26/09/2011 20:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 64945
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hành trình chín tháng mang thai là khoảng thời gian căng thẳng với không ít thai phụ. Để thai kỳ êm đẹp với mẹ và tốt cho sự phát triển của con, BS Đỗ Hồng Ngọc và GS Trần Văn Khê đã khuyên các bà mẹ tìm đến thiền và nhạc dân tộc.

Thiền mọi nơi, mọi lúc

Với người nghén nặng, thân thể và tinh thần luôn trong tình trạng mỏi mệt nên họ khó tập trung làm tốt công việc của mình hay đảm bảo các sinh hoạt hằng ngày. Thiền là một biện pháp giúp giải tỏa những căng thẳng này. BS Đỗ Hồng Ngọc, Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM nhận định: trong thời kỳ mang thai, thiền không chỉ mang lại lợi ích cho riêng thai phụ mà có cả sự “thụ hưởng” của thai nhi. Thiền giúp người mẹ giảm stress, giảm triệu chứng ốm nghén, giải tỏa các cơn mất ngủ, táo bón, mệt mỏi, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, tăng các hormone hữu ích (endorphine) giảm đau, giảm các hormone có hại (cortisol, epinephrine), tăng khả năng tiết sữa, giảm tình trạng tăng huyết áp, tránh được nguy cơ tiền sản giật.

 

Thiền trong quan niệm của nhiều người là tư thế “thiền khuôn mẫu” kiết già, bán già (ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng thành tư thế hoa sen). Nhưng, với các chuyên viên y tế, thiền là thời điểm thân tâm an lạc, thư giãn, tĩnh lặng nhờ các kỹ thuật đơn giản như thở bụng và kiểm soát hơi thở. Vì vậy, có thể “thiền khi đang rửa chén”, “thiền khi nghe nhạc”…

Khi thai lớn, thiền sẽ giúp thai phụ cảm nhận được các cơn gò, hiểu được những cơn co thắt nên sẽ biết vận dụng liệu pháp thở đúng cách để vượt qua những khó chịu. Thiền giúp tác động lên nhau thai, tăng cường chuyển tải oxy, các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thiền cũng giúp tăng cường mối quan hệ kết nối giữa mẹ và con - một hình thức thai giáo (dạy thai từ trong bụng mẹ); giúp người mẹ tự tin với vai trò làm mẹ, nuôi con...

Dạy thai bằng những lời ru

Những quan sát của giới y khoa khẳng định, tâm trạng và tính cách thai nhi sẽ thay đổi theo những tác động bên ngoài của người thân. Khi nghe những âm thanh “chát, ầm”, thai nhi trong bụng sẽ bị kích động và thường lấy tay che mặt. Khi nghe những lời thủ thỉ, du dương của cha mẹ, thai nhi sẽ ngủ.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy nhạc cổ điển của đất nước nào đó hay hơn nhạc dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu về các bài giao hưởng của Beethoven cũng cho thấy, nếu cho bò nghe bản giao hưởng số 7 thì lượng sữa sẽ tiết ra nhiều hơn, nhưng cho bò nghe bản giao hưởng số 2 thì bò bị tắt sữa. Vì vậy, dù không thể phủ nhận sự tuyệt vời trong các bài giao hưởng của Beethoven, nhưng không phải với đối tượng nào cũng áp dụng được hay ai cũng nghe được, đặc biệt là với thai nhi, “một khán giả” cần sự nhẹ nhàng, êm ái.

GS Trần Văn Khê kết luận: “Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể cho các chị em sắp làm mẹ lời khuyên là: không cần phải ở đâu xa, ngay tại quê hương mình, những làn điệu dân ca mượt mà, êm ái, những câu hò nhẹ nhàng, những lời ru đậm tình… chính là phương pháp thai giáo hữu hiệu và đầy nhân văn cho thai nhi...”.

Theo: Phụ nữ Online


Âm lịch

Ảnh đẹp