với 35 bạn đọc tham dự trực tiếp và đông đảo bạn đọc theo dõi tại
www.sgtt.vn, trong buổi tư vấn trực tuyến Ăn tết ngon lành do công ty cổ
phần sữa Việt Nam – Vinamilk tài trợ, tổ chức tại toà soạn báo Sài Gòn
Tiếp Thị sáng 27.1, đã diễn ra trong không khí ấm cúng, đầy ắp hương vị
tết.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: “Người có bệnh, nếu đi thăm tết thì tránh giờ cơm, để khỏi khó xử khi được mời những món kiêng kỵ”.
|
Theo chia sẻ của hai khách mời, thói quen ăn tết như
ngày xưa cần thay đổi cho phù hợp hơn với điều kiện mới, vì nguồn thực
phẩm của nhiều loại hàng truyền thống đã khác xưa, món ăn đa đạng hơn và
dịch vụ món ăn làm sẵn phổ biến hơn, nguồn cung thực phẩm dồi dào,
những nghiên cứu dinh dưỡng mới cũng đã có những khuyến cáo cụ thể riêng
cho từng loại bệnh.
Ngày xuân ăn lành, uống đúng
“Chẳng hạn đối với hạt dưa có nhuộm phẩm màu thì không
nên dùng. Thay vào đó là những loại hạt khác như hướng dương, hạt dẻ,
hạt bí đỏ, hạt điều, đậu phộng... vừa ít có nguy cơ phẩm màu mà lại chứa
các axít béo không no thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra trong ngày tết nên
ăn nhiều trái cây, rau xanh. Chọn trái cây theo mùa, trái cây nội vì sẽ
ít chất bảo quản hơn. Ưu tiên ăn các trái có vỏ như bưởi, cam, thanh
long... Với trái cây không vỏ như táo, lê… cần ngâm rửa thật kỹ trước
khi ăn”, BS Minh Hạnh nói. Về đồ uống trong ngày tết, BS Minh Hạnh lưu
ý, các quý ông tốt nhất không nên uống rượu, bia. “Không thể trả lời là
uống tối đa bao nhiêu vì còn tuỳ cơ địa mỗi người. Có người một ngụm
thôi đã chịu không nổi. Nếu cần xã giao thì chỉ nhấp môi cho có…”.
Về lựa chọn thức uống, BS Minh Hạnh cho rằng các loại
nước ngọt (kể cả nước ép trái cây công nghiệp) thường chứa nhiều đường,
hương vị, chất bảo quản hơn là dưỡng chất: “Trong những ngày tết, chúng
ta có thể dùng nước ép trái cây tươi hoặc nước trái cây lên men, thay
thế cho bia rượu. Nước trà cũng rất tốt cho sức khoẻ, hoặc đơn giản là
nước khoáng, nước tinh khiết từ các cơ sở sản xuất có uy tín”.
Cách chế biến mứt dừa, mứt gừng
– Dùng dừa khô, cạo ra, gọt bỏ phần đen,
sau đó dùng dao bào mỏng ra. Ngâm trong nước, xả thật nhiều lần đến lúc
nước trong lại. Vớt ra để ráo. Cho vào chảo (hoặc thau) lớn và rắc đường
cát trắng lên. Tỷ lệ: nửa ký dừa – nửa ký đường. Bắc lên bếp và để lửa
nhỏ, sên đến khi đường chảy ra. Khi khô lại là được.
– Mứt gừng cũng tương tự như vậy nhưng để
giảm vị cay của gừng, sau khi gọt, ngâm gừng vào trong nư ớc, sau đó
luộc qua gừng. Phơi nắng và đem vào để ráo, ướp đường bắc lên bếp.
TS Nguyễn Thị Diệu Thảo
|
Chuyên gia ẩm thực Diệu Thảo cho biết, những món giàu
dinh dưỡng và bảo quản được lâu trong ngày tết là các món thịt kho, cá
kho... Ngoài ra, cần ăn thêm các loại bông cải, bắp cải, su hào, càrốt
để có thêm chất xơ, vitamin cho cơ thể. “Các loại thực phẩm này cần giữ ở
nhiệt độ thích hợp trong tủ mát hoặc hâm mỗi ngày nếu là món kho sẵn”.
