rất dễ dàng và cung ứng cho chúng ta một khẩu vị hơi ngọt vì các enzymes đã tác động vào các chất đường và chất đạm trong hạt gạo. Gạo trắng không nẩy mầm khi ngâm như vậy. 


Cách nấu gạo lứt

1)- Nấu bằng nồi cơm điện
Rửa sơ gạo xong cho vào nồi cơm điện, cho nước ngập gạo khoảng 1 lóng tay và nấu như thường, ăn với mè rang, giã ra với 1 tí xíu muối.
Nấu theo kiểu nầy cơm không dẻo như cơm nếp được. nấu cách nầy thầy thuốc cũng có ý là để cho ta nhai thật lâu, để nước miếng tiết ra thật nhiều quyện với cơm gạo lức, muối mè để chữa bệnh mới có công hiêu. (ĂN THỨC UỐNG, UỐNG THỨC ĂN: Ý MUỐN NÓI TA PHẢI NHAI CƠM RA THÀNH NƯỚC.)

2)- Nấu cách thủy bằng nồi áp xuất
Nồi nầy ở ngoài là 1 nồi áp suất cao, bên trong còn có một nồi nhỏ bằng sành có nắp đậy. Khi nấu, lấy gạo ra cũng rửa sơ, xong cho vào nồi bằng sành, rồi đổ nước ngập chừng bằng 1 lóng tay.
Lấy 5 cup nước lạnh đổ vào nồi áp suất, cho nồi sành vào trong, đậy lại thật chặt và nấu trong một tiếng đồng hồ.
Nấu kiểu nầy gạo lức ăn như cơm nếp, dẻo và rất ngon, nếu nấu với đậu đỏ càng bổ và ăn bùi, ngon lắm.

3-Nấu bằng nồi thường
Nấu cơm gạo lức theo cách cổ điển  tức là nấu như nấu cơm thường chỉ khác một điều là bạn phải ngâm gạo lức trong vòng 22 tiếng đồng hồ cho gạo lức nẩy mầm.
Ví dụ như sau khi ăn tối xong khoảng 9 giờ thì đem ngâm gạo lức và cho tới hôm sau khi đi làm về khoảng 7 giờ tối thì gạo lức đã nẩy mầm.
Đem đi nấu chừng 15 phút thôi (nấu nồi thường), nếu thấy gạo đã mềm mà còn nước nhiều thì chắt nước cơm gạo lức để uống.
Sau đó để lửa nhỏ chừng vài phút là ăn được rồi. Như vậy lần sau thì đã biết cho bao nhiêu nước thì vừa. Sau đó chuẩn bị muối mè có bữa cơm gạo lức ngon lành (bảo đảm là cơm sẽ rất là mềm)                                                           Cơm ăn không hết có thể để trong tủ lạnh dùng trong khoảng một tuần lễ.  Nếu muốn để lâu hơn, nên chia ra từng phần rồi bỏ vào ngăn đông lạnh, khi ăn chỉ việc cho vào micro-wave hay bỏ vào ch ào không dính (non-stick pan) để trên bếp lửa là cơm trở lại tình trạng nóng hổi bình thường

                                                                                                          (bài của Vũ Cao)

Âm lịch

Ảnh đẹp