06/04/2012 21:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 149574
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo cho nhân sinh là bể khổ, sinh lão bệnh tử là một quá trình không dứt của đau khổ. Bệnh tật là chỗ "khổ" nhất, trực tiếp giày vò thân tâm, cho nên cứu 1 mạng người hơn xây 7 toà tháp. Hàng ngàn năm qua,

việc chữa bệnh cứu người gắn liền với truyền bá học thuyết Phật giáo đã khiến cho y học Phật giáo không ngừng phát triển.


Tọa thiền - phương pháp
Tọa thiền - phương pháp "luyện công" tối thượng.

Sự tương đồng giữa Y phương minh với Đông y

Trong "Ngũ minh" mà giáo đồ Phật giáo học có "Y phương minh" là tri thức y học. "Y phương minh" có hệ thống lý luận riêng có tác dụng chỉ đạo nhất định đối với vấn đề trị bệnh, bảo vệ sức khoẻ.

Từ thời Tam Quốc, Nguỵ Minh Đế, hai vị hòa thượng Ấn Độ là Nhương Na Bạt Đà La và Da Xá Quật Đa đã dịch "Ngũ minh luận" trong đó có "Ngũ minh phương". Từ cuối đời Hán đến Ngụy Tấn - Nam Bắc triều, sách Phật dịch có đến 1.621 bộ, 4.180 quyển trong đó có nội dung y học khá nhiều. Đại Tạng Kinh là bộ đại thành của kinh điển Phật giáo, nội dung có khoảng 400 bộ chuyên luận về y lý, có vệ sinh y dược, bệnh về sinh lý, ma thuật, tu tâm dưỡng tính, nội dung vô cùng phong phú, đến nay vẫn còn lưu truyền và vận dụng rộng rãi.

"Ngũ minh phương" của Phật giáo có sự ảnh hưởng qua lại với lý luận Trung y. Phật giáo cho rằng, thân thể con người là do "Tứ đại" (địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành. Căn nguyên của mọi bệnh tật là do Tứ đại không điều hòa. "Sơ thì địa (đất) tăng mạnh khiến cho thân thể  nặng nhọc, nhì là thủy (nước) chứa nhiều khiến chảy nước mắt nước mũi, ba là hỏa tịnh (lửa) khiến cho đầu nóng ran, tư là phong (gió) động mạnh khiến cho khí ngưng khó thở. Quan điểm này có chỗ tương đồng với thuyết Âm dương ngũ hành", "Âm dương chuyển hóa" và "Âm dương tiêu trưởng" của Trung y. Âm dương bình hòa thì người khỏe mạnh, nếu mất sự bình hòa thì sẽ bị bệnh.

Về ký sinh trùng học, y học Phật giáo cũng có phát hiện độc đáo. Theo "Thiền bệnh pháp yếu kinh" và "Chánh pháp niệm xứ kinh" thì cơ thể là ổ vi trùng, có khoảng 80 loại, được miêu tả phù hợp với quan điểm của y học hiện đại.

Trong "Tu hành đạo địa kinh" lại có nghiên cứu về bào thai người miêu tả rất tỉ mỉ quá trình hình thành thai nhi trong bụng mẹ, đặc biệt là Tiểu thừa Phật giáo đã trực tiếp hấp thụ lý luận "Nguyên khí thuyết" và "Âm dương ngũ hành thuyết" để giải thích về nguyên nhân bệnh tật cho rằng, "nguyên khí" phối hợp tốt thì tâm thần bình hòa, không bị các loại phiền não và dục vọng quấy nhiễu. Ngược lại nếu âm dương ngũ hành rối loạn, mất đi sự bình hòa muôn vàng bệnh tật phát sinh.
 
Sám hối - phương pháp điều trị tâm bệnh.
Sám hối - phương pháp điều trị tâm bệnh.