Nên chế biến món ăn đủ dùng trong một, hai ngày, sau đó
chế biến tiếp, đặc biệt là các món thịt, cá. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị
những món mới như nộm, gỏi, lẩu… vì rau củ sẽ bổ sung chất xơ, chất
khoáng cho cơ thể. Khi chọn thực phẩm công nghiệp, nhớ quan sát kỹ nhãn
mác. Để hạn chế tình trạng nhà sản xuất lừa dối người tiêu dùng bằng
cách ghi không đúng thời gian sản xuất, nên chọn mua sản phẩm của các
công ty có tên tuổi và nơi bán trong các siêu thị lớn hoặc cửa hàng thực
phẩm có uy tín.
Tuỳ bệnh mà chọn món ăn
TS Nguyễn Thị Diệu Thảo: “Chỉ nên chế biến món ăn đủ dùng trong một, hai ngày tết. Sau đó chế biến tiếp, đặc biệt là thịt, cá”.
|
Trong nhiều thắc mắc và câu hỏi gửi về cho khách mời,
nhiều bạn đọc bộc bạch sự lo lắng về chế độ kiêng cữ trong ăn uống ngày
tết vì đang mắc bệnh. Theo BS Minh Hạnh, người bị đái tháo đường trong
ngày tết có thể ăn được các món thịt kho trứng (chọn thịt nạc, không ăn
mỡ, ăn trứng vừa phải), canh khổ qua hầm, canh măng, các loại rau xanh
và trái cây ít ngọt như bưởi, cam, thanh long. Với bánh mứt, kẹo ngọt,
kể cả trái cây ngọt… nên hạn chế, nếu sử dụng thì chỉ ăn rất ít và ăn
sau bữa cơm, rau và thức ăn từ bữa chính sẽ hạn chế hấp thu nhanh đường
vào cơ thể.
Thức uống tốt nhất là nước lọc và nước trà. Đi thăm tết
nên tránh giờ cơm ra để khỏi khó xử khi được mời những món cần kiêng
kỵ. Nếu phải ăn thì chọn món nhiều rau, tránh ăn món nhiều đường. Với
người viêm dạ dày, nên chọn thực phẩm dễ tiêu, ít gia vị, tránh các món
ăn nhiều béo, giàu chất xơ hoặc quá chua; không ăn quá no trong một bữa
và cũng không nên để quá đói. Ăn điều độ đúng bữa và có vài bữa phụ.
Tránh uống rượu bia vì kích thích dạ dày, làm nặng thêm tình trạng
viêm...
Những trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai, người già
hay trẻ biếng ăn… cần có một chế độ ăn riêng, thực đơn riêng. Những món
ăn như thịt kho trứng, khổ qua hầm, canh măng là thích hợp với phụ nữ
mang thai. Ngoài ra, bữa phụ có thể dùng thêm sữa, nước trái cây, không
nên ăn nhiều mứt. Với người già và trẻ biếng ăn, cần chia nhỏ bữa ăn
trong ngày, như vậy vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nhưng không ngán,
không có cảm giác chán ăn.
Theo chuyên gia Diệu Thảo, hiện ở siêu thị bán rất
nhiều thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt nguội…, nên chuẩn bị
sẵn để giảm bớt gánh nặng làm thức ăn trong ngày tết. Để dự trữ thức ăn
không hư, để trong tủ lạnh là tốt nhất: “Thức ăn khi nấu, nên để thật
nguội hoặc bỏ vào nước lạnh cho nguội hẳn hãy bỏ vào tủ lạnh. Với rau,
bỏ vào bao nilông và đục thủng lỗ để vào tủ lạnh, sẽ bảo quản được lâu
hơn”.
Với tình hình nhiều loại đồ ăn, thức uống thiếu an toàn
vệ sinh thực phẩm như hiện nay, BS Minh Hạnh và chuyên gia Diệu Thảo
cho rằng kiến thức người tiêu dùng về thực phẩm rất quan trọng. “Người
tiêu dùng cần có cách tiêu dùng thông minh, đọc báo để luôn cập nhật và
biết được cơ sở nào có sản phẩm tốt để chọn lựa”, BS Minh Hạnh nhấn
mạnh.
bài: Trung Dũng – Trâm Anh
ảnh: Phan Quang