Tâm bệnh và thân bệnh

Phật giáo chia bệnh tật ra 404 loài, 101 loại, lại phân ra hai bộ phận lớn là "Tâm bệnh" và "Thân bệnh". "Tâm bệnh" là chỉ những sự phiền não trong nội tâm, như tham chấp, lo sợ, ưu sầu, thù hận... Trong "Giáo thừa pháp số" có nói, phiền não của chúng sinh có thể quy vào 8 vạn 4 ngàn loại, chia thành 3 gốc  phiền não  là "Tham, sân, si,". Do đó, Phật Thích Ca lấy việc trị tâm bệnh của chúng sinh làm trách nhiệm của mình. "Thân bệnh" là chỉ thân thể, cơ nhục, gân cốt, thần kinh, lục phủ, ngũ tạng không điều hòa, gọi là "Tứ đại ngũ tạng bệnh tướng".

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa "Sức khoẻ" không chỉ là cơ thể không bị bệnh tật hay khiếm khuyết mà còn phải có trạng thái tâm sinh lý, tinh thần hoàn chỉnh và năng lực thích ứng với xã hội. Phật giáo cho rằng căn (sinh lý), trần (hoàn cảnh xã hội) và thức (tâm lý) là ba duyên hòa hợp có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Do đó, tâm khởi phiền não ác nghiệp thì không chỉ là biểu hiện của tâm bệnh mà còn có thể dẫn đến thân bệnh. 
Võ tăng điều khí.
Võ tăng điều khí.

Trị liệu bệnh tật

Phật giáo đưa ra phép trị liệu tương ứng đối với bệnh tâm lý cho rằng, sức mạnh của tâm linh có thể phát sinh hiệu quả trị bệnh, lại vận dụng phép tu định chuyên chú tâm ở bộ phận nào đó trong cơ thể, từ đó mà khởi tác dụng trị liệu, điều này có chỗ rất giống với lý luận khí công. Ngoài ra, các hình thức khác trong sinh hoạt hằng ngày như lễ bái, tụng niệm, tọa thiền... cũng đều có tác dụng  phòng trị bệnh tật.

Lễ bái là một trong các phương pháp tu trì của tín đồ Phật giáo. Lúc cúi đầu lễ bái, co gập thân mình khiến cho toàn thân vận động lại thêm tinh thần tập trung, động tác chậm rãi có thể làm cho khí huyết lưu thông, tinh thần bình hòa không nóng vội. Lúc lễ bái tâm ý thành tín rất có tác dụng với việc phòng trị bệnh.

Sám hối là tưởng tượng trước mắt là chư Phật, Bồ tát, thành khẩn hối lỗi khiến cho mọi tội lỗi như sương móc bị ánh dương xóa tan đi.

Xướng tụng là khi tụng kinh thì mọi ý niệm điều bỏ, chân thành kính ý, phối hợp với âm thanh nhạc khí như chuông, mõ, trống theo tiết tấu trầm bổng trong không khí trang nghiêm của Phật đường có hiệu quả rất tốt cho việc trị liệu bệnh thân tâm. Những phương pháp và nguyên tắc trị liệu này rất có nhiều điểm tương đồng với lý luận Đông y.
Lễ bái có thể làm cho khí huyết lưu thông.
Lễ bái có thể làm cho khí huyết lưu thông.

Trong "Trung Quốc Y học sử", Trần Bang Hiền cho rằng: Xét sự biến thiên của y học Đường, Tống, thực chất là đặt cơ bản trên Phật giáo Ấn Độ. "Đại trí độ luận" cho rằng, bệnh có "ngoại duyên" và "nội duyên" là hai nhân tố chính. "Ngoại duyên" cũng là điều kiện ngoại tại như bị nóng, lạnh, đói, khát, bị thương. "Nội duyên" là điều kiện nội tại như là túng dục, tham sắc, giận dữ, lo sợ, suy nghĩ... "Ma Ha chỉ quán" cho rằng, tham luyến ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc thì sẽ sinh bệnh, mê đắm sắc cảnh sinh bệnh gan, tham hưởng thanh âm sinh bệnh thận, tham hưởng hương khí sinh bệnh phổi, tham lam khẩu vị sinh bệnh tim, tham lam xúc giác sinh bệnh tỳ...

Hàn Phong/Kienthuc.net.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp